LỄ THÁNH GIA 2014:
GIA ĐÌNH CỦA TÔI ƠI!
Thưa quý OBACE
Chúng ta cùng cả Giáo Hội Việt Nam dành năm 2014 cho việc nhìn lại đời sống gia đình để cùng nhau làm cho Tin Mừng trở nên mới mẻ và thành động lực sống cho gia đình. Lý do Giáo Hội Việt Nam và Giáo phận chúng ta chọn năm nay cho việc Sống và loan báo Tin Mừng là vì trong những năm vừa qua nhìn lại lại đời sống của các gia đình, nó đã mất đi nhiều vẻ đẹp và sự tươi sáng của một mái ấm, mà thay vào đó, gia đình đang chịu sức ép và sự công phá nặng nề bới các khuynh hướng của xã hội đưa đến sự đổ vỡ, bất hạnh và nạn nhân đầu tiên của các cuộc chiến trong gia đình chính là con cái.
Ai cũng biết rằng gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội, là Hội Thánh tại gia, thế nhưng nhiều gia đình đã bỏ quên đời sống cầu nguyện, đã không còn phải là một tổ ấm hiệp nhất yêu thương, đã không còn là nơi an toàn cho con cái và sự sống, và mất đi nhiệt tâm sống đạo và giới thiệu về Chúa Kitô cho người bên cạnh.
Nhìn vào những bản thống kê gần đây thực sự đã gây lo ngại cho tương lai của các gia đình, các cuộc hôn nhân không tình yêu, hôn nhân vì kinh tế với người ngoại kiều gia tăng. Tình trạng hôn nhân tan vỡ đã lên đến mức báo động khoảng 40%, trong đó người Công Giáo khoảng 15%. Tình trạng bỏ quê lên thành phố hoặc vào Nam làm ăn khiến cho hàng chục triệu người phải ly tán xa gia đình vì công ăn việc làm. Con số ca nạo phá thai ở một số các bệnh viện lớn khoảng 300.000 ca trong một năm… và bao nhiêu vấn đề về kinh tế, lối sống khác nữa đang ảnh hưởng đến gia đình.
Trong bối cảnh ấy chúng ta mừng lễ Thánh Gia Chúa Giêsu Đức Mẹ và Thánh Giuse, đồng thời mừng các gia đình kỷ niệm giáp năm ngày thành hôn, đây là dịp tốt nhất để chúng ta nhìn vào mẫu gương gia đình của Chúa để soi rọi và điều chỉnh gia đình của mình.
Không phải chỉ ngày nay mới có nhiều khó khăn cho gia đình, nhưng có thể nói thời nào cũng có những khó khăn riêng của nó, và vì thế Giuse Maria cũng có những khó khăn riêng trong gia đình của các Ngài, nhưng các Ngài vẫn giữ gìn được sự bình an và làm cho gia đình mình trở thành một gia đình tuy nghèo nàn đơn sơ, nhưng rất ấm cúng, hạnh phúc và thánh thiện. Các Ngài đã làm cách nào?
Các Ngài đã biến gia đình mình trở thành một gia đình cầu nguyện. Nói như thế không có nghĩa là lúc nào họ cũng đọc kinh, mà là gia đình của các ngài luôn sống trong bầu khí cầu nguyện, luôn có tâm tình cầu nguyện. Vì Giuse Maria rất ý thức về sự hiện diện của Chúa trong gia đình của mình, Đức Giêsu vừa là con, song lại vừa là Thiên Chúa đang ở trong gia đình, nên mọi công việc, mọi lo toan trong gia đình, hai ông bà đã làm vì Chúa và làm mọi việc để cho Chúa được lớn lên trong gia đình. Chính vì thế họ dễ dàng nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa qua lời mộng báo đem trẻ Giêsu và Mẹ Người trốn qua Ai Cập để tránh nguy hiểm cho Giêsu.
Chắc chắn nhìn vào khung cảnh của hang đá giáng sinh chúng ta đã có thể thấy được bầu khí đạo đức thánh thiện và yêu thương toát lên từ gia đình này. Gia đình này đã nêu gương cho tình tình yêu chung thủy. Có những lúc Giuse bị “cám dỗ” giải quyết vấn đề theo thói thường của xã hội, tức là chấp nhận một cuộc ly hôn, bỏ trốn một mình. Thế nhưng trong hoàn cảnh ấy, Giuse vẫn dằn vặt để mong tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong thử thách đầu đời cuộc sống gia đình của mình. Vì trăn trở và lo lắng cho Maria, nên Giuse đã không tố cáo Maria, mà lại đón nhận Maria về nhà theo lời của Sứ thần mộng báo. Điều đó chứng tỏ Giuse đã chọn để trung tín trong cuộc sống hôn nhân mà Chúa đã muốn, là đón nhận và yêu thương Maria như là vợ của mình.
Kế đến Gia đình Thánh Gia nêu gương bảo vệ sự sống. Sự sống là quà tặng của Thiên Chúa, thuộc chủ quyền của Thiên Chúa, con người không bao giờ được phép định đoạt cho đứa con này được sống, được sinh ra, đứa kia phải chết. Giuse và Maria ý thức rất rõ mầm sống trong lòng của Maria là chính Thiên Chúa nữa. Vì thế mà Giuse và Maria đã hết lòng để bênh vực và bảo vệ sư sống này. Khi vua Herode ra lệnh tiêu diệt tất cả các hài nhi trong vùng, thì Giuse đã dựa vào giải pháp của Thiên Chúa, đó là đem Hài nhi và Mẹ Người trốn qua Ai Cập. Một cuộc tẩu thoát như thế quả thật là nhiều nguy hiểm gian nan, nhưng bằng mọi giá, Giuse đã đem Maria và Hài nhi ra đi ngay lúc nửa đêm để tránh bàn tay độc ác của Herôđe và bảo vệ sự an toàn cho hài nhi. Rồi khi được lệnh trở về, Giuse cũng đã khôn ngoan để chọn vùng Nazaret là một làng quê bình yên để cư ngụ giúp cho sự an toàn của hài nhi và cả gia đình.
