Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

LỄ GIÁNG SINH

Máng cỏ và vinh quang thiên quốc

beautiful-sunshine07.jpgÁnh sáng đã bừng lên chiếu sáng đêm đen thế giới của chúng ta. Một thế giới được biến đổi đã hình thành trong Chúa Giê su. Nhưng nó cũng hiện diện trong chúng ta, nếu nhờ Đức tin, chúng ta thông hiệp với Ngài, và nhờ đó, chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa.

Sách tiên tri Isaia 52,7-10

Trong lúc vương quốc Giu đa đang đến ngày suy tàn, thì Tiên tri Isaia đã loan báo Chúa đến khải hoàn ở giữa dân Ngài. Chiến thắng của Ngài được biểu hiện qua sự đổi mới Israên. Nó sẽ tìm lại được vinh quang đã mất. Giáo Hội là Israên mới, là cộng đoàn trong đó lời loan báo nầy sẽ được hoàn tất.

Thánh Vịnh 97

Đối với tác giả Thánh Vịnh, Ngày của Thiên Chúa, ngày chiến thắng đã gần kề. Người tín hữu đã tin chắc điều ấy. Toàn thể tạo thành hãy hoan hô Ngài: “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Ngài, đầy ân sủng và chân lí”.

Thư Híp pri 1,1-6

Khởi đầu bức thư Híp pri, tác giả loan báo rằng tất cả những điều đã được loan báo nay được hoàn tất nhờ việc Đức Ki tô đấng Cứu độ đến trần gian. Cũng thế, ngài còn công bố rằng Chúa Giê su, là người thật cũng là Con Thiên Chúa, Thiên Chúa thật.

TIN MỪNG: Lc 2,1-14

NGỮ CẢNH

Trình thuật nầy thuộc phần Tin mừng thời thơ ấu Chúa Giê su. Qua đó, tác giả Luca muốn làm nổi bật sự cao cả của Chúa Giê su bằng cách đối chiếu Ngài với Gioan Tẩy giả. Cuộc sinh hạ của Gioan Tẩy giả được bà con láng giềng đến chúc mừng, còn sự giáng sinh của Chúa Giê su chỉ có các mục đồng đến thăm viếng. Đây là cơ hội tốt để tác giả cho thấy trẻ chào đời như người nghèo hèn chính là Thiên Chúa.

Có thể đọc đoạn tin mừng theo cấu trúc sau đây:

1. Hoàng đế và hài nhi (cc.1-7).

2. Các mục đồng và hài nhi (cc. 8-20).

 TÌM HIỂU

Thời ấy: cụm từ móc nối trình thuật với những biến cố đi trước. Trong những ngày mà vua Hê rô đê cả trị vì (1,5), sự can thiệp của Thiên Chúa đã tạo một khởi đầu một lịch sử mới. Lc chỉ cho thấy các điểm qui chiếu và liên hệ của chúng (1,8.26. 39.57.59). Chúng ta đang ở trong thời đại của Thiên Chúa. Thiên Chúa đẫn dắt lịch sử con người và dùng những biến cố vào chương trình của Người.

Chiếu chỉ: trái ngược với lời Thiên Chúa làm dậy lên các biến cố được kể lại trong c. 1, ở đây là lệnh của một người nghĩ rằng mọi nơi là nhà mình.

Augúttô: hoàng đế Ottavianô cai trị một thời gian dài (từ năm 30 trước CN đến 14 sau CN). Ông được gán cho tước hiệu là Augustô như một vị thần để bắt người ta thờ phượng. Một con người đi tìm những danh dự thần thánh, trong khi Thiên Chúa lại làm người.

