CHỦ NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN B
Thiên Chúa nói với loài người bằng lời con người và qua trung gian các Ngôn sứ mà Người đã chọn. Do đó, lời của các Ngôn sứ chính là lời mời gọi của Thiên Chúa nhằm đem lại công chính và bình an cho tâm hồn chai đá và đóng kín của con người. Các Ngôn sứ cũng là những người mang trong mình những yếu đuối; các ngài sống giống như mọi người đến nỗi nhiều khi khó hoặc không thể nhận ra họ. Chỉ những ai biết chú ý lắng nghe tiếng Chúa trong họ thì mới có thể nhận ra họ là Ngôn sứ.
Sách Ê dê ki ên:
Chúa sai Ngôn sứ Ê dê ki ên đến với dân Người, đối đầu với những tâm hồn chai đá và cứng cổ, nổi lọan và hung dữ. Lời của Ngôn sứ là lời mời gọi sám hối, trở về, tùng phục Thiên Chúa, và sống thánh thiện.
Thánh Vịnh 122:
Đây là bài ca đầy tin tưởng, bài ca của tâm hồn bị tổn thương ngước nhìn lên Chúa là đấng yêu thương người nghèo. Cũng như trong Mối Phúc đầu tiên Chúa Giê su ngỏ với những tâm hồn nghèo khó, thì đây là lời chúc dữ cho những ai tin rằng có thể gặp Thiên Chúa và tự cứu mình bằng chính sức mạnh của đồng tiền mà mình đã làm ra.
Thư Cô rin tô:
Ai trong chúng ta cũng mang trong xác thịt mình một cái dầm, một nỗi đau khổ, một vết thương hoặc một sự yếu đuối thầm kín hoặc được biết đến. Cách chung, đó là con đường để tiếp cận tha nhân và Thiên Chúa đã đi ngang qua đó. Thiên Chúa biểu lộ quyền năng và tình yêu mến của Người qua sự yếu đuối của chúng ta, một cơ may Người ban cho chúng ta để gặp Người.
Tin mừng: Mc 6,1-6
NGỮ CẢNH
Đoạn Mc 6,1-6 được coi như trình thuật chuyển mạch. Trong đó người ta tìm gặp lại những từ và ý tưởng chính của nhóm trình thuật thường được gọi là “ngày đầu tiên ở Ca phar na um” mô tả Chúa Giê su hành động như một thầy giảng dạy và một nhà thần thông chữa bệnh. Ở đây, người ta cũng gặp thấy sự thắc mắc về nguồn gốc Chúa Giê su, nhắc ta nhớ lại trình thuật Mc 3,20-35. Và nhóm phép lạ ở Mc 4,35-43 đề cao tương quan giữa phép lạ và đức tin được kết thúc ở Mc 6,1-6. Vì thế, chúng ta có thể gọi đây là bảng tóm lược tiêu cực về sứ vụ của Chúa Giê su.
TÌM HIỂU
Quê quán của Người: rõ ràng đây chính là quê hương Na gia rét của Chúa Giê su.
Hội đường: đứng đầu mỗi hội đường là ông trưởng hội đường và có một người phục vụ. Vốn xuất phát từ thời lưu đày, các hội đường hiện diện ở hầu khắp các địa phương và là nơi cộng đoàn qui tụ lại vào ngày sa bát để đọc và chú giải Thánh kinh.
Rất ngạc nhiên: sự ngạc nhiên của những người đồng hương Na gia rét về Chúa Giê su tương ứng với sự ngạc nhiên của Ngài khi thấy họ thiếu lòng tin (6,6).
Bởi đâu ông ta được như thế?: thông thường khi Mác cô dùng hình thức nghi vấn hoặc một kiểu nói hài hước, là ông muốn đặt ra một vấn đề sâu xa hơn. Thí dụ ở đoạn 8,27-30: “Người ta nói Thầy là ai?”, hoặc ở câu 9,28: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỉ ấy?”, hoặc nữa ở câu 10,18: “Sao anh nói tôi là người nhân lành?”.
Còn ở đây, câu hỏi được đặt ra tương tự với câu trong Ga 7,14: “Ông nầy không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!”. Sư sâu xa nơi giáo huấn của Chúa Giê su khiến cho đám đông ngạc nhiên và làm cho các thầy kí lục phải ngỡ ngàng (1,22.27), gợi lại sự khôn ngoan của vua Sa lô mông (x. Mt 12,42). Chính vì không rõ sự khôn ngoan cũng như các phép lạ cả thể của Chúa Giê su bắt nguồn từ đâu nên nên người ta đặt câu hỏi về nguồn gốc thần linh của Chúa Giê su.