Sau cùng, Gia đình Thánh gia đã nêu gương cho chúng ta trong việc sống và loan báo Tin Mừng. Nếu hiểu Tin Mừng là tin vui cứu độ, tin giải thoát cho nhân loại và chính con người của Chúa Giêsu là Tin Mừng, Ngài đến từ Thiên Chúa để ở với con người, thì Giuse Maria quả thật đã trở thành tấm gương sống và loan báo Tin Mừng này. Giuse Maria đã sống Tin Mừng bằng cách mở rộng tâm hồn để cho Thiên Chúa, Đấng cứu thế bước vào tâm hồn và chi phối cuộc đời của mình. Cả Giuse và Maria không thể hiểu hết những lời giải thích của sứ thần về việc đầu thai của Hài nhi, của việc đón nhận Hài nhi và đặt tên là Giêsu, song ông bà đã xin vâng không hề nghi nan. Trong khung cảnh Giáng sinh thì chính Giuse và Maria đã giới thiệu Hài nhi mới sinh bọc trong khăn và đặt nằm nơi máng cỏ cho các mục đồng, cho các nhà đạo sĩ và chắc chắn các mục đồng các đạo sĩ không chỉ thờ lạy Hải nhi mà còn được ẵm bế hài nhi và tin rằng Ngài là tin vui cho toàn dân.
Thưa quý OBACE, với trách nhiệm làm cha mẹ, có khi nào chúng ta tự đặt vấn đề với nhau hoặc với chính mình để tìm nguyên nhân tại sao gia đình mình không hạnh phúc? Tại sao gia đình mình hay lục đục cãi vã…? Đừng tránh né sự thật hãy đặt vấn đề với chính lương tâm của mình chúng ta sẽ tìm được câu trả lời.
Nhiều gia đình hôm nay đã để cho cái ti vi và các chương trình trên đó thống lĩnh suốt ngày trong gia đình và khiến họ không còn giờ cho việc đọc kinh mỗi tối, không còn giờ để nói chuyện với nhau, và thậm chí bữa cơm gia đình mọi người cũng dán mắt vào cái tivi và không còn cười đùa được với nhau nữa. Vì không nói chuyện được với nhau, khiến họ cũng không thể hiểu nhau và không còn thông cảm yêu thương nhau được nữa.
Nhiều cha mẹ vì ích kỷ hẹp hòi, vì thiếu lòng quảng đại mà họ biến gia đình mình trở thành lò sát sinh, giết chết nhiều đứa con của mình. Một gia đình như thế sẽ không thể có bằng an trong tâm hồn và vì thế sẽ không thể nào có bình an trong gia đình, ngược lai chỉ có sự dằn vặt và cắu gắt mà thôi. Nhiều gia đình khác đã không biết phải dạy dỗ con cái thế nào, đã để cho công việc, ăn uống say sưa, cờ bạc, cá độ và bạn bè chiếm hết thời giờ của con cái, khiến cho con cái cảm thấy lạc lõng ngay trong gia đình.
Hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân gia đình Chúa ban cho mỗi người, và tạ ơn Chúa vì món quà là vợ, là chồng, là con cái Chúa đã ban tặng cho gia đình. Hãy đón nhận nhau như là quà tặng của Thiên Chúa để biết trân trọng đối với nhau và nhất là trân trọng với Đấng đã trao tặng mình. Hãy nhìn vào gia đình Thánh gia để học ở nơi đó tấm gương của người chồng, người vợ thánh này, mà biết vun đắp cho gia đình mình trở nên một gia đình thánh thiện, ấm cúng, thuận hòa.
Điều chúng ta cần quan tâm không chỉ là gia đình chúng ta ăn cái gì, mua sắm cái gì, điều mà mọi người cần phải đầu tư nhiều hơn đó là gia đình chúng ta sống như thế nào, có hạnh phúc hay không. Đó mới là điều đáng hãnh diện và mơ ước. Khi vun đắp cho gia đình mình mỗi ngày như thế, thì chúng ta sẽ là gia đình sống và làm chứng về Chúa cho người chung quanh. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
CHÚA GIÊSU TRONG CÁC GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO
Hôm nay Giáo hội muốn chúng ta nhìn vào gia đình Chúa Yêsu, Ðức Mẹ và thánh Yuse như là gương mẫu của đời sống gia đình Kitô giáo. Nhưng ba bài Kinh Thánh chúng ta vừa nghe đọc lại không phục vụ hoàn toàn mục tiêu trên. Cả ba bài, có thể nói, chẳng cho chúng ta thấy gì về nếp sống hàng ngày của Thánh gia thất. Bài sách Huấn ca của Cựu Ước khuyên người ta kính yêu cha mẹ. Bài thư Phaolô nói đến bổn phận của mỗi hạng người trong gia đình, nhưng không lấy Thánh gia làm gương mẫu. Còn bài Tin Mừng kể lại một truyện xảy ra trong đời sống của Thánh gia thất, nhưng cũng chẳng ngụ ý khuyên nhủ những nhân đức của đời sống gia đình. Muốn lấy Thánh gia thất làm mẫu mực cho các cách ăn nết ở trong nhà, chúng ta phải tìm đọc những bài Kinh Thánh khác.
Nhưng sao Phụng vụ lại không làm như vậy? - Thưa chỉ vì ý nghĩ lấy Thánh gia thất làm gương mẫu cho đời sống gia đình là một sáng kiến đến muộn trong lịch sử phụng vụ. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, Ðức Thánh Cha Lêô XIII mới lập ra lễ này. Còn trước đó, sau lễ Chúa Giáng sinh, Phụng vụ chỉ quan tâm kính nhớ những mầu nhiệm liên quan tới thời thơ ấu của Ðức Yêsu. Thành ra bài Tin Mừng hôm nay có trước. Ðời Ðức Lêô XIII mới thêm những bài Kinh Thánh về đời sống gia đình vào, mà không quan tâm đến các liên hệ với bài Tin Mừng. Do đó chúng ta có thể dựa vào hai bài đọc trước để nói về đời sống gia đình; và tìm hiểu bài Tin Mừng để biết thêm về mầu nhiệm của Chúa.
Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu bài Tin Mừng để nhận ra ơn cứu độ qua một sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời của Ðức Yêsu; rồi chúng ta tìm cách đưa ơn cứu độ đó vào đời sống gia đình. Có thể lúc ấy hai bài Kinh Thánh kia sẽ thêm ý nghĩa.
A. Ðức Yêsu Sống Ở Nagiarét
Câu chuyện trẻ Yêsu được đưa đi lánh nạn bên Aicập rồi được đưa về sống ở Nagiarét, chỉ được nói đến một lần mà thôi trong Kinh Thánh. Ngay cả Luca, tác giả về thời niên thiếu của Ðức Yêsu, cũng không ám chỉ đến câu chuyện này. Một mình thánh Mátthêô đã kể lại câu truyện chúng ta nghe đọc hôm nay. Người viết nó nơi phần đầu trong tác phẩm của người, phần mà người ta biết có tính thần học hơn là lịch sử. Bởi vì lịch sử cuộc đời Ðức Yêsu có thể nói chỉ công khai khởi sự từ khi Người chịu phép rửa của Yoan cho đến khi Người tử nạn - phục sinh. Thánh Phêrô đã quy định lời rao giảng của các Tông đồ về Chúa Yêsu trong quãng thời gian đó. Những bài viết về việc Người giáng trần và sống trong gia đình đã đến sau để bổ túc cho "lời giảng" của các Tông đồ. Chúng nặng tính cách suy tư thần học hơn là viết lại các câu truyện lịch sử.
Vậy Matthêô có những ưu tư và suy nghĩ nào khi thuật lại những việc xảy ra trong cuộc đời niên thiếu của Ðức Yêsu? Chúng ta có thể coi những bài viết về cuộc đời của Người trước khi chịu phép rửa tại sông Hòa giang như những chương giới thiệu "bản Tin Mừng" sẽ được viết ở các chương sau. Và những bài đề tựa ấy tóm tắt và cô đọng giáo lý sẽ được diễn tả sau này. Có thể nói Matthêô đã muốn giới thiệu Ðức Yêsu trong những chương đầu tiên với tất cả sự hiểu biết và niềm tin của người, để độc giả không bao giờ quên chân tướng đích thực của Ðức Yêsu trong các diễn tiến của các năm Người hoạt động ở đất Dothái. Matthêô tin Người là Ðấng Thiên Sai đến thi hành mọi lời tiên tri. Thế nên Người phải thuộc dòng tộc Ðavít. Matthêô nhấn mạnh đến Yuse trong các chương đầu của tác phẩm Tin Mừng cũng vì lý do này. Có thể nghĩ tác giả đã quan tâm đến các truyền thống về phía thánh Yuse hơn là về phía Ðức Maria, để làm chứng Ðức Yêsu thuộc dòng dõi Ðavít. Nhưng không vì vậy mà ông quên việc Ðức Yêsu "sinh ra bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần" để ngay từ đầu độc giả phải nhìn nhận Người là Con Thiên Chúa.
Người sinh ra để cứu thế; nên cũng ngay từ đầu Matthêô cho chúng ta thấy ơn cứu độ của Người đã lan ra khắp thế giới. Câu truyện Hài Nhi tỏ mình ra cho các đạo sĩ từ phương Ðông đến có mục đích phục vụ quan điểm này. Nhưng Người chỉ cứu thế bằng con đường Tử nạn - Phục sinh; nên sau bài tường thuật trên, Matthêô đã kể lại câu truyện chúng ta đọc hôm nay về trẻ Yêsu.
Ở đây, Yuse vẫn đóng vai chủ chốt, làm chứng đây còn là di tích của những câu truyện được truyền tụng trong đám họ hàng thân thích của Yuse, đề cao ý nghĩa Ðức Yêsu thuộc dòng dõi Ðavít. Yuse đóng vai chính trong câu truyện này, nhưng chỉ là vai trò phục viên, làm tất cả mọi việc vì Chúa Yêsu và cho Chúa Yêsu. Matthêô không nhắc đến tên Hài Nhi để biểu lộ cả một lòng tôn thờ. Ông nhìn thấy "mệnh" của Người trong những lời tiên tri Hôsê, Yêrêmia và sách Xuất hành. Ông tin rằng Người mới đích thực là Israel của Thiên Chúa. Thế mà Israel đã được đưa từ Aicập về nên câu truyện Hài Nhi phải đưa sang Aicập rồi được đưa từ đó về, há không muốn viết lại lịch sử Israel cũ sao? Và đã nói đến cuộc Xuất hành khỏi Aicập, làm sao có thể không nghĩ tới Môsê? Nhưng đối với Matthêô, Môsê đích thực là chính Chúa Yêsu. Thế nên ông không thể viết câu truyện Hài Nhi được cứu thoát khỏi bàn tay Hêrôđê mà không nghĩ tới truyện Môsê ngày trước được cứu khỏi nước, rồi được đưa sang vùng đất Mađian cho tới khi "chúng đã chết rồi, mọi kẻ tìm hại mạng Người" (Xh 4,19-20). Khi viết lại câu Kinh Thánh này, rõ ràng Matthêô muốn tuyên xưng niềm tin Chúa Yêsu là Môsê mới.
