Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

Gia Đình: Cộng Đoàn Tình Yêu

GS72.jpgGia đình là một cộng đoàn yêu thương, vì nếu thiếu tình yêu thì gia đình là một thảm kịch. Mà như thánh Gioan tông đồ nói:”Thiên Chúa là tình yêu” thì căn bản của đời sống gia đình cũng là thực hiện tình yêu thương trong Chúa. Tình yêu đã được trào tràn từ Thiên Chúa xuống cho con người, là loài thụ tạo đã được Ngài dựng nên giống hình ảnh Ngài. Và như thế, dĩ nhiên gia đình phải là nơi tích tụ tình yêu ấy, để con người sống, tồn tại, phát triển và tiếp nối công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Nên trong xã hội ngày nay, dù cuộc sống rất bận rộn, nhưng cha mẹ vẫn rất cần dành thời giờ để thương yêu và chia sẻ tình yêu với nhau, với con cái. Có những đôi vợ chồng quá lo ‘làm ăn’ mà thiếu thời giờ chia sẻ tình yêu với nhau, đến khi giầu có về của cải, thì tình yêu lại nghèo đi, và đi đến chỗ đổ vỡ đáng tiếc.

Nói đến tình yêu có muôn vẻ. Nhưng Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn trình bày tình yêu qua một khía cạnh độc đáo: tình yêu đòi hỏi và biểu lộ sự hy sinh.

Trong bài trích sách Sáng thế và bài trích thư Do Thái cho thấy: ông Abraham xứng đáng được gọi là cha của những kẻ tin, vì ông là tổ phụ gương mẫu về lòng tin vào Thiên Chúa. Tin, yêu và cậy trông là những điều gắn liền với nhau. Lòng tin nảy sinh đức mến và cậy trông. Lòng tin này đã thôi thúc Abraham yêu mến và phó thác mọi sự cho Chúa. Vì yêu mến và phó thác, ông Abraham đã chấp nhận hy sinh tất cả để làm theo thánh ý Chúa, vì Ngài đã hứa với ông: “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn”(St 15:1). Không chỉ cá nhân ông mà thôi, nhưng ông Abraham còn đưa tất cả gia đình của ông đi vào mối liên hệ yêu mến với Thiên Chúa. Ta cứ nhìn vào việc ông rời bỏ quê cha đất tổ, đem gia đình đi đến một nơi nào đó Thiên Chúa sẽ cho ông biết, thì sẽ thấy lòng yêu mến Chúa của ông quả lớn lao đến chừng nào.

            Là một đại gia vùng đất Ur, ông Abraham có một gia nghiệp rất lớn, ổn định. Vậy mà ông dám bỏ hết, ra đi mà không biết mình đi đâu chỉ vì lòng tin yêu Thiên Chúa. Rồi khi đã tạo lập lại được cơ nghiệp ở đất hứa, và có được Isaac là người con, là phần thưởng cho những hy sinh trong tình yêu mến của ông và vợ ông là Sara đối với Thiên Chúa. Gia đình Abraham đã tràn đầy vui vẻ hạnh phúc biết chừng nào. Thế nhưng, một ngày kia Chúa lại bảo ông phải đem Isaac lên núi để sát tế mà tỏ lòng tôn kính Người. Thật là ác nghiệt không sao hiểu nổi! Nếu ông Abraham không có lòng mến Chúa đích thực, ông sẽ chẳng bao giờ nghe theo mệnh lệnh vô lý ấy. Nhưng do tin tưởng vào Chúa hết lòng, ông vẫn vâng theo. Hẳn là ông nghĩ, nếu Chúa có quyền năng biến sự già nua son sẻ của ông bà thành sự sống mới là Isaac, thì Người cũng có cách cứu Isaac. Quả thực Thiên Chúa đã không để ông phải tuyệt vọng, khi biết ông hết mực tin tưởng vào Chúa. Isaac đã được trao lại nguyên vẹn cho Abraham như một phần thưởng lớn lao trong cuộc Thiên Chúa thử thách lòng hy sinh yêu mến của gia đình ông.

Thưa quý ông bà anh chị em, trong cuộc sống gia đình ngày nay có lẽ hy sinh cho người khác hẳn là bài học khó nhất. Người ta nói lời yêu thương dễ dàng lắm, nhưng khi phải chấp nhận một vài hy sinh để biểu lộ yêu thương thì người ta lại không làm được.

Nhìn vào bất cứ một gia đình bất hạnh nào - nghĩa một gia đình không hạnh phúc - ta luôn luôn thấy bóng dáng tính ích kỷ của một thành viên nào đó trong gia đình. Chính tính ích kỷ của thành viên này nguồn gây nên đau khổ trong gia đình. Nếu thành viên ích kỷ ấy người cha hay người mẹ, thì đau khổ trong nhà sẽ hết sức lớn lao. Gia đình nào càng nhiều người ích kỷ, gia đình ấy càng bất hạnh. Gia đình càng nhiều người sống quảng đại, biết hy sinh cho người khác, gia đình ấy càng ít bất hạnh. Một gia đình mọi thành viên đều quan tâm, chăm sóc hy sinh cho nhau, gia đình ấy chắc chắn hạnh phúc.

Thực sự, trong cuộc sống, có biết bao hy sinh lớn nhỏ vợ chồng con cái trong gia đình có thể thực hiện để tỏ lòng yêu thương nhau. Phụ quét cái nhà, rửa cái chén, lau cái xe, tránh một lời nói nặng, ráng ăn một món mình không ưa thích… Hàng trăm điều nhỏ nhặt hằng ngày như thế chắc chắn sẽ là hàng trăm cơ hội để nói lên lòng yêu thương nhau, quan tâm đến nhau, để dẹp đi lòng ích kỷ. Nếu mỗi thành viên trong gia đình luôn biết nuôi dưỡng yêu thương, luôn nghĩ dùm cho người khác, luôn hy sinh vì những thành viên khác, thì hẳn gia đình đó đã có hình ảnh của Thiên đàng. Quả thực, hy sinh là thước đo tình yêu.