Trong khắp cả thiên hạ: đối với Augustô, đế quốc đồng hoá với toàn thể nhân loại. Sự kiểm kê dân số cho phép ông tổ chức lại việc thu thuế. Nhưng còn là một dấu cho thấy sự kiêu căng; vua Đa vít ngày xưa đã bị Thiên Chúa phạt vì dám kiểm kê dân Chúa (2Sm 24). Người Híp pri thời hoàng đế Augúttô không chấp nhận một cuộc kiểm kê như thế vì đặt dân Thiên Chúa dưới ách đô hộ của người ngoại. Tuy nhiên, sự vâng phục của ông Giuse cho phép đưa Chúa Giê su vào trong lịch sử nhân loại: dấu chỉ đầu tiên của sự liên đới không chỉ với dân Híp pri mà con với toàn thể nhân loại. Viễn tượng mở rộng: sau thế giới người Híp pri của Hê rô đê, thì giờ đây là cả hoàn vũ.

Quiriniô: đã làm một cuộc kiểm kê vào năm 6 sau CN. Còn có một cuộc kiểm kê khác đầu tiên ở Palestina không? Thật khó trả lời. Dù sau Quiriniô đã ở Trung Đông vào thời Chúa Giê su sinh ra.

Giuse: chiếu chỉ Hoàng đế đưa mọi người lên đường về nơi chôn nhau cắt rốn. Ông Giuse cũng tham gia vào cuộc kiểm kê nầy, nhưng Thiên Chúa lại dẫn ông vào con đường thực hiện chương trình của Người theo lời hứa với nhà vua Đa vít (2 Sm 7,12-13; x. Lc 1,32-33).

Giuse thuộc “nhà Đa vít” (1,27) là người tạo ra mắt xích cho mối tương quan giữa đấng Messia và Đa vít. Khi trở về quê quán mình, ngài đã cho phép đứa bé tháp nhập vào gốc rể Giê sê, thậm chí đến cả nơi sinh ra (Is 11,1).

Bêlem: đây được gọi là “kinh thành của vua Đa vít”, kiểu nói chỉ Giê ru sa lem trong toàn bộ Thánh Kinh CƯ. Chúa Giê su đi vào trần gian tại Bê lem như vua Đa vít; chấm dứt cuộc đời tại Giê ru sa lem. “Phần ngươi, hỡi Bê lem, Ép ra tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít ra ên” (Mk 5,1). X. Am 9,11; Cv 2.25-36; 13,33-37.

Tới ngày mãn nguyệt khai hoa: biến cố được lồng vào trong một thời gian và một nơi chốn, nhưng động từ dùng ở đây cho thấy Lc nhắm đến ý nghĩa thần học hơn là lịch sử. Đây chỉ một sự “hoàn tất”.

Sinh con trai đầu lòng: mô tả rất dè dặt và giản đơn: việc Thiên Chúa đến giữa loài người được thực hiện trong một sự đơn sơ tuyệt đối. Truyền thống nói rằng Chúa Giê su là đứa con độc nhất. Thánh Phao lô gán cho tước hiệu ấy một giá trị phổ quát: Đức Giê su là trưởng tử của mọi tạo vật..con đầu lòng của những người sống lại từ cõi chết Cl 1,15-18).

Máng cỏ: đây là chỗ người ta đựng thức ăn cho thú vật ăn. Ở đây chúng ta cũng thấy tính song đối với Đa vít được đem đi từ bãi cỏ, khi anh đi theo đoàn vật (2Sm 7,8). Chiếc máng cỏ nầy còn được nhắc lại trong cc. 12 và 16 là dấu chỉ cho các mục tử.

Sự tương phản của Chúa Giê su bắt đầu hiển hiện: giường của Ngài là một máng cỏ; nhà Ngài là một chồng bò. Cảnh tượng nghèo hèn cùng cực nầy rất xứng hợp với đấng nâng cao những kẻ khiêm nhu, những người nghèo khổ (1,52;6,20).từ máng cỏ đến thập giá, Con Người không có nơi gối đầu (9,58).

Không tìm được chỗ: Lc không cáo tội ai cả, ông chỉ xác nhận một điều Chúa Giê su không tìm được một chổ để sinh ra giữa nhân loại. Sau nầy Gioan sẽ viết: “Người nhà của Ngài đã không tiếp nhận Ngài” (Ga 1,11).