Hôm nay chúng ta thấy Người được đem đi lánh nạn rồi trở về Nagiarét. Hêrôđê đã hoài công làm đổ máu nhiều người vô tội. Chúa Yêsu đã không thoát khỏi tay Philatô và đang là Chúa sống lại ban sức mạnh cho các Tông đồ để khởi sự hoạt động của Hội Thánh từ "Galilê dân ngoại" đó sao? Như vậy, câu truyện Hài Nhi được cứu thoát hôm nay chẳng muốn diễn tả cuộc Tử nạn - Phục sinh của Chúa Yêsu đó sao? Matthêô trong câu truyện này muốn báo trước việc thế gian muốn giết Chúa Yêsu, nhưng Người đã sống lại mạnh hơn bao giờ hết từ cõi chết. Có lẽ đó mới là những điều Matthêô muốn diễn tả thật sự khi viết nên câu truyện này.
Chúng ta có thể tóm tắt được như sau: tác giả đã dùng một câu truyện truyền tụng trong đám bà con họ hàng của Yuse để giới thiệu Chúa Yêsu, không phải là một Hài Nhi ở Nagiarét mà là Ðấng Thiên Chúa đang sống động trong lời giảng của các Tông đồ. Người là Vị Thiên Sai của Thiên Chúa sinh ra trong dòng dõi Ðavít. Người là Israel mới mà Thiên Chúa cứu chuộc. Người là Môsê đích thực đã được cứu thoát để xây dựng Dân Mới cho Thiên Chúa. Ý đồ tương tự nơi Israel cũ trong thời gian ở Aicập và lưu đày ở Babylon. Nhưng nhất là nó báo trước cuộc Tử nạn - Phục sinh của Chúa Yêsu: thế gian tưởng giết chết được Người, nhưng kìa Người đã sống lại và đang ở "Babylon dân ngoại" tức là Hội Thánh của chúng ta hiện nay.
Chúng ta hãy nghe Matthêô tuyên xưng niềm tin phong phú ấy để yêu mến Chúa Yêsu nhiều hơn và lãnh nhận lấy ơn cứu độ từ nơi Người.
Nhưng Người có thể làm gì cho các gia đình Kitô giáo của chúng ta qua câu truyện hôm nay không?
B. Sự Sống Của Chúa Yêsu Trong Các Gia Ðình Kitô Giáo
Bài học đầu tiên mà chúng ta cò thể dễ dàng rút ra từ câu truyện kể trong bài Tin Mừng, là Thánh gia thất nêu gương sáng cho mọi gia đình Kitô giáo phải luôn tôn thờ và tuân phục Thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta đã nói, trong câu truyện này, thánh Yuse tỏ ra là một phục viên hoàn toàn. Người nghe theo. Ý Chúa tỏ ra qua lời dạy bảo của thiên thần. Ðang đêm người đã chỗi dậy mang Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Aicập. Và hai ngài cũng để cho ông làm như ý muốn, chứng tỏ cả Thánh gia thất đều mật thiết một lòng một ý trong việc tuân theo Ý Chúa.
Ước gì mọi gia đình Kitô giáo duy nhất với nhau như vậy trong việc tôn thờ và thi hành Thánh Ý Thiên Chúa! Và trước hết ước gì mỗi người trong các gia đình Kitô giáo luôn nhớ rằng có một Thánh Ý Thiên Chúa đang muốn cho mình phải thi hành. Chúng ta không tự lập và gia đình chúng ta cũng không hoàn toàn tự lập. Có Ðấng Sinh Thành mọi loài ở trên chúng ta. Ngài có sẵn một chương trình mưu cầu hạnh phúc cho hết thảy mọi người. Hạnh phúc của mọi người và của xã hội là thi hành kế hoạch kỳ diệu ấy. Thế nên gia đình phải đạo đức, phải công nhận và tôn thờ Ðấng ở bên trên mình. Ðại hội các Giám mục Việt Nam năm 1980 viết: Gia đình Kitô giáo phải là nơi cầu nguyện, nơi tiếp xúc với Thiên Chúa để biết Thánh Ý Người đối với đời sống của chúng ta. Và chúng ta không thể làm được công việc này khi trong gia đình không có lòng yêu chuộng việc học hỏi Lời Chúa và Giáo lý. Qua việc đọc Thánh Kinh và các sách đạo đức, các người trong gia đình mới nhận ra được Ý Chúa muốn cho mình làm gì và sống thế nào để bản thân được hạnh phúc, gia đình được thuận hòa, xã hội được vinh quang. Bởi vì càng đọc Lời Chúa, chúng ta càng thấy Thiên Chúa mở ra trước mắt mình một chương trình cứu độ muốn làm cho mọi người được hạnh phúc, và các phương thế nào giúp thi hành các chương trình ấy. Giống như trong bài Tin Mừng hôm nay, khi thấy Ðức Yêsu được đưa từ Aicập về để sống ở Galilê, tác giả Matthêô đã nhìn thấy kế hoạch của Thiên Chúa muốn cứu Dân Mới là Hội Thánh của Người và làm cho Dân ấy ngày càng lan rộng ra các dân ngoại.
Nếu các người trong gia đình Kitô giáo luôn nhớ đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa như vậy mà có lòng tôn thờ và vâng phục, thì gia đình mới khỏi là một tế bào khép kín và mới sống mở sang xã hội và mới đạt được mục đích mà Thiên Chúa đã đặt định khi lập ra nếp sống gia đình để loài người sinh sản ra thêm mãi cho đầy mặt đất và bá chủ trời đất này. Bấy giờ hai bài đọc kia, bài sách Huấn ca, và bài thư Phaolô mới thêm nhiều ý nghĩa.
Con cái sẽ thảo kính cha mẹ như lời sách Huấn ca dạy theo một tinh thần mới, tức là để tôn thờ Thánh Ý Chúa, để cho Chúa thấy lòng yêu mến của mình chứ không phải vì những lý lẽ tự nhiên và xác thịt. Phải, ở trong một xã hội đã đổi mới hoàn toàn, theo xác thịt nhiều khi con cái lớn lên không nhìn thấy cha mẹ là những người hợp thời và vì thế dễ mất lòng kính yêu cha mẹ. Nhưng những thái độ vô phép với cha mẹ chẳng bao giờ đem lại hạnh phúc. Ngược lại như cómột lời chúc dữ đang đè nặng trên tương lai của những người con dại dột ấy. Bài sách Huấn ca khuyên bảo con cái hãy có lòng đạo đức yêu mến Chúa trong cách cư xử với cha mẹ. Chắc chắn đó là con đường dẫn đến tương lai tốt đẹp và hạnh phúc.
Còn bài thơ Phaolô rất phong phú và muốn nói với hết thảy mọi người. Thánh Tông đồ khuyên chúng ta hãy mặc lấy đức mến là giềng mối của sự trọn lành. Và đức mến nói đây chính là sự bình an của Ðức Kitô ở trong lòng chúng ta, là Lời Ðức Kitô ngụ nơi tâm hồn để phàm điều gì chúng ta làm, ngôn hành bất luận, mọi sự thảy đều làm vì Danh Chúa Yêsu. Lúc ấy không phải chúng ta dễ nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau mà thôi, mà ai ai cũng sẵn có tinh thần muốn làm cho người khác được phong phú để cuộc đời của mình như để tận hiến cho người khác được hạnh phúc. Và như vậy há chúng ta chẳng chia sẻ một tâm tình như Thánh gia thất ngày xưa sao, vì bài Tin Mừng đã cho chúng ta thấy Thánh gia thất đã chỉ biết một việc là tuân theo Ý Chúa, và Ý Chúa là muốn Thánh gia thất về sống ở Galilê dân ngoại, tức là cống hiến đời mình cho công cuộc cứu thế.
Do đó, mừng lễ Thánh gia thất hôm nay chúng ta thêm lòng yêu mến thánh Yuse, Ðức Mẹ và Chúa Yêsu. Chúng ta cám ơn các Ngài đã hy sinh, vất vả vì chúng ta và để mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Chúng ta xin Thánh gia thất trở nên gương mẫu cho mọi gia đình Kitô giáo từ nay biết đặt Thánh Ý Chúa lên trên để không những biết sống thuận hòa yêu thương nhau, mà hơn nữa còn biết thi hành Thánh Ý Chúa là cởi mở sang cả thế giới, muốn phục vụ hạnh phúc của đồng bào và của mọi người, để có thể nói mọi gia đình Kitô giáo là một thánh gia thất ở Galilê dân ngoại, tức là biết chuyển ơn cứu độ của Chúa đến môi trường chung quanh. Muốn vậy chúng ta hãy bắt đầu bằng việc dâng lễ sốt sắng để nhờ việc Chúa ngự vào tâm hồn mọi trái tim chúng ta trở thành một thánh gia cho gia đình chúng ta và cho mọi gia đình khác.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
XÂY DỰNG HẠNH PHÚC NOI GƯƠNG THÁNH GIA
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 2,13-15.19-23
(13) Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !”. (14) Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi va mẹ Người trốn sang Ai-cập. (15) Ông ở đó cho đến khi Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.(19) Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, (20) báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì chưng kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. (21) Ông liền chỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, (23) và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”.
2. Ý CHÍNH: XUẤT HÀNH TỪ AI CẬP.
Tin Mừng hôm nay muốn nói lên tư tưởng Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa bảo vệ khỏi bàn tay độc ác của bạo vương Hê-rô-đê. Người là Mô-sê Mới, dẫn đầu dân Ít-ra-en Mới, xuất hành ra khỏi Ai Cập trần gian để về miền Đất Hứa là thiên đàng đời sau.
3. CHÚ THÍCH:
- C 13-14: + Sứ thần Chúa hiện ra: Tin Mừng Mát-thêu ghi lại 4 lần sứ thần Chúa hiện ra với ông Giu-se (Mt 1,20; 2,13; 2,19; 2,22). + Báo mộng cho ông Giu-se: Sứ thần Chúa hiện đến cùng Giu-se trong giấc mộng và thay mặt Thiên Chúa ra lệnh cho Giu-se phải làm theo. + Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập: Lệnh truyền này nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa để bảo vệ Hài Nhi Cứu Thế. Ai Cập là một nước lớn nằm sát bên nước Do thái về phía Nam, và là nơi những người Do thái bị ruồng bắt thường tìm đến lánh nạn (x. 1V 11,40). Đi từ Bê-lem tới Ai Cập mất khoảng 5-6 ngày đường. + Vì Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy: Hài Nhi Giê-su được đem sang Ai Cập để trốn khỏi sự khủng bố của vua Hê-rô-đê độc ác, giống như Mô-sê ngày xưa cũng phải trốn khỏi sự ruồng bắt của Pha-ra-ô nước Ai-cập (x. Xh 2,15). + Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập”: Câu này rút ra từ sách ngôn sứ Hô-sê (x. Hs 11,1), nói về cuộc Xuất hành của dân Ít-ra-en xưa. Khi đó dân Ít-ra-en đã được Đức Chúa gọi là “con Ta” (x. Xh 4,22).
