Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên Năm C
DỨT KHOÁT THEO CHÚA
I.
HOC LỜI CHÚA
1. TIN
MỪNG: Lc 9, 51-62
(51) Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi
lên Giê-ru-sa-lem. (52) Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một
làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. (53) Nhưng dân làng không đón
tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. (54) Thấy thế, hai môn đệ
Người là Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con
khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? (55) Nhưng Đức Giê-su quay
lại quở mắng các ông (56) Rồi Thầy trò đi sang làng khác. Và Người nói với các
ông: “Anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào. Vì Con Người không đến
để làm cho người ta mất mạng, nhưng là để cứu mạng. (56) Rồi Thầy trò đi sang
làng khác. (57) Thầy trò còn đang đi trên đường, thì có kẻ thưa Người rằng:
“Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. (58) Người trả lời: “Con chồn
có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. (59) Đức
Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy,
xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. (60) Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ
chết chôn kẻ chết của họ! Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”.
2. Ý
CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm này gồm hai phần:
Phần thứ nhất thuật lại câu chuyện Đức Giê-su bị dân làng ở miền Sa-ma-ri
từ chối không cho vào trọ. Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an tức giận yêu cầu được
sai lửa từ trời xuống thiêu hủy làng đó. Nhưng Đức Giê-su quở mắng các ông và
Thầy trò nhẫn nhịn đi sang trọ làng khác.
Phần thứ hai ghi lại ba trường hợp người ta xin đi theo làm môn đệ Đức
Giê-su. Trong mỗi trường hợp Đức Giê-su đều đòi người ta phải chọn lựa dứt
khoát như sau:
+ Đối với kẻ thứ nhất, Người đòi anh ta phải chấp nhận cuộc sống thiếu
thốn vật chất.
+ Với người thứ hai, Đức Giê-su đòi anh phải ưu tiên lo việc Chúa hơn
gia đình.
+ Còn người thứ ba, Đức Giê-su đòi anh phải một lòng một ý lo phục vụ
Nước Thiên Chúa.
3. CHÚ
THÍCH:
- C 51-52): + Được
rước lên trời: Đây là thành ngữ ám
chỉ cái chết cũng như cuộc lên trời của Đức Giê-su (Tin Mừng Lu-ca 9,31 chú
thích về cuộc xuất hành của Người). + Nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem:
Lên Giê-ru-sa-lem để hoàn tất cuộc Vượt Qua. + Vào một làng người Sa-ma-ri:
Người Do Thái tránh giao thiệp với người Sa-ma-ri và còn khinh dễ họ, vì họ
không còn thuần chủng nữa, và vì niềm tin của họ đã có nhiều dị biệt với người
Do thái. Nhưng Đức Giê-su lại cố ý vào trọ trong một làng người Sa-ma-ri. Điều
này cho thấy Người chính là chủ chiên đến để tìm chiên lạc và đưa về đàn. Về
sau, trước khi lên trời, Đức Giê-su truyền cho các Tông Đồ rao giảng Tin Mừng
cho muôn dân, trong đó có dân Sa-ma-ri (x. Cv 1,8). Các ông đã vâng lời Người: Phi-lip-phê
loan báo Tin Mừng ở Sa-ma-ri (x. Cv 8,5). Các Tông Đồ ở Giê-ru-sa-lem cũng cử
ông Phê-rô và ông Gio-an đến với họ (Cv 8,14).
- C 53-56: +
Dân làng không đón tiếp: Người Sa-ma-ri có ác cảm với người Do thái,
đặc biệt những ai đi hành hương lên Giê-ru-sa-lem. + Thầy có muốn chúng
con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy...?: Hai môn đệ Gia-cô-bê và
Gio-an được gọi là “con của sấm sét” (x. Mc 3,17). Hai ông mới được nhìn thấy
ngôn sứ Ê-li-a trong cuộc biến hình của Đức Giê-su (x. Lc 9,28-36), nên giờ đây
muốn dùng hình phạt mà giáng xuống trên kẻ thù giống như vị ngôn sứ này đã làm
(x. 2V 1,10-12). + Quở mắng các ông: Đức Giê-su muốn các môn đệ
hành xử theo giáo huấn mà Người đã dạy về cách đối xử với kẻ thù: Hãy yêu kẻ
thù và làm ơn cho kẻ ghét mình. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu
nguyện cho kẻ vu khống mình (x. Lc 6,27-35). + Và Người nói với các ông:
“Anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào. Vì Con Người không đến để
làm cho người ta mất mạng, nhưng là để cứu mạng”: Đức Giê-su dạy cho
các môn đệ biết việc báo thù là việc của thần dữ chứ không phải là việc của
Thiên Chúa. Đức Giê-su xuống thế gian để kiện toàn luật Mô-sê vốn cho phép trả
thù báo oán những kẻ làm hại mình. Đối với Đức Giê-su: Thiên Chúa không phải là
Thiên Chúa báo oán, mà là Thiên Chúa của tình thương. Tình thương thay thế hận
thù, tha thứ thay thế báo oán và trừng phạt. Đó chính là tinh thần mà các môn
đệ phải học tập. + Thầy trò đi sang làng khác: Điều này nói lên
sự nhẫn nhịn của Đức Giê-su đối với những kẻ đối xử không tốt với mình.
- C 57-58: +
Thầy trò còn đang đi trên đường, thì có kẻ thưa Người rằng: Lu-ca
ghi lại ở đây ba trường hợp về ơn kêu gọi theo Chúa. Trong ba trường hợp này
thì hai trường hợp được Mát-thêu thuật lại khi Đức Giê-su bắt đầu đi giảng đạo
ở Ga-li-lê (x. Mt 6,19-22). Còn trường hợp thứ ba chỉ có trong Tin Mừng Lu-ca.
Qua ba trường hợp này, Lu-ca muốn trình bày những đòi hỏi dứt khoát đối với
những ai muốn làm môn đệ của Đức Giê-su. + “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi
theo... Con chồn có hang...”: Người này tự ý xin theo làm môn đệ và sẽ
đi đến bất cứ nơi nào. Nhưng Đức Giê-su cho anh ta thấy cuộc sống theo Chúa là
một cuộc sống khó nghèo và không ổn định. “Không có chỗ dựa đầu”, nghĩa là
không có sự bảo đảm về vật chất giống như một người vô gia cư !
- C 59-60: +
“Xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”: Trong Tin Mừng Mát-thêu,
người xin làm môn đệ ngỏ lời trước (x. Mt 8,21-22), còn trong Tin Mừng Lu-ca,
chính Đức Giê-su kêu gọi anh ta trước. Anh ta tỏ thái độ thiếu dứt khoát qua
lời cầu xin được về nhà phụng dưỡng cha. Sau khi cha chết và lo mai táng cho
cha xong, anh mới đi theo làm môn đệ Người. Tại Pa-les-tin việc chôn cất người
chết phải được thực hiện ngay trong ngày, nên khó mà nghĩ rằng Đức Giê-su lại
không đồng ý cho anh ta lưu lại vài giờ để chôn cất cha cho tròn chữ hiếu. +
“Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”: Chắc chắn Đức Giê-su rất coi
trọng bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ (x. Mt 15,5-9 ; 1 Tm 5,8). Nhưng khi
phải lựa chọn giữa một bên là tình cảm gia đình với bên kia là theo Chúa để đi rao
giảng Tin Mừng, thì Người đòi môn đệ phải dứt khoát chọn đi loan báo Triều Đại
của Thiên Chúa.
4. CÂU
HỎI:
1) Khi dùng thành ngữ “Được rước lên trời”, tác giả Lu-ca muốn ám chỉ
điều gì về cuộc xuất hành của Người ?
2) Đức Giê-su nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem để làm gì ?
3) Tại sao người Do Thái tránh giao thiệp và khinh thường người Sa-ma-ri,
đang khi Đức Giê-su lại sẵn sàng đến với họ ?
4) Phản ứng của hai đệ Gia-cô-bê, Gio-an và của Đức Giê-su thế nào trước
sự từ chối đón tiếp thầy trò của dân làng Sa-ma-ri ? Đức Giê-su muốn môn đệ
Người làm gì ?
5) Người nêu gương nhẫn nhịn tha nhân như thế nào ?
6) Hãy kể ra ba trường hợp xin theo làm môn đệ và đòi hỏi của Đức
Giê-su thế nào ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA:
“Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”
(Lc 9,60).
