Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần III Phục Sinh Năm C

GIÁO HỘI VÀ SỨ MẠNG LOAN TRUYỀN

TIN MỪNG PHỤC SINH

CN3PS.jpg

Tin Mừng Phục sinh là một sứ điệp vượt quá sức tưởng tượng và kinh nghiệm tự nhiên của con người, khiến những người Do Thái và dân ngoại không dễ gì chấp nhận. Vậy mà các Kitô hữu trên toàn thế giới vẫn không ngừng tuyên xưng, Chúa đã sống lại thật và đã có biết bao nhiêu người dám chết để bảo vệ niềm tin này. Là những thế hệ sau các tông đồ, chúng ta đón nhận Tin Mừng Phục sinh không bởi những dấu chứng Chúa để lại, mà là do lời chứng của các tông đồ qua giáo Hội. Vì thế, tất cả các Tin Mừng đều nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của Giáo Hội trong việc làm chứng và loan truyền Tin Mừng Phục sinh cho thế giới. Các bài đọc hôm nay, đặc biệt là bài Tin Mừng cho chúng ta thấy hình ảnh Giáo Hội hiệp nhất với nhau, cùng ra khơi thả lưới để loan báo Tin Mừng. Trong hành trình này, Chúa Phục sinh hằng hiện diện lo lắng cho Giáo Hội và đem lại kết quả cho Giáo Hội.

Sự việc xảy ra tại bờ hồ Tibêria, Simon Phêrô và các tông đồ dường như đã vượt qua cơn sợ hãi của cuộc khổ nạn của Chúa, giờ đây các ông trở lại với nhịp sống thường ngày với một tinh thần mới. Lúc đó, Simon trong vai trò là đầu trong anh em và là thủ lãnh của Giáo Hội, đã khởi xướng một kế hoạch: “Tôi đi đánh cá đây”. Các tông đồ khác đáp lại: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Chắc chắn việc khởi xướng đi đánh cá, không chỉ là đi thả lưới ở hồ Tibêria, mà công việc này còn mang một ý nghĩa khác hơn, đó chính là mệnh lệnh truyền giáo, ra khơi thả lưới và đem các linh hồn về cho Chúa. Sứ mạng này đã được Chúa Giêsu trao cho Simon trong lần đầu tiên khi Chúa gọi anh, Ngài đã nói với anh: “Từ đây con sẽ là kẻ chài lưới người như lưới cá”. Các tông đồ khác đã đồng thanh đáp lại lời mời gọi của Phêrô: “Chúng tôi cùng đi với anh”, điều này thể hiện sự đồng tâm nhất trí giữa các tông đồ chung quanh vị thủ lãnh là Phêrô trong mọi hoạt động của Giáo Hội.

Tuy nhiên, Tin Mừng cho thấy, sáng kiến và cố gắng của con người nếu không có bàn tay của Chúa trợ giúp, sẽ không thể thành công: Các tông đồ đã vất vả suốt đêm thả lưới mà không bắt được con cá nào. Trong lúc các ông mệt mỏi thu đồ, giặt lưới, Chúa Phục sinh đã hiện ra trên bờ biển, các ông đã không nhận ra Người. Người truyền cho các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá”. Simon Phêrô và các tông đồ đã không hề phản ứng lại. Vì theo kinh nghiệm, thì yêu cầu này của một người lạ đứng trên bờ, quả là vô lý. Các ông là những người dày dạn kinh nghiệm trong nghề đánh cá tại hồ Tibêria từ rất lâu, sau một đêm trắng tay không bắt được con cá nào. Vậy mà, một người lạ ra lệnh thả lưới, lại không trùng vào thời điểm thuận lợi, làm sao bắt được cá? Cho dù đã đến lúc thu lưới nghỉ ngơi, vậy mà các tông đồ vẫn nghe lời vị khách lạ, thả lưới một lần nữa. Các ông hết sức bất ngờ vì mẻ lưới đầy cá đến nỗi các ông không kéo lưới lên nổi. Trước mẻ cá lạ lùng này, Gioan với sự nhạy bén của một tâm hồn gắn bó với Chúa, ông đã nhận ra người khách lạ đứng trên bờ là chính Chúa Giêsu. Ông nói với Simon: “Chúa đó!”, Simon đã vội vàng khoác áo vào, nhảy xuống nước bơi vào bờ để gặp Chúa Phục sinh.

Tin Mừng cho biết khi các tông đồ đưa thuyền vào bờ thì đã có sẵn than, cá nướng và bánh sẵn sàng do Chúa Giêsu đã chuẩn bị bữa sáng cho các môn đệ của mình. Điều này cho thấy rằng, Chúa Giêsu biết rõ sau một đêm vất vả, các học trò của mình đói và lạnh, do đó Chúa đã chuẩn bị và lo lắng cho các ông như người mẹ lo từng bữa ăn, từng giấc ngủ cho con cái. Trong bữa ăn này, một cử chỉ rất quen thuộc khiến các ông càng tin chắc chắn hơn, vị khách này là Thầy, là Chúa Giêsu Phục sinh, khi Người cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Cử chỉ này Chúa Giêsu đã từng làm khi Người làm phép lạ hóa năm chiếc bánh và hai con cá nuôi năm ngàn người ăn no và cũng giống như cử chỉ trong bữa tiệc ly, Người cầm bánh đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông.

Tin Mừng cho thấy vai trò hết sức quan trọng của Simon Phêrô khi kể cho chúng ta cuộc đối thoại của Chúa Giêsu Phục sinh với Simon. Sau bữa ăn, Chúa Giêsu đã hỏi Simon: “Simon con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Với câu hỏi này, Chúa Giêsu muốn Simon công khai nói lên niềm tin và lòng yêu mến đối với Chúa và sự sẵn sàng xả thân của ông vì Chúa. Chúa không đòi Simon một khả năng nào đặc biệt, cũng không đòi một thành tích nào trổi vượt nơi ông, Chúa chỉ đòi hỏi ông một điều kiện duy nhất đó là lòng yêu mến. Lòng yêu mến Chúa muốn nơi Phêrô, không phải là một lòng mến chung chung, nhưng Chúa muốn ông phải dành cho Chúa một lòng yêu mến đặc biệt và hơn hẳn các anh em khác.

Simon đã sẵn sàng và mạnh dạn đáp lại: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chính trên nền tảng lòng tin và lòng mến này, Chúa Giêsu đã tin tưởng trao cho Phêrô sứ mạng: “Con hãy chăm sóc các chiên con của Thầy”. Chúa Giêsu đã hỏi Simon đến ba lần: “Con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Không phải Chúa không tin Phêrô, nhưng Chúa muốn Phêrô lặp lại tới ba lần, để cho Phêrô thể hiện sự xác tín cách chắc chắn và mạnh mẽ hơn về những điều ông tuyên xưng. Khi được hỏi đến lần thứ ba, Phêrô đã suy nghĩ rất nhiều, ông nhìn lại con người yếu đuối của mình và đặt trọn con người, khả năng và cả sự yếu đuối vào tình thương của Chúa. Ông khiêm tốn thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Điều này cũng cho thấy lòng tin và lòng yêu mến của mỗi người dành cho Chúa không phải chỉ nói lên một lần, mà phải là một xác tín được lặp lại mỗi ngày. Sau ba lần hỏi Phêrô, Chúa đã trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc cả chiên mẹ và chiên con của Chúa tức là chăm sóc cho toàn Giáo Hội từ chủ chăn đến đoàn chiên.

Chúa Giêsu còn cho biết trong nhiệm vụ chăm sóc Giáo Hội, Phêrô sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông sẽ không dẫn dắt điều khiển đoàn chiên theo ý riêng của mình, nhưng là theo ý Chúa và chính ông cũng sẽ phải noi gương Thầy Giêsu, sẽ phải giang tay ra cho người ta thắt lưng và phải chết như Thầy. Có lẽ khi nghe điều này, Phêrô cũng rất lo sợ nên Chúa đã khích lệ ông, mời gọi ông một lần nữa: “Hãy theo Thầy”. Lời mời gọi này chắc chắn sẽ khác lời mời gọi đầu tiên khi Chúa gặp ông, lời mời gọi này đòi ông theo Chúa một cách quyết liệt hơn và trở nên giống Chúa nhiều hơn.

Phêrô và các tông đồ từ đây không chỉ là những người rao giảng về Chúa Phục sinh cho mọi người, song với trách nhiệm Chúa trao, Phêrô và các tông đồ trở thành những người dẫn dắt dân Chúa và bảo vệ dân Chúa khỏi sự nguy hiểm và tấn công của ma quỷ và sự dữ. Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại: Phêrô vừa phải chu toàn bổn phận rao giảng Tin Mừng Phục sinh, vừa phải đứng ra để bênh vực và bảo vệ đoàn chiên trong Giáo Hội sơ khai. Đúng như lời Chúa Giêsu đã nói trước với Phêrô, ông cũng bị bắt bớ vì Tin Mừng, bị điệu ra trước hội đồng, bị đánh đòn, bị cấm đoán. Tuy nhiên khác với Simon nhát sợ ngày xưa, Phêrô bây giờ đã là một người mạnh mẽ rao giảng về Chúa Giêsu ngay trước mặt những kẻ cầm quyền, không một chút sợ hãi.

Ngày nay, Giáo Hội vẫn đang miệt mài chu toàn sứ mạng ra khơi thả lưới, đem Tin Mừng Chúa Phục sinh đến cho muôn dân. Sứ mạng này không phải là bổn phận riêng của những đấng kế vị các tông đồ, mà là sứ mạng của tất cả mọi thành viên của Giáo Hội là mỗi chúng ta. Chúng ta được mời gọi tin tưởng vào vai trò lãnh đạo Chúa đã trao cho các tông đồ, cho các đấng kế vị và hết lòng yêu mến, gắn bó, bảo vệ Giáo Hội, cùng với Giáo Hội chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Ma quỷ và thế gian không ngừng chống phá Giáo Hội, chúng nhắm vào những khiếm kuyết, yếu đuối của một số các chủ chăn để làm lung lạc đức tin của các tín hữu. Chúng ta cầu xin Chúa gìn giữ Giáo Hội và các chủ chăn của chúng ta, đồng thời xin Chúa giúp mỗi người góp phần vào sự thánh thiện của Giáo Hội bằng chính đời sống đạo đức thánh thiện của mỗi người.

Gia đình là tế bào, là những viên gạch xây nên tòa nhà Giáo Hội, để góp phần làm cho tòa nhà Giáo Hội vững chắc, xinh đẹp, chúng ta cần phải làm cho viên gạch là gia đình được vững vàng trong đời sống đức tin; làm cho xinh đẹp, dễ thương qua những việc yêu thương dành cho nhau; cùng nhau làm cho niềm vui Phục sinh được chiếu tỏa đến mọi người qua cách sống của mỗi gia đình chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh- Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh-Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Phục Sinh_Lm. Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Phục Sinh_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Phục Sinh- NT Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Phục Sinh Năm C-LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Phục Sinh Năm C- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh-Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh-Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