- C 19-20: + Thánh gia trốn sang Ai-cập trong thời gian bao lâu: Khoảng từ vài tháng tới 3 năm. Giả sử thánh gia được triệu về ngay sau khi Ác-khê-la-ô lên kế vị (năm 750 tức khoảng năm thứ 4 đến thứ 6 sau Công Nguyên), thì thời gian ở bên Ai-cập của Thánh Gia không thể quá 3 hay 4 năm được. + Công Nguyên là gì: Công Nguyên hay Kỷ Nguyên Chung được tính bắt đầu từ năm Chúa Giáng Sinh. + Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập: Khi vua Hê-rô-đê Cả chết, ông Giu-se lại được sứ thần Chúa hiện đến trong giấc mơ ra lệnh cho ông mau đem Hài Nhi và mẹ Người trở về quê hương, vì mối nguy đã chấm dứt với cái chết của vua Hê-rô-đê. + Vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi: Câu này chính là lời Đức Chúa báo cho Mô-sê về cái chết của Pha-ra-ô Ai-cập (x. Xh 4,19). Đây là một bằng chứng cho thấy Mát-thêu muốn ám chỉ Hài Nhi chính là Mô-sê của thời Tân Ước.
- C 23: + Và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét: Thánh Gia về cư ngụ ở Na-da-rét là ứng nghiệm lời sấm đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”. Ta có thể hiểu rằng Mát-thêu dùng danh xưng này để ám chỉ việc tự hạ của Đấng Cứu Thế. Nói Đấng Cứu Thế là người Na-da-rét cũng giống như nói Người đã bị người đời miệt thị khinh dể vậy.
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao Giu-se phải đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập ? 2) Thánh Gia trốn sang Ai Cập đến khi nào về ? 3) Tại sao Giu-se lại đem Hài Nhi đến ở thành Na-da-rét ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập (14):
2. CÂU CHUYỆN: TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIỜ KINH TỐI GIA ĐÌNH:
Một cha xứ kia đi thăm các gia đình trong xứ để kiểm tra nhân danh. Gặp một đôi vợ chồng không đọc kinh tối gia đình, cha hỏi: “Gia đình ông bà có đọc kinh chung gia đình không ?”. Họ trả lời không, vì con cái phải đi học thêm hay phải đi làm theo ca. Ông phải ưu tiên kiếm sống cho gia đình như người ta thường nói: “Có thực mới vực được đạo !” Bấy giờ cha xứ lại hỏi: “Nếu ông bà biết rõ là nhờ đọc kinh tối hàng ngày mà một đứa con sẽ tránh được cơn bệnh hiểm nghèo, tránh được một tai nạn; Nhờ đọc kinh tối mà chúng mới có công ăn việc làm đều đều, chúng mới có đủ sáng suốt để làm bài thi; Nhờ đọc kinh mà các linh hồn tiên nhân ông bà cha mẹ và những người thân đã chết sẽ sớm được lên thiên đàng… thì ông bà có tổ chức đọc kinh gia đình hàng ngày không ?” Họ trả lời: “Có thể chúng con sẽ đọc”. Cha xứ lại hỏi: “Giả như gia đình làm ăn thất bại phải mang nợ tới 100 triệu đồng, khó lòng trả nợ cả vốn lẫn lãi, mà nếu ngày nào có đọc kinh tối 15 phút, thì gia đình sẽ được chủ nợ trừ bớt số lời 100.000 đồng, thì ông bà có đọc kinh tối chung không ?”. Bấy giờ ông kia hỏi lại: “Thưa cha, cha hỏi như vậy để làm gì ?” Bấy giờ cha xứ mới ôn tồn trả lời: “Tôi nói như vậy để cho thấy nguyên nhân gia đình ông bà không đọc kinh tối, không phải vì không có thời giờ hay vì bận làm việc, mà lý do chính là vì nghĩ rằng đọc kinh tối gia đình là điều vô ích. Chỉ cần đi lễ nhà thờ đã đủ. Tôi hỏi vậy để cho thấy việc đọc kinh cũng quan trọng không kém việc giữ gìn sức khỏe và sự an toàn của các người thân trong gia đình, cũng có giá trị như một số tiền thiêng liêng, giúp bớt phần phạt cho các thân nhân ông bà đã qua đời, và giá trị của việc đọc kinh cũng có thể tương đương với số tiền cần chi dùng hàng ngày”.
3. SUY NIỆM: LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIA ĐÌNH ĐƯỢC HẠNH PHÚC ?
1) Nguyên nhân đổ vỡ hạnh phúc là do không sông đúng vai trò trong gia đình: Mỗi người cần phải sống đúng vị trí của mình là chống, vợ hay con cái: Một tờ báo ở Luân-đôn nước Anh đã mở một cuộc điều tra các ông chồng, yêu cầu họ thành thật trả lời câu hỏi: “Trong gia đình bạn, ai là người thực sự có quyền quyết định mọi việc ?” Kết quả cho thấy có 80% câu trả lời: “Vợ tôi làm chủ”, 15% trả lời “Mẹ vợ tôi làm chủ”. Chỉ có một số rất ít trả lời: “Chính tôi làm chủ, vì vợ tôi đã qua đời !” Như vậy, không lạ gì Anh quốc là nước số gia đình ly hôn chiếm tỷ lệ cao nhất: Mỗi năm cứ hai đám cưới thì có một đám đâm đơn ra tòa xin ly hôn.