2. CÂU CHUYỆN:
1) LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG
SỰ NHẪN NHỊN THA NHÂN:
Một
hôm có một viên sĩ quan đến gặp một linh mục xin học đạo. Khi được hỏi lý do
theo đạo, thì được anh cho biết như sau:
"Trong
đại đội do tôi chỉ huy, có một anh tân binh là một tín hữu công giáo. Vào một
đêm nọ, sau khi tiểu đội đi tuần về, quần áo ai nấy đều bị ướt nhẹp, nhưng thay
vì thay quần áo đi ngủ, thì anh chàng này lại quì gối bên giường nhắm mắt cầu
nguyện. Cảm thấy ngứa mắt, tôi liền đá anh một cái ngã lăn ra sàn. Nhưng khi ngồi
dậy, anh không nói gì mà tiếp tục quỳ gối cầu nguyện. Tôi bị mệt nên mau cởi giầy
ra rồi nằm lăn ra giường ngủ. Sáng hôm sau, khi thức dậy tôi rất ngỡ ngàng khi
thấy đôi giầy tối qua tôi đã đá anh tân binh, giờ đã được lau sạch và xếp gọn để
bên cạnh giường tôi. Tôi thấy hổ thẹn về thái độ đêm qua của mình và thán phục
sự nhẫn nhịn của anh tân binh. Rồi tôi quyết tâm đến với cha để xin theo đạo".
2) TU ĐÒI PHẢI DỨT BỎ LÒNG HAM MÊ CỦA CẢI VẬT CHẤT:
Một vị linh sư Ấn độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông thì có một thanh
niên ăn mặc bảnh bao đến xin làm đệ tử. Anh ta rón rén đến bên và đặt dưới chân
vị linh sư hai viên ngọc quí để làm lễ vật ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên
và ném xuống sông. Tiếc của, anh thanh niên giàu có vội nhảy xuống sông và lặn
xuống đáy hồ cố tìm lại viên ngọc quí giá. Nhưng sau một ngày vất vả tìm kiếm
mà viên ngọc vẫn biệt tăm. Chiếu đến, với vẻ mặt thất vọng, anh thanh niên đến
chỗ vị linh sư xin ông chỉ đích xác chỗ đã ném viên ngọc. Bấy giờ vị linh sư
liền cầm viên ngọc thứ hai, tiếp tục ném xuống sông và nói: “Ta đã ném vào chỗ
đó. Anh hãy lặn xuống mà tìm”. Chàng thanh niên hiểu rằng thầy muốn anh phải dứt
khoát từ bỏ lòng ham mê của cải trần gian như điều kiện tiên quyết phải có để
theo làm môn đệ của thầy.
3)
ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA CÁC CỦA CẢI VẬT CHẤT:
Ở
một làng nọ thuộc miền quê Ấn độ, có một đạo sĩ tên là Sadhu. Với lối sống đơn
giản trong nhiều năm, ông đã gần đạt đến sự siêu thoát hoàn toàn của bậc thánh
nhân. Ông đã được dân chúng quanh vùng quí mến, và họ đã lũ lượt kéo nhau đến
bái ông làm thầy dạy đạo.
Một
ngày kia, thấy vị đạo sĩ ăn mặc sơ sài, có người đã mang đến biếu mấy mảnh vải tốt
để ông may áo che thân. Rồi khi Sadhu ngồi thiền, bầy chuột tưởng ông là tượng
gỗ, rủ nhau đến rúc vào áo của ông gặm nhấm. Có người thấy thế tội nghiệp, liền
mang đến biếu ông một chú mèo con làm bầu bạn và giúp ông xua đuổi lũ chuột quấy
phá kia. Dân làng lại thương mèo con không có gì ăn liền đem sữa tươi đến nuôi
mèo. Rồi một ngày nọ, một bà giàu có từ phương xa nghe tiếng thơm nhân đức của
vị đạo sĩ, đã đến thăm và tặng ông một con bò để ông có sữa uống và có thể nuôi
mèo. Dân làng cũng làm một cái chuồng giúp ông nuôi bò. Khi thấy bò có chuồng mà
đạo sĩ lại không có nhà, dân làng liền hè nhau đến làm cho đạo sĩ một chiếc
chòi bằng lá để ông có thể trú nắng che mưa.
Từ
khi có thêm của cải, đạo sĩ không còn có giờ tu niệm như trước. Hằng ngày ông
phải bận rộn đi cắt cỏ về nuôi bò để lấy sữa uống, rồi còn phải chăm sóc cho mèo
để nó giúp ông đuổi lũ chuột. Ông cũng phải chăm lo sửa sang căn chòi bị dột. Dân
làng thương ông vất vả, nên đã nhờ một người đàn bà đến giúp ông làm công việc
nhà để ông có giờ ngồi thiền.
Từ
đó đạo sĩ đã có áo quần che thân, có mèo giúp đuổi chuột, có bò cung cấp thức
ăn hằng ngày, có căn chòi khang trang để ở, có người đàn bà đến chăm sóc cho mình...
Chẳng bao lâu sau, đạo sĩ không còn thích ngồi thiền tu niệm nữa, vì ông phải
quan tâm bảo vệ những gì đang sở hữu. Rồi ông đã lấy người đàn bà kia làm vợ, và
chấm dứt cuộc đời hạnh tu !!!
Câu
chuyện trên cho thấy: Bao lâu chọn nếp sống đơn giản, đạo sĩ Sadhu đã nổi tiếng
là một tu sĩ đắc đạo. Nhưng từ khi sở hữu nhiều của cải vật chất thì ông cũng dần
dần xa rời lý tưởng tu hành của mình. Trong Hội Thánh Công giáo cũng như trong
các tôn giáo khác, các vị đại thánh đều có điểm giống nhau là các ngài đã chọn
lối sống khắc khổ, sẵn sàng từ bỏ các tiện nghi vật chất và quyết tâm không
dính bén với các của cải vật chất. Nhờ đó các ngài mới có một lối sống siêu
thoát làm đẹp lòng Đấng thiêng liêng và được mọi người nể phục.
4) GƯƠNG TRUNG
THÀNH THEO CHÚA VƯỢT QUA MỌI TRỞ NGẠI:
-
ERIC LIDDLE là người chạy đua 100 mét nhanh nhất của nước Anh trong năm 1924. Tại
Thế vận hội thể thao Olympic (TVH) mở ở Paris năm đó, mọi người đều mong đợi rằng
anh sẽ chiếm được huy chương vàng về cho nước Anh. Nhưng rồi một việc đã xảy ra
làm xôn xao cả trong cũng như ngoài nước. Ban Tổ chức TVH sắp đặt môn chạy đua
một trăm thước vào chương trình ngày Chúa Nhật. Eric nghĩ rằng luật kiêng việc
phần xác, nghỉ ngày của Chúa, không cho phép anh chạy đua ngày Chúa Nhật. Vậy
anh quyết định không chạy đua ngày Chúa Nhật, dầu việc nầy làm cho anh rất buồn
phiền. Khi tin nầy được loan đi, mọi người sửng sốt. Họ làm áp lực tư bề để buộc
anh bỏ ý định, và chuẩn bị chạy đua ngày Chúa Nhật. Nhưng Eric đã nói không là
không. Thái tử nước Anh cũng đứng ra can thiệp, bắt buộc anh phải chạy đua ngày
Chúa Nhật theo như chương trình của ban tổ chức. Trước mọi áp lực, Eric đã nói
không là không. Báo chí nước Anh gọi Eric là người phản bội. Nhưng anh cương
quyết không làm điều trái với lương tâm tôn giáo của mình. Sau đó Eric đi gặp
các huấn luyện viên và đề nghị để cho một bạn đồng đội chạy đua 100 mét ngày
Chúa Nhật thay thế, còn anh sẽ chạy 400 mét trong ngày thường, dẫu rằng trước
đó chưa bao giờ anh chạy đua 400 mét cả. Một điều lạ đã xảy đến trước sự ngạc
nhiên đến sửng sốt của mọi người. Eric đã thắng cuộc chạy đua 400 mét, rồi anh
bạn đồng đội mà anh đề nghị thay anh cũng thắng trong cuộc chạy đua 100 mét.
- Ít năm sau Thế vậy hội, Eric lại
làm cho cả thế giới ngạc nhiên lần nữa. Anh tình nguyện lên đường sang Trung quốc
giúp việc truyền giáo. Cô thiếu nữ người yêu của anh cũng theo anh sang Trung
Quốc. Với thời gian họ sinh được ba đứa con ngoan ngoãn. Thế rồi Đệ nhị thế chiến
bùng nổ. Nhật Bản xua quân xâm lăng Trung Quốc. Trước tình thế nguy hiểm, Eric
gởi vợ con sang Canada lánh nạn. Ít lâu sau, anh bị quân Nhật bắt đem đi nhốt tại
một trại tập trung. Tại đây, anh tiếp tục làm việc tông đồ giữa các bạn tù. Mấy
năm sau, anh đã chết một cái chết thật can đảm và anh dũng tại trại tập trung.
Sau khi Eric chết, vợ anh nhận được hàng trăm bức thư chia buồn, và nói lên
lòng can đảm và anh dũng của anh khi bị gian trong trại. Ít nhất có hai bức thư
của bạn tù nói rằng Eric là lẽ sống duy nhất của họ trong trại tập trung. Nếu
không nhờ sự có mặt của anh trong trại, thì họ đã tự tử chết lâu rồi.
- Đến năm 1980 nghĩa là 56 năm sau
Thế vận hội Paris nói trên, có người nảy ra ý kiến làm một cuốn phim về Eric và
Thế vận hội 1924. Khi hay tin đó, vợ của anh còn sống ở Toronto nói: “Thời bây
giờ ai mà còn để ý tới một việc đã xảy ra lâu lắm rồi về một người quyết không
chạy đua ngày Chúa Nhật vì đức tin người Kitô hữu của mình? Ấy thế mà cuốn phim
CHARIOTS OF FIRE (Xe hỏa ngục) đã thành công phi thường. Thiên hạ đùng đùng kéo
nhau đi xem như nước lũ. Cuốn phim đã giựt giải thưởng điện ảnh năm 1982. Câu
chuyện Eric giúp chúng ta hiểu được lời Chúa phán trong Phúc âm hôm nay: “Kẻ cầm
cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa.”
-
Từ khi theo Chúa, Eric luôn tiến bước theo Chúa, tuân giữ các giới răn dù cho thiên
hạ gọi anh là phản quốc. Đâu là bí quyết của lòng can đảm trung kiên của Eric đối
với Đức Kitô? Vợ của Eric đã nói trong cuộc phỏng vấn như sau: “Eric bao giờ
cũng dậy thật sớm, dùng giờ đầu tiên trong ngày để đọc Kinh thánh và cầu nguyện
và sắp đặt công việc cho ngày mới.” Bí quyết của lòng can đảm trung thành của
anh là luôn gặp Chúa mỗi sáng trong giờ cầu nguyện.
3.
THẢO LUẬN:
1) Sống đúng tinh thần khoan dung của Đức Giê-su dễ hay
khó ? Tại sao ? 2) Bạn sẽ phản ứng thế nào khi bị kẻ khác đối xử không tốt để
xứng đáng làm môn đệ Chúa ?
4.
SUY NIỆM:
1) GƯƠNG TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ SỐNG SIÊU THOÁT NHƯ Ê-LI-SA:
Bài
đọc 1 hôm nay kể chuyện Ê-li-sa quyết tâm theo Ê-li-a để làm ngôn sứ. Ê-li-sa
là một nông dân, đang cày ruộng với 12 cặp bò. Nghe ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi, Ê-li-sa
đã bày tỏ lòng quyết tâm đi theo thầy Ê-li-a bằng việc bổ cày gỗ làm củi, giết
bò làm lễ vật, rồi thiêu đốt tất cả để dâng tiến Đức Chúa, rồi đi theo làm môn
đệ thầy. Ruộng đất, trâu bò, cày cuốc là tài sản của nông dân. Đốt cày cuốc,
làm thịt trâu bò, có nghĩa là từ bỏ tài sản, là đoạn tuyệt với nghề nghiệp cũ.
Đó là một lựa chọn dứt khoát. Ra đi không vướng bận, không luyến tiếc những gì
đã có. Đó là thái độ dứt khoát từ bỏ để hoàn toàn phó thác và vâng phục thánh ý
Thiên Chúa.
2) DỨT KHOÁT TỪ BỎ MỌI SỰ LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN
ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU:
Qua 3 trường hợp theo Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giê-su đòi hỏi những kẻ muốn theo làm môn đệ của Người phải có thái độ dứt
khoát như sau:
+ Quyết tâm từ bỏ lối sống an nhàn
hưởng thụ: Người thứ nhất xin đi theo Đức Giê-su đến bất cứ
nơi nào. Nhưng Người đòi anh phải chọn lựa: theo Thầy thì phải chấp nhận cuộc sống
nay đây mai đó và sống thanh thoát với của cải vật chất giống như Thầy “không
có chỗ tựa đầu”. Chính Đức Giê-su ngay đã được sinh ra trong cảnh khó nghèo như
Tin Mừng Lu-ca đã ghi nhận : “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt
nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Cuối
cùng, trên thập giá, Người đã bị lột áo và bị đóng đanh chân tay vào thập giá.