Bác thợ: đây là đoạn văn duy nhất trong Tân Ước nói đến nghề nghiệp của Chúa Giê su. Còn Mt thì chỉ nói con bác thợ mộc (13,55). Thực tế thì từ nầy chỉ một người thợ làm việc trên mọi thứ vật liệu.
Con bà Ma ri a:đây là nơi duy nhất Mc nói rõ tên của Mẹ Chúa Giê su. Ông là tác tin mừng rất kín tiếng về Đức Ma ri a.
Cũng cần lưu ý rằng ông không bao giờ nhắc đến tên cha nuôi Chúa Giê su. Điều ấy có thể được cắt nghĩa theo hai cách khác nhau. Hoặc người ta có thể nghĩ rằng sự bỏ qua ấy cho thấy cha nuôi Chúa Giê su đã qua đời vào lúc câu chuyện được thuật lại. Hoặc ở cấp độ chú giải thần học, người ta có thể cho rằng Mc trái hẳn với Mt Lc không nói gì tới thời thơ ấu của Chúa Giê su, đã bỏ qua chi tiết ấy là nhằm khẳng định đức tin của mình cũng như của Giáo hội thời sơ khai vào sự thụ thai đồng trinh của Chúa Giê su (x. Mt 1,20; Lc 1,34-35).
Anh em: trong Thánh Kinh từ nầy tự nó không chỉ có nghĩa là anh em theo nghĩa bình thường, mà còn chỉ anh em họ hàng bà con theo nghĩa rộng. (Như Ông A bram gọi cháu Lót bằng tên của em mình : Stk 13,8). Ở đây, người ta cũng có thể lưu ý rằng ông Gia cô bê và Giô xết (hay Giu đa) là con của một bà Ma ri a khác với Mẹ Chúa Giê su (x. 15,40-47; Mt 27,56).
Gia cô bê, Giu đa và Xi mông có lẽ không phải là các tông đồ có cùng tên gọi đó.
Vấp ngã: Mác cô muốn nhấn mạnh. Các cư dân Na gia rét không chỉ sửng sốt mà còn tỏ ra giận dữ, hay hiểu sát chữ, bị vấp ngã vì Ngài. Họ không thể nhận ra rằng những gì họ hiểu biết về Chúa Giê su như là ông thợ mộc và người cùng quê hương cần phải được hoàn toàn bị vượt qua để mở ra cho mầu nhiệm của một bậc khôn ngoan và người làm các phép lạ. Vì sự cứng đầu của họ, dấu cho thấy họ thiếu đức tin, Chúa Giê su trở nên cớ vấp ngã, một hòn đá vấp cho họ. “Phúc thay người nào không vấp ngã vì Ta” (Mt 11,6).
Ngôn sứ: Chúa Giê su tự gọi mình là ngôn sứ. Nhiều lần đám đông cũng gọi như thế. Thí dụ như xem 6,15; Mt 21,11,46; Lc 7,16.39; vv. Ngài phải đương đầu với những chống đối mà các ngôn sứ thường phải chịu. “Phải, ngay cả anh em ngươi và nhà cha ngươi, chính chúng cũng phản bội người; sau lưng ngươi, chính chúng nặng lời chỉ trích ngươi: đừng tin chúng khi chúng nói ngon nói ngọt với ngươi”(Gr 12,6).
Không thể làm được phép lạ nào: Chúa Giê su không thể làm phép lạ mà không có đức tin của con người. X. 9,14-29. Ơn cứu độ không áp đặt cho ai, nhưng phải tiếp nhận trong đức tin. Phép lạ ở ngoài đức tin liệu có ý nghĩa gì không?
Đặt tay: là một dấu đã được dùng trong Cựu Ước, để khẩn cầu Thiên Chúa chúc phúc cho một người; như ông Gia cóp chúc lành cho hai con ông Giu se (Stk 48,13-22). Cũng với cử chỉ ấy Chúa Giê su chúc phúc cho các đứa trẻ (10,16) và chữa lành các bệnh nhân (5,23; 8,23.25; Lc 4,40). Cử chỉ nầy của Chúa Giê su cũng sẽ được các môn đệ của Ngài lặp lại với cùng một ý nghĩa như thế (16,18). Xem Cv 9,12 (chữa lành cho Phao lô); 28,8 (chữa lành cho cha thống đốc Ma ta). Giáo hội tiên khởi cũng sẽ dùng cử chỉ nầy như là dấu chỉ thánh hiến để trao ban Chúa Thánh Thần (Cv 8,17; 19,6) hoặc sai phái các thừa sai đi rao giảng (Cv 6,6; 13,3; 2 Tm 1,6).
