Đời
sống ẩn dật của Đức Giê-su
Để hiểu biết sâu xa Đức Giê-su, từ đó yêu mến và
đi theo Người hơn trong ơn gọi, chúng ta được mời gọi không chỉ chiêm ngắm
Người trong mầu nhiệm Giáng Sinh, nhưng chiêm ngắm Người cả mầu nhiệm đời sống
ẩn dật của Người tại Na-da-rét nữa ; mầu nhiệm mà những gì xẩy ra trong
thời gian thơ ấu hướng tới và là mầu nhiệm đời sống công khai của Ngài giả
định, nhưng ít được chú ý và chiêm ngưỡng. Hơn nữa, thời gian của mầu nhiệm đời
sống ẩn dật thật là dài, những ba mươi năm !
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa
truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi
ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng
Thiên Chúa.
(Lc 2, 39-40)
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về
Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả
những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao
lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
(c. 51-52)
1. Đời sống
ẩn dật của Đức Giê-su và đời sống của chúng ta
Đời sống ẩn dật của Đức Giê-su là thời gian đặc
biệt gần gũi với cuộc sống của chúng ta, gần gũi đến độ các Tin Mừng không thấy
cần phải kể lại. Như thế, để hiểu đời sống ẩn dật của Đức Giê-su, chúng ta chỉ
cần khởi đi từ chính kinh nghiệm sống của chúng ta.
Cũng như bất cứ ai, trước khi cất lời rao giảng,
nhất là giảng Lời Thiên Chúa, Đức Giê-su cũng đã tập nói và đã nói trong đời
sống ẩn dật của mình, trong tất cả những tình huống của cõi nhân sinh, tương tự
như những tình huống mà chính chúng ta đã trải qua trong cuộc đời. Chúng ta có
thể hình dung ra, Ngài đã tập nói và đã nói những gì, về căn tính của Ngài
trong tương quan với Thiên Chúa, về sứ mạng cứu độ của Ngài ? Các Tin Mừng
kể rất ít về giai đoạn ẩn dật, nhưng lại mở ra cho chúng ta cả một mầu nhiệm
khôn dò khôn thấu. Bởi lẽ, chính ở nơi Ngài, mà Thiên Chúa và con người gặp gỡ
nhau và hòa giải với nhau, như chúng ta đã hiểu vả cảm nếm khi chiêm ngắm mầu
nhiệm Nhập Thể ; chính từ nơi Ngài mà chúng ta đón nhận ơn huệ Thiên Chúa
ban và nhất là ơn tha thứ và ơn chữa lành, là những ơn huệ làm cho chúng ta
thực sự tái sinh với Chúa và với nhau ; và cũng chính ở nơi Ngài mà chúng
ta sẽ khám phá ra và chiêm ngắm mọi ơn huệ của Thiên Chúa ban cho con người đạt
đến mức viên mãn, tròn đầy.
Thực vậy, ngang qua quá trình lớn lên từ từ của Đức
Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, trong dòng cuộc sống cụ thể, trong một gia đình, ở
một làng quê, có một tôn giáo, một văn hóa, một lịch sử và một xã hội, mà ơn
tha thứ và ơn tái tạo của Thiên Chúa đến với loài người, đến với từng người
chúng ta. Như thế, tình yêu Thiên Chúa mang lấy « khuôn mặt của con
người » nơi Đức Giê-su.
Vậy, nếu chúng ta có lòng ước ao hiểu biết sâu sa
Đức Giê-su, và để có thể trả lời một cách đích thân và trong một ơn gọi cụ thể,
câu hỏi Ngài đặt ra cho từng người chúng ta : « Còn con, con nói Thầy
là ai ? », chúng ta không thể không chiêm ngắm cuộc đời ẩn dật của
Ngài.