Những người chăn chiên: họ là những người sống bên ngoài thành thị, thường xuyên tiếp xúc với các con vật chứ không với người khác. Họ  không được tiếng tốt, cũng vì quan niệm niệm rộng rãi của họ về sở hữu. Trước pháp luật, họ là những người không được phép làm chứng trước toà. Tuy vậy họ được gọi đến với Chúa Giê su và trở thành những người chứng nhân tiên khởi.

Thức đêm: đêm là thời gian để nghỉ ngơi hay canh thức.nhưng đêm còn là biểu tượng của bóng tối mà Thiên Chúa chiếu toả bằng ánh sáng của Người (Is 9,1; Lc 1,79). Các độc giả ki tô khi chờ đợi Chúa trở lại, được mời gọi tự đồng hoá mình với các mục tử canh thức (12,37), đặc biệt là các mục tử của Hội Thánh.

Sứ thần Chúa: cũng như ở các câu 1,11.26. Đó là sứ giả của Thiên Chúa  loan báo Chúa Giê su. Lời loan báo thứ ba khác với hai lời đầu tiên: vì có vinh quang của Chúa kèm theo; sứ điệp của ngài không bao hàm những lời hứa, nhưng cho thấy một thực tại đã hiện diện; các mục tử không đặt câu hỏi; dấu chỉ được ban cho cùng với nội dung của sứ điệp.

Vinh quang của Chúa: đây là lần đề cập lần đầu tiên đến vinh quang của Chúa trong Lc. Trong CƯ, kiểu nói nầy chỉ Thiên Chúa hiện diện: trên núi Sinai, trên hòm bia Giao ước, hoặc trong đền thờ. Ở đây vinh quang Thiên Chúa bao trùm các mục tử, gần giống như các tông đồ trong cuộc biến hình (9,34).

Tôi báo cho anh em: x. 1,19. kiểu nói phiên dịch động từ hy ngữ có nghĩa “loan báo tin mừng. Thời trước, người ta dùng động từ ấy để loan báo một hoàng tử vừa sinh ra cho khắp cả kinh thành được biết. Trong CƯ cũng có dùng động từ nầy (x. Is 52,7;61,1). Còn ở đây, Lu ca muốn chứng tỏ rằng Chúa Giê su đáp lại những niềm mong ước của các dân ngoại như dân Do thái.

Hôm nay: từ nầy lấy từ Tv 2,7. thiết yếu trong việc công bố ơn cứu độ trong Chúa Giê su Ki tô (x. Cv 13,32-33). Không chờ đến khi sống lại, Lc loan báo ngay từ “bây giờ” đặc tính thần linh của đấng mà Hội Thánh thời nguyên thuỷ đã nhận biết và công bố trong Chúa Giê su sống lại với ba tước hiệu là Đấng Cứu độ, Đấng Messia và Chúa.

Đấng Cứu độ: trong Lc, chúng ta chỉ tìm thấy từ nầy hai lần (1,47 và ở đây). Người La mã dùng tước nầy và cả tước hiệu Chúa nữa để gọi vị hoàng đế của họ, (Cv 25,26). Ngược lại, đối với người Do thái, tước Đấng Cứu độ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi, là đấng đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ bên Ai cập. Hài nhi nầy là đấng Cứu độ cho tất cả mọi người (Cv 5.31; 13,23; x. Ga 4,42).

Đấng Ki tô: tước hiệu do thái nầy chỉ hậu duệ vua Đa vít phải khôi phục lại vương quốc và thực hiện các lời hứa. Phê rô sau nầy sẽ tuyên xưng (9,20) và công bố trước người Do thái (Cv 2,36).

Dấu nầy: nói chung, một dấu chỉ là một biến cố lạ lùng (Xh 4,1-8; 2V 20,9). Như việc ông Dacaria bị câm (1,20), như việc bà Ê li sa bết mang thai (1,36). Dấu chỉ được dùng để làm bảo chứng cho sự hiệu nghiệm của Lời Thiên Chúa. Ở đây, dấu chỉ là một hài nhi và được đồng hoá với lời hứa đã được thực hiện: Đấng Cứu độ là hài nhi đang nằm trong một máng cỏ.

