Trang Chủ > Truyền Giáo > Chuyên Đề

HÃY TRAO CÂY GẬY TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI GIÁO DÂN

DSC_5501_Small_680.jpgTrong những ngày này, anh em trong BHG của Giáo Hạt Hố Nai thường cho chúng tôi biết : Anh em Tin lành đang hoạt động một cách ráo riết. Họ đang tìm cách xâm nhập ngay vào hang động của Công Giáo, là nơi trước đây coi như bất khả xâm phạm. Quí vị này cho biết là anh em đạo Giê-hô-va thường đến từng nhà khuyên giáo dân bỏ đạo Công Giáo mà theo đạo của họ hoặc anh em Tin Lành đã thường xuyên gọi điện thoại đến các gia đình Công Giáo; nói là xin báo cho gia đình một Tin Vui. Gia đình đó hỏi là Tin Vui gì ? Thế là bắt đầu họ nói về Chúa. Ngoài ra họ cũng cử những người đi dọc đường gặp những người bộ hành và họ song hành nói về Chúa cho những người đi làm ruộng hay một công việc nào đó v.v..Mỗi một giáo dân Tin Lành là một cán bộ truyền giáo. Với những chiến dịch này xem ra họ đã thành công ít ra là bề ngoài . Trong khi đó ý thức về truyền giáo nơi người giáo dân Công Giáo còn thấp. Họ thực sự chưa được thúc đẩy đầy đủ cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Hay thực sự họ chưa được trao cho chiếc gậy truyền giáo một cách chủ động. Hơn nữa có thể nói được rằng, họ mới chỉ được khuyến khích trên nguyên tắc, nhưng thực tế họ chưa được trao quyền chủ động trong công việc vì thế mà họ chưa hết lòng dấn thân và gắn bó vào công việc truyền giáo. Nhân dịp được chia sẻ với các cha và các tu sĩ nam nữ và các cán bộ tông đồ về công việc truyền giáo, tôi xin được chia sẻ một chút về khía cạnh này. Nhưng trước khi chia sẻ về khía cạnh này tôi xin mời các đại biểu chúng ta thử nhìn lại một vài con số cụ thể về vấn đề truyền giáo:

I – MỘT THỰC TRẠNG VỀ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI

Dựa vào một số dữ liệu thống kê để nhận định về công việc truyền giáo của một số nơi như sau:

- Tình trạng truyền giáo của Giáo Hội toàn cầu

Theo thống kê của Việt Nam Niên Giám Công Giáo xuất bản năm 1964 thì Giáo hội Công Giáo toàn cầu vào năm 1960 có 558.220 654 người trên tổng số dân trên toàn cầu là 3.068.275.975, như vậy tỷ lệ công giáo chiếm chừng 18,2 % và đến năm 2006 thì người công giáo toàn cầu là 1.130.750.000 người trên tổng số dân là 6.542.824.000 người, tỷ lệ chiếm 17,99 %. Như vậy so với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên thì người Công Giáo toàn cầu đã bị thụt lùi 0,21 %. Con số tín hữu có tăng từ khoảng 600 triệu lên tới 1 tỉ 130 triệu, nhưng con số này tăng do người Công Giáo sinh ra; hằng năm có khoảng từ 1 đến 2 triệu những người lớn trở lại, nhưng so với việc tăng dân số là không phù hợp.

Trong khi đó nếu so với Hồi Giáo thì chúng ta kém xa vì năm 1960 người hồi giáo chỉ có 443 840 000 chiếm 14,13 % nhưng đến năm 2006 thi dân Hồi giáo đã vượt mặt Công giáo chiếm tỷ lệ 19,2% như vậy là họ tăng 2%.

-   Tình trạng Truyền Giáo của Giáo Hội Việt Nam

Theo thống kê của Giáo Hội Việt Nam, từ năm 1960 đến năm 2008 thì tỷ lệ dân số Công Giáo Việt Nam không tăng lên được 1 % cụ thể như sau: năm 1960, tổng số dân Việt Nam là 30.172.000 dân. Công Giáo là 2.094.540, chiếm tỷ lệ là 6,93 %. Đến năm 2009 thì dân số VN là 85.846.977 (do cuộc Tổng điều tra vào ngày 1 tháng 4 năm 2009) trong khi đó dân Công Gíao là 6.281.151, tỉ lệ 7 %.

Tất cả những con số này cho chúng ta thấy một thực tại yếu kém về công cuộc truyền giáo của Giáo Hội nói chung và của GH VN nói riêng. Trong khi đó thì chúng ta cũng thấy sự lớn mạnh của các tôn giáo khác đặc biệt như Hồi Giáo và Tin Lành. Hơn nữa kinh nghiệm ngay trong Giáo Hội của chúng ta, Giáo hội nào trao chiếc gậy truyền giáo tốt thì công cuộc truyền giáo của Giáo Hội đó đạt kết quả cao như trường hợp Giáo Hội Đại Hàn chẳng hạn.

II – QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI GIÁO DÂN

Chúng tôi xin nêu lên đây quan điểm của Giáo Hội về vấn đề này trong Sắc Lệnh Truyền Giáo của Công Đồng Vaticano II như sau: “Giáo Hội chưa được thiết lập thật sự, chưa sống đầy đủ, cũng như chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của gíáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập cơ cấu, Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Kitô giáo trưởng thành.

Thật vậy, các tín hữu giáo dân cùng một trật hoàn toàn thuộc về dân Thiên Chúa và về xã hội dân sự: họ thuộc về dân tộc nơi chôn nhau cắt rốn của họ; họ đã bắt đầu chia sẻ những kho tàng văn hóa của dân tộc nhờ việc giáo dục, liên kết với đời sống dân tộc bằng nhiều mối giây xã hội khác nhau, cộng tác vào tiến bộ riêng của các dân tộc qua nghề nghiệp của họ, cảm thấy những vấn đề của dân tộc như là những vấn đề của chính họ và cố gắng giải quyết. Hơn nữa họ còn thuộc về Chúa Kitô vì họ được tái sinh trong Giáo Hội bằng Đức Tin và Phép Rửa, để nhờ đời sống mới và việc làm mới, họ là của riêng Chúa Kitô và sau cùng để Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người.

Nhiệm vụ chính của giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Kitô bằng đời sống và lời nói trong gia đình, trong đoàn thể xã hội cũng như trong môi trường nghề nghiệp. Họ phải biểu lộ con người mới đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, trong sự công chính và thánh thiện của chân lý. Nhưng họ phải diễn tả nếp sống mới đó trong môi trường xã hội và văn hóa của quê hương, theo truyền thống của dân tộc mình...Họ phải liên kết với đồng bào mình bằng tình bác ái chân thành, để trong cách sống của họ xuất hiện một mối giây liên kết mới về hiệp nhất và đại đồng đã được bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Kitô. Họ cũng phải gieo rắc đức tin Chúa Kitô vào giữa những người có liên lạc với họ trong đời sống và nghề nghiệp. Điều bó buộc này càng khẩn thiết hơn vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Ki tô nhờ các giáo dân sống gần họ. Hơn nữa, nơi nào có thể, giáo dân phải được chuẩn bị để trực tiếp cộng tác hơn với hàng giáo phẩm trong việc hoàn tất sứ vụ đặc biệt là loan báo Phúc Âm và truyền thông giáo lý Kitô giáo, ngõ hầu Giáo Hội mới khai sinh được vững mạnh.

Vậy các thừa tác viên của Giáo Hội phải quý trọng việc tông đồ khó khăn này của giáo dân. Các ngài phải huấn luyện sao cho giáo dân, với tư cách là chi thể của Chúa Kitô, ý thức về trách nhiệm của mình đối với tất cả mọi người. Các ngài phải dậy dỗ họ thật sâu xa về mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ dẫn họ trong phương pháp thực hành và sát cánh với họ trong những lúc khó khăn, theo tinh thần của Hiến Chế về Giáo Hội và Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân.

Vì thế trong khi vẫn giữ đúng chức vụ và trách nhiệm riêng của Chủ Chăn và của Giáo dân, toàn thể giáo hội trẻ trung phải trở thành chứng tá duy nhất, sống động và vững chắc về Chúa Kitô, để trở nên dấu chỉ rõ ràng của ơn cứu rỗi đã đến với chúng ta trong Chúa Kitô” (SLTG chương III, số 21).

III – NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÁNG QUAN TÂM

Trên đây là những chỉ dẫn của Giáo Hội dành cho các vị chủ chăn về công việc truyền giáo, nhưng trong thực tế không đơn giản chút nào vì:

- Thực tế người giáo dân VN rất nhiệt thành nhưng trình độ của một số người về nhiều mặt còn thấp, từ kiến thức phổ thông đến giáo lý vẫn còn rất giới hạn. Đàng khác lối sống đạo lâu đời dựa trên kinh kệ là chính. Hơn nữa thời gian chuyển tiếp giữa lối sống đạo phụ thuộc vào các chủ chăn sang lối sống đạo trưởng thành dám lãnh nhận trách nhiệm trước mặt Chúa và Giáo Hội vẫn còn rất mới mẻ nên công việc truyền giáo dựa trên sức lực của người giáo dân hiện tại vẫn còn rất khó khăn. Một cản trở khác là hệ thống tư tưởng Khổng giáo đã tác động vào xã hội Việt Nam rất sâu vì thế tất yếu nó cũng ảnh hưởng vào những sinh hoạt khác kể cả sinh hoạt về vấn đề tôn giáo. Người giáo dân không phát huy tính chủ động của mình trong công việc truyền giáo. Tính ỷ lại của người giáo dân còn rất cao. Đó là chưa kể tới quan niệm ỷ lại vào việc Giáo Hội có phẩm trật mà quên đi tính chủ động của Lời Chúa, Lời Rao Chân Lý.

- Một thực tế khác là người giáo dân VN đã quen với lối sống xóm làng. Điều này đã đưa đến một lối sống vun quén cho những ngưới có đạo hơn là hướng về lương dân. Những ngôi nhà thờ với những ngọn tháp cao vút trời đứng sừng sững giữa một cách đồng lúa xanh bát ngát dường như đã tách rời người Công Giáo ra khỏi cộng đồng dân chúng, Họ cảm thấy rất tự hào về đạo mình. Chính vì lý do đó mà người Công Giáo khó tiếp xúc với anh em lương dân. Họ sống xa lạ giữa những người chung quanh. Ít kết thân với anh em lương dân. Đó là chưa kể trước đây với quan niệm rất cổ coi lương dân như là những người tội lỗi cần phải xa tránh hay ít ra là phải đề phòng. Điều này đưa đến một cách ly nhất định làm giới hạn giữa những cuộc giao tiếp giữa người giáo và người lương. Đến nay ranh giới này vẫn còn một giá trị nhất định. Vì thế công tác tông đồ của anh em giáo dân vẫn còn khó khăn .

- Về phia các chủ chăn cũng đang gặp những vấn đề nhất định của mình:

+ một cuộc sống mục tử quá bận rộn với các phép Bí Tích vì thế không còn giờ để lo cho anh chị em lương dân hay ít ra là để giờ để huấn luyện cho các tông đồ giáo dân. Sự thiếu khả năng về nhiều mặt của giáo dân đã làm cho các linh mục không vững tin vào họ, sinh ra một thái độ bao cấp, hoặc khi quá tải thì buông xuôi không làm gì hết hay không tìm những phương án thay thế cho sự hiện diện của các linh mục

+ Thiếu một chương trình đào tạo sâu về thần học cũng như giáo lý cho giáo dân. Vì một hoàn cảnh khó khăn nhất định do ngoại tại ,nên hiện rất nhiều giáo phận chưa tổ chức được các lớp thần học giáo dân trung cấp hay cao cấp, vì thế mà không có được những giáo dân vững về thần học và thông thạo về giáo lý. Chính điều này đã làm cho các địa phương chưa có được một lớp giáo dân trưởng thành để hỗ trợ công tác tông đồ cho các chủ chăn. Người giáo dân sống đạo đơn sơ thiếu sâu sắc nên chưa thực hiện được vai trò chứng nhân giữa đời. Họ không dám tự tin đảm trách mọi công tác tông đồ. Các chủ chăn cũng chưa cho họ thấy rằng công việc Loan Báo Tin Mừng  là công việc sống chết của giáo hội, nên họ cứ bo bo lo cho mình giữ đạo mà không lo truyền đạo.