2. Đời sống
ẩn dật của Đức Giê-su và mặc khải của Thiên Chúa
Giai đoạn ba mươi năm sống ở Na-da-rét của Đức
Giê-su dường như diễn ra một cách bình thường, không có biến cố gì đặc biệt,
đáng ghi vào sử sách. Tuy nhiên, đó lại là một nơi chốn và một giai đoạn chất
đầy mặc khải và sự hiểu biết thiết thân về Đức Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời
nhập thể. Nhà thần học nổi tiếng Urs Von Balthasar đã viết về đời sống ẩn dật
của Đức Giê-su như sau :
Mỗi thời điểm trong cuộc đời của Ngài đã có được
trong diễn biến của nó một đặc điểm của mặc khải vĩnh hằng... Đức Kitô, ở tất
cả mọi giai đoạn thuộc cuộc đời trần thế của Ngài, Ngài là Lời được Chúa Cha
công bố – không chỉ khi Ngài rao giảng giữa công chúng, ... không chỉ khi lời
của Ngài được viết lại, ... không chỉ khi Ngài nói, nhưng cả khi Ngài thinh
lặng hay cầu nguyện... Mỗi một năm tuổi, mỗi một giai đoạn cuộc đời của Ngôi
Lời nhập thể được Thiên Chúa dùng để biểu lộ một cách quyết định sự viên mãn
của Ngài và sự viên mãn này hiện diện tích cực nơi từng giai đoạn của đời Ngài.
Nhưng tại sao Đức Giê-su lại lưu lại suốt ba mươi
năm trong một cuộc sống bình thường, khi mà những người nghèo, những người
bệnh, những người tội lỗi đang đợi chờ từng ngày ơn giải thoát ? Lối suy
nghĩ và hành xử của loài người chúng ta luôn đi theo một cách thức ngược
lại : phô trương, sức mạnh và hiệu quả. Khi chọn lựa con đường dài và âm
thầm, chắc chắn, Đức Giê-su có điều gì đó muốn mặc khải cho chúng ta về chính
Ngài và về chương trình cứu độ của Ngài.
Khi tìm hiểu về mặc khải của Thiên Chúa nơi cuộc
đời ẩn dật của Đức Giê-su, trình thuật Đức Giê-su ở lại trong Đền Thờ lúc 12
tuổi (x. Lc 2, 42-52) mang lại cho chúng ta một ánh sáng rực rỡ giúp chúng ta
hiểu và cảm đời sống ẩn dật của Đức Giê-su ; tương tự như, những gì mà các
Tin Mừng kể về đời sống công khai, sẽ giúp chúng ta hiểu ngược lại những gì đã
diễn ra trong đời sống âm thầm của Đức Giê-su. Thực vậy, đời sống ẩn dật chính
là nguồn của những gì Đức Giê-su sẽ nói và sẽ làm trong thời gian rao giảng
Nước Trời. Trong thực tế, chúng ta chỉ chú ý đến « nguồn thần linh »,
đến trực tiếp từ thiên tình của Ngài và từ chính Chúa Cha, mà quên đi
« nguồn nhân linh », là kinh nghiệm sống của cuộc đời bình
thường ; bởi lẽ, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời trở nên « xác
phàm » thật sự ở giữa chúng ta (x. Ga 1, 14). Vì thế, chúng ta có thể chắc
chắn rằng, nơi Đức Giê-su, điều tuyệt vời của đời sống công khai cũng phát xuất
từ điều tuyệt vời của đời sống ẩn dật.
Thật vậy, cách Đức Giê-su chiến thắng những cám dỗ
của ma quỉ trong sa mạc lúc ba mươi tuổi diễn tả thái độ thường hằng của Ngài
trong cuộc sống thường ngày. Bởi lẽ, không phải đến lúc ba mươi tuổi Ngài mới
bị cám dỗ ! Cũng giống như chúng ta, Ngài cũng chịu thử thách, bị cám dỗ,
ở những giai đoạn lớn lên khác nhau, từ thời thơ ấu. Lời giảng của Ngài, hành
động chữa lành của Ngài, cách Ngài gặp gỡ mọi người, sự tự do và uy quyền của
Ngài đối với Lề Luật, thái độ bình an của Ngài trước những chống đối, tương
quan đặc biệt của Ngài với Thiên Chúa Cha, tất cả đểu cho thấy nơi Đức Giê-su
có một hiểu biết tinh tế về môi trường sống, thiên nhiên và nhân bản, và giả
định phải có cả một quá trình học tập kiên nhẫn và lâu dài trong thời gian ẩn
dật. Nếu chúng ta muốn biết đâu là nguồn của lời nói và cung cách ứng xử của
Ngài, nhất là sự tự do, lòng thương cảm, cử chỉ gần gũi, lời nói uy quyền, đời
sống cầu nguyện, tương quan duy nhất với Chúa Cha…, chúng ta chỉ cần trở lại
với đời sống ẩn dật ở Na-da-rét và chiêm ngắm mầu nhiệm lớn lên của Ngài.