Thiên binh: dáp lại Lời của Thiên Chúa là khúc ca của các Thiên sứ. Trong khi phụng vụ đền thờ bất ngờ bị ngưng trệ bởi sự câm nín của ông Da ca ria, thì một phụng vụ trên trời diễn ra trong cánh đồng bởi các thiên sứ luôn được chiêm ngưỡng thánh nhan  Thiên Chúa và không ngừng chúc tụng. Phụng vụ nầy gợi lên và hoàn tất lời ca tụng của các mục tử, hạng người bị gạt bên lề xã hội. Và như thế trời và đất qui tụ chung quanh Chúa Giê su, ca ngợi vinh quang của Ngài từ đáy thẳm của sự nghèo hèn, bằng cách loan báo chiến thắng phục sinh.

Dưới thế: khúc ca của các thiên sứ lặp lại khúc ca của các Thánh vịnh: vinh quang thuộc về Thiên Chúa (Tv 29,9), còn quà tặng bình an dành cho con người (Tv 72.3-7).

Chúa thương: “cho những người được  Thiên Chúa thương xót”, chứ không phải cho “những người thiện tâm”. Thiên Chúa thương yêu tất` cả mọi người (3,6). Tình yêu là lời cắt nghĩa cho việc Người đến thăm viếng con người (1,78). Người đến với họ để biến họ thành dân của Người.

SỨ ĐIỆP

Lễ Giáng sinh đã trở về với chúng ta.

Khắp nơi chìm ngập ánh sáng huy hoàng.

Nhưng chính biến cố Con Thiên Chúa giáng sinh thì hoàn toàn khác hẳn. Một cặp vợ chồng từ bỏ làng quê Ga li lê của mình để trở về quê quán kê khai hộ khẩu. Trên đường đi, họ cố tìm một nơi trú ngụ để qua đêm, nhưng không còn một chổ nào trống trong các quán trọ, họ dành phải vào một nơi dành cho thú vật. Và trong chính đêm mầu nhiệm ấy, Con Thiên Chúa cất tiếng khóc chào đời trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ.

Thánh Luca cho thấy đằng sau sự khước từ của con người, thấp thoáng hình bóng thập giá. Và để cho hình ảnh thập giá đậm nét hơn, tác giả tin mừng còn kể cho chúng ta biến cố vua Hê rô đê nhẫn tâm tàn sát các Hài nhi vô tội. Như thế, những bước chân đầu tiên trên trần gian đã đưa Chúa Giê su vào trong một thế giới đầy bóng tối tội lỗi và hận thù. Sứ mạng cứu thể của Ngài đã bị thử thách ngay từ đầu. Ngài biết và Ngài đã muốn như thế để chia sẻ và cứu độ những đau khổ của chúng ta.

Và cũng từ đêm đen đồng lỏa với tội lỗi ấy đã tỏa ánh Vinh quang tình yêu của Thiên Chúa. Ánh sáng đẩy lùi bóng đêm. Tình yêu chiến thắng hận thù và mạnh hơn sự chết. Tiếng nói sau cùng thuộc về Tình yêu Thiên Chúa. Thánh Luca chỉ cho chúng ta biết hài nhi ấy chính là Thiên Chúa: “Vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa chung quanh khiến cho các mục đồng sợ hãi kinh hoàng”. Con người sợ hãi trước nhan Thiên Chúa, nhưng bị thu hút bởi tình yêu của Ngài: “Tất cả những ai đau khổ và gánh nặng, hãy đến với ta và Ta sẽ bổ sức cho”. Vì thế, đêm nay, chúng ta được mời gọi đến máng cỏ để mang theo những gánh nặng của cuộc sống của chính mình và của cả anh em khác, vì đứa trẻ Bết lê hem là Đấng Cứu độ của toàn thế giới.

