CẢM NGHIỆM NOEL 2011
“Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Lc.1,23)
Hằng năm, vào dịp trước và sau lễ Giáng Sinh, những bà con giáo dân dọc hai bên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, Sài Gòn, trải dài từ giáo Xứ Bình An tới giáo xứ Bình An Thượng với một truyền thống tốt đẹp. Đó là, họ cùng nhau trang trí hai bên đường những giây đèn, cờ đủ kiểu, đủ màu sắc, ấn tượng nhất là họ kiến tạo những hang đá Belem một cách công phu, rất hoành tráng và đẹp mắt. Để rồi khi mặt trời khuất bóng, đường phố như được khoác một tấm áo mới, nhộn nhịp hơn nhờ sự hiện diện của các vị bô lão, của nam thanh nữ tú và cả những em nhỏ, kẻ ngắm nghía, trầm trồ, người chụp hình lưu niệm, người lâm râm cầu nguyện như muốn trút hết những tội lỗi, nhọc nhằn và khổ đau của kiếp nhân sinh cho Chúa Hài Đồng Giêsu.
Có thể nói lễ Giáng Sinh là ngày lễ vô cùng quan trọng của niềm tin Kitô giáo, ngày kỷ niệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng và với nhân loại, như lời minh định của Sứ Thần khi báo mộng cho Thánh Cả Giuse: “Này ông Giuse, con cháu vua Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. tất cả Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”(Mt.1,20-23). Qua sự kiện trên hay nói đúng hơn qua mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, nhân loại được cởi bỏ chiếc áo tôi đòi, thân nô lệ, hân hoan mặc chiếc áo mới, chiếc áo của những người con trong gia đình Thiên Chúa, ngày ánh sáng công lý, bình an và niềm hy vọng phủ tràn cõi địa cầu.
Lễ Giáng Sinh không chỉ dành riêng cho người Công Giáo, Tin Lành hay Chính Thống Giáo, nhưng đã trở thành một trong những lễ hội lớn mang nét truyền thống của toàn nhân loại. Nhân ngày lễ Giáng Sinh, người ta tổ chức những lễ hội, những kỳ nghỉ, dịp để người ta tỏ lộ cho nhau tình cảm qua việc tặng quà, thiệp chúc mừng, những bữa tiệc thân mật trong gia đình cũng như trong mối tương quan bằng hữu, ngày lễ Giáng Sinh cũng là ngày người ta dừng và nghỉ ngơi sau 365 ngày miệt mài bương chải vì “mưu kế sinh nhai”, người ta như tạm quên những khổ đau, buồn phiền, gác lại những tranh chấp, đố kỵ, để hòa cùng muôn người, cùng vạn vật vui hưởng một lễ Giáng Sinh trong an bình và hạnh phúc. Điều đã được ứng nghiệm trong sách ngôn sứ Isaia:
“ Từ gốc tổ Giê-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,
từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non.
Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên Vị này….
Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ
Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,
một Cậu Bé sẽ chăn dắt chúng….
Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,
Trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.
Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá
Trên khắp núi thánh của Ta,
Vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này
cũng như nước lấp đầy lòng biển” (Is.11,1-9).
Vâng! Để toàn nhân loại có được niềm vui, bình an và hạnh phúc, được mặc chiếc áo tinh tuyền, được hưởng nguồn ơn cứu độ, đây là những ân sủng mà tổ tiên con người nhân loại là ông Adong và bà Eva đã đánh mất khi phản bội lại tình thương của Thiên Chúa nơi vườn Địa Đàng năm xưa, tự chuốc lấy cho mình những khổ đau và cái chết. Thiên Chúa ngang qua Đức Kitô đã bước xuống cõi trần trong thân phận nghèo hèn, cơ cực, không những thế Ngài còn chấp nhận xuống thế, trở thành một thành viên trong dòng tộc Vua Đavít, một dòng tộc có những người phụ nữ, nếu như ở vào xã hội đời thường người ta sẽ lên án, khinh khi và khước từ, điển hình như bà cụ tổ Ta-ma (x.St.38,1-30.), bà Ra-kháp (x. Gs. 21-21; 6,22-25), bà Rút (x.R.1-3), ngay như Vua Đavít, trong đời sống cũng đã từng phạm vào tội tày đình, qua việc chiếm đoạt vợ của thuộc hạ, vua Salomon được sinh ra sau tội tày đình này (x .2Sm.11,1-27;12,1-25). Thánh sử Luca đã lược thuật gia phả của Đức Kitô trong chương đầu Tin Mừng của ngài.(x.Lc.1,1-25).
Quả Thật, tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua mầu nhiệm nhập thể, làm người của Đức Kitô thật lớn lao, nhờ tình thương và lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà con người nhân loại được giao hòa cùng Thiên Chúa, được chính Thiên Chúa phục vụ mình, được hưởng nguồn ơn cứu độ, thánh Phaolô đã cảm nghiệm điều này khi ngài viết thư gửi cho giáo đoàn Rôma: “ Thật vậy, tôi xin quả quyết: Đức Kitô có đến phục vụ những người cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa. Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người, như có lời chép: Vì thế, giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa….Ông Isaia cũng nói: Từ gốc Giê-sê sẽ xuất hiện một mầm non, một Đấng sẽ đứng lên lãnh đạo chư dân. Chư dân sẽ hy vọng nơi Người” (Rm.15,8-12).