Lấy làm lạ: sự ngạc nhiên của Chúa Giê su tương ứng với sự sửng sốt của đám đông (6,2). Tại sao những người đồng hương vịn cớ quen biết Ngài để từ chối nhìn nhận quyền năng Thiên Chúa trong sự khôn ngoan và hành động của Ngài? Và làm sao để thắng vượt sự từ khước ấy để đi đến đức tin?
Đi các làng: không thất vọng vì không thể hoạt động ở Na gia rét, Chúa Giê su liền bỏ nơi đó và đi đến những nơi xa hơn. Cũng thế, Ngài sẽ khuyên nhủ các môn đệ của Ngài hãy rủ bụi chân trước khi đi khỏi những nơi từ chối tiếp nhận và lắng nghe sứ điệp của Ngài.
SỨ ĐIỆP
Cả ba bài đọc hôm nay có một điểm chung: chúng chỉ cho chúng ta thấy sự yếu đuối của người hành động và nói thay cho Thiên Chúa. Người ấy không ngừng phải đối đầu với sự không hiểu biết và từ khước của những người chung quanh. Đối với ông, đó là nỗi thất bại. Tiên tri Êdêkiên đã được Chúa gọi để Lời Thiên Chúa được mặc khải trong quyền năng. Nhưng ông đã được cảnh báo trước là phải đối đầu với một đám người nổi loạn. Thánh Phao lô cũng có một khám phá lớn lao làm đảo lộn cả đời ông. Những yếu đuối của đời tông đồ chỉ làm nổi bật sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động trong ông. Như tất cả các tông đồ khác, ông hoàn toàn lệ thuộc vào Lời Thiên Chúa.
Bài tin mừng hôm nay cho thấy Chúa Giê su đối đầu với sự thất bại trong sứ vụ của Ngài. Thất bại ấy thật nổi tiếng. Những người đương thời đã sống gần gủi với Ngài trong suốt thời niên thiếu. Họ biết Ngài đã làm nghề thợ mộc với ông Giu se, và chắc hẳn một vài người đã nhờ vả Ngài. Suốt những năm ẩn dật, Ngài đã cấm rễ sâu trong lịch sử con người. Ngài đã rất quan tâm đến những niềm vui, khó nhọc và hi vọng của họ. Khi bắt đầu sứ vụ. Ngài đã ân cần đi gặp từng người trong hoàn cảnh riêng của họ.
Nhưng có một khía cạnh khác mà ta phải để ý đến, đó là nhân cách của Chúa Giê su: Ngài sống rất gần với con ngừi, và cũng rất gần Thiên Chúa. Điều đó xuất hiện trong các phép lạ và các diễn từ của Ngài. Đối với người đồng hương Na gia rét đó là một điều hoàn toàn mới mẻ: Họ khám phá nơi Ngài một đấng bắt đầu nói và hành động cho Thiên Chúa. Ngài tự cho mình là ai ? Những người đồng hương không thể chấp nhận sự thay đổi đó. Họ không khám phá ra đặc tính thần linh ẩn dấu nơi cuộc sống thường nhật của Ngài. Đối với họ, đó là điều không thể có được.
Thật ra, điều đặt ra vấn đề đó là Chúa Giê su được quá nhiều người biết đến, quá nổi tiếng. Chính vì thế, Ngài bị người ta hiểu sai, và rất khổ tâm khi thấy sự hiểu biết của họ chỉ quanh quẩn nơi nhân thân, gia đình, nghề nghiệp, bà con, quá khứ của Ngài. Họ không thể tiếp cận, thậm chí từ đằng xa, mầu nhiệm căn tính thần linh của Ngài. Có biết bao nhiêu người bị đóng khung trong quá khứ của mình, trong tiếng tăm của mình, lịch sử của mình! Để có thể hiểu được họ, cần phải có một cái nhìn khác về họ, một cái nhìn đón nhận và giúp tin tưởng.
