Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Giáng Sinh

Suy Niệm Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép rửa B

chuachiupheprua.jpg

Phép Rửa của Chúa Giê su khai mạc đời sống công khai và lời Thiên Chúa Cha xác định sứ vụ của Ngài: nơi Ngài, Giao Ước đã hứa với Đa vít đạt tới điểm hoàn tất. Chúng ta có thể tin vào Ngài.

Bài đọc 1: Isaia 55, 1-11

Tiên tri Isaia vâng lệnh Thiên Chúa loan báo cho người Do thái tin vui là thời kì lưu đày đã sắp chấm dứt. Đồng thời, ông cũng nói đến việc thế giới hiện tại sẽ kết thúc khi được canh tân bởi Lời quyền năng của Thiên Chúa luôn phát sinh hiệu quả. Dân tộc phản loạn nầy một ngày kia sẽ quay trở về với Thiên Chúa của họ.

Bài Thánh Ca Isaia 12,4b-e. 5b-6

Bài Thánh ca nầy được tiên tri sáng tác trong lúc Ngài chứng kiến Vương quốc phíaBắc bị quân Assiria tàn phá. Tiên tri là người thuộc Vương quốc Giu đa phía Nam loan báo những người lưu đày sẽ được trở về và bấy giờ dân Chúa đã được thống nhất.

Bài đọc 2: 1Ga 5, 1-9

Đức tin đổi mới hoàn toàn cái nhìn của chúng ta về thế gian. Nó giúp chúng ta nhìn mọi sự trong ánh sáng của Tình yêu nơi Chúa Giê su. Nếu chúng ta nhìn nhận nơi Ngài là Đấng diễn tả tình yêu Thiên Chúa Cha, thì chúng ta được bước vào một thế giới mới, chúng ta sẽ sống bằng tình yêu và chúng ta sẽ chế ngự được các mãnh lực của sự Dữ.

Bài Tin Mừng Mc 1, 7-11

NGỮ CẢNH

Đoạn Tin mừng nầy thuộc phần mở đầu sách Tin mừng Mác cô (1-15) nhằm giới thiệu Chúa Giê su và cung cấp mọi thông tin cần thiết để hiểu cuộc đời dương thế của Ngài. Tám câu đầu tiên cho biết mối tương quan của Chúa Giê su với Gioan Tẩy giả đồng thời đề cao sự trổi vượt của Ngài (1-8).

Có thể đọc đoạn Tin mừng theo bố cục sau đây:

Lời rao giảng của Gioan (1,7-8)

Phép rửa của Chúa Giê su (9-11)

GIẢI THÍCH

Đang đến sau tôi: “Đi sau tôi” là kiểu nói thường chỉ lối bước cũng như cuộc sống của một môn đệ đi theo sau thầy mình (x. 1V19, 21).

Làm phép rửa trong Thánh Thần: Sự trổi vượt của Đấng Thiên sai được tập trung và biểu lộ trong sự trổi vượt của phép rửa do Ngài thực hiện: trong khi Gioan thanh tẩy bằng nước nhằm giúp cho hối nhân ý thức về sự cần thiết phải được Thiên Chúa cứu độ, thì Chúa Giê su sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần, Thần khí của Thiên Chúa, Thần khí thánh thiện và sự sống, và chính vì điểm nầy mà Ngài sẽ tỏ ra là kẻ mạnh nhất.

Chịu phép rửa: hoặc ‘xin chịu phép rửa’. Từ c.9 trở đi, Chúa Giê su đứng về phía đám đông dân chúng và xin chịu phép rửa. Được Thiên Chúa sai đến giữa chúng ta trong thân phận con người tội lỗi (x.Rm 8, 3), Ngài chấp nhận chịu phép Rửa của Gioan Tẩy giả, vốn là nghi thức chịu sự chết và sám hối để được tha tội. Nhưng khác với các cư dân thành Giê-ru-sa-lem, đối với Chúa Giê su lúc chịu phép rửa không có việc thú nhận tội lỗi. Đối với Ngài chỉ có việc chịu nhận sự chết khống chế toàn bộ sứ vụ của Ngài. Phép Rửa của Chúa Giê su loan báo sự chết của Ngài trên cây Thập giá (10, 38).