« Một người con đã ban cho chúng ta ». Đấng mà chúng ta mừng sinh nhật hôm nay không đơn thuần là một đứa bé bình thường như những đứa bé khác. Ngài là Thiên Chúa cứu độ, để giải thoát con người, Ngài sẽ thực hiện nhiều điều kì diệu. Nhưng đặc biệt hơn hết, Ngài là Đấng mà các môn đệ làm chứng rằng sau khi tự nguyện chết cho chúng ta, Ngài đã sống lại để cho chúng ta được sống lại cùng với Ngài. Vì thế, mừng sinh nhật Đức Ki tô hôm nay, chính là mừng sinh nhật của chính chúng ta. Vì Ngài đã nói: « Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ta dù có chết cũng sẽ sống ». Đấng Cứu thế mà loài người trông đợi, qua cuộc giáng sinh của Ngài, dạy cho chúng ta biết rằng thân phận con người là đáng trân trọng: thật vậy chính Thiên Chúa đã không xấu hổ mặc lấy thân phận con người chúng ta, và chúng ta được kêu gọi sống với Ngài mãi mãi.

 Vinh danh Thiên Chúa và bình an cho loài người!”. Vinh quang của Thiên Chúa chính là đem lại cho con người bình an đích thực mà chỉ có sứ mạng Chúa Giê su mới có thể thực hiện được. Cùng với Ngài và bằng Thánh Thần của Ngài, chúng ta phải xây dựng hòa bình giữa mọi người. Chúng ta sẽ làm điều đó khi chiến đấu chống lại tất cả các nguyên nhân gây chia rẻ mọi người, khởi đầu bằng việc từ bỏ mọi bất công, bất bình đẳng, ý muốn thống trị và các đam mê ích kỉ khác.

Mừng lễ Giáng sinh, do đó chính là cố gắng yêu thương tất cả mọi người chung quanh, nơi làm việc cũng như trong gia đình. Là muốn trở thành dụng cụ công chính, là chấp nhận có ít hơn để người khác có nhiều hơn. Là muốn trở thành dụng cụ hòa bình và hòa giải. Thay vì gieo mối bất hòa, chúng ta phải mang lại bình an.

Chúc mừng Giáng sinh tất cả mọi người. Hãy mở rộng tâm hồn và phải làm sao để không ai cô đơn trong ngày lễ Giáng sinh. Chúng ta hãy lắng nghe những gì Chúa Giê su phán để biết sống tình yêu đích thực là tận hiến cho mọi người. Hãy cầu nguyện xin Thiên Chúa ban hòa bình và giúp chúng ta là trở thành những người tác tạo hòa bình nơi chúng ta đang sống.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Tại sao ở đầu đoạn tin mừng, thánh Luca nhắc đến Hoàng đế La mã Xêsarê?

THƯA: Thánh Luca nhắc đến Hoàng đế La mã nhằm nhấn mạnh ý nghĩa lích sử của việc Chúa Giê su giáng sinh: Chúa Giê su là người đã sinh ra thật sự trong lịch sử. Đó là một sự kiện có thật, đã xảy ra trong một thời điểm cụ thể vào thời hoàng đế La mã còn đang cai trị đế quốc, không ai có thể chối cãi.

2. HỎI:  Còn ý nghĩa nào nữa không?

THƯA: Thánh Luca muốn nhắc đến vương quyền trần gian của hoàng đế La mã trước khi nhấn mạnh đến Vương quyền đích thật của Chúa Giê su: Ngài là Đấng Cứu thế duy nhất, là Chúa tể duy nhất mang lại bình an cho con người (c 14).

3. HỎI: Thái độ của Thánh Giu se trước lệnh kiểm tra nầy như thế nào?

THƯA: Trong khi có một số người Do thái chống lại lệnh kiểm tra của hoàng đế La mã, thì Thánh Giu se và đức Maria đã tuân hành. Ngài đã thực hiện điều mà sau nầy Chúa Giê su dạy mọi người: “Trả lại cho Cêsar những gì của Cêsar” (Lc 20,25).

4. HỎI: Thánh Luca muốn nhấn mạnh điều gì xác định: “Bà sinh con trai đầu lòng”?

THƯA: Khi xác đinh: Chúa Giê su là con trai đầu lòng, không chắc Thánh Luca muốn nói sau nầy Đức Maria còn sinh nhiều con khác, vì ngược lại với sự đồng trinh mà ngài nói đến trong đoạn 1,27-34. Thực ra, ngài muốn xác định địa vị pháp lý của Chúa Giê su như là người được thánh hiến như sẽ nói đến sau nấy (2,23).

