Suy Niệm Lời
Chúa Chúa Nhật Tuần VI Thường Niên Năm B
NGƯỜI PHONG CÙI ĐƯỢC LÀNH SẠCH
Cho
đến hôm nay, bệnh phong trên thế giới đã được kiểm soát. Tổ chức Y Tế thế giới
mong muốn sẽ xóa sổ hoàn toàn bệnh phong trong thế kỷ 21 này. Tuy nhiên, những
di chứng của căn bệnh ghê sợ này, vẫn đang dày vò nhiều con người xấu số. Nhiều
người trong họ đã không còn lành lặn, bị mất chân tay, bị hạn chế rất nhiều
trong sinh hoạt. Mặc dù những người này không còn bị vi trùng Hansen gặm nhấm nữa,
nhưng đau khổ triền miên đối với những người phong, là họ vẫn không được cộng đồng
chấp nhận. Mọi người nhìn họ bằng con mắt nghi ngờ, xa lánh. Con cái người bệnh
phong không thể theo học trường công với các bạn đồng tuổi khác, nếu không dấu
được gốc tích thân phận là con cháu những người bệnh phong. Từ thực tế vừa nêu,
chúng ta thấy người bệnh phong vẫn phải sống trong những làng riêng, mà người
dân gọi bằng một cái tên hết sức đề phòng và khinh miệt: làng cùi. Điều đó chứng
tỏ rằng, đau khổ thể xác và tinh thần vẫn liên tục dày vò những con người đáng
thương này.
Cách
đây mấy ngàn năm, bệnh phong còn kinh khủng hơn như thế nữa. Từ thời ông Môsê
đã có quy định hết sức ngặt nghèo: Khi trên da thịt người nào xuất hiện những vết
đốm, đều bị coi là triệu chứng bệnh phong. Những người này phải trình diện các
tư tế để xem xét. Nếu bị mắc bệnh phong thật, người đó sẽ bị ô uế, phải mặc áo
rách, xõa tóc, che râu, bị cách ly khỏi cộng đồng. Khi có ai tới gần thì phải
kêu to: Ô uế, ô uế, để cho mọi người tránh xa. Chỉ nghe những quy định như thế
cũng có thể hình dung tình trạng tồi tệ mà người bệnh phải gánh chịu, đau đớn vị
bệnh, nhục nhã vì bị cách ly. Hơn nữa, trong cái nhìn của người Do Thái, bệnh tật
là do hậu quả của tội lỗi. Vì bệnh phong ghê tởm như vậy, chắc hẳn là phải có
nguyên nhân từ một tội nào đó rất nặng, bị Thiên Chúa trừng phạt. Quan điểm và
cách cư xử này kéo dài cả hàng ngàn năm trong phong tục Do Thái.
Chúa
Giêsu không nhìn người bệnh phong như những người Do Thái khác. Ngài không đánh
giá, không cử xử với họ theo quy định của sách Lêvi, nhưng Ngài nhìn họ bằng
cái nhìn chạnh thương của Thiên Chúa và cư xử với họ bằng trái tim xót thương.
Thánh Marcô thuật lại: Có một người bệnh phong đến gặp Chúa Giêsu, anh quỳ xuống
van xin: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Vì lòng tin thúc đẩy,
anh đã đến với Đức Giêsu. Anh đã tin Thầy Giêsu là Đấng có khả năng chữa lành
cho anh. Chính anh đã phá vỡ sự ngăn cản của luật, anh không la to để cho Chúa
tránh xa anh, nhưng anh lại tìm đến để gặp Đức Giêsu. Chắc chắn lòng anh rất muốn
được khỏi bệnh, được thoát sự nhục nhã mà anh đang phải chịu, nhưng anh vẫn để
cho ý Chúa vượt trên ý của anh. Anh chỉ dám thưa với Chúa: Nếu Ngài muốn, Ngài
có thể làm cho tôi được sạch.
Chúa
Giêsu cũng phá vỡ các quy định khắc nghiệt do luật trói buộc, làm tổn thương đến
danh dự phẩm giá của bệnh nhân. Chạnh lòng thương trước nỗi đau khổ thể xác và
tinh thần của người bệnh, Chúa Giêsu giơ tay chạm vào anh và bảo: Tôi muốn! Anh
hãy được sạch. Với quyền năng của một vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu không cần phải
chạm đến anh. Nhưng Chúa đã đưa tay ra chạm vào con người lở loét của anh, chạm
vào tâm hồn anh, như người mẹ chạm vào vết trầy xước của con mình và thổi lên
đó những hơi thở của tình thương. Vết thương thể xác và tâm hồn của người phong
được chữa lành bởi tình thương ân cần, của một vị Thiên Chúa yêu thương con người
bằng trái tim của người mẹ.
Chữa
lành bệnh thể xác và tâm hồn cho người bệnh phong, Chúa Giêsu còn muốn trả lại
anh về với cộng đoàn và gia đình. Chúa truyền cho anh phải đi trình diện các thầy
tư tế, để được tuyên bố là đã khỏi bệnh và dâng của lễ tạ ơn Thiên Chúa để chứng
minh mình đã khỏi. Sau khi thực hành theo những chỉ dẫn như vậy, anh sẽ được trở
lại với gia đình và cộng đồng, được tham dự các ngày lễ và các cuộc tế tự của cộng
đồng. Chúa Giêsu muốn anh không nói gì về việc này, Ngài muốn cho anh mau chóng
tìm lại được danh dự của một con người trong cộng đồng. Tuy nhiên, niềm vui và
hạnh phúc vì được chữa lành đã khiến anh không thể giữ im lặng. Lập tức, anh
rao truyền và loan báo tin vui khắp nơi, khiến Chúa Giêsu không công khai vào
thành được nữa, vì dân chúng đến với Ngài quá đông, đến nỗi Chúa phải gặp gỡ
đám đông dân chúng ở ngoài cánh đồng hoang vắng.
Chúa
Giêsu đến không chỉ để cứu với linh hồn con người, nhưng còn để chữa lành đau
khổ thể xác và tâm hồn, cũng nhưng để trả lại tự do và phẩm giá mà con người đã
đánh mất. Vì yêu thương nhân loại, Chúa đã mang lấy thân phận con người, biết
no, biết đói, biết vui, biết buồn, biết chạnh thương đến những nỗi thống khổ của
con người. Chúa Giêsu không đứng từ xa, cũng không ngại tiếp xúc, nhưng Ngài đã
bước đến, đã cúi xuống và chạm vào những vết thương của nhân loại, để xoa dịu
và chữa lành. Chúa Giêsu đã làm tất cả mọi việc vì yêu mến và muôn tôn vinh Thiên
Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, để qua hành động và con người của Chúa
Giêsu, nhân loại được gặp, được đụng chạm đến chính Thiên Chúa Cha.
Ngày
nay con vi trùng Hansen đã bị kiềm chế, bệnh phong giảm bớt, nhưng có thể, những
loại vi trùng Hansen khác đang gặm nhấm hủy hoại tâm hồn nhiều người. Có những
thứ vi trùng là tội lỗi như vi trùng dửng dưng, vô cảm, cử xử bất công, làm điều
gian ác làm cho tâm hồn nhiều người tê liệt. Có những thứ vi trùng gian dối,
ham muốn dục vọng xác thịt, lười biếng, đang làm cho tâm hồn nhiều người bi lở
loét, khiến cho họ không tham dự trọn vẹn vào việc dâng lễ, rước lễ. Noi gương
người bệnh phong trong Tin Mừng, chúng ta tìm đến gặp Chúa Giêsu nơi tòa giải tội,
khiêm nhường quỳ xuống để xin với Chúa: Xin Chúa tẩy rửa con nên trong sạch.
Chúa cũng sẽ đưa tay ra chạm vào tâm hồn ta và nâng chúng ta chỗi dậy khỏi tình
trạng tội lỗi.
Có
những anh chị em di dân, có những người vì mặc cảm tội lỗi hay vì lý do nào đó,
đang tự tách khỏi cộng đoàn. Có người bị tách khỏi cộng đoàn, là do chính chúng
ta đã thiếu quan tâm, nâng đỡ. Có người bị loại trừ do sự kỳ thị, phân biệt, hoặc
đang bị cái nhìn soi mói hẹp hòi của người bên cạnh, khiến họ không thể bước đến
với cộng đoàn. Thánh lễ, là ngày xum họp của cộng đoàn, nhưng có nhiều người lại
biến mình thành kẻ phong cùi, khi họ tách mình ra khỏi nhà thờ, họ đứng từ xa
xa giống như người bệnh phong.
Con
vi trùng bệnh phong, bệnh vô cảm dửng dưng có thể cũng đang gặm nhấm nhiều gia
đình, khiến cho gia đình luôn xảy ra cãi vã sứt mẻ, bạo lực. Các gia đình ngày
nay còn bị các loại vi trùng khác tấn công như vi trùng bài bạc, cá độ, nghiện
ngập, say sưa đang hủy hoại hạnh phúc của rất nhiều gia đình, khiến vợ chồng
con cái phải chia lìa. Chúng ta xin Chúa Giêsu bước đến với gia đình mình qua
các giờ kinh, qua việc tham dự thánh lễ và rước lễ, Chúa sẽ tiêu diệt các thứ
vi trùng gây hại cho gia đình.
Hàn
Mặc Tử một thi sĩ Công giáo nổi tiếng. Anh bị bệnh phong gặm nhấm thể xác,
nhưng anh lại có một tâm hồn trong trắng của một thiên thần, một tâm hồn bay bổng
của một thi sĩ. Mặc dù vô cùng đau đớn vì mỗi ngày thức dậy, lại thấy tay chân
mình rụng rời từng đốt xương, nhưng trong những lúc đau đớn nhất, anh đã dệt
nên những vần thơ đẹp nhất, đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và lòng yêu
mên dành cho Đức Mẹ. Đau khổ thể xác, bị mọi người xa lánh không làm Hàn Mặc Tử
mất hy vọng và niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Trong cuộc sống, không thiếu những
lúc chúng ta gặp thử thách khó khăn, có những khi yếu đuối sa ngã, phạm tội. Điều
quan trọng là chúng ta không để mất niềm hy vọng vào lòng thương xót của Chúa,
không nằm lỳ trong tình trạng tội, nhưng tìm đến với Chúa để xin Chúa thứ tha
và chữa lành. Hãy mạnh dạn thưa với Chúa: Lạy Chúa xin làm cho con nên trong sạch.
Chúa sẽ thanh tẩy tâm hồn và cuộc sống chúng ta nên xinh đẹp trước mặt Chúa.
Amen.
Lm.
Giuse Đỗ Đức Trí