Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Năm B
XÂY DỰNG MÁI ẤM GIA ĐÌNH HÔM NAY
I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG : Lc 2, 22-40:
(22) Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy
của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem,
để tiến dâng cho Chúa, (23) như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu
lòng phải được gọi là thánh, dành cho Chúa, (24) và cũng để dâng của lễ theo
luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con. (25) Và này đây
tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on. Ông là người công chính và
sùng đạo. Ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự
trên ông. (26) Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy
cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. (27) Được Thần Khí dun
dủi, ông lên Đền Thờ vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu tòan tập
tục Luật đã truyền liên quan đến Người, (28) thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay,
và chúc tụng Thiên Chúa rằng: (29) Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này, được an bình ra đi. (30) Vì chính mắt con được thấy ơn cứu
độ, (31) Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. (32) Đó là ánh sáng soi đường cho dân
ngọai, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài”. (33) Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên
vì những lời ông Si-mê-on vừa nói về Người. (34) Ông Si-mê-Hon chúc phúc cho
hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé
này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu
còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. (35) Còn chính bà, thì một lưỡi gươm
sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ
ra”. (36) Lại cũng có một ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-en, thuộc chi tộc
A-sê. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,
(37) rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn
chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. (38) Cũng vào lúc ấy, bà tiến
lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong
chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. (39) Khi hai ông bà đã làm xong
mọi việc như luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét miền Ga-li-lê.
(40) Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng
được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
2.Ý CHÍNH:
Tin
mừng ghi lại việc Đức
Ma-ri-a và Thánh Giu-se nêu gương sáng cho các bậc cha mẹ trong việc tuân giữ
Luật Thiên Chúa qua việc các ngài đã dâng Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa trong
Đền thờ. Tại đây Hài Nhi Giê-su đã tỏ mình là Con Thiên Chúa cho ông gìa Si-mê-on
và bà ngôn sứ An-na,
đồng thời tỏ mình là một phàm nhân khi mang thân phận một trẻ thơ yếu đuối.
3.CHÚ THÍCH:
-C
22-24: +Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê: Luật
Mô-sê dạy rằng: đàn bà sinh nở bị nhơ uế nên cần được thanh tẩy trong Đền thờ.
Vì Hài Nhi Giê-su là con trai nên Đức Ma-ri-a phải lên Đền thờ làm lễ thanh tẩy
vào ngày thứ 40 sau khi sinh theo như Luật dạy. +bà Ma-ri-a và ông Giuse
đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa như đã chép trong Luật Chúa
rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là thánh, dành cho Chúa: Vì được
Thiên Chúa cứu khỏi bị chết ở nước Ai cập trước biến cố Xuất Hành, nên sau này
Luật Mô-sê qui định các con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa và phải được dâng
cho Thiên Chúa (x Xh 15, 2 và 12). +và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa
truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con: Theo luật Mô-sê (Lv 12,6-8) sản phụ phải dâng
lễ vật để làm của lễ toàn thiêu và đền tội thay cho mình. Ở đây Ma-ri-a dâng lễ
vật là một đôi chim câu, chứng tỏ ông bà thuộc thành phần nghèo. Việc dâng lễ
vật này cho thấy Đức Ma-ri-a có lòng khiêm tốn vâng phục Luật Chúa truyền dạy,
dù Mẹ đã được thụ thai và sinh con bởi quyền năng Thánh Thần, nên vẫn bảo tòan
được đức trinh khiết.
-C
25-28: +Và này đây tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on. Ông là
người công chính và sùng đạo. Ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và
Thánh Thần hằng ngự trên ông: Si-mê-on là một người
công chính và có lòng kính sợ Thiên Chúa thể hiện qua việc luôn tuân giữ Luật Mô-sê.
Ông đang chờ đợi niềm an ủi của dân It-ra-en là sắp được đón nhận Đấng Thiên
Sai. +Được Thần Khí dun dủi, ông lên Đền Thờ vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su
đem con tới để chu tòan tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người: Si-mê-on
được Thánh Thần soi sáng cho biết: ông sẽ được nhìn thấy Đấng Cứu Thế
trước khi nhắm mắt. Quả thật, chính Thánh Thần đã thực hiện lời hứa khi thôi thúc
ông đi lên Đền thờ đúng vào lúc cha me Hài Nhi Giê-su đưa Người lên Đền thờ để dâng
tiến cho Thiên Chúa.