Vừa lên khỏi nước: Từ việc đi lên khỏi dòng nước sự chết, người ta có thể thấy một ám chỉ đến sự phục sinh của Chúa Giê su.

Người liền thấy: Khác với các trình thuật song song trong Mát thêu 3,17 và Luca 3,21-22, theo Mác cô việc nhìn thấy với lời nói kèm theo chỉ được một mình Chúa Giê su nhận được mà thôi. So với bản văn Ga 1,31-34 cho thấy đối với cả 4 tin mừng giọng nói từ trời ngỏ với Gioan Tẩy giả và nhờ ông cho thấy đấng được Thiên Chúa tuyển chọn nơi Chúa Giê su.

Trời mở ra: Hình ảnh nầy cho thấy một cuộc hiệp thông đang diễn ra giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Trong Isaia 63, nơi có nhiều chủ đề trong trình thuật phép rửa xuất hiện (như Thánh Thần, Nước, Cha, tầng trời mở ra, sám hối) còn có lời cầu khẩn nầy: ‘Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống’ (Is 63, 19). Cũng như vào lúc Chúa Giê su sinh thì, tấm màn bị xé đôi (tấm màn trong nơi cực thánh biểu trưng cho trời) có thể mang ý nghĩa là từ nay khai mào một sự hiệp thông mới giữa trời và đất.

Như chim bồ câu: Cách mà theo đó Thánh Thần được ban xuống giúp ta hiểu được ý nghĩa của sứ mạng giao phó cho đấng được Thiên Chúa sai đến. Hình ảnh chim câu dường như đối lại với hình ảnh chim đại bang và chim bằng (x. Xh 19,4 và Đệ Nhị Luật 32,11) mà trong một thời gian đã hướng dẫn dân Chúa trong cuộc xuất hành đi từ sa mạc đến bên kia song Gio đan đến tận đất hứa. Ở đây ta có thể nhìn thấy qui chiếu đến thần khí bay là là trên mặt nước nguyên thủy lúc tạo dựng (St 1,2), nhưng có lẽ đúng hơn, ám chỉ đến hình ảnh chim câu của No ê trong lục Hồng thủy (1 Pr 3,20-21 nhìn thấy một hình ảnh phép rửa trong nhân loại được thanh luyện đi lên khỏi nước).

Người Híp pri vẫn coi chim câu là hình ảnh của sự dịu dàng, tình yêu và lòng nhân hậu nhưng đồng thời cũng gợi lên ý tưởng sự than khóc và đau khổ. Ý tưởng nầy còn được củng cố bở việc chim câu là loài chim duy nhất được dùng trong hy tế. Do đó, hình ảnh chim câu hường tới một sứ vụ tình yêu, yếu đuối và hy tế.

‘Nầy là Con yêu dấu của Cha’: tiếng từ trời áp dụng cho Chúa Giê su lời thánh vịnh 2, 7 là một thánh vịnh dùng trong nghi lễ lên ngôi: ‘Con là Con Ta’. Tính từ ‘yêu dấu’ có thể ám chỉ đến Isaac được hiến tế (x. St 22, 2.12.16 và Hr 11, 17-19). Điều ấy đặc biệt chỉ ra rằng Chúa Giê su là Con Một duy nhất và tương quan với Cha là tương quan tình yêu. Câu chót: ‘Con đẹp lòng Cha’ là một ám chỉ đến Người Tôi tớ của Thiên Chúa (Is 42, 1) sẽ hoàn thành sứ vụ trong đau khổ.