2) “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”: Vợ chồng phải bàn bạc trao đổi với nhau trong mọi việc: Phải một lòng một ý về việc: cư xử với tha nhân, nuôi dạy con cái, mua sắm đồ dùng trong nhà, làm ăn sinh sống… Vì “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”, và “Phu phụ hòa, gia đạo thịnh”.
3) Gia đình phải có Chúa hiện diện: Thực vậy, nếu gia đình thực sự có đức tin, có lòng đạo đức, thì sẽ thương yêu và nhường nhịn lẫn nhau. Chồng thương yêu vợ, vợ yêu thương chồng, con cái thảo kính cha mẹ và thương yêu nhau. Trong đời sống vợ chồng, chắc sẽ có lúc vui lúc buồn, nhiều khi vợ chồng còn phải vác thánh giá của nhau và phải vác đến chết để đền đội.
4) Vợ chồng hãy chịu đựng lẫn nhau: Trong một buổi tĩnh tâm dành cho gia trưởng, nhưng cũng có nhiều bà vợ tham dự. Tới phần làm phép Thánh giá, cha giảng phòng nói: “Ai có cây Thánh giá xin đem lên gần gian cung thánh để được làm phép. Bấy giờ một ông lão thay vì mang cây Thánh giá thì lại cõng bà vợ chân bị liệt lên. Tới lúc cha đến trước từng người tay đang cầm thánh giá để rấy nước thánh. Thay vì giơ cây Thánh giá lên như mọi người thì ông cụ lại cố giơ bà cụ lên cao trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông nói: “Thưa cha, đây là thánh giá của con. Xin cha làm phép để con được vác thánh giá này đến cùng !” Qua lời nói của ông cụ, chúng ta hiểu người bạn đời chính là thánh giá sống mà chúng ta phải mang từ khi lấy nhau cho đến hết. Vợ là thánh giá của chống và ngược lại, chồng cũng là thánh giá của vợ. Ai trung thành vác thánh giá ấy theo Đức Giê-su đến cùng, thì sau này hy vọng sẽ được sống lại với Người và cùng được hưởng hạnh phúc với Người.
4. THẢO LUẬN:
1) Các gia trưởng và hiền mẫu Công giáo cần học tập những gì nơi thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a để gia đình được hạnh phúc ? 2) Nguyên nhân làm cho các gia đình đổ vỡ ly hôn là gì ? Khi xảy ra ly hôn thì trong hai vợ chồng ai là người có lỗi hơn ? 3) Bạn có đồng ý với câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” không ? Tại sao ?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Mỗi lần tham dự thánh lễ hôn phối, con thấy đôi tân hôn thật là hạnh phúc: Với nét mặt rạng rỡ và trong bộ y phục trắng đẹp mới tinh, họ đi bên nhau lên cử hành hôn lễ. Nhưng rồi năm tháng qua đi, con lại thấy gia đình họ lại biến thành hỏa ngục trần gian, khi “kẻ thì khóc lóc đau khổ, người lại nghiến răng giận hờn”. Lý do đổ vỡ hạnh phúc có rất nhiều: Tại tính xấu của người này hay tại thói hư của người kia ? Theo con nghĩ thì “tại anh tại ả tại cả đôi đàng !”. Tại hai người đã không biết nuôi dưỡng tình yêu ban đầu. Tình yêu có đặc điểm là không đòi hỏi nhau, nhưng là hy sinh cho nhau. Cây tình yêu của hai vợ chồng rất cần được bắt đi những con sâu đục khoét hạnh phúc gia đình như: Sâu ích kỷ “chỉ nghĩ đến mình”, sâu độc đoán hẹp hòi, sâu vô trách nhiệm khi say sỉn cờ bạc hút sách, sâu tình cảm bất chính vụng trộm… Tình yêu cũng đòi phải được tưới bón bằng lời cầu nguyện cho nhau, bằng những lời khen tặng nhau cách thành thật, bằng những lời nói cử chỉ âu yếm dành riêng cho nhau.
LẠY CHÚA, xin ban cho các gia đình tín hữu chúng con luôn “trên thuận dưới hòa”, “một lòng một ý”. Xin giúp các đôi vợ chồng trẻ biết cách duy trì tình yêu ban đầu. Xin cho họ biết “cho nhiều hơn nhận”, biết “ân cần phục vụ” cho nhau, biết “quảng đại tha thứ và nín nhịn các yếu đuối lỗi lầm” của nhau. Biết “nói ít làm nhiều”, và “sẵn sàng vác thánh giá” là chịu đựng người bạn đời của mình”... Nhờ đó các gia đình chúng con hy vọng sẽ trở thành thiên đàng trần gian, là dấu chỉ chúng con sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu sau này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM
Gợi ý suy chiêm Tin Mừng
Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất ( 29/12/2013)
THÁNH GIA, NƠI ĐỂ YÊU THƯƠNG
Mt 2,13-15.19-23
I. NHẬP NGUYỆN
Ơn xin:
Xin cho con biết Phúc-Âm- hóa bản thân qua việc con luôn biết tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa, biết xây dựng gia đình mình bằng sự phục vụ yêu thương, để gia đình con trở nên mái ấm của yêu thương, trở nên lời ngợi ca tình yêu Chúa, loan báo về hình ảnh Nước Trời mai hậu giữa lòng xã hội hôm nay.