Trang tin mừng nầy muốn mời gọi chúng ta tiến thêm một bước nữa trên con đường hoán cải. Tất cả chúng ta được mời gọi ra khỏi những xác tín của mình, gạt sang một bên điều mà chúng ta tưởng là biết về Thiên Chúa và Chúa Giê su. Đức tin trước tiên không phải là một tri thức hay biểu biết, nhưng là một câu hỏi ngàn đời: Đối với tất cả chúng ta. Chúa Giê su là ai? Đó là một câu hỏi mà chúng ta gặp trong suốt Tin mừng Mác cô. Và câu trả lời sẽ có dưới chân thánh giá qua câu nói của người sĩ quan La mã: “Quả thật, người nầy là Con Thiên Chúa”.
Cũng đấng Chúa ấy muốn gặp chúng ta. Ngài đặt trên đường chúng ta đi những người phải gặp, những người mà chúng ta biết là anh chị em. Đó không phải là những ngôi sao điện ảnh nhưng là một người lân cận, một người bạn làm việc, một người cao niên hoặc một người trẻ, những người rất đơn giản. Chính qua họ mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Chúng ta có biết nhận ra nơi họ những sứ giả của Thiên Chúa không? Khi Thiên Chúa muốn nói với chúng ta, Ngài không đi tìm một ai đó ở bên kia thế giới. Cả chúng ta nữa, chúng ta được sai đến với những người lân cận, gia đình chúng ta, làng xóm chúng ta. Có thể chúng ta sẽ phải đối đầu với phản ứng cười nhạo hay dửng dưng. Nhưng như tiên tri Êdêkiên, chúng ta không được sai đển để dẫn mọi người đến đức tin nhưng để nói Lời Thiên Chúa.
Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta được mời gọi đi vào mầu nhiệm của chính con người Đức Ki tô luôn luôn ở bên kia tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ đến hoặc nói về Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những thiên kiến ăn sâu trong tâm hồn. Chúng cản trở chúng ta nhận biết và yêu mến Chúa. Và nhất là cản trở chúng ta yêu thương Ngài. Thánh lễ xong, chúng ta được sai đi như nhân chứng loan báo tin mừng, xin Chúa ban cho chúng ta ơn vượt qua sự thất vọng, chịu đựng những chỉ trích, những tình huống gây lo âu. Chúng ta hãy tin vào Ngài, là chủ mùa gặt đang hoạt động ngang qua những người được sai đi..
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Nội dung bài đọc 1 như thế nào?
THƯA: Thiên Chúa trao cho Tiên tri Êdêkiên sứ mạng rao giảng cho những người do thái bị lưu đày bên Babylon, một đám dân cứng đầu cứng cổ không muốn nghe lời Ngài. Thậm chí họ còn muốn chống lại Ngài như chống lại một kẻ thù. Nhưng cũng giống như Mô sê và Giêrêmia, dù gặp thấy trước mình sẽ gặp chống đối ông cũng phải nói. Bị chống đối là nét đặc trưng của sứ mạng tiên tri mà Chúa Giê su cũng đã kế thừa trong chuyến trở về quê hương.
2. HỎI: Đoạn tin mừng hôm nay ở đầu chương 6 kể lại chuyến về quê hương của Chúa Giê su, vậy 5 chương đầu tinmừng Mác cô, Ngài rao giảng ở đâu?
THƯA: Theo Tin mừng thánh Mác cô, Chúa Giê su rời làng quê Nagiarét để bắt đầu sứ mạng công khai. Ngài đến với ông Gioan Tẩy giả ở bờ sông Gio đan chịu phép rửa (1,9). Sau đó, Ngài đi rảo quanh vùng Galilê, băng qua biển hồ Galilê, đến vùng Thập tình của dân ngoại (c.5). Trong thời gian nầy, Ngài thường chọn Caphácnum làm quê nhà, chọn 12 tông đồ làm người thân tín (3,13). Nagiarét không hề được nhắc đến.
3. HỎI: Phản ứng của những người chung quanh ra sao?
THƯA: Nhiều người bị thu hút bởi cách giảng dạy của Chúa Giê su và các phép lạ Ngài làm. Riêng các kí lục và Pharisêu thì nhiều lần tỏ ra thù nghịch với Ngài. Đến nỗi có một vài người quyết định trừ khử Ngài (3,6), lấy cớ là Ngài đã phạm một trọng tội là chữa bệnh trong ngày sa bát. Trong số những người thân trong gia đình thì một ít người cho rằng Ngài mất trí.
4. HỎI: Chuyến trở về Quê hương đầu tiên của Chúa Giê su kết quả như thế nào?
THƯA: Từ trước đến giờ, Chúa Giê su gặp nhiều chống đối, nhưng tại quê hương, Ngài gặp thất bại hoàn toàn đến nỗi Ngài không làm được một phép lạ nào (c.5). Quê hương Ngài từ chối Ngài. Cả đoạn tin mừng nhằm nêu bật phản ứng tiêu cực của những người láng giềng cũ của Chúa Giê su: lúc đầu còn nghi ngại, nhưng dần dần trở thành thù nghịch.
5. HỎI: Những người đồng hương Chúa Giê su thắc mắc về điều gì?
THƯA: Trước những giáo huấn khôn ngoan và phép lạ của Chúa Giê su, những người đồng hương đưa ra những thắc mắc về con người của Ngài: “Bởi đâu mà ông ta được khôn ngoan như thế? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria và là anh em của các ông Gia cô bê, Giu se, Giu đa và Si môn sao?”
6. HỎI: Câu nói: “Ông ta không phải con bác thợ, con bà Maria..sao?” có nghĩa gì?
THƯA: Đó là một câu nói có ý chế nhạo. Người Do thái thường nhắc đến dòng dõi qua danh tính của người Cha. Còn ở đây, khi nhắc lại Chúa Giê su là con bà Maria, những người đồng hương của Ngài tỏ ra khinh thường gốc gác của Ngài.
7. HỎI: “Anh em” có nghĩa gì?
THƯA: “Anh em” ở đây không có nghĩa là anh em cùng một cha. Tiếng Híp pri và Aramêô không có từ riêng để gọi anh em bà con ngoài từ “anh em”. Thí dụ trong Stk 13,8 và 14,4.16 goi Lót là em của Abram nhưng Stk 11,26-27 lại cho biết rằng bố ông Lót là Haran là em ông Abram, nghĩa là Lót là cháu của Abraham.
8. HỎI: Tại sao Chúa Giê su không thể làm được phép lạ nào tại đó?
THƯA: Ngài không thể làm phép lạ không phải vì không làm được, nhưng vì Ngài muốn phạt họ vì họ không tin. Họ nghĩ rằng chính bản thân Chúa Giê su cũng như gia đình của Ngài có một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác, không có dáng vấp một vị tiên tri, nên không thể là là tiên tri được. Vì thế họ không tin vào Ngài.
9. HỎI: Câu: “Và họ vấp ngã vì Ngài” có nghĩa gì?
THƯA: Thánh Mác cô cố ý dùng từ “hòn đá vấp” mà tiên tri Isaia nói đến. Đó là hình ảnh cho thấy sự đối kháng giữa người tin và người không tin. Đối với người tin thì viên đá lạ lùng trở thành viên đá góc tường, còn đối với người không tin thì nó lại lá hòn đá khiến họ vấp ngã (1 Pr 2,6-8). Chúa Giê su chính là viên đá khiến họ vấp ngã vì họ không tin vào Ngài: “Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta” (Mt 11, 5; Lc 7, 23).
10. HỎI: Câu cách ngôn Chúa Giê su trích dẫn có nghĩa gì?
THƯA: Chúa Giê su như Êdêkiên (bài đọc 10), hay như Giêrêmia và nhiều người khác trước Ngài, xác tín rằng không ai có thể làm tiên tri nơi quê hương hay nơi họ hàng bà con của mình. Qua đó, Chúa Giê su có ý nói rằng, Ngài đích thực là một tiên tri, nhưng tại quê hương Nagiarét người ta đã từ khước Ngài như dân Israel đã từng từ khước các tiên tri Thiên Chúa gửi đến.
11. HỎI: Bài tin mừng này dạy ta điều gì?
THƯA: Bài tin mừng dạy ta rằng những ai chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa và tìm cách đi theo Ngài có thể đối mặt với sự dửng dưng và thù nghịch, khinh bỉ và miệt thị, yếu đuối gian khổ và bách hại. Tất cả những điều đó không phải là điều kiện nhất thời, nhưng là cảnh huống thông thường của những người phục vụ Đấng Chịu đóng đinh. Ngài từ bỏ con đường vinh quang và tìm vinh quang bằng cách vâng phục và chết.