Như thế ngang qua các hình ảnh, lời nói và ám chỉ, ý nghĩa sứ vụ của Chúa Giê su được sáng tỏ: một sứ mạng dịu hiền và yêu thương, thực hiện ngang qua sự hạ mình trong đua khổ và sự chết, nhưng mang lại vinh quang trên Ngài vàng.

SỨ ĐIỆP

Chủ Nhật tuần trước, giáo hội mừng lễ Hiển Linh. Lễ này nhắc nhở việc Thiên Chúa tỏ mình ra như thế nào cho các đạo sĩ, những người hoàn toàn xa lạ với đức tin, nhưng đã lên đường tìm ‘Vua dân Do Thái’. Chủ nhật nầy, giáo hội nhắc lại việc Chúa Giê su chịu phép rửa, biến cố sau đó khoảng ba mươi năm. Đó là sự kiện công khai đầu tiên của Ngài, lần xuất hiện đầu tiên cho mọi người biết Ngài thực sự là ai. Nhiều người chỉ thấy ở Ngài một người giống như bất kỳ ai khác. Hôm nay chính Gioan Tẩy giả làm chứng cho chúng ta biết Đấng ‘sẽ đến sau tôi nhưng mạnh mẽ hơn tôi. Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người’. 

 Phép rửa mà Gioan Tẩy giả đã thực hiện là một cử chỉ sám hối. Những người xin chịu phép ấy cho thấy rằng họ nhận ra mình có tội và muốn thay đổi cuộc sống. Nhưng kìa, Chúa Giêsu xuất hiện ở giữa tất cả những người tội lỗi cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho họ. Ngài không có tội để xin được tha thứ nhưng muốn được liên đới với người có tội. Những người xin chịu phép thanh tẩy thì sẽ được sạch, nhưng Chúa Giêsu thì ngược lại. Ngài lội xuống dòng nước sông Gióc-đan như một người tinh khiết không vướng mắc tội lỗi. Và Ngài bước lên mang theo tất cả tội lỗi của trần gian. Ngài đã mang lấy tội lỗi trên mình để giải thoát chúng ta khỏi tội. Đối với chúng ta đó là một cuộc tái sinh cho đời sống mới, một khởi đầu mới cho một cuộc sống hoàn toàn mới.

Để hiểu rõ hơn về sự kiện này, chúng ta phải nhớ rằng ‘làm phép rửa’ có nghĩa là ‘nhấn chìm trong dòng nước’. Gioan Tẩy giả nói “Tôi nhấn chìm anh em vào trong dòng nước; như nhấn chìm anh em trong Chúa Thánh Thần”. Đây là một cách để thông báo cho tất cả biết rằng Chúa Giêsu là đấng hoàn thành các lời hứa của Thiên Chúa. Các tầng trời xé ra, có nghĩa là không có sự tách biệt giữa Chúa và con người. Sự thông hiệp giữa Thiên Chúa và con cái của Ngài được khôi phục. Một vài năm sau đó, vào lúc Chúa Giêsu chết trên thập giá, các màn trong đền thờ cũng đã bị xé làm đôi. Từ nay không còn tách biệt giữa nơi thánh và dân Chúa.

Ngày nay, nhiều người cho rằng không còn liên lạc giữa trời và đất, vì Thiên Chúa đang im tiếng. Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều đau khổ. Gần đây, những tin tức báo cáo sự kiện kịch tính ở Trung Đông (vùng đất của Chúa Giêsu). Chúng ta cũng nhớ đến tất cả những bạo lực hoành hành khắp thế giới, đến các nạn nhân của nghèo đói, đến những người đã mất tất cả mọi thứ. Đôi khi chúng ta muốn nói rằng nếu có một Thiên Chúa tốt lành, chúng tôi đã không phải như thế.

 Nhưng Lời Chúa hôm nay loan báo tin vui: Thiên Chúa nói với chúng ta trong Con của Ngài. Đối với chúng ta, các tầng trời đã xé ra.Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã tỏ mình ra và tiếp tục làm như vậy. Vào ngày chịu phép Rửa, chúng ta đã được đắm mình trong đại dương của tình yêu trong Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Ngày hôm đó, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Con là con yêu dấu của ta”. Cuộc sống của chúng ta có thể còn nhiều yếu đuối, khó khăn hay bất hạnh. Nhưng Chúa đang hiện diện; Ngài đã đến với chúng ta. Tấm màn che giấu đi con người chúng ta đã bị xé toang. Thiên Chúa mạc khải căn tính của chúng ta là con yêu dấu của Chúa Cha. Như Thánh Phaolô nói: “Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài”. 

 Phép rửa của Chúa Giêsu là điểm bắt đầu của sứ mệnh. Trong suốt sứ vụ của mình, Ngài đã loan báo tin mừng cho người nghèo, đã tha thứ và chữa lành. Ngài đã làm sống lại hy vọng nơi đã không còn nữa. Giống như Ngài, chúng ta được sai đến thế gian để xé tan bức màn ngăn cản con người nhận ra rằng họ là những người con yêu dấu của Chúa Cha. Đôi khi chỉ cần một vài điều là đủ: một cái nhìn đầy yêu thương đối với những người không còn có thể yêu thương, một cử chỉ liên đới cho một người không còn gì, một khời đầu tha thứ cho những người làm tổn thương hoặc bị tổn thương, một dấu hiệu tôn trọng tuyệt vời cho một trong những người bị khinh thường và không còn có thể tôn trọng chính mình nữa. Những cử chỉ của tình liên đới ấy rất quan trọng vì góp phần xé tan điều ngăn cản họ nhận ra mình là người con yêu dấu của Chúa Cha.

Với ngày lễ hôm nay, chúng ta bước vào mùa thường niên. Đây là một khoảng thời gian ít lễ hội nhưng vẫn quan trọng. Đây là thời gian mà chúng ta phải lớn lên trong sự trung thành và lắng nghe lời Thiên Chúa phán. Chúng ta có thể khám phá và tái khám phá ra chúng ta đều là con yêu dấu của Chúa Cha và làm chứng cho những người xung quanh chúng ta. Là Kitô hữu được rửa tội và thêm sức, chúng ta được sai đi để cho thế gian thấy Thiên Chúa đang yêu thương họ.

Bí tích Thánh Thể qui tụ chúng ta lại với nhau mỗi ngày chủ nhật là bí tích của ‘giao ước mới’ giữa Thiên Chúa và loài người. Đó là lý do tại sao nó rất quan trọng đối với chúng ta. Đó là ‘nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu và loan báo Tin Mừng’. Chúa tiếp tục đến gặp gỡ cộng đoàn tụ họp nhân danh Ngài. Điều còn lại là cần chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa ngự trong chúng ta.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?

THƯA:  Bài đọc một trích từ phần cuối sách Đệ nhị Isaia (40-55), nội dung hoàn toàn hướng về lúc cuối thời Lưu đày và cuộc trở về đất hứa. Các chương 40-55 sách Isaia thường được gọi là Sách An ủi (hay Đệ nhị Isaia). Đó là những lời sấm được gửi đến những người lưu đày trở về từ Ba by lon nhằm mục đích củng cố lòng tin của họ trước thực tế đầy thử thách.

2. HỎI: Trong bài đọc một tiên tri Isaia nói với ai?

THƯA: Tiên tri Isaia nói với những người Do thái đang tuyệt vọng. Bị lưu đày sang Ba by lon, trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, dân Ít ra ên bị cám dỗ tin rằng Thiên Chúa đã dứt khoát từ bỏ họ. Nhiều người còn tự hỏi rằng mình còn có thể hi vọng Thiên Chúa tha thứ và tái lập họ không.

3. HỎI: Tiên tri đã nói với họ như thế nào?

THƯA: Tiên tri mời gọi mọi người hãy mau trở về với Thiên Chúa, vì Người là Đấng giàu lòng xót thương và hay tha thứ. Đồng thời tiên tri cố gắng vực lên niềm hi vọng, giúp họ đừng đánh mất lòng tin tưởng vào Thiên Chúa bằng cách nhắc lại rằngtư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của người phàm. Nên người ta dễ quên rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một Tình yêu không biên giới. Sự tha thứ của Người cũng vô hạn.

4. HỎI: Tiên tri nhắc lại cho dân điều gì?

THƯA: Tiên tri nhắc lại cho dân nhớ bốn điều quan trọng sau đây: Ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, chiến đấu chống lại thờ bụt thần, tin tưởng, và Thiên Chúa tín trung với Giao ước của Người.

5. HỎI: Thế nào là ‘Ơn ban nhưng không’ của Chúa như thế nào?

THƯA: Với những người dân Ít ra ên bị lưu đày đói khát khốn khổ bên đất khách, Isaia dùng hình ảnh những bữa ăn thịnh soạn để nói về ơn ban nhưng không của Thiên Chúa: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây..đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào”.

6. HỎI: Bài đọc nói về việc chống lại việc thờ bụt thần như thế nào?

THƯA: Cám dỗ thờ bụt thần nơi những người bị lưu đày không phải đã chấm dứt. Trái lại dường như thần linh của bên chiến thắng lại có vẻ mạnh hơn! Vì thế tiên tri khuyến dụ dân đừng tìm kiếm những hạnh phúc nào khác ngoài Thiên Chúa: “Tại sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất bả vào thứ chẳn làm cho chắc dạ no lòng?” Chỉ có Thiên Chúa mới nắm giữ chìa khóa hạnh phúc và tự do của chúng ta.

7. HỎI: Thiên Chúa muốn nói gì khi phán dạy: “Hãy lắng nghe ta thì các người sẽ được sống”?

THƯA: Thiên Chúa muốn dân phải tin tưởng vào Thiên Chúa, luôn gắn bó với Người để được sống.

8. HỎI: Thiên Chúa nhắc đến điều gì khi nói: Ta sẽ thiết lập với các người một giao ước vĩnh cửu?”

THƯA: Thiên Chúa nhắc lại những lời Người hứa với Vua Đa vít qua tiên tri Na than (2S 7). Ngay từ những ngày đầu tiên của vương quốc, Người hứa từ dòng dõi Đa vít sẽ xuất hiện một đấng Messia sẽ vĩnh viễn mang lại tự do và hòa bình cho dân Người.

9. HỎI: Các tiên tri Cựu ước nói gì về Thiên Chúa hay thương xót?

THƯA: Khám phá Thiên Chúa dịu hiền và hay thương xót là điều thường thấy nơi các Tiên tri. Như tiên tri Hô sê cho thấy tâm tình của Thiên Chúa: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (11, 8-9). Còn tiên tri Giê rê mi a loan báo chương trình yêu thương của Người: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.” (29, 11).

10. HỎI: Qua sự hướng dẫn các Tiên tri, dân Ít ra ên khám phá điều gì nơi Thiên Chúa?

THƯA: Dân được biết rằng Thiên Chúa là Đấng Cao cả, là Đấng Hoàn toàn Khác: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng cao hơn tư tưởng các người chừng ấy” (Is 55, 9). Nhưng đồng thời cũng là Đấng rất gần với con người: “Người sẽ rộng lòng tha thứ” (Is 55, 7).

11. HỎI: Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi có nghĩa gì?

THƯA: Cho thấy khoảng cách vô cùng lớn giữa Thiên Chúa và con người. Lời ấy mời gọi chúng ta phải khiêm nhường khi nói về Thiên Chúa, và khoan dung đối với cách mà người khác nói về Người, vì không ai trong chúng ta có thể tự hào mình dò biết được tư tưởng của Người.

12. HỎI: Các câu10-11 nói gì?

THƯA: Các câu 10-11 muốn nhấn mạnh đến tính hiệu nghiệm của Lời Chúa.Tiên tri bảo đảm như thế làđể cho dân vững tin vào lời hứa được giải thoát khỏi ách lưu đày, được trở về quê hương, xây dựng lại Đền thờ và Thành thánh.

13. HỎI: Isaia dùng hình ảnh gì để nói về sự hiệu nghiệm của Lời Chúa?

THƯA: Isaia dùng hình ảnh cơn mưa: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,10-11).

14. HỎI: ‘Sứ mạng ta giao phó’ là sứ mạng gì?

THƯA: Sứ mạng của Lời Chúa là sứ mạng loan báo ơn tha thứ cho không của Thiên Chúa. Người là Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.giao hòa nhân loại với Người. Sau nầy thánh Phao lô cũng cho biết điều tương tự: “(Thiên Chúa) muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2, 4).

15. HỎI: Sau Chúa Giê su, ai là người được giao cho sứ mạng ấy?

THƯA: Sau Chúa Giê su, các tông đồ được sai đi làm sứ giả hòa giải: “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải” (2Cr 5, 18).

16. HỎI: Bài đọc một (Is 55, 1-11) có liên hệ gì đến việc Chúa Giê su chịu phép rửa không?

THƯA: Bài đọc một có nhắc đến nước phép Rửa là cửa dẫn vào trong dân giao ước mới: hình ảnh bữa tiệc cũng thường thấy trong Kinh Thánh để gợi lại Giao ước mới mà Thiên Chúa muốn kí kết với Dân Người. Chính trong Chúa Giê su giao ước mới ấy được thực hiện.

17. HỎI: Ngữ cảnh đoạn tin mừng như thế nào?

THƯA: Đoạn Tin mừng nầy mở đầu sách Tin mừng Mác cô (1-15) nhằm giới thiệu Chúa Giê su và cung cấp mọi thông tin cần thiết để hiểu cuộc đời dương thế của Ngài. Tám câu đầu tiên cho biết mối tương quan của Chúa Giê su với Gioan Tẩy giả đồng thời đề cao sự trổi vượt của Ngài (1-8).

18. HỎI: Gioan Tẩy giả là ai?

THƯA: GioanTẩy giả là con của ông Dacaria và bà Êlisabết, chị em họ với Đức Maria. Đứa bé nầy được cha mẹ trông đợi từ lâu. Khi vừa mới sinh ra, Gioan đã nhận ra Chúa Giê su như là đấng Cứu độ và nhảy mừng trong lòng mẹ khi Đức Maria đang mang thai Chúa Giê su đến viếng thăm. Lúc bấy giờ ông Dacaria được đầy Chúa Thánh Thần, dâng lên một khúc ca chúc tụng ngài (Lc 1, 68-79). Ông là tiên tri cuối cùng và lớn nhất trong các tiên tri, có nhiều đồ đệ đi theo học hỏi với mình.

19. HỎI: Phép Rửa trong Do thái giáo có nghĩa gì?

THƯA: Phép rửa thanh tẩy Do thái không phải là nghi thức mang lại sự thanh tẩy hay sự công chính hoá mà chỉ là một biểu hiện bên ngoài và có tính xã hội của một sự trở về nội tâm, được hiểu như là chết cho bản thân và cho tội lỗi mình đã phạm.

20. HỎI: Mác cô cho thấy sự trổi vượt của Chúa Giê su đối với Gioan Tẩy giả như thế nào?

THƯA: Sự trổi vượt của Đấng Thiên sai được tập trung và biểu lộ trong sự trổi vượt của phép rửa do Ngài thực hiện: trong khi Gioan thanh tẩy bằng nước nhằm giúp cho hối nhân ý thức về sự cần thiết phải được Thiên Chúa cứu độ, thì Chúa Giê su sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần, Thần khí của Thiên Chúa, Thần khí thánh thiện và sự sống, và chính vì điểm nầy mà Ngài sẽ tỏ ra là người mạnh nhất.

