HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ NHỚ ĐẾN THẦY
Mầu nhiệm Thánh Thể, một đề tài thật phong phú đã làm tiêu tốn biết bao nhiêu giấy mực mà dường như vẫn không tát cạn chút nào sự bao la và sâu thẳm của Tình Yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm này. “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Ngạn ngữ này không chỉ đề cao ưu thế của “tình huyết nhục” mà còn gợi cho chúng ta thấy một trong những biểu tượng của tình yêu mang đậm nét hiện sinh đó là máu-thịt. Tình yêu con người lên đến đỉnh cao khi nên một xương một thịt với nhau (x.Mc 10,8). Trích huyết ăn thề cũng là một cách thế tỏ bày tình yêu và sự tín thành với nhau. Máu- thịt vừa biểu trưng cho sự sống vừa biểu trưng cho tất cả những gì ta là. Không phải tôi có thịt máu này mà thịt máu này chính là tôi.
Thiên Chúa đã sai Môsê dùng máu chiên bò để rảy trên bàn thờ và trên dân Israel làm dấu chỉ Người yêu thương chọn Israel làm dân riêng và tín trung với dân cho đến cùng (bài đọc 1). Dĩ nhiên là dân Chúa phải tuân giữ lề luật Người ban. Nếu ngươi tuân giữ lề luật Ta truyền thì ngươi sẽ mãi là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi. (x.Xh 18,5-6). Đến thế gian, Đức Kitô đã dùng chính máu châu báu của mình làm dấu chỉ giao ước mới. Ngài đã trao ban chính mình đến giọt máu cuối cùng để cho nhân loại được cứu sống, được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và xứng đáng làm con cái Thiên Chúa hầu hưởng nhận gia tài Thiên Chúa hứa ban (bài đọc 2).
“Các con hãy nhận lấy mà ăn. Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Này là máu Thầy, Máu giáo ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Là tín hữu, chúng ta vốn quen và dễ thuộc những lời này. Dù rằng công thức truyền phép trong Thánh Lễ hiện nay có thay đổi vài chữ, nhưng nội dung lời Đức Kitô không hề đổi thay. Chúa Giêsu tự nguyện trao ban trọn vẹn bản thân mình để thể hiện tình Chúa yêu chúng ta, yêu nhân loại đến cùng (x.Ga 13,1). Không có tình yêu nào cao quý cho bằng việc hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Thầy sẽ bị nộp vì các con, nghĩa là vì yêu, Chúa tự nguyện nhận lấy mọi hậu quả do tội chúng ta gây ra. Khi cho chúng ta tiếp nhận sự sống của Chúa, qua việc nhận Máu của Người là Chúa bày tỏ lòng khoan dung tha thứ. Và hiệu quả của sự thứ tha ấy là nhân loại chúng ta được cứu sống, được giải phóng khỏi ách nô lệ, được trở về làm con cái Chúa và thừa hưởng hạnh phúc Chúa trao ban.
Chúa Kitô lập bí tích Thánh Thể là vì chúng ta, nhân loại chúng ta đã phạm tội và đang ở trong cảnh nô lệ Thần Dữ. “Người mạnh khoẻ không cần đến thầy thuốc mà là người đau yếu. “Con Người đến để cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Như thế, có thể nói Bí Tích Thánh Thể có ra là vì người tội lỗi chứ không phải cho người công chính. Mẹ Hội Thánh đã nhắc nhớ chúng ta điều này nhiều lần trong Thánh Lễ bằng những công thức thống hối. Ngay trước khi lên “chịu” Thánh Thể, chúng ta một lần nữa được hướng dẫn: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”. Phải, nếu Chúa không vì yêu thương tự nguyện đến với ta thì trên trần gian này chẳng một ai xứng đáng đón nhận Người. Chính Chúa đến mới làm ta nên xứng đáng chứ không phải vì ta xứng đáng rồi nên Chúa mới ngự vào. Không phải do Giakêu xứng đáng, nhưng chính nhờ Chúa Giêsu đến viếng thăm đã khiến cho Giakêu đổi thay và nên xứng đáng (x.Lc 19,1-10).
“Hãy nhận lấy… và hãy làm việc này…”. Hai mệnh lệnh của tình yêu từ Bí tích Thánh Thể. Mệnh lênh thứ nhất: Hãy nhận lấy để được thứ tha. Hãy nhận lấy để được cứu sống, được giải thoát và nên xứng đáng. Tuy nhiên chúng ta đừng quên mệnh lệnh thứ hai: Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Theo giáo lý truyền thống ta dễ xem đây là lời lập Bí tích Truyền Chức Thánh, lập nên hàng Tư tế thừa tác. Là tín hữu Công giáo, chúng ta tin nhận chân lý này theo thần học Bí tích. Thế nhưng đọc Thánh kinh, đặc biệt Tin Mừng, ta cũng phải thừa nhận một chân lý khác đó là bên cạnh một ân sủng luôn có đó một sứ mạng. Ân sủng càng cao quý thì sứ mạng càng trọng đại. Được thứ tha nhiều là để ta tha thứ cho tha nhân cách quảng đại, hết lòng. Được cứu sống là để ta biết nỗ lực giải phóng tha nhân khỏi ách nô lệ ma quỷ.
“Hãy làm việc này…”. Mệnh lệnh này không phải chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài dành cho các bậc tư tế thừa tác. Cầm lấy bánh, rượu rồi đọc công thức truyền phép quả là khá dễ dàng, nhưng sống nội hàm của mệnh lệnh ấy mới là vấn đề. Hãy làm việc này…cũng có nghĩa là tất cả những ai đã đón nhận ân ban qua Thánh Thể thì hãy dùng chính máu thịt của mình để gánh lấy hậu quả tội lỗi của nhau đồng thời giúp cho nhau được sống, sống dồi dào.
Là tín hữu giáo dân, chúng ta vốn thích thực hiện mệnh lệnh đầu tiên: “Hãy nhận lấy…”. Là hàng tư tế thừa tác, chúng ta có thực hiện thêm mệnh lệnh thứ hai: “hãy làm việc này…”, tuy nhiên, rất có thể đang dừng lại ở nghi thức cử hành Bí tích theo luật dạy. Tin Mừng Thánh Gioan không tường thuật việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể nhưng lại tường thuật việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Hội Thánh cho chúng ta nghe bài Tin Mừng này trong Thánh Lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh, lễ Tiệc Ly, hẳn có ý nhìn nhận hành vi phục vụ trong khiêm hạ này chính là hành vi yêu thương tự hiến của Chúa Giêsu thật cao quý không kém như khi Người tự hiến trong Bí tích Thánh Thể. Sau khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu đã minh nhiên truyền lệnh: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”(Ga 13,14).
Không thực hiện mệnh lệnh thứ hai thì có làm mệnh lệnh thứ nhất cách đầy đủ nghi tiết theo luật dạy thì vẫn không chắc có được hiệu quả mong muốn. Xin hãy nhớ lại câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể về anh đầy tớ chỉ biết nhận mà không biết cho đi trong Mt 18,23-35. “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?”(c.32-33). Cuối dụ ngôn, Chúa Giêsu khẳng định anh này đã chẳng nhận được sự gì, nhưng thậm chí còn chuốc lấy sự khốn khổ.
Các bạn đã từng rước Thánh Thể rất nhiều lần. Chúng tôi, các linh mục đã từng cử hành Bí tích Thánh Thể dường như hằng ngày. Chúng ta có dốc hết tâm huyết của mình để gánh lấy những hậu quả xấu xa do tội lỗi của những người trong đạo lẫn ngoài đời, đã và đang thấy đó trên quê hương Việt Nam này hay trong Hội Thánh? Để cho Hội Thánh ngày thêm tinh tuyền, để cho quê hương phát triển trong công lý và hoà bình, chúng ta đã hao mòn máu thịt mình chút nào chưa đây?
Lm. Giuse Nguyên Văn Nghĩa- Thuận Hiếu- BMT