Từ gốc Giê-sê sẽ xuất hiện một mầm non, một Đấng sẽ đứng lên lãnh đạo chư dân. Chư dân sẽ hy vọng nơi Người, chữ Người viết hoa trên đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài đã đến và đang ở giữa gia đình nhân loại. Vì thế, trong ngày mừng lễ Giáng Sinh, trước tiên ta cất cao lời cảm tạ Thiên Chúa đã thương yêu ban tặng Hài Nhi Giêsu cho ta, kế đến ta nhìn sâu vào trong cõi lòng để nhận ra những thiếu xót, thờ ơ, vong ân bội nghĩa với tình yêu Thiên Chúa đã dành cho ta, để từ đây ta biết sám hối biết quay về với tình thương của Ngài. Trên bước đường lữ thứ, còn đó những trở ngại, những thách đố, gian truân và buồn phiền, ta được nhắc nhở và mời gọi qua ngôn ngữ của thánh Phêrô: “ Mọi âu lo hãy trút hết cho Người, vì Người luôn chăm sóc cho anh em” (1Pr.5,7). Thế nên:
- Ta đang sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, đang phải ở thuê, ở mướn ư? Hãy đến hang đá để ngắm nhìn, vì còn đó một Hài Nhi Giêsu không một mái nhà, không nôi ấm nệm êm trong ngày cất tiếng khóc chào đời, từ nơi Ngài ta van xin sự đồng cảm, nâng đỡ và ủi an.
- Ta đang cô đơn, bị bỏ rơi, khước từ ư? Hãy đến hang đá để cảm ra một điều, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse đã từng bị khước từ, bị bỏ rơi nơi kinh thành Belem năm xưa trong đêm Chúa Giáng Sinh, từ đây ta xin Chúa Hài Nhi đem lại cho ta niềm vui, bình an như khi xưa Ngài đã đem đến cho Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.
- Ta đang tiếu hơi ấm của cha, tình thương của mẹ, thiếu vắng tình anh em huyết thống, bằng hữu trong cuộc sống ư? hãy đến hang đá để cảm ra được trong đời sống ta còn đó một Vị Thiên Qhúa qua dung mạo của Hài Nhi Giêsu, Ngài đã từ trời cao xuống trần ở cùng ta, Ngài chính là Người Cha, Mẹ, là Bạn Hữu của ta, tình yêu của Ngài không bao giờ thay đổi như lời giới thiệu của ngôn sứ Isaia: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình mang nặng, đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, ta ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay của Ta” (Is.49,15-16)
- Ta đang ngày đợi đêm mong trong gia đình có được tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ ư? Hãy đến nơi hang đá chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, nhờ ơn Ngài giúp ta nhớ lại lời minh định của Sứ Thần trong ngày truyền tin cho Mẹ Maria: “ Kìa bà Êlisebét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà nay cũng đang cưu mang một người con trai…Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc.1,36-37), để từ đây ta đặt trọn niềm tin và phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa
- Ta đang mặc cảm vì đời sống của chính mình, của gia đình, hoặc một thành viên trong gia đình đang sống trong đời sống bê tha, tội lỗi ư? Hãy quá bước đến hang đá để chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, Ngài là một Vị Thiên Chúa Chí Thánh, nhưng chấp nhận mang lấy thân phận con người tội lỗi, chấp nhận sinh ra trong một dòng tộc đầy những lỗi lầm, thiếu xót, để từ đây, ta xin Ngài thánh hóa, nâng đỡ và ban sức mạnh giúp ta thắng vượt như Ngài đã phán: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ”(Mt.9,13)
- Gia đình ta đang gặp bất hòa chia rẽ, đang phải gian lao vì cuộc sống ư? Hãy đến hang đá chiêm ngắm Gia Đình Thánh Gia, tuy nghèo nhưng luôn đầy ắp tình thương và nụ cười, ta xin Gia Đình Thánh Gia nâng đỡ, ủi an.
- Ta đang mang trong thân xác những căn bệnh trầm kha, những món nợ, mang trong tâm hồn những buồn phiền vì lời ăn tiếng nói, vì hiểu lầm…ư? Hãy đến trước hang đá và nhớ lại lời tiên báo của ngôn sứ Isaia về vai trò của Hài Nhi Giêsu:
“Thần Khí của Đức Chúa là Chúa thượng ngự trên tôi,
vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm
Ngài phóng thích cho những tù nhân,
công bố một năm hồng ân của Đức Chúa,
một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta
Người sai tôi đi yên ủi những kẻ khóc than
tặng cho kẻ khóc than ở Xi-on
tấm khăn đại lễ thay tro bụi
dầu thơm hoan lạc thay tang chế
áo ngày hội thay tâm thần sầu não” (Is.61,1-3)
Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu! Trong đêm kỷ niệm Chúa đến với con qua mầu nhiệm nhập thể, xin cho con luôn cảm được tình Chúa yêu con, nhờ đó, con biết dùng thời gian, sức khỏe, trí khôn để dệt lên khúc ca cảm tạ Chúa, xin cho con biết noi gương Chúa hy sinh thời gian đến với những người anh em quanh con trong từng ngày sống. Amen.
Sài Gòn, ngày 21 tháng 12 năm 2011
Antôn Lương Văn Liêm