Hãy nhìn lên gương mẫu hy sinh tuyệt vời của gia đình Thánh Gia. Nếu Isaac là hiến lễ hy sinh của gia đình Abraham, thì Chúa Giêsu là hiến lễ hy sinh của gia đình Thánh Gia dâng lên Thiên Chúa. Biến cố Hài Nhi Giêsu được tiến dâng cho Thiên Chúa diễn tả khởi đầu cuộc đời hoàn toàn hy sinh cho sứ mệnh cứu độ nhân loại của Người.

Thánh Gia Thất là trường đào luyện lòng hy sinh. Các thành viên trong Thánh Gia Thất đều học hỏi, khích lệ nhau sống hy sinh cho người khác. Sở dĩ gia đình Thánh ấy hạnh phúc và thương yêu nhau, vì mọi người đều hiểu ý nghĩa hy sinh và sống hy sinh cho nhau. Luôn nghĩ cho người khác, luôn tìm những hy sinh để tỏ lòng yêu thương người khác. Có như thế một cách tiệm tiến lên đến tột đỉnh của sự hy sinh là chấp nhận cái chết nhục hình trên thập giá mà vẫn nghĩ cho người khác, vẫn cầu xin “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Hay như một người Mẹ thầm lặng đau đớn đứng dưới chân thập giá mà không một lời oán trách.

Gia đình thời nay, nhất là tại những quốc gia văn minh, thường được đào tạo một cách khoa học thay vì đạo đức. Người ta chú trọng đến khoa tâm lý và những kỹ thuật làm cho người khác hài lòng hơn là nhấn mạnh đến ý nghĩa hy sinh của tình yêu thương đích thực. Con cái trong gia đình không được dạy dỗ đủ về ý nghĩa của hy sinh. Trái lại, người ta quá đề cao và tôn trọng cái tôi của con cái đến độ không dám thẳng thắn nói cho con cái biết chúng phải tập sống hy sinh cho người khác. Tính ích kỷ của con cái đã được nuôi dưỡng ngay trong gia đình của chúng rồi. Thực sự để có được nền tảng chắc chắn, chúng ta phải trở về với cuộc sống của Thánh Gia Thất để học hỏi ý nghĩa hai chữ hy sinh nếu muốn hiểu tình yêu đích thực là gì. Hy sinh là cách tốt nhất và thực tế nhất để biểu lộ tình yêu. Chúa Giêsu không cần mở miệng nói: Thầy yêu thương anh em lắm, anh em biết không? Nhưng Người giang hai tay trên thập giá ôm lấy toàn thể nhân loại để nói lời yêu thương lớn lao của người sẵn sàng hiến mạng sống mình vì bạn hữu (x.Ga 15:13).

Như thế để nói đến hy sinh trong tình yêu, trước tiên ta phải tập sống hy sinh ngay trong gia đình mình là trường đào tạo tình yêu. Gia đình Thánh Gia: Giuse, Maria và Giêsu là trường điểm lý tưởng, nơi đó tinh thần hy sinh, nghĩ cho người khác là môn học chính giúp ta hiểu ý nghĩa đích thực của tình yêu. Quả thực hai chữ hy sinh là phương thức biểu lộ tình yêu đích thực với Chúa và mọi người.

Câu kết của Tin Mừng hôm nay: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Hình ảnh phát triển con người vẹn toàn này có là một dấu hỏi cho bổn phận của tôi không? Là cha mẹ, tôi đã làm tròn bổn phận giáo dục con cái và làm gương sáng chưa? Là con cái, tôi đã nghe lời dạy dỗ của cha mẹ chưa? Tôi mở miệng là nói yêu thương. Nhưng tôi có dám hy sinh không, dù là những hy sinh nho nhỏ?

Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia Thất như tấm gương sáng để mọi gia đình bắt chước. Xin Chúa thánh hóa gia đình mỗi chúng con. Xin cho người chồng biết noi gương can đảm của Thánh Giuse, luôn hy sinh sống đời sống đạo đức, làm gương cho vợ con, can đảm chấp nhận Thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Xin cho người vợ biết noi gương Mẹ Maria: luôn biết hy sinh cho chồng, cho con, chung thủy trong tình yêu, chung tay xây dựng gia đình và giáo dục con cái. Xin cho các bạn trẻ đang lớn lên, biết noi gương Chúa Giêsu ở Nagiaret, luôn biết hy sinh chăm chỉ làm việc, học hành, hiếu thảo với cha mẹ và lắng nghe những hướng dẫn của các ngài để trở nên những người con tốt cho gia đình và xã hội.Amen.

Vinh sơn. Dương Văn Đức


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI THIỆN TÂM!
     VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI
     NGÀI LÀ ƠN CỨU ĐỘ CỦA CHÚNG TA. MN chuyển ngữ
     NHỮNG MÓN QUÀ CỦA BA ĐẠO SĨ. Trích Maranatha
     LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI TỬ ĐẠO. Antôn Lương Văn Liêm
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH-DÂNG CHÚA TRONG ĐỀN THỜ. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH.Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH.Nt. Maria Chinh Anh
     MÀU NHIỆM GIÁNG SINH ẢNH HƯỞNG GÌ TRÊN CUỘC ĐỜI TÔI?. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM LỄ GIÁNG SINH NĂM B- MÁNG CỎ VÀ VINH QUANG THIÊN QUỐC. Lm. Phao Lô Nguyễn Văn Đông