CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C
BAO DUNG NHÂN HẬU NHƯ CHA TRÊN TRỜI
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc
15, 1-10
(1) Tất cả những
người Thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giê-su mà
nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các kinh sư
thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.
(3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: (4) Người nào trong các ông
có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín
con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? (5)
Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người
ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi
đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. (7) Vậy, tôi nói
cho các ông hay: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người
tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính
không cần phải sám hối ăn năn”. (8) Hoặc người phụ nữ nào có mười
đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi
quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được ? (9) Tìm được rồi, bà ấy mời
bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm
được đồng quan tôi đã đánh mất”. (10) Cũng thế, tôi bảo cho các ông
hay: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người
tội lỗi ăn năn sám hối”. (11) Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia
có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho
con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho
hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi
phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
(14) Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một
nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên
phải đi ở cho một người dân trong vùng. Người này sai anh ta ra đồng
chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng,
nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao
nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại
chết đói ! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với Người:
“Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, (19) chẳng còn đáng
gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.
(20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì
người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và
hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật
đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”.
(22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất
ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, (23)
rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!
(24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm
thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng. (25) Lúc ấy người con cả của ông đang
ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy
múa, (26) liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.
(27) Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê
béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe”. (28) Người anh cả liền nổi
giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. (29) Cậu trả lời
cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào
trái lệnh. Thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con
ăn mừng với bạn bè. (30) Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt
hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê
béo ăn mừng!”. (31) Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con
cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. (32) Nhưng
chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại
sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
2. Ý CHÍNH:
Thấy Đức Giê-su
gần gũi với những người thu thuế và tội lỗi, nhóm Pha-ri-sêu và kinh
sư lên tiếng trách cứ Người. Bấy giờ Người đã dùng ba dụ ngôn diễn
tả lòng thương xót và niềm vui của Thiên Chúa đối với những tội nhân
biết hối cải là: “Con chiên bị lạc”, “Đồng bạc bị đánh mất” và
“Người Cha nhân hậu”. Hai dụ ngôn
đầu nhấn mạnh đến thái độ của Thiên Chúa không bỏ rơi nhưng luôn đi
tìm kiếm kẻ có tội. Dụ ngôn thứ ba
nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa qua thái độ sẵn sàng khoan
dung tha thứ tội nhân đi hoang và vui mừng đón nhận họ hồi tâm sám hối
trở về.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: +
Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi: Trong xã hội Do thái, những người thu thuế bị coi như tội nhân công
khai. Người thu thuế và gái điếm là hai hạng người thường bị nhóm
Pha-ri-sêu và kinh sư lên án (x. Lc 5, 30; 7, 34). Ở đây Lu-ca ghi
nhận những người thu thuế và tội lỗi thường đến nghe lời Đức Giê-su
giảng. Điều này cho thấy Đức Giê-su không khinh dể xa lánh tội nhân,
nhưng sẵn sàng đón tiếp để cứu độ họ.
- C
4-7: + Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất
một con...: Hình ảnh người mục tử với đàn chiên là một
đề tài cổ điển của Cựu ước, nói lên quan hệ giữa Thiên Chúa và dân
Người (x. Lc 12, 32). Con chiên tìm lại được là biểu tượng về ơn
cứu độ của Thiên Chúa (x. Mt 4, 6-7). Lu-ca cho thấy tình thương
của Thiên Chúa là Đấng luôn đi tìm và đưa các tội nhân trở về đàn chiên
(x. Lc 15, 4-7). + Để chín mươi chín con kia ngoài
đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất: Ở đây
phải hiểu ngầm là chín mươi chín con chiên trong đàn đã được mục tử
nhốt ở một nơi an tòan trong hoang địa, trước khi đi tìm con chiên lạc.
Tuy chỉ là một con chiên, nhưng đối với mục tử cũng là một số lớn,
đến nỗi ông quyết tâm đi tìm bằng được. Điều này cho thấy lòng nhân
từ của Thiên Chúa đối với kẻ có tội thật lớn lao.
- C
8-10: + Người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh
mất một đồng...: Đồng quan là một đơn vị tiền tệ của
Hy-lạp. Đơn vị tiền tệ này tương đương với quan tiền Rô-ma (x. Lc
7, 41), là tiền công nhật của một nông nhân làm việc đồng áng (x.
Mt 20, 2). + Lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi
móc tìm cho kỳ được ?: Nhà của người dân Pha-lét-tin làm
bằng đất sét và có ít cửa nên bị tối. Do đó, dù giữa ban ngày, để
tìm kiếm một vật nhỏ như một quan tiền, người ta cũng phải thắp đèn
cầy lên. Trong dụ ngôn này, một phụ nữ vốn liếng chỉ có mười quan
tiền, nên phải vất vả tìm kiếm cho bằng được đồng quan bị mất...
Điều này ám chỉ tình thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Người
không muốn bất cứ ai bị hư mất, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được
sống. + Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng
vì một người tội lỗi ăn năn sám hối: Thiên Chúa vui mừng
và chia sẻ niềm vui với cả triều thần thánh trên trời khi thấy một
người tội lỗi ăn năn hối cải trở về.
4. CÂU HỎI: 1)
Những ai bị người Pha-ri-sêu và kinh sư khinh dể, nhưng được Đức Giê-su
sẵn sàng đón tiếp ? 2) Thánh kinh thường dùng hình ảnh nào để diễn
tả tương quan giữa Đức Chúa với Ít-ra-en là con dân của Người ? 3) Phải
chăng người mục tử bỏ mặc 99 con chiên giữa hoang địa cho sói dữ cắn xé,
để đi tìm một con chiên bị lạc ? 4) Hai dụ ngôn nào diễn tả tình
thương của Thiên Chúa luôn quan tâm đi tìm các tội nhân, và dụ ngôn nào
cho thấy tình thương của Người sẵn sàng tha thứ và đón nhận tội nhân
sám hối trở về ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Trên
trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám
hối, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn
năn” (Lc 15, 7).
2. CÂU CHUYỆN:
1) NOI GƯƠNG CHÚA ĐỂ
XÓT THƯƠNG NGƯỜI TỘI LỖI:
Một lần kia, các tu
sĩ trong miền dẫn tới Đức Giám Mục An-mô-na một thiếu nữ mang bầu xin ngài ra
hình phạt. Nhưng Đức cha đã ban phép lành cho thai nhi, rồi ra lệnh ban cho cô
sáu tấm vải bằng lanh mịn. Những kẻ tố cáo lại nói:
- Tại sao Đức Cha làm
như thế? Xin ra cho nó một hình phạt.
Ngài ôn tồn bảo:
- Anh em thử nghĩ
xem, cô ta đã đau khổ muốn chết được; tôi phải làm gì hơn nữa?
Nói thế rồi ngài cho
cô ta về. Từ đấy không tu sĩ nào còn dám tố cáo ai nữa.
2) SỨC MẠNH HOÁN CẢI
CỦA SỰ THA THỨ:
Ngày 13-5-1981, giữa
lúc hàng chục ngàn người chen chúc nhau tại quảng trường thánh Phê-rô để đón
đức thánh cha Gio-an Phao-lô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên làm mọi
người đứng tim. Đức thánh cha đã bị ngã gục trên chiếc xe mui trần, máu vọt lên
tung tóe. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị giáo hoàng bị mưu sát.
A-li A-ga-ca, hung thủ tội ác, đã bị bắt ngay tại chỗ. Sau đó hung thủ người
Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam tại nhà tù Re-bi-bli-a ở Rô-ma. Cả thế giới đều kinh
hoàng về tội ác tày trời này. Năm 1984, thế giới còn kinh ngạc hơn nữa khi Đức
thánh cha Gio-an Phao-lô II, là người đã bị ám sát trước đó, đã đến thăm và nói
chuyện với kẻ sát hại mình tại nhà tù. Không ai biết hai bên nói gì với nhau,
nhưng qua hệ thống truyền thông, mọi người đều rất cảm động khi thấy Đức Thánh
Cha bắt tay A-li A-ga-ca, với nụ cười trìu mến. Phải chăng đây là hình ảnh sống
động nhất về tình yêu của Đức Giê-su khi Người niềm nở đón tiếp các tội nhân.
Ít lâu sau, vợ của kẻ
sát nhân đã đến Rô-ma để bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha, vì ngài đã
sẵn sàng tha thứ cho chồng của mình. Còn chính hung thủ A-li A-ga-ca sau khi
mãn hạn tù, đã xin được nhập vào quốc tịch Va-ti-can và được trở thành em nuôi
của Đức Thánh Cha.
3) LOÀI NGƯỜI
THÍCH KẾT ÁN HƠN LÀ CẢM THÔNG VỚI TỘI NHÂN:
Bệnh HIV AIDS (hay
SI-DA) ngày nay đã trở thành một vấn đề lớn của nhân loại, một “căn
bệnh của thế kỷ” mà đến nay loài người vẫn chưa tìm ra phương thế
chữa trị hữu hiệu. Cách đây ít lâu, trên đài VTV3 có chiếu một bộ
phim nhiều tập khá hay, nhan đề là “Gió qua miền tối sáng”. Bộ phim
đề cập đến số phận của nhiều nhân vật bị lây nhiễm vi-rút liệt kháng
(HIV-AIDS). Thái độ của các bệnh nhân đầu tiên thường là bàng hoàng,
không tin là mình lại bị mắc chứng bệnh quái ác này. Rồi sau khi đã
chấp nhận thực tế, một mặt họ tìm xem ai đã lây bệnh cho mình, mặt
khác họ vẫn cố che giấu không để người chung quanh biết mình đã bị
mắc bệnh. Rồi trong số những người mắc bệnh, người thì chấp nhận
hoàn cảnh để cố sống tốt đẹp và tránh lây bệnh cho tha nhân. Nhưng
cũng có kẻ hận đời và sống buông thả, quan hệ tình dục bừa bãi,
nhằm truyền bệnh cho nhiều người khác cùng chết với mình cho hả dạ.
Còn quần chúng nói chung, do chưa hiểu về phương cách lây lan, nên khi
vừa nghe người nào mắc phải thứ bệnh quái ác này là bắt đầu bàn tán xầm
xì to nhỏ và cảnh giác cao độ, thể hiện qua thái độ xa lánh bệnh nhân...
khiến người mắc bệnh cảm thấy cô đơn và tủi hổ. Cuối cùng người bệnh
đành phải dời chỗ đến nơi không ai biết mình bị mắc chứng bệnh này.
Gần đây ở
Phi-líp-pin cũng có chiếu một bộ phim tài liệu về việc phòng chống
HIV AIDS. Phóng viên đã hỏi một thanh niên bị mắc bệnh AIDS thời kỳ
chót: “Anh dự định thế nào về tương lai của anh ?” Chàng thanh niên đã
thành thật cho biết như sau: “Tôi hy vọng sau khi tôi chết, hãng bảo
hiểm nhân thọ sẽ trả cho tôi một số tiền để nuôi chú chó cưng của
tôi. Vì từ khi tôi công khai thừa nhận chứng bệnh này, tôi đã bị mọi người
khinh dể xa lánh, kể cả những người thân trong gia đình ruột thịt của
tôi. Chỉ có chú chó cưng là không thay lòng đổi dạ. Nó vẫn tiếp tục
vẫy đuôi mừng rỡ mỗi khi gặp mặt tôi như trước”.
4) LÒNG THƯƠNG XÓT SẼ
CHIẾN THẮNG SỰ THÙ HẬN:
Cha PI-Ô là một vị
linh mục nổi tiếng thánh thiện. Ngày kia, ngài tới Ro-ton-do và tình cờ gặp
Ce-sa-re Fes-ta, một kẻ đứng đầu phái Tam Điểm tại đây. Khi gặp ngài, ông ta
ngạc nhiên và nói:
- Ngài cũng ở đây với
chúng tôi, những người theo phái Tam Điểm hay sao?
Cha Pi-ô đáp lại:
- Phải, thế mục đích
của các anh là gì?
Ông ta trả lời:
- Chúng tôi chống lại
Giáo hội.
Cha Pi-ô liền cầm lấy
tay ông ta, nhìn ông ta bằng cặp mắt trìu mến, rồi kể lại cho ông ta nghe dụ
ngôn đứa con hoang đàng, hay câu chuyện tấm lòng của một người cha.
Một giờ sau, ông ta
đã quì gối xưng tội. Rồi sau đó, ở mọi nơi và trong mọi lúc, ông ta sẵn sàng tuyên
xưng lòng khoan dung và thương xót bao la của Thiên Chúa.
Còn chúng ta hôm nay
có sẵn sàng sám hối ăn năn trở về cùng Thiên Chúa để được ơn tha thứ không? Vì
tâm tình sám hối ăn năn chính là phương thế để được Chúa thứ tha.
3. SUY NIỆM:
1) Về ba dụ ngôn diễn
tả lòng Thương Xót của Thiên Chúa:
Khi thấy Đức Giê-su
tiếp đón và ngồi ăn đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi thì các người
Pha-ri-sêu và các kinh sư Do thái liền lẩm bẩm chê trách Người. Để trả lời, Đức
Giê-su đã kể ra ba dụ ngôn cho thấy lòng thương xót bao dung của Thiên Chúa đối
với tội nhân diễn tả ba khía cạnh của lòng thương xót mà các tín hữu cần thực
hiện:
Một là dụ ngôn người
mục tử tốt lành;
Hai là dụ ngôn người
đàn bà lỡ đánh mất một quan tiền;
Ba là dụ ngôn người
cha giàu lòng bao dung nhân hậu.
Qua
đó Đức Giê-su trình bày Thiên Chúa từ bi thương xót: Xót thương những kẻ đi vào
con đường lầm lạc tội lỗi; Người muốn giải cứu tội nhân ra khỏi vòng tội lỗi và
vui mừng khi thấy họ quyết tâm hồi tâm sám hối trở về.
2) Đặc tính của lòng
thương xót của Thiên Chúa:
a) Không bỏ rơi nhưng
quyết tâm đi tìm chiên lạc:
Đức Giê-su là mục tử
tốt lành biết rõ và gọi tên từng con chiên (x Ga 10, 14), đến để cho chiên
được sống và sống dồi dào (x Ga 10, 10). Con người thật đáng quí trước mặt
Người. Người tìm kiếm con người và không muốn một người nào bị hư mất. Như
người mục tử tốt lành không đành bỏ rơi một con chiên lạc, nhưng quyết tâm đi
tìm cho tới khi tìm thấy (x Lc 15, 4); Như người đàn bà có mười quan tiền
bị rớt một đồng, đã không bỏ mặc, nhưng đốt đèn, quét nhà quyết tìm lại bằng
được (x Lc 15, 8); Như người cha có hai đứa con trai, đã không bỏ mặc đứa
con thứ bất hiếu đi hoang, nhưng hằng ngày mong chờ nó hồi tâm sám hối trở về
(x Lc 15, 20).
b) Vui mừng khi tìm
lại những gì đã hư mất:
Đức Giê-su là hiện
thân lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Người không muốn tội nhân phải chết,
nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được sống. Người vui mừng đón tiếp tội nhân trở
về giống như mục tử tốt lành đi tìm một con chiên lạc, khi tìm được rồi liền vui
mừng vác nó trên vai và đưa về đàn. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè,
hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con
chiên của tôi, con chiên bị mất đó” (Lc 15, 5-6);
Thiên Chúa cũng giàu
lòng từ bi nhân hậu như người đàn bà kia có 10 đồng bạc đã bỏ công tìm kiếm một
đồng bị mất. Khi tìm thấy rồi liền nói với người xung quanh: “Xin chung vui
với tôi, vì tôi đã tìm được quan tiền tôi đã đánh mất” (Lc 15, 9);
Thiên Chúa còn hành
xử bao dung như người cha nhân lành, hằng ngày chờ mong đứa con đi hoang trở
về, và khi thấy bóng nó từ đàng xa, đã chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ nó
và hôn lấy hôn để. Rồi không để nó nói hết câu thú tội, đã sẵn sàng tha thứ
và trả lại mọi quyền lợi mà nó đã mất khi bỏ nhà đi hoang: “Mau đem áo đẹp
nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,
rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng !
Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”
(Lc 15, 20-24).
3) Đối xử thế nào với
tội nhân noi gương Mục Tử nhân lành Giê-su?
a) Cảm thông với tội
nhân:
Trong cuộc sống,
chúng ta thường có thái độ giống như các biệt phái và Kinh sư khi thích xét
đoán và kết án tha nhân. Tin Mừng hôm nay cho thấy thái độ của Đức Giê-su
đầy lòng thương xót: Người cảm thông khi ngồi đồng bàn với các
người thu thuế tội lỗi; Người chọn một người thu thuế tên
là Lê-vi vào số mười hai Tông đồ; Người bênh vực và cứu
người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khỏi bị ném
đá chết… Sở dĩ Người ưu ái gần gũi tội nhân là vì muốn chữa lành cho họ như
Người đã nói: “Người khỏe mạnh không cần
đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này:
Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công
chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9. 13).
Chỉ có một tội
không bao giờ được tha là tội kiêu ngạo của ma quỷ khi “xúc phạm
đến Chúa Thánh Thần”. Đó là tội chết mất linh hồn mà các người Pha-ri-sêu
và Kinh sư Do thái đã lỗi phạm, khi cố chấp không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên
Sai, mượn tay Phi-la-tô kết án tử hình thập giá cho Người, và từ chối gia nhập
Nước Trời do Người thiết lập.
b)
Đi tìm kiếm tội nhân và vui mừng đón nhận họ trở về:
Thiên
Chúa luôn yêu thương mọi người là con cái của Ngài. Ngài đã sai Con Một đến
trần gian là Đức Giê-su để ban ơn cứu độ cho loài người. Khi đi giảng đạo, Đức
Giê-su muốn cho mọi người đều gia nhập Nước Trời để được cứu
độ. Đặc biệt Người ưu ái đối với các tội nhân: bênh vực người đàn
bà ngoại tình khỏi bị kết án, tha thứ cho người trôm lành thật lòng sám hối ăn
năn, đi tìm các con chiên lạc và vui mừng tiếp nhận họ, sẵn sàng kêu gọi người
thu thuế Mát-thêu vào nhóm 12 tông đồ, cho cô gái tội lỗi Ma-ri-a Ma-đa-le-na
theo làm môn đệ của Người… Việc đi tìm và đưa những tội nhân sám hối
trở về với Chúa cũng chính là sứ mạng của mỗi người tín hữu chúng ta
hôm nay.
c) Quảng đại tha thứ
những xúc phạm của kẻ khác đối với chúng ta:
- Nếu Thiên Chúa
đã tỏ lòng từ bi tha thứ tội lỗi chúng ta, thì Người muốn chúng ta
cũng phải sẵn sàng tha thứ các xúc phạm của tha nhân đối
với chúng ta, như người cha trong dụ ngôn đã yêu cầu người anh cả tiếp nhận
đứa em đi hoang trở về. Trong thực tế, người ta chỉ dễ tha thứ lỗi lầm của
kẻ khác khi ý thức được tình trạng tội lỗi của mình. Có nhận mình là
tội nhân, chúng ta mới cảm thông và dễ tha thứ cho kẻ khác.
- Đừng đòi
kẻ có tội phải bị trừng phạt mới vừa lòng: Mục sư Mác-tin
Lu-thơ Kinh (Martin Luther King) đã nói như sau: “Nếu cứ áp dụng luật
“mắt đền mắt” thì chắc mọi người đều đã trở thành những kẻ mù lòa
từ lâu rồi !”. Một phóng viên đã hỏi Tổng thống LANH-CÔN (A Lincoln) là
ông sẽ làm gì đối với dân Miền Nam sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ? Ông
liền trả lời: “Tôi sẽ đối xử với họ như họ chưa bao giờ bỏ nhà đi
hoang”.
- Đây cũng chính
là cách đối xử của Đức Giê-su đối với các tội nhân. Người sẵn
sàng tha thứ vô điều kiện, “phục hồi trọn vẹn” cho
ông Phê-rô, như thể ông chưa bao giờ phạm tội chối Thầy. Đây cũng chính là
cách chúng ta phải cư xử với kẻ xúc phạm đến chúng ta: Phải sẵn sàng
tha thứ với một tình thương bao dung giống như Thiên Chúa đã bao dung với
chúng ta, như lời cầu trong kinh Lạy Cha: “Và tha nợ chúng con như chúng con
cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12). Vì nếu chúng ta đối xử với tha
nhân thế nào, thì Thiên Chúa công minh cũng sẽ xử với ta như thế: “Anh em đong
bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7, 2).
- Thánh
Phao-lô dạy các tín hữu chúng ta sống đức mến như sau : “Đức mến thì
nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc; không làm
điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù; không
mùng khi thấy sự gian ác,nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất
cả , tin tưởng tất cả; hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7)
4. THẢO LUẬN:
Giả như bạn là
người anh cả trong dụ ngôn hôm nay thì bạn sẽ làm gì: vào nhà cha để
cùng tham dự bữa tiệc vui đón đứa em đi hoang trở về, hay đứng bên ngoài
kêu trách lòng nhân hậu của Cha, như các người Pha-ri-sêu và kinh sư xưa
đã làm?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY
CHA. Chúng con thường hay cư xử như người con thứ trong bài dụ
ngôn khi muốn tự do bay nhảy ngoài vòng tay che chở của Cha. Nhưng chính
sự tự do ấy đã biến chúng con trở thành nô lệ cho ba thù là ma quỷ, thế
gian và xác thịt mình. Những hạnh phúc do thế gian ban tặng cuối cùng cũng
chỉ là thứ hạnh phúc bọt bèo chóng qua. Xin dẫn dắt chúng con mau quay
về với Cha, giúp chúng con điều chỉnh những sai lỗi. Xin giúp chúng con
sớm trỗi dậy, vì tin rằng tình thương của cha còn lớn hơn muôn ngàn lần
những tội lỗi của chúng con. Ước gì vấp ngã sẽ làm chúng con trưởng
thành hơn, thấy được sự mỏng dòn yếu đuối của mình và cảm nghiệm
được lòng Cha bao dung nhân hậu. Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ,
chúng con cũng biết đối xử từ bi thương xót đối với những kẻ đã xúc
phạm đến chúng con.
X)
HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
Lm. Đan Vinh - HSTM