“Tôi muốn, anh
hãy được sạch.” (Lc 5,12-16)
Bối
cảnh bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy những yếu tố lạ thường trong phép lạ
Đức Giêsu chữa lành người bệnh phong. Chúng ta cùng suy nghĩ về ba điểm sau:
Người
bệnh như đã chết mà được cứu: Đức Giêsu đang ở trong một thành kia, có một người
toàn thân mắc bệnh phong đến, sấp mặt xuống đất, xin Người chữa anh ta lành. Sự
lạ ở đây là người phong ở trong thành, một điều dường như không thể chấp nhận đối
với trường hợp người mắc chứng bệnh được coi là nan y vào thời Đức Giêsu, nhất
là với Luật của Do Thái Giáo; lẽ ra anh phải tránh xa thành phố, và đồng nghĩa
là tránh xa những người khác, vừa đi vừa la lớn để mọi người tránh xa anh ta.
Đó là một căn bệnh hiểm nghèo khiến bệnh nhân phải tách ly khỏi cộng đoàn, nếu
không muốn nói là “bị khai trừ và kể như đã chết”. Dưới ngòi bút của thánh sử
Luca, đối với người mắc bệnh phong, quyền năng của Đức Giêsu vượt trên cả luật
lệ và sự chết kia. Anh sấp mặt xuống xin Chúa chữa lành; anh đã kêu xin đúng
lòng thương xót của Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Đức
Giêsu đã thể hiện lòng thương xót của Người, thể hiện quyền năng của Thiên Chúa
yêu thương qua hành động chữa lành. Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn,
anh hãy được sạch.” Đức Giêsus đã thể hiện lòng thương xót vốn là đỉnh cao của
tình thương, Người vượt qua tất cả mọi rào cản của những luật lệ, nguyên tắc, bởi
lòng thương xót của Người cao hơn tất cả. Và chính việc chữa lành này, không những
không làm cho Người nhiễm ô uế như luật lệ nói đến, nhưng lại chữa lành và làm
cho người bệnh được trở lại với cộng đoàn của mình: Anh đã đi trình diện với tư
tế, và dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết (xc.
Lv 14,1-32). Với trường hợp ngôn sứ Êlisê, vị ngôn sứ trong Cựu Ước đã chữa
lành Naam, Đức Giêsu thể hiện quyền năng mạnh mẽ hơn nữa: Chỉ bằng lời nói, Người
chữa lành bệnh nhân.
Luật
được hoàn thiện: Nhưng điều lạ kế tiếp là Đức Giêsu nói với người bệnh được chữa
lành đi trình diện tư tế theo Luật định. Đức Giêsu muốn Luật được kiện toàn. Vị
tư tế, qua phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm cho người bệnh đây, ắt hẳn sẽ chứng thực
sự hiện diện của thời cứu độ đang hiện diện giữa nhân loại này.
Và
tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng. Nhưng Đức Giêsu lại lui vào nơi hoang vắng
mà cầu nguyện: Hành động của Người luôn liên kết với nguồn mạch thẳm sâu, đó là
sự kết hiệp với Chúa Cha trong cầu nguyện. Người hoạt động trong Chúa Cha bằng
một sự liên kết thẳm sâu. Từ mẫu gương tuyệt vời về lòng thương xót của Chúa,
người Ki-tô hữu chúng ta, nhất là với một tinh thần loan báo Tin Mừng giữa trần
gian này, luôn được mời gọi để sống chứng tá Tin Mừng bằng một cách thức sống động
và luôn được đổi mới. Loan báo Tin Mừng cách sống động vì hoạt động của chúng
ta luôn được thôi thúc bởi nhu cầu và thao thức của con người; luôn mới, vì
chúng ta được mời gọi có cái nhìn của lòng thương xót. Nếu như lề luật được đưa
ra để giữ vững kỷ cương, nề nếp, đời sống Ki-tô hữu còn nhấn mạnh đến chiều
kích thâm sâu hơn nữa của luật lệ, đó là lòng thương xót, một tấm lòng đầy trắc
ẩn phát xuất từ cảm nghiệm Tin Mừng về Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta hơn
cả chúng ta biết tha thứ và yêu thương nhau.