3. Mầu nhiệm
lớn lên của Đức Giê-su ở Nazareth
Ba mươi năm sống ở Na-na-rét chất đầy sự lớn lên,
đơn giản vì thời gian là ba mươi năm : « Còn Hài Nhi ngày càng lớn
lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên
Chúa », « Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và
thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta » (Lc 2, 40 và 52).
Khi trở nên một người ở giữa chúng ta, Ngài đã đảm
nhận điều căn bản nhất làm nên thân phận con người, đó là thời gian, là lớn lên
theo thời gian, như một triết gia đã nói : « Con người không thể
tránh né được thời gian ». Thế mà, để trưởng thành về thân xác, về tinh
thần và về tâm cảm, mỗi người phải cần đến ba mươi năm, như chúng ta vẫn
nói : « Tam thập nhi lập ». Như thế, Đức Giê-su đã thực hiện
kinh nghiệm về thời gian. Ngài đã sống qua các mùa : xuân hạ thu đông,
Ngài đã trải qua thời ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên và thanh niên. Với thời
gian lặng lẽ trôi, như chính chúng ta đã có kinh nghiệm, Ngài đã học để hiểu
biết môi trường sống, đồng áng, núi đồi, biển hồ, làng quê, việc làm, nghỉ
ngơi, giới nam, giới nữ, thử thách, đau khổ, thiếu thốn, bệnh tật, tình yêu,
thù hận, sự chết (nhất là của thánh Giuse và của những người thân yêu), ước ao
vô biên, ước ao sự sống viên mãn.
Ngang qua cha mẹ, người thân và hàng xóm láng
giềng, Ngài đã học cách ứng xử với mọi người, quan tâm đến người khác và học để
hiểu họ từ bên trong, từ những vết thương và đau khổ nội tâm, từ những biến cố quá khứ thăng trầm đã làm nên đời
người (vì thế, sau này, Ngài cảm thương người phụ nữ, bị bắt quả tang ngoại
tình, thay vì kết án như những người khác : Ga 8). Với thời gian, và nhất
là ngang qua việc học tập, đọc hiểu và cầu nguyện với Kinh Thánh, nội tâm của
Ngài đã được bừng sáng và nhận ra tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa
Cha, cũng như ý muốn của Người, con đường Ngài phải đi và « khuôn
mặt » Ngài phải mang lấy và làm cho đạt tới sự viên mãn.
Điều mà chúng ta gọi là đời sống hằng ngày, là đời
thường, là bình dị, là tầm thường, vốn làm nên phần lớn thời gian sống của
chúng ta, Đức Giê-su đã đảm nhận chiều kích tầm thường của đời sống con người.
Như thế, nơi Đức Giê-su, những gì bé nhỏ của cuộc sống, những điểm mạnh cũng
như những điểm yếu của chúng ta, những khả năng cũng như những giới hạn của
chúng ta, tất cả đều có ý nghĩa và có giá trị thần linh và, nhờ Đức Giê-su, mọi
sự trở nên « bí tích » diễn tả cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con
người.
* * *
Vì thế, trong những ngày này, chúng ta được mời
gọi chiêm ngắm và cảm nếm sự gần gũi với Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể đang lớn
lên theo thời gian ; Đấng, ngang qua đời sống ẩn dật, cư ngụ trong từng
chi tiết nhỏ nhặt của cõi nhân sinh. Chúng ta hãy học chiêm ngắm Đức Giê-su
cùng với Đức Mẹ và thánh Giuse trong đời sống thường ngày, vì thánh Giuse và
nhất là Mẹ Maria là những người đầu tiên và một cách tuyệt hảo nhất biết nâng
niu từng chi tiết và một cách trọn vẹn mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời
Nhập Thể.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc