Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Phục Sinh
Năm C
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA CHỮA LÀNH TÂM HỒN

Một vài năm gần đây nhiều người
đã đến với giáo điểm Tin Mừng của giáo phận Sài Gòn để khấn xin Lòng Thương Xót
Chúa. Có nhiều người lên làm chứng khẳng định mình được ơn khỏi bệnh như ung
thư,… là những bệnh hầu như y khoa còn chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, có một
cô gái đến từ vùng rất xa ngoài miền bắc, cô ngồi trên chiếc xe lăn nhưng trên
gương mặt thì luôn nở nụ cười. Cô không được ơn khỏi bệnh, nhưng cô được ơn chữa
lành tâm hồn và đón nhận bệnh tật trong niềm tin. Cô gái kể lại: Cách đây mấy
năm, khi cô đang chuẩn bị cho kỳ thi đại học, thì một tai nạn giao thông xảy
ra. Khi tỉnh dậy tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết cô bị liệt nửa người. Nghe
điều đó cô gái thực sự suy sụp và không muốn sống nữa. Sau khi xuất viện cô về
nhà trên chiếc xe lăn và nghĩ rằng cuộc đời mình đã tàn, cô không buồn nói chuyện
với ai nữa, trở nên trầm cảm. Một ngày kia cô được giới thiệu đến với Lòng Chúa
Thương Xót, cô tin tưởng cầu nguyện và cô đã được một phép lạ đó là cô tìm lại
được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Từ đó, cuộc sống của cô dù vẫn gắn
liền với chiếc xe lăn, nhưng tâm hồn cô thật tự do vì đã đón nhận được hoàn cảnh
của mình trong niềm vui.
Thưa quý OBACE, chúng ta không phủ
nhận những sự lạ từ Lòng Thương Xót Chúa chữa lành bệnh tật đau khổ của con người.
Nhưng việc được khỏi bệnh thể xác, không phải là mục tiêu chính của Chúa Giêsu,
việc chính yếu của Chúa là chữa lành tâm hồn con người, giải thoát con người khỏi
những ràng buộc của tội lỗi, sợ hãi, khơi dậy lòng tin và lòng mến trong tâm hồn
con người. Đó cũng là điều mà Lời Chúa trong lễ mừng kính Lòng Thương Xót Chúa
muốn nhắm tới.
Bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa
Phục Sinh chữa lành tâm hồn đang bị tổn thương của các tông đồ, đặc biệt là Tôma.
Sở dĩ nói các tông đồ đang bị tổn thương, quả không sai. Vì sau mấy năm gắn bó
với Thầy Giêsu, các ông đã có một tình cảm thầy trò sâu nặng với Chúa. Vậy mà sự
việc diễn ra quá nhanh, Thầy các ông bị người ta bắt, hành hạ và giết chết ngay
trước mắt các ông, một cái chết vô cùng kinh sợ, khiến các ông bị tổn thương
ghê gớm. Đàng khác, khi theo Thầy Giêsu, các ông đã đặt trọn cả tương lai và hy
vọng vào Thầy, cho dù đó là những hy vọng hết sức vật chất vụ lợi, nay Thầy của
các ông đã chết, hy vọng của các ông cũng tiêu tan. Ngôi mộ của Thầy đã chôn
vùi cả hy vọng và tương lai của các tông đồ. Vì thế, các tông đồ bị mất phương
hướng và chỉ còn biết co cụm lại với nhau trong sợ hãi. Có thể nói, tuy các ông
còn thở, nhưng tâm hồn và thể xác các ông như đã chết. Trong lúc các ông đang bị
tổn thương, bế tắc, tuyệt vọng, Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra đứng giữa các
ông và nói: “Bình an cho các con”. Với
ơn bình an này, Chúa Phục Sinh chữa lành tâm hồn, đem lại niềm vui, mở ra hy vọng
cho các tông đồ. Chúa Phục Sinh còn thổi hơi và ban cho các ông Thánh Thần để
không chỉ chữa lành tâm hồn, mà còn ban cho các ông một sức mạnh mới, một tinh
thần mới, đó là sức mạnh của Thánh Thần. Từ đây, các tông đồ trở thành những
con người mới, với một sứ mạng mới là tiếp tục chữa lành các tâm hồn bị tổn
thương, bị trói buộc bởi tội, bằng quyền năng tha tội của Thánh Thần: “Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được
tha, anh em cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Ơn tha tội chính là
ơn chữa lành thực sự, đem lại sự bình an và niềm vui trong tâm hồn con người;
ơn tha tội còn có sức nâng con người chỗi dậy khỏi tội lỗi và trả lại cho con
người niềm hy vọng, cho con người sức mạnh để chiến đấu với ma quỷ và tội lỗi.
Trong các tông đồ có một người bị
tổn thương tâm hồn nặng nhất, đó là Tôma. Có lẽ vì anh đã yêu nhiều, nên khi
Chúa chết, anh thất vọng nhiều, vì anh đã tin vào Thầy nhiều, khiến anh không
thể chấp nhận thực tế là Thầy đã chết. Vì vậy, anh không chấp nhận sự thật, anh
đã muốn tự mình đi tìm kiếm một câu trả lời thỏa đáng. Nỗi đau về cái chết của
Thầy khiến anh đi đến cực đoan khi nghe các tông đồ khác nói Chúa đã sống lại.
Anh tuyên bố: “Nếu tôi không xỏ ngón tay
vào lỗ đinh, nếu tôi không xỏ bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”.
Lòng Thương Xót Chúa không thể làm ngơ trước một tâm hồn thiện chí nhưng đang bị
tổn thương đau đớn như Tôma. Vì thế, Chúa Phục Sinh đã dành riêng cho Tôma một
cơ hội để phục hồi lại tâm hồn và chữa lành vết thương trong lòng tin của anh.
Tám ngày sau, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các tông đồ, Ngài gọi đích danh
một người đang cần đến lòng thương xót, cần được chữa lành: “Tôma! Hãy đặt ngón tay con vào đây và xem
tay Thầy. Hãy đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng
hãy tin”. Với lời mời gọi này, Chúa Phục Sinh đã cho Tôma chạm đến vết
thương cũng là chạm đến trái tim yêu thương của Chúa. Nhưng hơn thế nữa, chính
Chúa Phục Sinh đã chạm đến tâm hồn của Tôma, đã chữa lành vết thương trong tâm
hồn anh, biến đổi và ban lại đức tin cho anh, khơi lại trong anh niềm vui và hy
vọng. Tôma đã được chữa lành, anh đã tuyên xưng niềm tin của mình: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi”.
Các tông đồ đã được đón nhận Lòng
Thương xót của Chúa Giêsu Phục sinh và được Chúa Giêsu chạm đến tâm hồn, biến đổi
hoàn toàn các ông, trở nên những chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa. Sách Công
Vụ cho thấy, lúc đó ông Phêrô và các tông đồ: “làm nhiều các dấu lạ điềm thiêng…Mọi tín hữu đồng tâm nhất trí hội họp
với nhau…Có thêm nhiều người tin theo Chúa”. Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy:
“dân chúng kéo nhau đến với các tông đồ,
họ mang theo những người đau ốm đặt bên đường, để khi Phêrô đi ngang qua, bóng
của ông phủ trên ai, thì người đó được khỏi”. Cho dù có nhiều người được chữa
khỏi qua việc đặt tay của Phêrô hoặc cái bóng của ông phủ lên họ, nhưng không
phải do quyền năng của Phêrô, mà là do quyền năng của Đấng Phục Sinh - Suối Nguồn
Thương Xót, đang ở trong Phêrô và chảy qua con người của Phêrô. Các phép lạ này
gia tăng lòng tin cho các tín hữu và chữa lành những vết thương do tội lỗi và
thù oán gây ra, giúp họ trở nên đồng tâm nhất trí, yêu thương nhau, lòng tin của
họ thêm vững mạnh hơn.
Thưa quý OBACE, hôm nay chúng ta
cùng với Giáo Hội cử hành ngày Lòng Thương Xót của Chúa, chúng ta tôn vinh tình
yêu và quyền năng vô biên của Chúa. Lòng thương xót Chúa là tình yêu luôn chạnh
thương với những đau khổ của nhân loại, luôn cứu vớt, giải thoát và chữa lành
tâm hồn chúng ta. Chúng ta tin tưởng đến với Lòng Thương Xót Chúa để trao dâng
cho Chúa biết bao ưu tư khắc khoải, đau khổ thầm kín từ thể xác và tâm hồn. Chúng
ta không chỉ xin Chúa chữa lành cho chúng ta những căn bệnh thể xác, cũng không
chỉ xin cho những nhu cầu vật chất, nhưng quan trọng và cần thiết hơn, chúng ta
xin ơn đức tin và được chữa lành linh hồn. Linh hồn chúng ta đã bị nhiều vết
thương, vết sẹo bởi tội lỗi gây ra, những vết thương này vẫn khiến cho tâm hồn
chúng ta rỉ máu, đã để lại nơi chúng ta những di chứng là những thói hư tật xấu
như: dễ nóng nảy, giận hờn, dễ tự ái, tự kiêu, những khuynh hướng xấu và những
lôi kéo của dục vọng, khiến ta luôn hướng chiều về điều xấu. Chúng ta cần xin Lòng
Thương Xót Chúa chữa chúng ta khỏi những vết thương đó để tâm hồn chúng ta được
thanh thoát nhẹ nhàng và bình an.
Đón nhận Lòng Thương Xót của
Chúa, chúng ta còn phải trở thành sứ giả Lòng Thương Xót của Chúa cho gia đình,
cho anh chị em chung quanh. Chúng ta cũng phải mang lấy trái tim hay chạnh
thương của Chúa, để dễ dàng thông cảm, yêu thương và tha thứ. Mang trái tim của
Chúa, để biết đau nỗi đau của anh em và vui niềm vui của anh em, không ghen tị
nói xấu không chê bai chỉ trích, cũng không để lòng thù oán, giận hờn. Nhất là,
chúng ta cần phải đem Lòng Thương Xót Chúa vào trong gia đình của mình, quan
tâm đến các gia đình đang đau khổ chung quanh. Mỗi gia đình đều có những khó
khăn riêng, có nhiều người đang đau khổ vì chồng, vì vợ hoặc vì con cái ngỗ nghịch,
đau yếu. Chúng ta đến với Chúa để xin Chúa giúp chúng ta biết đón nhận những
hoàn cảnh hiện tại với niềm tin tưởng và hy vọng. Tin tưởng vì Chúa luôn thương
xót và hy vọng vì Chúa luôn ở bên để giải gỡ cho chúng ta. Chúng ta không cần
phải đi đâu xa, nhưng hãy đến với Lòng Chúa thương xót mỗi ngày ở nơi đây. Qua
Bí Tích Giải Tội, Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót, tha thứ và chữa lành mọi
tội lỗi tật nguyền trong tâm hồn; qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được đụng chạm
đến Lòng Thương xót, được đón rước Chúa vào tâm hồn, đem Chúa về gia đình.
Chúa đang mời gọi chúng ta như
Chúa mời gọi Tôma: Hãy đưa tay con ra và
chạm vào tình yêu của Thầy, hãy đưa bàn tay con chạm vào trái tim Thầy. Xin
cho chúng ta nhờ tiếp xúc và chạm đến Chúa Phục sinh mỗi ngày, mà được Chúa củng
cố lòng mến và gia tăng đức tin. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí