Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Thánh Thần
Hiện Xuống Năm B
BIẾN ĐỔI VÀ THÁNH HÓA ĐỊA CẦU
Gần khu vực
chúng ta, có một số nhóm cầu nguyện gọi là cầu nguyện Thánh Linh đang hoạt động
và lôi kéo nhiều người. Trong lúc cầu nguyện các thành viên lên cơn co giật,
nói năng hành động mất kiểm soát, được cho là nói tiếng lạ. Những người trong
cùng nhóm cũng không hiểu người kia nói gì. Họ cho những hiện tượng đó là do
Thánh Thần ngự xuống.
Chắc chắn
Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong Giáo Hội và thế giới hôm nay để canh tân đời
sống Giáo Hội và thánh hóa từng người. Có một yếu tố quan trọng để phân biệt
đâu là tác động của Thánh Thần, và đâu là những điều giả dối, đó là: Thánh Thần
luôn dẫn chúng ta đi trên con đường của tình yêu và sự thật, đưa chúng ta đến sự
bình an và biến đổi chúng ta nên thánh. Như thế, những hoạt động gây sự nghi ngờ,
chia rẽ và bất an, không biến đổi con người nên thánh chắc chắn không phải do
Thánh thần tác động.
Thánh Thần
là Đấng canh tân đổi mới tâm hồn. Bài đọc một hôm nay thuật lại một cuộc biến đổi
kỳ diệu do Chúa Thánh Thần thực hiện trên các tông đồ và Giáo Hội thời sơ khai.
Mặc dù đã nhiều lần được gặp Chúa Giêsu phục sinh, song nỗi ám ảnh, sợ hãi từ
cuộc khổ nạn thập giá của Chúa Giêsu đã làm các tông đồ tê liệt hoàn toàn. Các
ông còn thở mà như đã chết, còn đi lại nhưng tinh thần thì đã tan rã, ý chí tê
liệt, quyết tâm cũng đã hết. Trong tình trạng bi đát đó, các tông đồ vẫn còn giữ
được một lòng tin và hy vọng vào quyền năng và lời hứa của Thiên Chúa, các ông
tụ họp nhau để cầu nguyện. Lúc các ông đang cùng nhau cầu nguyện trong căn
phòng đóng kín cửa vì sợ người Do Thái, Thánh Thần đã hiện xuống trên các ông.
Sách Công
Vụ đã dùng nhiều hình ảnh để kể lại sự kiện quan trọng này: Một tiếng động mạnh
từ trời phát ra làm rung chuyển không chỉ căn nhà mà còn rung chuyển cả tâm hồn
khô cứng của các tông đồ khiến các ông bừng tỉnh. Có một làn gió mạnh ùa vào
nhà, làm bật tung các cánh cửa của căn phòng và mở toang cánh cửa tâm hồn các
tông đồ đã bị khép kín từ lâu. Chúa Thánh Thần đã lấy hình những lưỡi lửa xuất
hiện, ngự xuống trên các tông đồ và những người hiện diện để thắp lên trong các
ông ngọn lửa yêu mến và nhiệt thành. Thánh Kinh nhấn mạnh: “Ai nấy được đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác
nhau tùy theo Thánh Thần ban cho”. Với lời kể này, Kinh Thánh cho chúng ta
hình dung đến những lần Thiên Chúa thể hiện quyền năng của Ngài, đặc biệt giống
như lần Thiên Chúa hiện ra cùng Môsê trước mặt dân Do Thái trong ngày Người ký
kết giao ước với họ: Ngày đó, Thiên Chúa nhận dân Israel làn dân riêng của
Ngài, Ngài hứa sẽ bảo vệ họ; còn Israel cam kết tuân giữ lề luật và trung thành
phụng sự Chúa. Như thế biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống cũng là cuộc thần hiển
công khai của Thánh Thần trước mắt muôn dân. Qua biến cố này, Thiên Chúa thực
hiện giao ước mới, được ký kết bởi máu Chúa Giêsu. Từ đây, qua sức mạnh của
Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ không ngừng hướng dẫn và bảo vệ dân mới là Giáo
Hội.
Chúa
Thánh Thần đã thực hiện một cuộc biến đổi kỳ diệu nơi chính các tông đồ, biến
các ông từ những con người nhát đảm sợ hãi trở thành những con người mạnh dạn,
từ những con người sống co cụm, khép kín trong nhà, nay bước ra ngoài loan báo
về Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động trên các tông đồ, mà còn hoạt
động trên cả những người nghe các ông, giúp họ có thể hiểu được tiếng nói của
các tông đồ. Hiểu được tiếng nói, không chỉ là hiểu ngôn ngữ, mà còn là được
soi sáng tâm hồn, giúp mở lòng đón nhận lời giảng của các tông đồ về một giáo
lý mới là chúa Giêsu, Đấng là Tin Mừng và là niềm hy vọng cho nhân loại.
Chúa
Thánh Thần còn là Đấng quy tụ tất cả muôn dân nên một. Nếu như do tội lỗi và sự
kiêu căng của con cháu ông Nô-ê trong việc xây tháp Babel, đã khiến cho mọi người
chia rẽ không hiểu nhau, thì nay nhờ Chúa Thánh Thần, các dân tộc tuy khác nhau
về ngôn ngữ, văn hóa đã trở nên hiệp nhất với nhau. Tất cả những người khác
nhau ở Giêrusalem kinh ngạc khi nghe các tông đồ nói theo tiếng bản xứ của
mình. Tiếng nói của các tông đồ chính là tiếng của Thánh Thần nói qua các ông,
đó là tiếng nói của tình yêu, quyền năng và sức mạnh biến đổi con người và cả
vũ trụ.
Chúa
Thánh Thần là quà tặng của Chúa phục sinh và là sức mạnh quyền năng thúc đẩy
các tông đồ và các tín hữu thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Tin Mừng Gioan cho thấy, ngay từ chiều ngày thứ nhất trong tuần, tức là chiều
ngày Chúa phục sinh, Chúa Giêu đã hiện ra đứng giữa các tông đồ củng cố niềm
tin cho các ông và ban cho các ông một ơn vô cùng quan trọng: “Bình an cho các con”. Cùng với ơn bình
an, Chúa Giêsu thổi hơi trên các tông đồ và ban cho các ông Chúa Thánh Thần: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần; anh em tha
tội cho ai thì tội người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”.
Hơi thở của
Chúa Giêsu phục sinh là Thần Khí, sức sống mới của Thiên Chúa được trao ban cho
các tông đồ, biến đổi và thánh hóa các ông. Nếu như ngày xưa hơi thở của Thiên
Chúa thổi vào lỗ mũi của Adam để ông trở nên con người sống, thì nay hơi thở của
Chúa Giêsu phục sinh thổi trên các tông đồ, ban cho các ông sức sống thần linh
của Chúa, biến đổi các ông nên những con người hoàn toàn mới. Chính nhờ sức mạnh
Chúa Thánh Thần, các tông đồ lãnh nhận và thi hành quyền cầm buộc và tha thứ
cho nhân loại. Các tông đồ chỉ là những con người yếu đuối, nhưng lại được trao
cho quyền năng của Thiên Chúa, đó là quyền tha thứ và cầm buộc. Khi nhân danh
Thiên Chúa thi hành quyền tha thứ, các tông đồ thể hiện lòng thương xót của
Chúa cho nhân loại, chữa lành những vết thương trong tâm hồn do tội gây ra và
an ủi cũng như đem lại bình an cho những tâm hồn đau khổ.
Thưa quý
OBACE, trong ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, đặc biệt trong ngày lãnh Bí Tích
Thêm Sức, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống đầy tràn trên mỗi chúng ta. Thánh Thần
ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta sống và chu toàn nhiệm vụ của
người tín hữu, là sống và làm chứng về Chúa Giêsu. Như thế, chúng ta không thể
để uổng phí ơn Chúa Thánh thần, nhưng biết để cho Thánh Thần mở toang cánh cửa
tâm hồn, biến đổi mỗi người nên những con người mới, con người sống và làm chứng
cho Tin Mừng. Đồng thời, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể
sống và thực thi lòng thương xót của Chúa cho anh chị em qua việc chúng ta biết
cảm thông tha thứ cho nhau mỗi khi anh em làm tổn thương hay xúc phạm đến ta. Chúng
ta cần sống và làm cho ơn Chúa Thánh Thần phát sinh hiệu quả ngay trong đời sống
cá nhân và gia đình, để chúng ta biết dùng đời sống: khiêm nhu, ôn hòa, nhẫn nại,
yêu thương, tha thứ và cảm thông mà cư xử với nhau.
Chúa
Thánh Thần vẫn đang hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội đặc biệt qua các vị
chủ chăn. Trong thời đại ngày nay có nhiều người nổi lên xưng mình là Thiên
Chúa, cho mình có quyền sai khiến, điều khiển Thánh Thần, họ đang tìm cách mê
hoặc nhiều người. Xin Chúa Thánh Thần giúp ta dùng sự khôn ngoan và sáng suốt để
phân định, đâu là chân lý, đâu là giả dối; xin cho chúng ta biết nghe theo sự
hướng dẫn khôn ngoan của Giáo Hội vì tin rằng Chúa Thánh Thần không ngừng hiện
diện, bảo vệ và dẫn dắt Giáo Hội đi đúng theo con đường của Chúa muốn. Amen
Lm. Giuse
Đỗ Đức Trí