Suy Niệm Lời
Chúa Thứ Sáu Tuần VI Thường Niên
Lời Chúa: Mc 8, 34 – 9,1
34 Rồi Đức Giê-su gọi đám
đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải
từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.35 Quả vậy, ai muốn cứu
mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng,
thì sẽ cứu được mạng sống ấy.36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất
mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?37 Quả thật, người ta lấy gì
mà đổi lại mạng sống mình? 38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này,
ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy,
khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người."
1 Đức Giê-su còn nói với họ: "Tôi bảo thật các người: trong số
những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy
Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực."
Suy niệm:
“Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta
có lợi gì?” (c.36) Đây không chỉ là câu hỏi nhưng còn là một câu trả lời cho một kiếp
sống nhân sinh.
Trong cuộc sống
trần thế, người ta cứ tìm mọi cách để “có” mọi của cải vật chất và những tiện
nghi của nó mang lại, người ta tìm kiếm cho mình một thế giá là kiểu danh vọng nào
đó trong xã hội. Nhưng khi đối diện với bệnh tật, sự chết họ lại muốn đánh đổi
tất cả để duy trì sự sống, và rồi thì họ cũng “lực bất tòng tâm”, đành phó mình
cho số mệnh. Trước những biến cố trọng đại ấy, họ có cơ hội để suy ngẫm và tự hỏi:
tất cả những gì tôi sở đắc được nó mang lại cho tôi được gì? Bao nhiêu năm bươn
chãi, vất vả, khổ đau...lúc chết tôi mang theo được gì? Chính những câu hỏi đó
đã cho họ câu trả lời, câu mà ông bà ta thường nói: “Sinh ký tử quy” (sống gủi
thác về) có nghĩa là sống là ở gủi tạm, chết là trở về nơi cũ của mình. Quan niệm
này giúp cho người ta vượt lên trên những cám dỗ tầm thường, coi cuộc sống là
chỗ dừng chân tạm thời, chết mới là về, là an nghỉ thực sự. Quan niệm này thật
gần gủi với Kinh Thánh, gần với lời giáo huấn của Đức Giê-su: Sống là một cuộc
lữ hành, dương thế là chỗ dừng chân, còn chết là về với Chúa, về nơi ta xuất
phát, về với sự sống vĩnh cửu. Chính lẽ đó mà mỗi người chúng ta cần chọn lựa
cho mình một lý tưởng sống, một thái độ sống để hân hoan trở về khi nhắm mắt
lìa đời.
Tuy nhiên, khi
đã xác định cho mình được ý nghĩa sống, lý tưởng sống ta có can đảm chọn lựa nó
và tiến theo hay không, đó mới là điều quan trọng. Bởi lẽ, khi ta đã “chọn” thì
cũng đồng nghĩa với “từ bỏ”, mà bỏ thường làm ta đau đớn và đầy luyến tiếc
nhưng nó sẽ mang lại cho ta nhiều cơ hội mới, hạnh phúc mới, mà cũng vì lẽ ta
không thể chọn mọi thứ được. Chọn là từ bỏ để theo lý tưởng ta đã chọn, đây cũng
chính là điều mà Đức Giê-su muốn nói với các môn đệ và đám đông: "Ai muốn theo tôi, phải
từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”
(c 34).
“Từ bỏ chính mình” là không coi mình như
trung tâm nữa, không coi danh dự, quyền lợi, dự tính, của cải là điều mình phải
nắm chặt; nhưng là chọn một thái độ sống của mình như Đức Giê-su và sứ mạng của
Người. “Vác thập giá mình” có nghĩa là bắt chước Đức Giê-su khi bị đóng đinh, tức
sẵn sàng chịu tử đạo, nhưng cũng có nghĩa là sẵn sàng chịu chống đối và thù nghịch
trong cuộc sống mỗi ngày. Như vậy, có thể nói rằng, cuộc đời của người môn đệ,
người ki-tô hữu phải được định nghĩa theo cuộc đời của Đức Giê-su, hay nói khác
định mệnh của họ họa lại định mệnh của Đức Giê-su. Chỉ khi sẵn sàng từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Người, người ấy mới cảm nghiệm sâu xa
nơi bản thân sức mạnh cứu độ của lời tuyên xưng đó, và mới làm chứng được cho
người khác rằng Đức Giê-su chính là Cứu Chúa duy nhất mà ta phải tin vào và bước
theo. Đó chính là kinh nghiệm “ai muốn cứu
mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng,
thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (c 35). Chính Đức Giê-su đã đi bước trước, đã
trãi qua kinh nghiệm này, kinh nghiệm “được” và “mất”, Ngài mới dám mời gọi
chúng ta sống kinh nghiệm ấy với Ngài. Bởi lẽ, “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta có lợi gì?”
(c 36).
Lạy
Chúa, trong đời sống dương thế chúng con thường tìm kiếm sự phù phiếm chóng qua
của vật chất đời này mà ít để tâm đến sự sống vĩnh cửu. Chúng con sẽ dễ dàng
đánh đổi cái vĩnh cửu Chúa ban với những cái hữu hạn đời này, khi chọn lựa lối
sống dễ giải và thấp hèn. Xin ban Thánh Thần xuống trên chúng con, để trong mọi
chọn lựa, chúng con biết từ bỏ cái chóng qua của vật chất thế tục mà bước theo
Đức Giê-su con yêu dấu của Ngài. Amen!
Xuân Hạ (OMI)