-C
29-32: +Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này, được
an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn
dân. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngọai, là vinh quang của Ít-ra-en dân
Ngài”: Khi bồng ẵm
Hài Nhi trên tay, Si-mê-on đã thốt lên bài ca mà ngày nay vẫn được Hội Thánh
đọc trong giờ kinh tối mỗi ngày. Bài ca này gồm hai ý chính : Một là Si-mê-on
đã được thỏa mãn khi bồng ẵm Đấng Cứu Thế được hứa sẽ đến, nên ông sẵn sàng
nhắm mắt trong bình an thư thái. Hai là sứ mệnh của Đấng Cứu Thế dành cho mọi
dân tộc chứ không chỉ dành riêng cho dân Do thái. Người sẽ trở thành ánh sáng
chiếu soi muôn dân, phá tan mọi tăm tối để giúp mọi người nhận biết chân lý.
-C
33-35: +Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-on vừa nói về
Người: Hai ông bà Giu-se và Ma-ri-a kinh ngạc khi nghe
ông già Si-mê-on cho biết sứ mệnh cao cả của Hài Nhi Giê-su là sẽ cứu
độ muôn dân, là ánh sáng cho muôn dân. Đây là điều Ma-ri-a chưa được sứ thần
Gáp-ri-en cho biết khi truyền tin. +Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm
duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là
dấu hiệu bị người đời chống báng: Si-mê-on tiết lộ cho Ma-ri-a về cách
thế người đời đối xử với Chúa Ki-tô. Khi xuất hiện, Đức Giê-su sẽ chia thế giới
thành hai phe: một phe tin yêu Người, còn phe kia thù ghét Người. Chính sự yêu
hay ghét đó sẽ bộc lộ tâm tư của con người, cho thấy họ đứng về phía sự sự công
chính chân thật hay ngả theo sự bất lương dối trá. +Còn chính bà, thì một
lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người
phải lộ ra: Riêng bà Ma-ri-a khi chứng kiến tất cả những sự thù ghét
chống đối đó, sẽ bị đau khổ trong tâm hồn giống như bị một lưỡi gươm sắc bén đâm
thâu vậy.
-C
36-40: +Lại cũng có một ngôn sứ tên là An-na…: Bà
An-na được mệnh danh là ngôn sứ hay tiên tri, vì bà đã làm công việc của một
ngôn sứ là tuyên sấm lời Thiên Chúa để kêu gọi người ta ăn năn sám hối và động
viên họ phải làm việc thiện theo đường lối của Thiên Chúa. +Bà không rời
bỏ Đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa: Bà
An-na thực là một người đạo đức khi bà chuyên cần phục vụ Đền thờ
và năng ăn chay cầu nguyện. +Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ
Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa
cứu chuộc Giê-ru-sa-lem: Bà được Thánh Thần soi sáng nhận biết Đấng Cứu
Độ của dân Ít-ra-en. Bà cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa và đã đi loan báo tin
mừng về Hài Nhi Cứu Thế cho hết những ai đang trông chờ ơn cứu độ của dân Ít-ra-en
biết. +trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét miền Ga-li-lê: Từ đây
Na-da-rét trở thành quê hương của Đức Giê-su và luôn gắn liền với
tên gọi của Người. Sau này Phi-la-tô đã truyền gắn bản án ghi “Giê-su Na-da-rét
Vua dân Do thái” trên cây thập giá.
4.CÂU HỎI: 1) Bài Tin Mừng hôm nay nhằm dạy
bài học gì về bản tính của Chúa Giê-su? 2) Luật Mô-sê quy định thế nào về sự
nhơ uế của người phụ nữ sau khi sinh? 3) Luật Mô-sê dựa vào đâu để quy định
khỏan luật về mọi con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa nên phải dâng cho Thiên
Chúa trong Đền thờ? 4) Qua lễ vật dâng cho Thiên Chúa để chuộc lại Hài Nhi Giê-su,
chứng tỏ hai ông bà Giuse Ma-ri-a thuộc hạng giàu có hay nghèo khó trong xã hội
Do thái đương thời? 5) Ông già Si-mê-on nói tiên tri thế nào về sứ mệnh của Hài
Nhi Giê-su và về tương lai của Đức Ma-ri-a Mẹ Người? 6) Do đâu tác giả Tin mừng
gán cho bà An-na danh hiệu ngôn sứ hay tiên tri? 7) Tại sao Đức Giê-su được gọi
là Giê-su Na-da-rét?
II.SỐNG LỜI CHÚA:
1.LỜI CHÚA: Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang
đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập (Mt 2,14) :
2.CÂU CHUYỆN:
1) ĐÂU LÀ BỨC CHÂN DUNG HOÀN HẢO:
Một hôm hoàng đế của
một vương quốc hùng mạnh có sở thích sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật của nhân
loại đã truyền mở một cuộc thi nghệ thuật kèm theo phần thưởng rất hậu hĩ. Nội
dung của cuộc thi là khắc họa chân dung của nhà vua bằng các chất liệu khác
nhau. Nghệ nhân từ khắp các nước nghe tin đã lũ lượt kéo đến tranh tài. Các
nghệ nhân Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các loại đá hoa cương quí hiếm. Nghệ
nhân người Ác-mê-ni thì mang theo một loại đất sét đặc biệt. Các nghệ nhân Ai
Cập lại mang đủ loại đồ nghề và các khối đá cẩm thạch. Sau cùng, người ta rất ngạc
nhiên khi thấy đoàn nghệ nhân Hy Lạp đến với một gói thuốc đánh bóng.
Mỗi phái đoàn được bố
trí làm việc trong một phòng riêng. Khi thời gian thi kết thúc, hoàng đế cùng văn
võ bá quan đã đi đến từng gian phòng của nghệ nhân để chấm điểm. Hoàng đế đã hết
lời khen ngợi bức họa chân dung của ông được các nghệ nhân Ấn độ vẽ rất giống.
Ông càng thán phục hơn khi nhìn thấy các pho tượng của mình được nghệ nhân Ai
Cập và Ac-mê-ni điêu khắc.
Sau cùng, nhà vua đến
phòng trưng bày của người Hy Lạp đã rất ngạc nhiên khi thấy chỉ có một bức
tường bằng đá của căn phòng được đánh bóng đến độ khi nhìn vào bức tường, nhà
vua đã nhìn thấy hình ảnh của mình được hiện lên rõ nét. Dĩ nhiên, giải nhất được
trao cho đoàn nghệ nhân Hy Lạp, vì theo họ chỉ có nhà vua mới có thể họa được chân
dung của chính mình.
Muốn họa lại chân dung
của Chúa Ki-tô, mỗi người chúng ta cần phải mài giũa đánh bóng tâm hồn của mình
sạch mọi tội lỗi và các thói hư. Một khi tâm hồn chúng ta đã nên trong sáng như
gương, chúng ta sẽ có thể phản chiếu hình ảnh của Chúa khi nghe Lời Chúa và đón
nhận Thánh Thể Chúa và giới thiệu Chúa cho tha nhân.
2) GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC CHÍNH LÀ MỘT
THIÊN ĐÀNG TRẦN GIAN:
Cả thiên đàng và hỏa
ngục đều dùng bữa với những thức ăn y như nhau, trong khung cảnh giống y hệt
nhau, trong đó mỗi người đều phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. Thiên
đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau ở chỗ này: trên thiên đàng, mọi người không ai
tự gắp thức ăn cho mình, mà gắp cho người khác ăn, vì thế, ai cũng được ăn no.
Còn trong hỏa ngục, mọi người chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn cho mình,
nhưng vì đũa quá dài, chẳng ai gắp cho mình được gì cả, thế rồi chẳng ai được
no, hết giờ ăn mà đói vẫn hoàn đói, từ đó họ trở nên căm thù nhau.
Cũng vậy, trong gia
đình, không ai tự tạo hạnh phúc cho mình được mà không cần đến người khác, nên
nếu ai cũng chỉ biết lo cho hạnh phúc của mình, thì chẳng ai hạnh phúc cả, và
rồi sẽ phát sinh đủ thứ đau khổ. Tuy nhiên trong gia đình, người ta có thể tạo
hạnh phúc cho người khác, vì thế, nếu mọi người trong nhà đều biết lo cho nhau,
tạo hạnh phúc cho nhau, thì ai nấy đều hạnh phúc.
3)
PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CON CÁI HỮU HIỆU: LÀM TRƯỚC DẠY SAU:
Một hôm có một phụ nữ
dắt theo một bé gái đến gặp MA-HÁT-MA GĂNG-ĐI (Mahatma Gandi) để xin ông một
lời khuyên, để con bà bỏ thói hay ăn quà vặt. Găng-đi liền nói : Bà hãy đem nó
về nhà và ba tuần sau hãy mang nó trở lại đây cho tôi”. Sau đúng ba tuần, bà ta
lại dắt con đến như đã hẹn. Bấy giờ Găng-đi đã khuyên bảo đứa bé đúng như bà mẹ
đã yêu cầu, rồi cho hai mẹ con về. Nhưng trước khi ra về, bà mẹ nêu thắc mắc:
“Thưa ngài, tôi tưởng là ngài phải làm gì nhiều hơn chứ. Nếu chỉ là việc cho
con gái tôi một lời khuyên thì sao ngài lại bắt tôi phải chờ đến ba tuần làm
chi?” Bấy giờ Găng-đi mới ôn tồn trả lời: “Thưa bà, lần trước nghe lời bà yêu
cầu, tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ, vì chính tôi cũng đang mắc tật xấu hay ăn
quà vặt như con gái bà. Vì thế tôi không thể khuyên cháu đừng làm điều mà chính
tôi đang mắc phải. Do đó, tôi đã phải hẹn với bà ba tuần sau trở lại, để trong
ba tuần lễ đó, tôi cố bỏ tật xấu ấy, rồi mới dám cho cháu bé một lời khuyên như
bà đã thấy”.