5. HỎI: Thánh Luca mô tả sự giáng sinh nghèo khó của Chúa Giê su để làm gí?

THƯA: Thánh Luca đặc biệt nhấn mạnh đến sự giáng sinh nghèo khó của Chúa Giê su để đối chiếu với Gioan được sinh ra trong một hoàn cảnh tiện nghị hơn, có đông đảo bà con xóm giềng đế chung vui (1,58). Chúa Giê su thì không như thế. Ngài đích thật là một người nghèo giữa muôn người nghèo khác, và sự khó nghèo đó là một dấu chỉ. Chính trong sự khó nghèo nầy, bừng sáng lên vinh quang Thiên Chúa.

6. HỎI: Dấu chỉ nghèo khó ở đây có ý nghĩa gì?

THƯA: Dấu chỉ trong Cựu Ước thường có tính cách lạ lùng, vĩ đại, cho thấy quyền năng của Thiên Chúa, bảo đảm việc thực hiện ơn cứu độ. Trái lại, ở đây, dấu chỉ lại hết sức tầm thường: một đứa bé mới sinh nằm trong máng cỏ. Một dấu chỉ tầm thường, bé nhỏ, không ra gì trước mắt người đời, giống như đấng chịu đóng đinh trên thập giá. Nhưng đó lại là điều Thiên Chúa chọn lựa để cho thấy quyền năng cứu độ của Ngài.

7. HỎI: Vinh quang Thiên Chúa ở đây là gi?

THƯA: Vinh quang là thiên tính của Thiên Chúa, sự siêu việt mầu nhiệm của Ngài. Nhưng ở đây, vinh quang Thiên Chúa chính là tình thương ban ơn của Ngài cho nhân loại: thi ân giáng phúc cho loài người là vinh quang của Thiên Chúa. Và ơn trọng đại nhất Ngài ban là ơn Bình an.

8. HỎI: Bình an đây có nghĩa gì?

THƯA: Đây chính là sự bình an Thiên Chúa hứa ban như quà tặng cứu độ mà mọi người mong chờ. Đây không phải là sự  an bình trần gian, mà là đời sống siêu nhiên sung mãn mà chỉ mình Thiên Chúa mới là nguồn ban phát cho con người. Người nghèo là người được nhận lãnh trước tiên.

9. HỎI: Tại sao các mục đồng là những người được ban ơn trước tiên?

THƯA: Vì họ là hạng người cùng khổ trong xã hội do thái lúc bấy giờ. Nghề chăn nuôi thường bị khinh bỉ, họ không được nghe giảng dạy tại các hội đường, không có quyền ăn nói trong xã hội, và cũng như những người thu thuế, không có khả năng làm chứng. Bị khinh miệt, nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương tỏ mình cho và ban ơn bình an cứu độ.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     LỄ RẠNG ĐÔNG SINH NHẬT NĂM B. Lm Trần Bình Trọng
     NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA HANG ĐÁ BÊ-LEM. Nt. Maria Phạm Thị Hoa
     MẶC KHẢI VÀ MẦU NHIỆM GIÁNG SINH. G. Tuấn Anh
     LỄ GIÁNG SINH- LÒNG NHÂN ÁI THỰC SỰ. Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
     CẢM NGHIỆM NOEL 2011. Antôn Lương Văn Liêm
     LỄ GIÁNG SINH- ĐÔI DÒNG SUY TƯ. An Tôn Lương Văn Liêm
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊ SU CHỊU PHÉP RỬA- LỜI CHỨNG CỦA GIOAN. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     LỄ CHÚA GIÊ SU CHỊU PHÉP RỬA. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU SAU LỄ CHÚA HIỂN LINH NĂM A-HÀNH TRÌNH ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH. M. Chinh Anh OP.
     SUY NIỆM LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA. Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc.