NÉT ĐƠN THÀNH NƠI
MÁNG CỎ BÊLEM
Lễ Giáng Sinh 2014, Lễ Đêm
Lời Chúa: Lc 2,1-14
(1) Thời ấy, hoàng đế
Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Ðây
là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ
Xyria. (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi
thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành Bêlem, miền Giuđê, là
thành vua Ðavít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Ðavít. (5) Ông
lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có
thai. (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt
khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm
trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
(8) Trong vùng ấy, có những
người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Và
kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến
họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng
sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn
dân: (11) Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành
vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận
ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ". (13) Bỗng
có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
(14) Vinh danh Thiên Chúa
trên trời.bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.
Suy Niệm
Đêm
nay, nhiều người trên thế giới, trong đó có mỗi người trong chúng ta, mong muốn
hưởng niềm vui thẳm sâu của Ngày Đại Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh. Chúng ta biết là ở
nhiều nơi trên thế giới vẫn còn đây đó những tiếng súng của chiến tranh, còn
đây đó tiếng than khóc của những con người đau khổ, còn đây đó những cõi lòng
đang đau gánh nặng của cuộc đời, …và còn đây đó những con người bất hạnh đang
lang thang nơi đầu đường cuối phố, những em nhỏ còn ngụp lặn trong kiếp nhân
sinh cơ cực, ngay cả thiếu sự tôn trọng nhân phẩm và giá trị của con người. Nỗi
cơ cực ! sự lầm than ! Cô đơn làm cho lòng người thấy giá lạnh !
1. Bối cảnh
Bêlem xưa: nghèo hèn
Nhưng,
năm xưa có một hài nhi đã giáng sinh cho chúng ta, như lời Thiên Sứ loan tin
cho các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng
trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh
ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. Anh em
cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm
trong máng cỏ.” (Lc 2,10b-12). Đoạn Tin Mừng kế tiếp cho chúng ta thấy “các mục
đồng đã hối hả ra đi, và gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm
trong máng cỏ.” (Lc 2,16). Đúng là họ đã gặp Đấng mà họ đã được sứ thần báo trước,
trong một bối cảnh hợp với những điều mà sứ thần đã cho họ biết: Hài nhi
được sinh ta trong cảnh cơ hàn. Làm sao một Hài Nhi còn non yếu, bọc tã, nằm
trong máng cỏ lại là Đấng Cứu Độ, là Đức Chúa, là Đấng Ki-tô? Những tước hiệu của
vị Vua nói lên căn tính của Đấng Thiên Sai đã được sứ thần nói đến. Đấng Cứu Độ
được sinh ra trong cảnh nghèo hèn như vậy đó, “từ lúc sinh ra, Người không thuộc
về môi trường quan trọng và quyền lực theo cách đánh giá của trần gian. Hang
Bêlem năm xưa thật khiêm hạ, nơi mà không ai thích đến, nhất là đêm đông giá buốt.
Nhưng chính nơi đó lại là điểm hẹn của tình thương, nơi ẩn chứa “một biến cố
thánh thiện.”[1] Đấng
Cứu Độ của chúng ta đã được sinh ra trong cảnh nghèo hèn như thế.
2. Điểm hẹn của tình thương
Đức
Thánh Cha Benedicto XVI đã chú giải rất hay về ý nghĩa của máng cỏ: là nơi súc
vật tìm thức ăn. Tin Mừng không nói đến súc vật, nhưng Cựu Ước soi sáng cho
chúng ta hiểu điều này: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà
chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì.” (Is 1,3).[2] Điều
này cho thấy ý nghĩa của chốn tĩnh lặng của Bêlem. Đối chiếu với cảnh nhộn nhịp
của thành Giêrusalem, Bêlem khiêm tốn đã tiếp đón Đấng Cứu Độ; Nhưng, dân chúng
đã không sớm nhận ra cuộc Giáng Sinh kỳ diệu này.
Những
người đầu tiên được mời gọi đến thăm Hang Đá Bêlem là các mục đồng. “Trong vùng
ấy có những người chăn chiên sống ngoài đồn và thức đêm canh giữ đàn vật. Và
kìa, sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh.”
(Lc 2,8-9). Họ là những người gần với Hang Bêlem nhất, tính về địa lý (khi
thành Giêrusalem còn đang yên giấc); họ còngần nơi xảy ra biến cố hơn ai hết bởi
yếu tố tâm linh, vì tâm hồn của họ không xa cách mấy với Thiên Chúa: họ có tâm
hồn đơn giản. Họ thuộc về những người nghèo, với tâm hồn đơn sơ được Đức Giêsu
ca ngợi: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu
kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải
cho những người bé mọn.” (Lc 10,21). Họ đại diện cho những người nghèo hèn
trong Israel, và những người nghèo nói chung: những con người được sự ưu ái của
tình yêu Thiên Chúa. Truyền thống đan viện còn đưa ra một điểm nhấn: họ là những
người canh thức.[3]
Hình
ảnh thật dễ thương nơi đây chính là: Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành được
sinh ra giữa những vị mục tử. Những con người khiêm hạ này được ánh sáng của Đấng
Cứu Độ bao chùm, họ từ trạng thái sợ hãi chuyển sang trạng thái vui mừng, vì Đấng
Cứu Độ của nhân loại đang ở giữa họ.
2. Niềm vui nội
tại
Với
con người chúng ta, ai cũng thích vui, thích nhộn nhịp. Nhưng những niềm vui trần
thế đều chóng qua, và sẽ không để lại gì trong chúng ta nếu chúng ta không quy
hướng chúng vào một niềm vui duy nhất: Vui trong Đức Chúa, Đấng Cứu Độ
chúng ta. Niềm vui này phải là một niềm vui nội tại phát sinh từ cuộc gặp gỡ của
chúng ta với Chúa, như các mục đồng đã gặp gỡ Đấng muôn dân mong đợi. Các mục đồng
vui trước biến cố Giáng Sinh, các ông vui vì thấy những điều được loan báo về
Hài Nhi, các ông vui với một niềm vui đích thực vì đụng đến cội nguồn của niềm
vui: chân, thiện, mỹ đang hiện hữu. Những điều này là những thực tại bất biến
nơi Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxico, trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng đã
nói đến niềm vui nội tại này: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và trọn
cuộc sống của những ai gặp gỡ Đức Giêsu. Những ai để cho Người cứu độ sẽ được
giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đau buồn, khỏi cuộc sống trống rỗng, khỏi cô đơn.”
(Evangelii Gaudium, số 1).
Chính
đây là sức mạnh mà sứ điệp Giáng Sinh mang lại cho chúng ta: Đức Giêsu Ki-tô, Đấng
Cứu Độ chúng ta, đã mang lại cho nhân loại chúng ta niềm vui thẳm sâu của Ơn Cứu
Độ, một niềm vui mà con người chỉ có thể lãnh hội và cảm nhận khi biết đi tìm
kiếm những giá trị thuộc về Người, những giá trị nhiều khi mang tính đối nghịch
với thực tại trần gian này. Niềm vui của Chúa có sức lan tỏa, đã khởi đi từ
Bêlem, và còn theo các mục đồng trên đường về nhà, “họ vừa đi vừa tôn vinh
ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe.” (Lc 2,20).
Lm.
Đaminh Nguyễn Hữu Cường O.P.