+ Một điều khác cũng thật đáng buồn là thực sự có nhiều con chiên của chúng ta đã không thực hiện đúng chức năng của mình; bằng cách này hay cách khác họ tự tung tự tác, không theo sự hướng dẫn của các chủ chiên hay hành động một cách bừa bãi làm cho công việc tông đồ trở thành cớ cho sự chia rẽ hay rối trật tự trong xứ đạo và thậm chí còn gây gương mù gương xấu cho nhiều người. Điều này làm cho chủ chăn phải có những biện pháp chế tài, vì thế sinh ra những dư luận không tốt. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là có những chủ chăn ngại khổ ngại khó nên không đồng ý những chương trình truyền giáo của anh chị em giáo dân khi xem ra nó hơi mới hoặc là phức tạp, hơn nữa còn tỏ ra cứng nhắc thay vì uyển chuyển uốn nắn hay sửa sai hầu giúp họ đi vào quĩ đạo truyền giáo của mình thì lại cấm tuyệt. Như vậy sẽ đưa họ đến chỗ nản chí và bất mãn với chủ chăn của mình.

+ Hơn nữa, còn có các chủ chăn tự đặt riêng ra những qui định của mình cho các dự tòng mà giáo luật không đòi buộc như thế, nên gây ra sự bất mãn ngay trong những người có đạo chứ không phải chỉ có lương dân. Đọc lại lịch sử truyền giáo của giáo Hội VN và Trung Quốc, chúng ta thấy một sự cứng nhắc trong việc hội nhập văn hóa, mà giáo hội mất đi một cơ may rất lớn trong việc truyền đạo tại VN cũng như tại Trung Quốc.

+ Một số xứ đạo thiếu một chương trình xuyên suốt cho việc Loan Báo Tin Mừng từ việc dạy dự tòng cho tới việc chăm sóc sau khi rửa tội, làm cho nhiều tân tòng sống hời hợt với ơn Bí Tích Rửa tội và sau đó bỏ luôn đạo. Một chuyên viên về truyền giáo đã than như bọng là đã có trên 50 % tân tòng bỏ đạo sau khi đã nhân lãnh Bí Tích Rửa Tội. Điều này gây ra một hình ảnh tiêu cực nơi những tín hữu cũng như nơi các tân tòng. Nơi các tín hữu thì không tin tưởng nơi các dự tòng và không phấn khởi trong công cuộc Loan Báo Tin Mừng; còn nơi các dự tòng không trở thành những chứng nhân cho những người đang có ý định trở lại đạo. Đàng khác nhiều xứ đạo không có chương trình đào tạo tạo cán bộ Loan Báo Tin Mừng. Không có một kế hoạch về nhân sự cũng như về phương hướng lâu dài. Sở dĩ có việc Loan Báo Tin Mừng thực tế nơi các xứ đạo đó chính là nhờ một số hội đoàn tông đồ đã có sẵn những chương trình của họ, chứ không phải xứ đạo đã quyết tâm Loan Báo Tin Mừng và gây ra một cao trào truyền giáo cho mọi giáo dân, cũng như tạo ra một số cán bộ truyền giáo chuyên biệt. Có những xứ đạo than phiền là mình thiếu những phương tiện truyền giáo mà không nghĩ rằng mình phải là người chủ động tìm ra những phương tiện Loan Báo Tin Mừng. Nhiều nơi công việc Loan Báo Tin Mừng vẫn là khẩu hiệu hơn là thực tế mình đã, đang hay sẽ làm cái gì để Loan Báo Tin Mừng. Rất tiếc là nhiều giáo dân Việt nam rất hăng say trong công việc truyền giáo mà chúng ta lại không biết tận dụng giúp họ cho công việc mở mang nước Chúa. Kinh nghiệm cho thấy là giáo dân họ rất nhiệt tình ủng hộ cho công việc Loan báo Tin Mừng miễn là các chủ chăn sẵn sàng trao vào tay họ cây gậy mà các thánh Tông Đồ đã trao cho các chủ chăn. Có những việc hoặc có những nơi cho người ta cái cảm tưởng là có gậy để lên đường thì mình không chịu đi, nhưng người ta xin mượn gậy để người ta lên đường thì mình sợ mất, thế là Chúa bị thiệt thòi.

+ Công cuộc Loan Báo Tin Mừng ngày nay đòi hỏi nhiều tư duy mới, nhiều điều kiện mới hay nhiều cách làm mới, mới hy vọng có kết quả. Chính điều này đòi hỏi tất cả chúng ta nhiều hy sinh hơn ,nhiều nỗ lực hơn và nhiều táo bạo hơn cũng như nhiều kiến thúc hơn về mọi mặt mới hy vọng đáp ứng đươc phần nào những kết quả cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng. Thời đại ngày nay là thời đại của khoa học kỹ thuật, thời đại của máy vi tính hay internet; vì thế chúng ta cứ bo bo bám lấy những cái cũ, cứ bảo thủ không dám trao cái gậy cho người giáo dân thì àm sao chúng ta có thể đáp ứng được thời cuộc. Chúng ta thống nhất rằng: phải bảo tồn những giá trị của truyền thống và dè chừng với những cái thay đổi nhất thời, nhưng nếu chúng ta cứ bảo tồn, cứ dè chừng thì chúng ta làm sao đáp ứng được những nhu cầu đón nghe Lời Chúa của xã hội hôm nay. Chính vì thế hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta vừa phải vững chắc trong mọi vấn đề, nhưng vừa cởi mở vừa sẵn sàng đối thoại và hiểu biết. Người chủ chăn cần một tầm nhìn xa về mọi mặt. Thấy rất rõ về những cái đang xảy ra hôm nay, nhưng lại dám nhìn xa về phía trước để hoạch định cho công cuôc truyền giáo cho ngày mai.

IV – HÃY TRAO CÂY GẬY LOAN BÁO TIN MỪNG  CHO NGƯỜI GIÁO DÂN

Công cuộc Loan Báo Tin Mừng là công cuộc của Thánh Thần. Dù là linh mục hay tu sĩ hay người giáo dân, chúng ta xác tín rằng công cuộc truyền giáo là công cuộc của chính Chúa Thánh Thần, chúng ta chỉ là khí cụ của Ngài. Chúng ta không quan trọng gì, chính Chúa Thánh Thần mới là tác nhân chính; vì thế chúng ta không có quyền bỏ quên bất kỳ thành phần nào mà không để cho Chuá Thánh Thần xử dụng, nhất là thành phần đó lại chiếm tuyệt đại đa số. Là chủ chăn, các linh mục có trách nhiệm hơn bất cứ một ai trong cánh đồng mà Chuá đã giao phó qua các Bề Trên. Vì thế, các linh mục phải lo sợ vì cản trở hoạt động của Thánh Thần qua người giáo dân. Chúng ta xác nhận rằng có nhiều giáo dân rất nhiệt thành. Họ có nhiều vấn đề cần phải đặt ra, nhưng không phải vì thế mà quá e dè trong việc xử dụng họ. Đừng thiếu lời động viên họ. Hãy trao vào tay họ một đức tin vững chắc bằng chính sự dậy dỗ chu đáo. Hãy trao vào tay họ cuốn Tin Mừng và lời mời gọi họ lên đường ngay chính môi trường của họ. Hãy trao cho họ chính đời sống cầu nguyện của người mục tử và mời gọi họ lên đường bằng phương thức tối quan trọng này. Hãy khuyến khích và động viên họ vì người giáo dân rất cần được yên ủi bởi những lời chỉ bảo của các chủ chăn. Hãy xử dụng và đào tạo những giáo dân trẻ trong xứ đạo của mình. Chúng ta hãy nói cho họ thấy sự quan tâm của Giáo Hội đối với người giáo dân nói chung và giáo dân trẻ nói riêng. Cần dành thời giờ và một số những phương tiện tinh thần cũng như vật chất cho công việc Loan Báo Tin Mừng.

Trong tinh thần này giáo phận Xuân Lộc trong những năm vừa qua, đặc biệt là từ khi HĐGM VN thành lập Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc, Giáo phận Xuân Lộc đã cố gắng để trao vào tay người giáo dân cây gậy Loan Báo Tin Mừng cho họ bằng khuyến khích giáo dân lao vào các công việc Loan Báo Tin Mừng, đào tạo các cán bộ truyền giáo, thành lập các cơ cấu Loan Báo Tin Mừng trong các xứ đạo gồm Ban Hành Giáo và tất cả các ban nghành trong xứ đạo. Riêng vấn đề đào tạo thì trong suốt những năm từ 2002 đến nay, chúng tôi đã hợp tác cùng các cha Dòng tên đào tạo được 48 khóa cho 3.719 học viên để họ trở thành cán bộ Loan Báo Tin Mừng mà chúng tôi gọi tắt là Tác Viên Tin Mừng. Trong các khóa học hỏi Tin Mừng này cũng đã có 2 linh mục, 30 chủng sinh và 496 tu sĩ của 25 dòng tu cùng tham dự với anh chị em giáo dân. Chúng tôi cũng đã giúp cho 21 giáo phận trong tổng số 26 giáo phận toàn quốc với số giáo dân được đào tạo là 1.152 người. Ngoài ra chúng tôi còn lập ra một đoàn Tác Viên Tin Mừng Ba Lô, nghiã là những người luôn mang trên mình chiếc Ba lô với cuốn lời Chúa đến với mọi người. Họ đã trở nên những nhà Loan Báo Tin Mừng chuyên biệt. Họ được Ban Loan Báo Tin Mừng giáo phận Xuân Lộc lo những điều kiện tối thiểu vật chất để rồi an tâm lo giúp công việc Loan Báo Tin Mừng. Một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta là sau khi họ được đào tạo xong thì các chủ chăn sẽ xử dụng họ như thế nào cho có hiệu quả ? Hoặc phối kết với các đoàn thể khác ra sao cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng thuận tiện và trôi chảy.

Đối với anh chị em giáo dân cũng như những đoàn thể tông đồ giáo dân, hơn ai hết anh chị em cần xác tín rằng anh chị em đang được Thiên Chúa cũng như Giáo Hội mời gọi lên đường. Những đoàn thể này rất vất vả đối nội cũng như đối ngoại. Đối nội, anh chị em dễ dàng gặp phải những xung đột trong nội bộ bởi quan niệm hay bởi những công việc đụng chạm với nhau; đối ngoại, anh chị em phải mất thời giờ và rất dễ trở thành gương xấu. Hoặc chúng ta cũng dễ bị ghen tị trong nội bộ với nhau, bởi chúng ta là con người mà ? Không khi nào người giáo dân chúng ta thấy rõ tầm mức quan trọng của việc loan báo Lời Chúa như ngày hôm nay vì thế chúng ta phải sẵn sàng thông cảm với các chủ chăn và cố gắng hết mình với việc lên đường.

Đàng khác, theo tôi nghĩ một vấn đề cũng cần được đặt ra đó là quĩ dành cho việc Loan Báo Tin Mừng. Không có tài chính chúng ta sẽ không có phương tiện để Loan Báo Tin Mừng vì thế nhất thiết phải có một quĩ dành riêng cho công việc Loan Báo Tin Mừng. Các Bề Trên sẽ lo cho chúng ta một phần, nhưng quĩ này phải chính bởi cái đầu và trái tim của chúng ta. Riêng với các chủ chăn hoặc các người Đặc trách kinh nghiệm của xứ đạo tôi là dành riêng ngày Chuá Nhật đầu tháng để cầu nguyện và quyên tiền lo cho việc truyền giáo, dầu chỉ là quyên cho việc truyền giáo vào lần thứ hai nhưng kinh nghiệm cho thấy giáo dân rất hưởng ứng. Ngoài ra chúng tôi cũng lập một câu lạc bộ mà chúng tôi gọi là “Câu Lạc Bộ 2000”. Những thành viên của câu lạc bộ này cầu nguyện và hỗ trợ việc Loan Báo Tin Mừng bằng việc tự nguyện góp vào Quĩ Loan Báo Tin Mừng từ năm thánh 2000 đến nay. Đến nay nhóm này lên tới cả ngàn người. Họ được chia ra từng tổ từng nhóm để động viên nhau cầu nguyện cùng với việc thu tiền. Kết quả thật tốt.

Trọng kính Quí Đức Cha và Quí Cha, Quí Tu Sĩ nam nữ và anh chị em Giáo dân.

Trên đây, vâng lời Ban Tổ Chức con mạo muội trình bày một ít suy tư thô thiển về công cuộc Loan Báo Tin Mừng. Chắc chắn có nhiều cha cũng như nhiều Quí Vị có những kinh nghiệm rất quí báu về công việc này, nên chúng con xin Đức Cha, Quí Cha và mọi người tha cho những thiếu sót của chúng con trong khi chúng con trình bày về vấn đề rất quan trọng này. Tuy nhiên tất cả mọi người đang ngồi đây đều xác nhận rằng : “Đã đến lúc phải tích cực trao cho người giáo dân Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng”. Và Người giáo dân phải rất tự hào đứng lên đón nhận lấy sứ mạng cao cả Chúa và Giáo Hội đã tin cậy, trao ban vào tay anh chị em”.

Xin Đức Cha, Quí Cha và mọi người thương cầu nguyện cho chúng con và cho chúng con những kinh nghiệm quí báu của mọi người, chúng con sẽ rất hạnh phúc. Xin chân thành cám ơn Đức Cha và Quí Cha và toàn thể Quí Vị.

Năm Thánh 2010

Lm Đaminh Trần Xuân Thảo

 

 


Các bài viết mới hơn
     Các Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo châu Âu nhóm họp - Ngọc Yến - Vatican News
     HỌC HỎI SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021 - Nt. Maria Nguyễn Thị Bích Hương, OP
     Người giáo dân tham gia trong sứ vụ loan báo Tin mừng - Michel Trương
     Thừa tác viên truyền giáo: Con người và hoạt động - Michel Trương
     Bình vẫn chưa hề cũ - Lm. Giuse Trương Đình Hiền
     Hội Nhi đồng Giáo hoàng Truyền giáo nỗ lực trong các hoạt động mới
     CAO CẢ & TẦM THƯỜNG Bài học truyền giáo từ Maximum Illud_Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2019
     Sứ vụ Truyền Giáo trong Lòng Đức Tin Kitô giáo
     NGƯỜI GIÁO DÂN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ SAI ĐI- Anphong Nguyễn Hữu Long Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa

Các bài viết cũ hơn
     THI HÀNH BÁC ÁI VÀ VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG. Lm.Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng SDB
     HỘI NHẬP TIN MỪNG VÀO VĂN HÓA CON ĐƯỜNG KHỔ ẢI. Lm.Giuse Trịnh Tín Ý
     LOAN BÁO TIN MỪNG THEO CHỈ DẪN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II. Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên
     MỘT LÀN ĐIỆU DÂN CA TRÊN QUÊ HƯƠNG QUAN HỌ. MMsj
     CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU TRONG CẢNH SỐNG CỤ THỂ.Lm. Giuse Đinh Đức Đạo
     MẸ VÀ LỜI KINH. Têrêsa Vô Thường
     TÂM HỒN HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỢNG: NGUỒN AN ỦI VÀ ĐỠ NÂNG. Lm Giuse Đinh Đức Đạo
     TRƯỚC LÚC LÊN ĐƯỜNG.MMsj
     SỐNG YÊU THƯƠNG. Lm Giuse Đinh Đức Đạo
     LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ: TÂM TÌNH CỦA MỘT TÂN TÒNG