LỄ BAN NGÀY GIÁNG SINH
Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18
HÃY THẮP LÊN NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG
NƠI THA NHÂN
I.
HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 1,1-18
1 Lúc
khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên
Chúa. 2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3 Nhờ Ngôi Lời,
vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều
đã được tạo thành. 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho
nhân loại. 5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt
được ánh sáng. 6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.
7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà
tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.
10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không
nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón
nhận. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì
Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. 13 Họ được sinh ra, không phải
do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người
đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư
ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang
mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. 15 Ông
Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: "Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người
đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi." 16 Từ nguồn sung
mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. 17 Quả
thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì
nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. 18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính
Người đã tỏ cho chúng ta biết.
2. CÂU CHUYỆN VÀ SUY NIỆM:
1)
TẠI SAO THIÊN CHÚA PHẢI NHẬP THỂ TRỞ THÀNH EMMANUEN ?
Hôm nay chúng ta cử hành biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại:
“Chúa Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể đã xuống thế làm người”. Người là Con Một của
Chúa Cha, vì yêu thương nhân loại, đã từ trời cao xuống đầu thai thành một người
phàm, “nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không phạm tội” (Dt 4,15). Tin mừng
Gio-an đã diễn tả mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể trong lời tựa mở đầu sách Tin Mừng
Thứ Tư như sau: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng
tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Đức Giê-su là Đấng
“Em-ma-nu-en - Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Người đã đến cắm lều ở giữa chúng ta
để cứu chuộc chúng ta. Tại sao Chúa lại phải đích thân xuống thế làm người như
vậy ? Câu chuyện sau đây của Sadhu Sundar Singh, một nhà huyền bí Ki-tô giáo
người Ấn độ trả lời cho vấn nạn ấy:
Xưa kia một ông vua đã
chọn một ông quan thông thái và thánh thiện tên là
The Vizier để luôn đi theo làm bầu bạn và giải đáp các thắc mắc của nhà
vua. Một hôm trên đường đi hành hương thánh địa Palestine,
The Vizier đã bị xúc động mãnh liệt khi được nghe
biết câu chuyện của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế,
tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương nhân loại tội lỗi, nên đã nhập thể
làm người để ban ơn cứu chuộc cho loài người. Sau đó ông ta
đã xin theo đạo Công giáo. Khi trở về triều, nhà
vua thắc mắc hỏi quan The Vizier rằng: “Nếu trẫm muốn
làm bất cứ điều gì, trẫm sẽ không cần đích thân làm, mà chỉ cần
ra lệnh cho quần thần là việc đó sẽ lập tức được thi
hành. Vậy tại sao Chúa Giê-su là vua các
vua, là Thiên Chúa quyền năng, có thể cứu rỗi nhân loại chỉ
bằng một lệnh truyền, nhưng người lại phải nhập thể làm người, trở
thành Đấng “Emmanuen - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” như vậy làm chi?” Bấy giờ
quan cố vấn The Vizier xin nhà vua cho thời gian suy nghĩ một
ngày trước khi trả lời cho nhà vua. Ngay sau đó,
ông ta cho người nhờ một người thợ mộc tài giỏi
trong nước làm gấp một con búp bê và cho mặc quần áo giống y
như hoàng tử một tuổi con trai của nhà vua. Ông cũng căn dặn
hôm sau phải mang búp bê đó đến cho ông.
Sáng
hôm sau, khi vua và quan cố vấn đang chèo thuyền dong
chơi trong hồ lớn bên trong hoàng cung, vua đã yêu cầu quan cố
vấn hãy trả lời cho câu hỏi của vua hôm trước. Bấy giờ quan cố vấn ra hiệu
cho người thợ mộc đang có mặt ở bờ hồ, trên tay bế con búp bê giống hệt
hoàng tử một tuổi con trai của nhà vua. Nhà vua trông
thấy hoàng tử con trai của mình trên tay người lạ thì tưởng
là thích khách. Nhất là khi thấy tên thích khách kia ném hoàng tử xuống hồ nước,
nhà vua liền nhảy xuống hồ bơi nhanh đến để kịp thời cứu hoàng tử sắp
bị chết chìm, mà không ra lệnh cho quần thần chung quanh.
Sau khi quan quân đưa được nhà vua và hình nộm búp bê hoàng tử kia
lên thuyền, quan cố vấn liền hỏi: “Tâu đức vua, thần nghĩ là đức
vua không cần phải nhẩy xuống hồ nước, mà chỉ cần ra lệnh
cho quần thần làm việc ấy không được hay sao ? Tại sao chính đức
vua lại phải nhẩy xuống hồ để cứu hình nộm hoàng tử vậy?” Nhà
Vua suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Trẫm nghĩ
có lẽ việc trẫm vừa làm là câu trả lời của khanh muốn nói cho trẫm biết lý
do tại sao, để cứu nhân loại khỏi chết, Thiên Chúa
toàn năng lại phải đích thân nhập thể làm người, thay vì ra
lệnh cho ai khác làm điều đó”.
2) THẮP LÊN NGỌN LỬA TIN
YÊU NƠI THA NHÂN BẰNG SỰ THĂM VIẾNG VÀ PHỤC VỤ:
Một
ngày kia, tại Melbourne nước Úc, mẹ Tê-rê-sa đến thăm một người đàn ông lớn tuổi
nghèo khó và cô độc, đang sống dưới tầng hầm của một chung cư. Căn phòng của
ông tối tăm và bề bộn, và ít khi ông bước ra khỏi phòng. Thái độ của ông không
mấy phấn khởi khi thấy có người đến thăm. Sau mấy lời chào hỏi, mẹ Tê-rê-sa bắt
đầu đi thu dọn và sắp xếp lại căn phòng. Lúc đầu, ông ta tỏ ý không muốn qua
câu nói: “Bà cứ để mọi sự như cũ cho tôi. Tôi đã quen với cảnh này rồi”. Mặc dù
thế, mẹ vẫn cứ xúc tiến công việc của mình. Mẹ vừa dọn dẹp, vừa nói chuyện với
ông ta ngồi trên nệm kê ở góc phòng. Dưới một đống rác cạnh tường, mẹ phát hiện
ra một cây đèn dầu phủ đầy bụi bặm, liền lấy ra lau chùi. Nhận thấy cây đèn khá
đẹp, mẹ liền nói với ông ta: “Ông có một cây đèn dầu rất đẹp, vậy ông có thường
thắp sáng nó lên hay không?” Ông ta đáp: “Tôi có hay thắp sáng cây đèn đó lên
hay không ư ? Có ai đến thăm tôi đâu !” Mẹ nói: “Thế ông có bằng lòng cho chúng
tôi thường xuyên đến thăm ông để có dịp thắp sáng cây đèn này lên hay không?”
Ông ta trả lời “Vâng, nếu tôi nghe thấy một giọng nói của người nào, thì tôi sẽ
thắp đèn lên”.
Từ
ngày đó hai nữ tu dòng của mẹ Têrêxa đã thường xuyên đến thăm viếng ông lão. Mọi
sự đã dần dần được cải thiện. Mỗi lần các nữ tu đến thăm, ông ta đều thắp sáng
cây đèn lên. Thế rồi một ngày nọ, ông đã nói với các nữ tu: “Thưa các sơ, kể từ
bây giờ, tôi đã có thể tự xoay xở mọi việc được rồi. Xin các sơ nói với mẹ bề
trên đã đến thăm tôi cách đây ít lâu là: ánh sáng mà bà đã thắp sáng trong tôi
từ đó đến nay vẫn đang cháy sáng trong tôi”.
Chính
lòng nhân ái thể hiện qua hành động thăm viếng và thái độ đầy tình người của mẹ
Têrêxa và các chị em nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái đã thắp sáng lên ngọn lửa tin
yêu trong tâm hồn người đàn ông nghèo khó cô đơn nói trên.
3. LỜI CẦU:
Lạy
Chúa. Mầu nhiệm Chúa giáng sinh hôm nay mời gọi mỗi người chúng con biết nghĩ đến
những người chung quanh, nhất là những người đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, cô độc
và những đôi vợ chồng bất hạnh. Xin cho chúng con ý thức Chúa đang hiện thân
nơi họ để mời gọi chúng con thăm viếng, động viên an ủi, sẻ chia tinh thần vật
chất, để thắp sáng lên ngọn lửa tin yêu vẫn đang còn âm ỉ trong tâm hồn họ. Xin
Chúa cũng giúp chúng con biết nhìn thấy Chúa nơi những người thân trong gia
đình chúng con như: chồng vợ, cha mẹ, anh chị em trong cùng một mái nhà, để cảm
thông, tha thứ và sẵn sàng chia sẻ lời chúc bình an hạnh phúc cho họ. Nhờ đó,
Chúa là tình thương sẽ có thể hiện diện nơi bản thân, gia đình, khu xóm và nơi
làm việc của chúng con.- AMEN.
LM ĐAN VINH - HHTM