Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VI Thường Niên
CHU TOÀN LUẬT CỦA THIÊN CHÚA VỚI LÒNG YÊU MẾN
Hội Đồng Giám Mục tại nước
Đức vừa qua đã gây lo ngại sâu sắc cho Giáo Hội, khi họ tổ chức một công nghị
trên toàn quốc để bàn về các giáo huấn của Giáo Hội. Một số vị cho rằng luật của
Chúa và Giáo Hội quá khắt khe, họ muốn tìm ra một số những “giải pháp mục vụ” để
nới lỏng các luật của Giáo Hội. Những vấn đề được đặt ra cho hội nghị này là việc
nới lỏng luật độc thân của các linh mục, vấn đề các linh mục chúc lành cho những
cặp hôn nhân đồng tính và nới lỏng những vấn đề liên quan đến luật bất khả phân
ly của hôn nhân trong Giáo Hội cũng như phong chức linh mục cho phụ nữ. Toà Thánh
đã lên tiếng cảnh báo, nhắc nhở Đức Hồng Y chủ tịch và cả công nghị về những
sai lầm nghiêm trọng họ đang gây ra và có nguy cơ làm tổn thương đến sự hiệp nhất
của Giáo Hội. Tuy nhiên, một số trong Hội Đồng Giám Mục vẫn phớt lờ cảnh báo của
Toà Thánh và tìm cách biện minh cho quan điểm của mình.
Thiên Chúa không ép con
người phải tin theo Ngài, Ngài để cho con người hoàn toàn tự do chọn lựa và quyết
định. Một khi đã tin và chọn Chúa thì sẽ phải chấp nhận những điều kiện và lề
luật của Chúa. Ai dám chọn thực thi theo giới răn lề luật của Chúa thì sẽ được
sống, ai từ chối sẽ tự mình đi vào chỗ huỷ diệt. Bài đọc một sách Huấn Ca đã
nói lên ý tưởng này: “Nếu con muốn thì
hãy giữ các điều răn mà trung tín làm đẹp ý Người. Trước mặt con là nước và lửa…là cửa sinh và cửa tử, ai thích gì sẽ được
cái đó.” Tác giả sách Huấn Ca cũng cho thấy Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan
thượng trí, Ngài nhìn thấu cõi lòng con người, mọi hành động của con người đều
bày ra trước mặt Chúa. Ai sống làm sao Chúa sẽ trả cho như vậy, ai chu toàn luật
Chúa với lòng yêu mến, Chúa sẽ bênh vực và bảo vệ người ấy.
Những luật sĩ và Biệt Phái
Do Thái ngày xưa giữ luật cách vô hồn, họ giữ luật mà không biết mình giữ luật
để làm gì, vì thế luật trở nên nặng nề đối với họ. Đức Giêsu đến rao giảng Tin
Mừng, mời gọi mọi người sống tương quan Cha – con với Thiên Chúa thay vì tương
quan chủ và đầy tớ; chu toàn luật Chúa là để cho mình nên xứng đáng là con của
Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ cải tổ, sẽ lược bớt
hoặc huỷ bỏ luật của Môsê. Vì vậy, hôm nay Chúa Giêsu công khai nói lên quan điểm
của Ngài: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để
bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để
kiện toàn. Vì Thầy bảo anh em, trước khi trời đất qua đi thì một chấm một phết
trong lề luật cũng không qua đi.”
Không chỉ chu toàn mọi lề
luật, Đức Giêsu còn làm cho lề luật nên trọn vẹn nhờ thái độ tuân giữ lề luật của
Ngài. Đức Giêsu dành cả cuộc đời để chu toàn thánh ý Thiên Chúa; làm cho mọi lời
Kinh Thánh nói về Ngài được nên trọn vẹn, cho dù vì thế mà Ngài bị kể vào số các phạm nhân và phải
chết một cách đau đớn nhục nhã. Vì vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa, nên
Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và đặt Ngài làm thủ lãnh, làm chủ mọi loài trên trời
dưới đất. Như thế, thái độ tuân giữ lề luật sẽ làm nên giá trị và đem lại kết
quả hữu ích cho con người, chứ không phải chỉ chu toàn lề luật cách máy móc.
Chúa Giêsu đã nói: “Ai bãi bỏ dù chỉ là một
trong những điều răn nhỏ nhất và dạy người khác làm như thế, thì sẽ bị coi là kẻ
nhỏ nhất…Còn ai tuân hành (đầy đủ) và dạy mọi người làm như thế, thì sẽ được gọi
là người lớn trong nước trời.”
Các kinh sư và người Biệt
Phái là những kẻ chỉ chu toàn lề luật để được mọi người ca tụng là bậc đạo đức.
Họ giữ luật không phải vì Thiên Chúa mà vì bản thân mình, vì muốn tìm tiếng
khen của người đời. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài thoát khỏi lối sống
hình thức, háo danh đó. Ngài muốn các môn đệ phải đi vào chiều sâu của luật, ý
thức rằng luật được đặt ra không phải để kìm hãm con người, nhưng là phương thế
giúp con người đứng vững và trở nên xứng đáng với tư cách là con Thiên Chúa: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các luật
sĩ và Biệt Phái, thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Như thế, Chúa
Giêsu muốn chúng ta phải dám sống khác hơn, tốt hơn và thật lòng với Chúa hơn
các luật sĩ và Biệt Phái thì mới có thể vào Nước Trời.
Chúa Giêsu cũng cho thấy
đòi hỏi của Tin Mừng thì cao hơn, xa hơn luật cũ: “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người
thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh
em mình thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa
ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị
lửa hoả ngục thiêu đốt.” So sánh này của Chúa Giêsu cho thấy mức độ, đòi hỏi,
của Tin Mừng quyết liệt hơn, cao hơn luật cũ. Nếu như luật cũ dừng lại bởi luật
công bằng thông thường: giết người sẽ bị trừng phạt, luật của Tin Mừng còn đòi
loại trừ nguyên nhân đưa đến tội ác, đó là thù oán, nóng giận, chửi bới nặng lời.
Một người có tâm hồn thanh thản bình an, sẽ loại trừ được sự nỏng nảy giận hờn,
thoá mạ khi trái ý; khi tâm hồn thanh thản bình an thì mới có thể đến với Chúa
cách chân thành được. Chúa muốn chúng ta trước khi đến với Chúa cần giải gỡ mọi
mối bất hoà dù mình gây ra hay người khác gây ra với mình: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ,
mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại
đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của
mình.”
Chúa Giêsu đưa ra một số
ví dụ để cho thấy luật của Tin Mừng hoàn toàn trổi vượt hơn luật của Môsê: Tội
ngoại tình là tội phản bội lại tình yêu của người bạn đời, làm đổ vỡ mối dây
thuỷ chung một vợ một chồng. Theo luật của Tin Mừng, tội ngoại tình được bắt đầu
từ trong suy nghĩ, sự thèm muốn. Như thế, dù
chỉ nhìn người khác giới mà đem lòng khát khao thèm muốn thì đã là tội trong tư
tưởng rồi.
Cũng vậy, Luật Tin Mừng
đòi mỗi người phải sống ngay thẳng thật thà trong lời nói, việc làm, gạt bỏ khỏi
mình tất cả các hình thức gian tham, dối trá. Khi mỗi người tín hữu sống thật,
nói thật và làm thật, thì không cần phải thề và cũng không cần nhân danh ai mà
thề. Khi đó, lời nói của người tín hữu được bảo đảm bằng chính phẩm giá và tư
cách là người tín hữu con của Chúa. Ngược lại ai nuôi dưỡng trong mình sự gian
tham dối trá, nói dối, làm dối, kẻ đó thuộc về ma quỷ: Vì “có” thì nói “có”, “không” thì nói “không”; thêm điều đặt chuyện là
do ác quỷ.
Có nhiều người, nhất là
dân ngoại cho rằng đòi hỏi của luật Chúa quá khắt khe, khó có thể thực hiện.
Thánh Phaolô trong thư Côrintô cho biết giáo lý Tin Mừng mà Ngài rao giảng
không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian và thế gian không thể hiểu được, nhưng
là sự khôn ngoan nhiệm màu của Thiên Chúa, đã được tiền định cho chúng ta. Chỉ
những ai tin và dám sống theo những đòi hỏi của luật Tin Mừng, thì mới là kẻ
khôn ngoan đích thực. Thần Khí của Thiên Chúa sẽ thêm sức mạnh và thôi thúc để ta
có thể chu toàn vuông tròn giới răn lề luật của Chúa.
Thưa quý Ông bà anh chị em,
những đòi hỏi của giới răn lề luật của Chúa luôn là lời mời gọi và là thách đố
cho chúng ta. Nhiều người đã tìm cách sống dễ dãi, lách luật bằng nhiều cách,
có người lại muốn chỉ giữ một vài đòi hỏi tối thiểu của luật. Trong đời sống
hôn nhân gia đình, một số người đã tự mình chối bỏ luật Chúa bằng việc tự ý bỏ
nhau, nhiều người khác coi thường luật Chúa, đem nhau ra toà đời ly dị, để huỷ
bỏ luật Chúa cách công khai trước mặt người đời. Đó là việc vi phạm luật Chúa hết
sức nghiêm trọng.
Trong làm ăn, nhiều người
đã nhắm mắt làm ngơ trước đòi hỏi sống công bằng, ngay thẳng, thật thà theo Tin
Mừng. Họ biện minh cho sự gian dối của mình bằng nhiều cách để đánh lừa lương
tâm của mình.
Xin Chúa giúp chúng ta biết
đón nhận lề luật và giáo huấn của Chúa và Hội Thánh với lòng yêu mến. Xin cho
chúng ta luôn xác tín rằng, yêu mến luật Chúa là chọn sống khôn ngoan và chu
toàn luật Chúa sẽ đưa chúng ta đến gần Chúa hơn. Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức
Trí