Trong Tin Mừng, chúng ta không thấy chỗ nào đề cập đến một ngôi nhà riêng của Đức
Giê-su hoặc của nhóm Mười Hai môn đệ.
+ Phải cấp thời đi theo Chúa không
được trì hoãn: Người thứ hai được Đức Giê-su kêu gọi đã sẵn sàng
đi theo Chúa. Nhưng anh ta xin về nhà phụng dưỡng cha già, đến khi cha chết rồi
mới đi theo. Nhưng Người đòi anh phải dứt khoát chọn sứ vụ đi loan báo Triều Đại
Thiên Chúa. Còn việc báo hiếu cha mẹ tuy quan trọng, nhưng cũng không ngăn cản
được môn đệ đi theo Chúa.
+ Phải sẵn
sàng thoát ly tình cảm gia đình:
Người thứ ba xin đi theo Đức Giê-su, nhưng xin được về nhà từ giã gia đình vợ
con trước đã. Nhưng Đức Giê-su đòi anh ta phải dứt khoát với tình cảm gia đình:
“Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước
Thiên Chúa”. Thực ra, Đức Giê-su rất coi trọng việc con cái phải hiếu kính với cha
mẹ (x. Mt 15,4). Nhưng Người đòi môn đệ phải ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa
(x. Lc 14,26). Còn những sự khác thì chính Chúa sẽ lo liệu giúp chúng ta sau.
3) CON ĐƯỜNG THEO CHÚA HÔM
NAY:
Lời Chúa hôm nay đòi mỗi người chúng ta tự kiểm
điểm :
+ Phải tránh theo Chúa vì
vụ lợi: giống
như các môn đệ theo Đức Giê-su để được "ngồi bên tả bên hữu” khi Thầy lên làm
Vua, chứ không muốn theo Chúa theo con đường “qua đau khổ vào vinh quang” theo
ý Thiên Chúa. Ông Phê-rô đã can Thầy và đã bị Thầy nặng lời quở trách (x. Mt
16,21-23). Nhiều người trong chúng ta hôm nay cũng theo Chúa chỉ nhằm để kết
hôn hay sở hữu của cải vật chất… Rồi sau khi được như ý lại bỏ không theo Chúa
nữa.
+ Theo Chúa đòi phải từ bỏ:
Khi theo Chúa, các môn đệ phải từ bỏ tình cảm gia đình, bỏ nghề đánh cá biển để
làm nghề chài lưới các linh hồn; Theo Chúa đòi chúng ta phải bỏ đi cái tôi ích
kỷ, chấp nhận những lao nhọc thất bại trong cuộc sống, như lời Chúa Giê-su: “Ai
muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).
+ Cần coi trọng Chúa và sứ vụ loan
báo tin mừng hơn mọi thứ khác: Nếu chúng ta coi tiền
bạc, địa vị, sắc đẹp … hơn Chúa thì sẽ không xứng đáng làm môn đệ của Chúa. Hãy
noi gương tông đồ Phao-lô coi thường mọi sự vì Chúa: “Những gì xưa kia tôi cho
là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi
tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô
Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để
được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-8).
+ Để trung thành theo Chúa đòi lắng
nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và xin vâng: như Chúa
Giê-su thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống
chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26,39). Như Đức
Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho
tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38).
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con cảm thấy Chúa đòi hỏi những ai muốn
đi theo làm môn đệ Chúa hơi nhiều: Vì Chúa không có chỗ dựa đầu, nên Chúa đòi
con phải hãm mình để có lối sống đơn sơ siêu thoát. Chúa còn muốn con phải ưu
tiên loan báo Triều Đại của Thiên Chúa, phải đặt tình cảm gia đình sau việc
phụng sự Chúa: “Ai muốn theo Thầy phải bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà đi
theo Thầy”. Nếu dựa vào sức riêng mình, chắc chắn con sẽ khó lòng đi theo Chúa.
Nhưng nếu có ơn Chúa giúp, con hy vọng sẽ làm được mọi sự. Xin giúp con sống
quảng đại với Chúa như Chúa đã luôn quảng đại với con. Xin cho con biết noi
gương Chúa: sống đơn giản siêu thoát với của cải vật chất, hầu ngày một trở nên
môn đệ thực sự của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON.
LM
ĐAN VINH - HHTM