3.SUY NIỆM:
1) THÁNH GIA- GƯƠNG MẪU CỦA CÁC
GIA ĐÌNH TÍN HỮU:
a) Tinh thần trách nhiệm lo cho gia đình và luôn cậy trông Thiên Chúa:
Bấy giờ khi Hài Nhi Giê-su bị vua Hê-rô-đê tìm kiếm giết hại, Giu-se được sứ
thần mộng báo đã lập tức trỗi dậy ngay lúc đêm tối, đem vợ con chạy trốn sang bên
Ai-cập. Sau khi Hê-rô-đê băng hà, Giu-se lại vâng lệnh sứ thần đem Con Trẻ và
Mẹ Người về làng Na-da-rét, để tránh vua mới là Ác-khê-lao tiếp tục tìm kiếm giết
hại. Qua sự kiện này, ta thấy gia đình chúng ta cũng không tránh khỏi những cơn
phong ba bão tố vùi dập. Các bậc gia trưởng hãy noi gương thánh Giu-se để luôn
tin cậy và tuân phục thánh ý Thiên Chúa.
b) Vợ chồng cùng nhau cộng tác vượt qua nghịch cảnh: Trong
cuộc sống, thánh gia cũng không tránh khỏi có những lúc gặp sóng gió, tưởng như
con thuyền gia đình sắp tan vỡ. Chẳng hạn : Giu-se đã từng có lúc suy nghĩ và
quyết định rời bỏ Ma-ri-a; Cũng có lúc khốn cùng, khi giu-se đưa Ma-ri-a về quê
Be-lem khai sổ nhân danh, Ma-ri-a đã tới lúc sinh con, nhưng hai ông bà không
tìm được chỗ nghỉ trong quán trọ, Giu-se phải đưa Ma-ri-a nghỉ tạm trong hang
chiên cừu ngoài đồng vắng, và Hài Nhi Giê-su đã được sinh ra trong cảnh bần
cùng. Có những lúc hai ông bà Giu-se Ma-ri-a phải chạy đôn chạy đáo lo lắng tìm
Hài nhi bị lạc mà mãi ba ngày sau mới tìm thấy trong Đền Thờ. Nhất là có lúc
Đức Ma-ri-a như bị dao sắc thâu qua trái tim, khi đứng dưới chân thập giá,
chứng kiến người con yêu hấp hối và khi chết rồi còn bị tên lính cầm lưỡi đòng
đâm thâu cạnh sườn… Như vậy, Thánh Gia cũng chẳng được ưu đãi hơn so với các
gia đình khác, cũng phải trải qua nhiều nghịch cảnh… để nêu gương phấn đấu cho
các gia đình tín hữu hôm nay.
2) NHỮNG NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GÂY ĐỔ
VỠ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH:
Các gia đình hôm nay
cũng có có thể gặp nguy cơ bị đổ vỡ hạnh phúc:
a) Do thái độ ích kỷ, lười biếng và vô trách nhiệm: khi
vợ chồng không biết lo cái ăn cái mặc
hay chỗ ở cho gia đình, dẫn đến thái độ vợ chồng khinh thường tranh cãi và giận
hờn nhau.
b) Do các thói hư như rượu chè, cờ bạc, trai gái hút chích…
Khi hai người ứng xử thiếu lịch sự tế nhị với nhau và với người thân, không
thống nhất về cách nuôi dạy con cái, không tôn trọng nhau thể hiện qua việc một
mình quyết định những việc quan trọng trong gia đình.
c) Do thiếu tình thương yêu giữa hai vợ chồng: Do
không hâm nóng khiến tình yêu lâu ngày bị phai lạt, thể hiện qua việc không nói chuyện với nhau, mỗi người đi tìm thú
vui với bạn bè ngoài gia đình hoặc chia
sẻ tình cảm với người thứ ba… Nữ tu Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã nói về vấn đề này
như sau: “Tôi nghĩ rằng không phải ai cũng ý thức về tầm quan trọng của gia
đình. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì chắc chắn thế giới này sẽ khác”.
Thậy vậy, thế giới
băng hoại vì có nhiều gia đình thiếu tình thương. Giới trẻ sở dĩ rơi vào thói
xấu nghiện hút ma túy, phần lớn là do cha mẹ đã thiếu quan tâm dạy dỗ. Ước gì
các gia đình chúng ta trở thành những mái ấm đầy tình yêu của Thiên Chúa, vì
“Thiên Chúa là Tình Yêu”.
3) LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIA ĐÌNH LUÔN
SỐNG HÒA HỢP HẠNH PHÚC?
a) Mỗi người cần chu toàn trách nhiệm đối
với gia đình: Một tờ báo ở Luân-đôn nước Anh đã mở một cuộc
điều tra các ông chồng, yêu cầu các ông thành thật trả lời câu hỏi: “Trong gia
đình bạn, ai là người thực sự có quyền làm chủ gia đình ?” Kết quả cho thấy có
80% câu trả lời: “Vợ tôi làm chủ”, 19% trả lời “Mẹ vợ tôi làm chủ”. Chỉ có 1%
trả lời: “Chính tôi làm chủ, vì vợ tôi đã qua đời !” Như vậy, không lạ gì khi
thấy sau Hoa Kỳ, Anh quốc có số gia đình ly hôn tỷ lệ cao nhất: Mỗi năm cứ hai
đám cưới thì có một đám ly hôn.
b) Hãy chịu đựng nhau và tha thứ cho nhau :
Trong một buổi tĩnh tâm dành cho gia trưởng, nhưng cũng có nhiều bà vợ tham dự.
Tới phần làm phép thánh giá, cha giảng phòng nói: “Ai có cây thánh giá cần làm
phép yêu cầu mang lên gần gian cung thánh để được làm phép”. Bấy giờ một ông
lão thay vì mang cây thánh giá thì lại cõng bà vợ bị tê liệt lên. Khi tới
phiên, thay vì giơ cây thánh giá lên cho cha rẩy nước thánh thì ông lão lại
bồng bà cụ lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông nói: “Thưa cha, đây là
thánh giá của con. Xin cha làm phép để con được vác thánh giá này đến trọn đời
!”.
c) Hãy biết tôn trọng nhau, năng trao đổi
bàn bạc để thống nhất trong mọi việc như: Về cách giao tiếp với tha nhân, cách nuôi dạy con
cái, sự mua sắm các vật dụng, công việc làm ăn sinh sống… Vì “Thuận vợ thuận
chồng, tát bể Đông cũng cạn” và “Phu phụ hòa, gia đạo thịnh”.
d) Gia đình phải có bàn thờ Chúa:
Cần lập một bàn thờ Chúa ở nơi trang trọng như tại phòng khách và duy trì giờ kinh
tối gia đình hằng ngày. Trong giờ kinh tối tuy ngắn gọn, nhưng luôn có phần lắng
nghe Lời Chúa và lần hạt chung cầu cho gia đình.
Tóm lại: Nếu gia đình
có “Thiên Chúa là Tình Yêu” ngự trị, chồng yêu vợ, vợ yêu chồng, con cái thảo
kính cha mẹ, anh chị em trong nhà biết nghĩ đến nhau và quan tâm đến nhau… thì
chắc gia đình sẽ vượt qua được mọi thử thách, sẽ vui sống thuận hòa với nhau và
gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.
4.THẢO LUẬN: 1) Nguyên nhân thường gây đổ vỡ
hạnh phúc gia đình là gì và phải làm gì để phòng tránh? 2) Bạn có đồng ý với
câu người ta thường nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” hay không? Tại sao?
5.NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊ-SU, mỗi
lần tham dự thánh lễ hôn phối, con thấy đôi tân hôn thật hạnh phúc. Với nét mặt
rạng rỡ trong bộ y phục trắng tinh khôi, con thấy cô dâu sánh bước bên chú rể
tiến đến trước bàn thờ cử hành hôn lễ như đang bước vào thiên đàng hạnh phúc.
Nhưng rồi với năm tháng qua đi, con lại thấy gia đình họ trở thành hỏa ngục
trần gian, khi “kẻ thì khóc lóc, người lại nghiến răng”. Xin giúp các đôi vợ
chồng trẻ biết cách duy trì được tình yêu thuở ban đầu. Xin cho họ biết “cho đi
hơn là nhận lãnh”, biết ân cần phục vụ lẫn nhau, quảng đại tha thứ và chịu đựng
nhau… Nhờ đó gia đình tín hữu chúng con sẽ trở thành một thiên đàng tình yêu,
là dấu chỉ sau này chúng con sẽ cùng được hưởng hạnh phúc trên Thiên đàng.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM