LỄ CHÚA GIÊ SU CHỊU PHÉP RỬA
Con Thiên Chúa và đám tội nhân
Thánh lễ nầy là một lời mời gọi nhớ lại phép Rửa mà mỗi người chúng ta đã lãnh nhận. Được sinh ra bởi Tình yêu Thiên Chúa Cha, chúng ta có thực sự mở ra cho Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta không? Chúng ta có cảm nhận mình được sinh ra trong sự Sống của Thánh Thần không? Cuộc sống hằng ngày của chúng ta có giúp nhớ đến phép Rửa của chúng ta không?
Sách Tiên tri Is 42, 1-4.6-7
Tiên tri cố gắng mô tả Đấng Messia mà mọi người chờ đợi mang đến ơn cứu độ dứt khoát. Ông đã thoáng thấy dung mạo một người tôi tớ đầy Thần khí Thiên Chúa để có thể mạc khải Tình yêu. Sự giải thoát đích thật hệ tại ở việc tâm hồn con người quay trở về với Thiên Chúa để có thể kết Giao ước với Người.
Thánh Vịnh 28
Đây là một bài Thánh ca chúc tụng Thiên Chúa quyền năng có thể chế ngự những cơn bảo táp dữ dằn. Theo nghĩa thiêng liêng, Thánh vịnh nầy tôn vinh Thần Khí của Thiên Chúa, là sức mạnh nâng cả thế gian lên. Sức mạnh thần linh ấy giải thoát chúng ta bằng cách mạc khải cho chúng ta biết mình đích thực là ai.
Sách Công vụ 10, 34-38
Các Kitô hữu Do thái đầu tiên tin rằng Ơn cứu độ chỉ dành cho các phần tử trong Dân Do thái. Nhưng Thánh Luca, tác giả sách Công vụ lại nhấn mạnh rằng Thánh Thần đã hoạt động trong thế giới ngọai giáo. Như Phêrô trong một giấc mơ, nhận được lệnh phải đến với viên Bách quản Rôma một người ngoại giáo. Qua đó, Phêrô tôn vinh Chúa đã làm cho các tín hữu gia tăng.
Tin mừng: Mt 3,13-17
NGỮ CẢNH
Đọan tin mừng nầy năm trong bộ ba trình thuật chuẩn bị Chúa Giêsu bước vào cuộc đời rao giảng: Gioan Tẩy giả (3,1-12), Chúa Giêsu chịu phép rửa (3,13-17), Chúa Giêsu bị thử thách (4,1-11).
Có thể đọc theo bố cục sau đây:
3,13: nhập đề vào biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa
3,14-15: đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Gioan
3,16-17: biến cố thần hiện theo sau phép Rửa.
TÌM HIỂU
Một mực can Người: chỉ có Mt thuật lại cuộc tranh luận ở các câu 14-15. Nó cho thấy các kitô hữu trong cộng đoàn Mt phải khó khăn như thế nào để chấp nhận một Đức Giêsu phải hạ mình trước mặt ông Gioan, khiêm nhường xin lãnh nhận phép rửa thống hối, sống trong sự thấp hèn, và xoá mình trước mặt thù địch và chấp nhận thập giá.
Giữ trọn đức công chính: đối với Mt, sự công chính là đức tính nền tảng, hệ tại ở việc đặt mình vâng phục và trung thành với thánh ý của Thiên Chúa, cả khi thánh ý ấy có vẻ mầu nhiệm và tối tăm. Nhờ bằng lòng vâng phục dìm mình dưới dòng nước sự chết, Chúa Giêsu nhận được vương quyền (Tv 2,7).
Đây là: trong Mt, tiếng nói từ trời, không trực tiếp nói với Chúa Giêsu, dường như muốn trao ban cho Ngài một sứ mạng và do đó muốn tấn phong Ngài. Tiếng nói ấy loan báo cho đám đông: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Đó là lời công bố long trọng mạc khải bản tính đích thật của Chúa Giê su Na gia rét: Ngài là Con Thiên Chúa.
Các tầng trời mở ra: niềm hi vọng cánh chung mà tiên tri Isaia mơ ước (Phải chi Ngài xé trời mà xuống, Is 63,19) nay đã được thực hiện trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa.
Chim bồ câu: phải để ý chỗ nầy: phải đọc là: Thần Khí Chúa đáp xuống như chim bồ câu, chứ không phải: Thần khí như chim bồ câu..Không chỗ nào trong Kinh Thánh coi chim bồ câu là hình ảnh của Thần khí Thiên Chúa, nhưng chỉ mô tả chuyển động của Thần khí Thiên Chúa giống như chim bồ câu bay lượn sát trên đàn con, gợi ý rằng: Thần khí là một hữu thể siêu việt chứ không phải là một sức mạnh phát xuất từ con người hay thiên nhiên. Thần khí hoạt động vừa dịu dàng vừa gần gũi. Như thế, Mt muốn nói đến cách thức Thần khí đến và tác động trên Chúa Giêsu.
Đây là Con yêu dấu của Ta: lời nầy nhắc lại Tv 2,7: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” và Is 42,1: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quí mến hết lòng, Ta cho thần khi Ta ngự trên nó”. Mt gợi ý Chúa Giêsu là Israel mới.
Câu nầy được lặp lại y như thế trong trình thuật Hiển dung (x. 17,5), qua đó Mt muốn cho thấy, việc Chúa Giêsu được tôn vinh không chỉ là kết quả của cuộc Khổ nạn, mà còn cả cuộc đời khiêm hạ của Ngài, khởi đầu với sự hạ mình khiêm nhu trong phép Rửa. Do đó, trình thuật phép Rửa là một cuộc thần hiện ngỏ với độc giả Tin mừng.
SỨ ĐIỆP
Một điều thường thấy ngày nay là trong nhiều gia đình kitô hữu, cha mẹ không đưa con đến nhà thờ để rửa tội, mà đợi cho nó khôn lớn. Một ngày nọ, một bà mẹ cho biết lí do: “Chúa Giê su đã được rửa vào lúc 30 tuổi”. Khi vị linh mục đã cắt nghĩa rằng phép rửa đó không giống phép rửa của chúng ta, thì bà mẹ trả lời: “Nhưng con cũng muốn con cái được rửa như Chúa Giê su”.
Thật là một kiểu lí luận không thể hiểu nỗi. Nhưng phải xác định rằng có một sự khác biệt to lớn giữa hai phép rửa. Phép rửa mà Gioan Tẩy giả đề nghị chỉ nhằm mục đích chuẩn bị đón chào Đấng Messia đến. Đó là dấu chỉ cho thấy rằng con người muốn sám hối và thanh luyện bản thân. Hiện nay hằng năm, người Ấn độ có thói quen trầm mình trong dòng nước sông Hằng Hà để tự giải thoát mình khỏi kiếp luân hồi. Tội lỗi ăn sâu vào da thịt nên con người tìm mọi cách giải thoát mình.
Trong nước sông Giođan, Gioan mời gọi những ai đi tìm bình an trong tâm hồn rửa sạch lỗi lầm của mình, ngài dùng một kiểu nói rất mạnh khuyên họ phải ăn năn sám hối. Trong số đó, có những người thu thuế tai tiếng, những anh lính dã man, chuyên cướp bóc tài sản người khác và cũng có những người Pharisêu tự hào, tưởng rằng mình công chính. Khi gọi họ là nòi rắn độc, ông ám chỉ đến con rắn khởi thủy đã lôi kéo ông Adong và bà Evà phạm tội. Ông thấy cần phải cho họ hiểu rằng họ thuộc dòng dõi ấy, nhằm nhấn mạnh rằng trước khi đạt đến mức độ sám hối thực sự, còn rất nhiều việc phải làm.
Và đây, Chúa Giê su đến trà trộn vào đám đông những người tội lỗi để xin chịu phép rửa như họ. Thế nhưng, vì Ngài không có tội gì cần được tha thứ, nên không cần phải thực hiện bước thanh luyện đó. Trái lại, đám đông đến với Gioan để giải thoát mình khỏi tội bằng cách trầm mình xuống nước. Riêng đối với Chúa Giê su, Ngài muốn ở giữa những con người tội lỗi và liên đới với họ để khẩn cầu Thiên Chúa ban bình an. Khi dìm mình trong dòng nước, Ngài hoàn toàn không vướng mắc tội, và khi từ dưới nước đi lên, Ngài gánh vác tội lỗi trần gian. Đó là hình ảnh cho thấy Ngài đã để mình chìm sâu xuống đáy thân phận con người.
Cũng một Đức Kitô ấy tiếp tục hiện diện trong những khổ đau trần thế chúng ta. Ngài cũng hiện diện ở giữa những nạn nhân của các tai ương trên toàn thế giới. Ngài ở giữa những kẻ đói khát, trần truồng, vô gia cư, không việc làm, những người đau yếu và tù tội. Ngài đồng hóa với mỗi người trong họ, cả khi họ không cùng một tôn giáo với chúng ta. Chương trình to lớn của Ngài là dẫn tất cả họ về với Cha.
Đó là tin mừng được xác định qua một biến cố quan trọng. Thật vậy, thánh Mát thêu kể lại rằng khi Chúa Giêsu đã được rửa thì trời mở ra và tiếng của Chúa Cha vọng xuống: “Đây là Con ta yêu dấu, Ta hài lòng về Ngài”. Từ rất lâu, trong Cựu Ước người ta tìm hiểu tại sao Thiên Chúa lại im tiếng. Một vài người thì gọi đó là một sự trừng phạt. Trái lại, một số khác lại nghĩ rằng đó là cách Thiên Chúa kiên trì không muốn trừng phạt (Is 57, 11). Dù hiểu theo kiểu nào đi nữa, thì sự im lặng của Thiên Chúa là hậu quả của tội lỗi Israen.
Nhưng giờ đây, tương quan giữa Thiên Chúa và dân của Người được tái lập. Cử chỉ được hoàn thành trong phép rửa này hướng chúng ta đến tương lai, nhưng mạc khải chính yếu đến từ trời. Tin mừng hôm nay nói với chúng ta rằng, cả chúng ta nữa, chúng ta là con cái yêu dấu của Cha. Thật là một tin vui khơi dậy trong chúng ta niềm hân hoan và hi vọng.
Một cách cụ thể, người ta có thể nói rằng phép rửa của Chúa Giê su đã dìm Ngài trong tội lỗi và nỗi khốn cùng của con người. Còn phép rửa kitô giáo thì khác hẳn. Nó đưa chúng ta vào trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Nó tháp nhập chúng ta vào trong một đại gia đình gọi là Giáo Hội. Chính vì lẽ đó mà phép rửa Kitô giáo được cử hành trong cộng đoàn họp nhau để cử hành Thánh lễ. Bí tích ấy trước tiên không phải nghi thức mừng sự sinh ra, nhưng là mừng quà tặng của Thiên Chúa nhận chúng ta là con. Người ta không chọn Thiên Chúa, nhưng chính Người chọn chúng ta và yêu thương chúng ta trước. Người không ngừng đi bước trước về phía chúng ta vì Người gắn bó với từng người chúng ta như là của quí giá nhất của Người.
Đó là tin mừng đem lại cho đời sống chúng ta một ý nghĩa, và chúng ta không thể giữ nó cho riêng mình. Phép rửa Kitô giáo là điểm khởi hành cho một giai đoạn mới, đó là việc dấn thân đi theo Chúa, một lời mời gọi trở thành nhà truyền giáo. Quà tặng ấy Thiên Chúa ban như một ánh sáng chuyển thông cho chúng ta để soi sáng cả thế giới: “Sự mong manh của Giáo hội ít khi phát xuất từ những tấn công bên ngoài mà thường hơn là do sự tầm thường của những phần tử trong Giáo Hội”.
Để tránh những lệch hướng đó, cần thiết phải quan tâm đến việc giáo dục đức tin trong gia đình. Mọi đứa trẻ muốn lớn khôn đều phải học đi và học nói, tức là những yếu tố cần thiết để sống. Thì cũng thế, những ai đã chịu phép rửa, đều phải học nói với Thiên Chúa, học đi đến với Người, học biết cách thực hiện và làm chứng cho tình yêu Người.
Với thánh lễ hôm nay, chúng ta đi vào mùa thường niên, dù không có nhiều lễ trọng nhưng cũng quan trọng, vì đó chính là thời gian cần thiết để lớn lên trong sự trung thành và lắng nghe lời Thiên Chúa. Ước gì chúng ta khám phá và tái khám phá rằng chúng ta tất cả đều là con yêu dấu của Cha.