21. HỎI: Phép Rửa của Gioan Tẩy giả có ý nghĩa gì?

THƯA: Có ý nghĩa như là một thanh tẩy để chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ mà Chúa Giê su sẽ mang đến (Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần). Chúng ta sẽ nhận được ơn cứu rỗi ấy qua đức tin vào Đức Ki tô và lãnh nhận các bí tích mà Ngài thiết lập.

22. HỎI: Thanh sạch có nghĩa gì?

THƯA: Thanh sạch có nghĩa là tinh tuyền, không pha trộn, không vương vấn. Tâm hồn thanh sạch là hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, và quay lưng với bụt thần.

23. HỎI: Như vậy con   người có thể thực hiện việc tinh luyện không?

THƯA: Không, con người tự sức mình không thể thanh luyện được vì không nằm trong khả năng của chúng ta. Đó là việc của Thiên Chúa. Để thanh luyện mình, thánh Gioan loan báo Thiên Chúa ban Thánh Thần cho chúng ta. Chúng ta chỉ có việc để cho Người hành động và nhận lãnh ơn Thiên Chúa.

24. HỎI: Bởi đâu mà Chúa Giê su trổi vượt hơn ông Gioan Tẩy giả?

THƯA: Sự trổi vượt của Đấng Thiên sai được tập trung và biểu lộ trong phép rửa do Ngài thực hiện: trong khi Gioan thanh tẩy bằng nước nhằm giúp cho hối nhân ý thức về sự cần thiết phải được Thiên Chúa cứu độ, thì Chúa Giê su sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần, Thần khí của Thiên Chúa, Thần khí thánh thiện và sự sống, và chính vì điểm nầy mà Ngài sẽ cho thấy là kẻ mạnh nhất.

25. HỎI: Tại sao Chúa Giê su xin Gioan làm phép Rửa cho mình?

THƯA: Chúa Giê su muốn đứng về phía đám đông dân chúng và xin chịu phép rửa. Được Thiên Chúa sai đến giữa trần gian trong thân phận con người tội lỗi (x.Rm 8, 3), Ngài chấp nhận chịu phép Rửa của Gioan Tẩy giả, vốn là nghi thức nói lên sự chết và sám hối để được tha tội. Nhưng khác với các cư dân thành Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê su không thú nhận tội lỗi lúc chịu phép rửa. Ngài chỉ đón nhận sự chết khống chế toàn bộ sứ vụ của Ngài. Phép Rửa của Chúa Giê su loan báo sự chết của Ngài trên cây Thập giá (10, 38).

26.HỎI: Thánh Mác cô muốn diễn tả điều gì khi cẩn thận ghi chú: ‘Vừa lênkhỏi nước’?

THƯA: Ngang qua cách nói ấy, thánh sử Mác cô muốn nói rằng Chúa Giê su từ dòng sông Gio đa nô đi lên như đi ra khỏi dòng nước sự chết, đó là một ám chỉ đến sự phục sinh của Ngài.

27. HỎI: Cụm từ ‘trời mở ra’ có ý nghĩa gì?

THƯA: Trời mở ra là hình ảnh cho thấy một cuộc hiệp thông đang diễn ra giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Isaia 63 cho thấy niềm khao khát của con người được thông hiệp với Thiên Chúa sau thời gian dài xa vắng qua lời cầu khẩn nầy: ‘Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống’ (Is 63, 19). Từ nay khai mào một sự hiệp thông mới giữa trời và đất.

28. HỎI: Chúa Thánh Thần ngự xuống ‘như chim bồ câu’ muốn nói điều gì?

THƯA: Qua kiểu diễn tả đó, Thánh Mác cô muốn cho thấy cách mà theo đó Thánh Thần được ban xuống giúp ta hiểu được ý nghĩa của sứ mạng giao phó cho đấng được Thiên Chúa sai đến. Ở đây có thể Mác cô muốn qui chiếu đến thần khí bay là là trên mặt nước nguyên thủy lúc tạo dựng (St 1, 2), nhưng có lẽ đúng hơn, ám chỉ đến hình ảnh chim bồ mà ông No ê thả ra sau Hồng thủy. Chim câu biểu hiện sự dịu dàng, tình yêu và lòng nhân hậu nhưng đồng thời cũng gợi lên sựthan khóc vì đau khổ. Ý tưởng nầy còn được củng cố bởi việc chim câu là loài chim duy nhất được dùng trong hy tế. Do đó, hình ảnh chim câu hướng tới một sứ vụ tình yêu được thể hiện trong đau khổ và hy tế.

29. HỎI: Tiếng Chúa Cha ‘Nầy là Con yêu dấu của Cha’ có nghĩa gì?

THƯA: Tiếng từ trời áp dụng cho Chúa Giê su lời thánh vịnh 2, 7 thường được dùng trong nghi lễ nhà Vua lên ngôi: ‘Con là Con Ta’. Tính từ ‘yêu dấu’ có thể ám chỉ đến Isaac được hiến tế (x. St 22, 2.12.16 và Hr 11, 17-19). Điều ấy đặc biệt chỉ ra rằng Chúa Giê su là Con Một duy nhất và tương quan với Cha là tương quan tình yêu.

30. HỎI: ‘Con đẹp lòng Cha’ có ý nghĩa gì?

THƯA: Câu: ‘Con đẹp lòng Cha’ là một ám chỉ đến Người Tôi tớ của Thiên Chúa được loan báo trong Is 42, 1 (x. bài đọc một giải thích ở trên) sẽ hoàn thành sứ vụ trong đau khổ. Chúa Giê su vừa chịu phép Rửa như bao nhiêu người Do thái khác, không phải để thanh tẩy, vì Ngài không bao giờ phạm tội, nhưng để mở ra con đường phép Rửa tha tội trong Thánh Thần. Được Rửa trong Thánh Thần tức là được trở nên con Thiên Chúa được Thiên Chúa Cha yêu dấu. Qua Chúa Giê s, Thiên Chúa đề ra cho mọi người biết con đường trở thành Con yêu dấu của Người.

31. HỎI: Như thế trình thuật Chúa Giê su chịu phép Rửa cho biết thế nào về sứ vụ của Chúa Giê su?

THƯA:  Như thế ngang qua các hình ảnh, lời nói và ám chỉ, ý nghĩa sứ vụ của Chúa Giê su được sáng tỏ: một sứ mạng dịu hiền và yêu thương, thực hiện ngang qua sự hạ mình trong đau khổ và sự chết, nhưng mang lại vinh quang trên Ngai vàng.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần I Mùa Chay - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Nguyễn Kim Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Sau Lễ Hiển Linh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh_ Nt. Maria Phạm Thực

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy sau lễ Hiển Linh: NIỀM VUI TRỌN VẸN. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” (Lc 5,12-16). Lm. Dom Hữu Cường
     Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 01/01-07/01/2015: Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thánh – Câu chuyện về Thành Công
     Đời sống ẩn dật của Đức Giê-su. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Thứ Ba sau lễ Hiển Linh: NHƯ TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA. Nt. Maria Phương Trâm. Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ hai sau lễ Hiển Linh. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Hiển Linh: LÀ ÁNH SÁNG CHIẾU SOI MUÔN DÂN. LM ĐAN VINH - HHTM
     LỄ CHÚA HIỂN LINH 2015: TÌM CHÚA VÀ GẶP CHÚA. Lm.Giuse Đỗ Đức Trí – Gp.Xuân Lộc
     Thánh Vịnh - Lễ Hiển Linh