II. SUY CHIÊM
Đọc Tin Mừng Mt 2, 13-15.19-23
Sau đó suy theo từng điểm sau
(Mỗi điểm chúng ta đi theo ba bước:
Đọc kỹ- Suy sâu- Cầu xin).
Các điểm suy chiêm:
1. “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (c. 14)
a. Đọc kỹ ( 3 lần),
b. Suy sâu theo các câu hỏi gợi ý:
− Trước thánh ý của Thiên Chúa, Giuse đã tỏ ra như thế nào khi biết mình phải làm một cuộc ly hương, rời xa quê cha đất tổ? Việc Giuse đưa Hài Nhi và mẹ Người ra đi vào nửa đêm, cho thấy thái độ của Giuse ra sao trước mệnh lệnh, thánh ý của Thiên Chúa?
− Trong vai trò người bảo vệ Hài Nhi Giêsu và mẹ Người, thánh Giuse đã biểu tỏ thái độ, việc làm của mình ra sao trong gia đình? Và nơi Đức Maria, Mẹ đã làm gì để cùng với thánh Giuse bảo vệ Hài Nhi Giêsu?
− Trong cuộc đời mình, tôi có dễ dàng tìm kiếm, vâng theo ý Chúa, sẵn sàng thực hiện điều Chúa muốn hay không? Tại sao tôi khó khăn trong việc thực hiện thánh ý Chúa trong gia đình, trong vai trò là cha (mẹ/ là con cái)?
− Nhìn lại trách nhiệm của mình trong gia đình, tôi thấy mình có chu toàn bổn phận mà Chúa đã trao phó cho tôi trong gia đình của tôi hay chưa? Tại sao tôi lại không hoàn thành tốt vai trò của mình trong gia đình? Tôi có biết hy sinh, biết quên đi bản thân mình vì chồng ( vợ, con cái), trở nên một chỗ dựa cho người thân trong gia đình của tôi hay không? Nếu tôi chưa sống tốt, chưa là mẫu gương cho con cái về sự phục vụ, hy sinh, chưa tìm mọi cách để bảo vệ con cái trước những sự dữ… Chúa muốn tôi phải làm sao?
c. Cầu xin
Thinh lặng, lắng nghe tiếng Chúa nói với bạn , sau đó thưa chuyện, tâm sự với Ngài.
2. “ Ông liền trỗi dây đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất It-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét” (c. 21-23b)
a. Đọc kỹ ( 3 lần),
b. Suy sâu theo các câu hỏi gợi ý:
− Nhìn gia đình Thánh Gia đầy dẫy những vất vả khó khăn, đe dọa đầy sợ hãi: bị từ chối, tẩy chay không nơi trú ẩn, phải bỏ trốn giữa ban đêm rét lạnh để thoát cái ác của con người…tôi nhận ra điều gì? Nghịch cảnh và khó khăn trong gia đình, có là những cơ hội tốt để mọi thành viên trong gia đình gần gũi, yêu thương, gắn bó, hiệp nhất, nâng đỡ nhau hay không? Hay thử thách trong gia đình lại làm cho mọi người trong gia đình xâu xé, thù ghét lẫn nhau?
− Gia đình tôi cũng có quá nhiều sóng gió…nhưng mái ấm gia đình tôi ra sao? Có bị rách nát hay vẫn nguyên vẹn? Nếu mái ấm gia đình tôi không còn nguyên vẹn, thì điều gì nơi tôi đã làm cho sự rách nát ấy mỗi ngày một tệ hại?
− Nếu mái ấm gia đình tôi vẫn hạnh phúc dù trải qua nhiều sóng gió, thì điều gì khiến gia đình tôi vẫn còn gắn bó, giúp đỡ, dìu nhau vượt qua khó khăn cuộc sống? Đâu là những yếu tố cần thiết để gia đình tôi được hạnh phúc như ngày hôm nay?
− Chúa muốn tôi làm gì để xây dựng gia đình thành một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất, thủy chung?
c. Cầu xin
Hãy thinh lặng, cố gắng lắng nghe tiếng Chúa nói với mình, rồi thưa chuyện và dâng quyết tâm lên Chúa.
III. KẾT NGUYỆN
− Tâm sự cùng Chúa Giêsu theo tâm tình bạn đang có.
− Dâng lên Chúa lời nguyện cho bạn và gia đình:
“ Lạy Chúa, con là một người chồng ( người vợ/ con cái) trong gia đình. Con vẫn biết rằng: gia đình phải là mái ấm của yêu thương cho con và cho mọi người trong gia đình con. Nhưng nhiều khi, con đã không làm tròn bổn phận của mình, thiếu trách nhiệm để xây dựng gia đình con thành tổ ấm của yêu thương, là nơi để vợ (chồng/ con cái/ cha mẹ) con cảm thấy gia đình là một mái ấm thật dễ thương, tràn đầy tiếng cười, tràn đầy hạnh phúc.
Những khi gia đình gặp khó khăn, thử thách, con đã không nhận ra đó là những cơ hội tốt để con có thể hy sinh, yêu thương và cố gắng để cùng với vợ ( chồng/ con cái/ cha mẹ) nhiều hơn.
Xin Cha thương đỡ nâng và ban thêm sức mạnh tình yêu cho con, cho mọi người trong gia đình con, để chúng con biết hy sinh nhiều hơn, biết yêu thương nhiều hơn, để gia đình con trở thành một tổ ấm hạnh phúc, là lời loan báo hình ảnh của Nước Trời mai sau.
Người soạn: Nt Têrêsa Ngọc Lễ,
Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm