Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên
ĐÓN CHÚA VIẾNG THĂM VÀ PHỤC VỤ CHÚA
Giống như người Việt Nam, người Do Thái rất có lòng hiếu
khách. Ở những vùng quê, mỗi khi gia đình có khách giống như ngày hội cho gia
đình và cho xóm giềng. Có dịp về thăm quê miền Bắc, chúng ta cũng cảm nhận được
sự hiếu khách của người miền quê Việt Nam. Dù quen thân hoặc chỉ quen sơ sơ,
người miền quê thể hiện tấm lòng của mình bằng việc làm thịt gà, vịt và mời
khách ở lại ăn cơm. Gia đình nào thường xuyên có khách từ xa về thăm, gia đình
đó được xóm giềng nhìn với vẻ tôn trọng, nhất là khi những vị khách là những
người nổi tiếng hay có địa vị xã hội, thì việc tiếp đón còn là niềm tự hào cho
gia đình.
Hôm nay Lời Chúa kể về những gia đình đã niềm nở đón tiếp Chúa
như thượng khách của gia đình. Khi đến thăm gia đình nào, Chúa không bao giờ để
cho gia đình đó phải thất vọng, nhưng Ngài luôn ban phúc lành xuống trên gia
đình đó. Bài đọc một kể lại câu chuyện của Abraham, trong một buổi trưa hè nóng
bức, ông ra ngồi hóng gió tại cửa lều dưới gốc cây sồi Mambre thì thấy có ba
người khách lạ. Mặc dù chưa biết là ai, nhưng khi vừa thấy các vị khách ông đã
chạy ra đón và sụp lạy các Ngài. Ông lên tiếng mời các vị khách: “Nếu đẹp lòng các Ngài, xin dừng chân ở lại
thăm chúng tôi”. Sau đó ông tất bật bắt con bê non làm thịt, sai vợ lấy bột
làm bánh, lấy nước cho khách rửa chân, lấy sữa tươi cho khách uống. Còn ông đứng
hầu các vị khách trong khi họ dùng bữa. Các vị khách đó chính là sứ thần của
Thiên Chúa. Các Ngài đã thấy được lòng hiếu khách và sự quảng đại của Abraham
nên đã chúc lành cho ông và gia đình.
Trước khi chia tay, ba vị khách còn để lại cho Abraham một lời
hứa: Sang năm khi trở lai thăm ông, Sara vợ ông sẽ có một con trai. Lời hứa này
quả là niềm hy vọng lớn lao cho Abraham, vì ông bà dã cao niên mà chưa có con nối
dõi. Lời hứa này đã chạm đến sự khao khát sâu thẳm trong tâm hồn ông bà. Điều
này cho thấy Thiên Chúa nhìn thấu suốt tâm hồn và khát vọng con người, ai đón
Chúa vào tâm hồn và gia đình, Chúa sẽ giải gỡ những khó khăn của gia đình và sẽ
đáp lại những khát vọng sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người.
Bài Tin Mừng kể lại cuộc đón tiếp Chúa Giêsu của chị em cô
Matta và Maria. Tin Mừng cho biết, gia đình Matta là nơi Chúa Giêsu thường ghé
thăm, Lazarô được coi như một người bạn của Chúa. Nếu như khi Abraham đón tiếp
ba vị khách lạ, ông đã đứng hầu trong khi ba vị đó dùng bữa, thì trong cuộc đón
tiếp này, Chúa Giêsu lại quan tâm đến thái độ của cô Maria đó là: ngồi bên chân
Chúa để nghe lời Người dạy. Tin Mừng nhắc đến sự hiếu khách của gia đình khi kể
lại: Có những lần nghe tin Chúa Giêsu đến, thì Matta đã ra tận đầu làng để đón
Chúa; lần này cô Matta cũng ra đón Người vào nhà mình. Khi Chúa Giêsu vào nhà,
hai chị em cô có hai thái độ khác nhau: Cô Matta lo chuẩn bị cơm nước và thức
ăn để đãi Chúa, còn cô Maria thì ngồi bên chân Chúa. Chúa Giêsu rất trân trọng
sự đón tiếp của gia đình.
Cô Matta phục vụ cho những nhu cầu ăn uống là điều cần thiết,
nhưng cô lại tỏ ra khó chịu khi thấy cô Maria chỉ ngồi nghe Chúa. Cô lên tiếng
như trách Chúa: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo
em con giúp con một tay”. Chúa Giêsu không chê bỏ sự hiếu khách và tinh thần
phục vụ của Matta, nhưng Chúa chỉ cho thấy đâu là việc cần thiết và quan trọng
nhất: “Matta! Con lo lắng về nhiều chuyện
quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ
không bị lấy đi”. Qua câu trả lời này, Chúa cho thấy thái độ cần thiết nhất
vẫn phải là thái độ lắng nghe Lời Chúa. Khi Chúa vào nhà, cô Maria không ngồi đồng
bàn để tiếp chuyện Chúa, nhưng cô lại ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người giảng.
Ngồi dưới chân là thái độ của một môn đệ khiêm tốn trước thầy của mình, ngồi dưới
chân Chúa và lắng nghe là thái độ đón nhận, là vị trí của người môn đệ thân
tín. Như vậy khi nhắc cô Matta, Chúa cũng muốn nhắc cho mỗi chúng ta phải biết biến
mình trở thành những môn đệ của Chúa và phải là những môn đệ sẵn sàng lắng nghe
và suy gẫm, để cho Lời Chúa đi vào trong tâm hồn và biến đổi cuộc đời. Hơn nữa
phải đặt mình dưới chân Chúa, nghĩa là có một tương quan riêng tư thân thiết với
Chúa. Tương quan thân thiết này là phần tốt nhất và không ai có thể lấy mất được
như thánh Phaolô đã chia sẻ: “Không ai có
thể tách chúng tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô Chúa
chúng tôi”.
Thánh Phaolô trong thư Côlôsê đã cho thấy, một khi đón Chúa vào
trong tâm hồn, chúng ta sẽ có niềm vui và bình an cùng sức mạnh giúp vượt qua
thử thách. Mời Chúa vào tâm hồn, có Chúa hiện diện trong gia đình không có
nghĩa là Chúa miễn trừ cho chúng ta khỏi những khó khăn, thử thách, nhưng trái
lại, dù có khó khăn xảy đến Chúa luôn ở bên nâng đỡ, giải gỡ và trợ giúp chúng
ta. Vì thế thánh Phaolô mới có thể nói: “Tôi
vui mừng vì được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn
phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức vì lợi ích cho thân thể Người
là Hội Thánh”.
Cũng theo thánh Phaolô, sự phục vụ mà Thiên Chúa muốn không dừng
lại ở những việc tông đồ, bác ái, cho dù đó là điều cần thiết. Nhưng tất cả sự
phục vụ của các tín hữu đều nhắm trước tiên đến việc xây dựng sự hiệp thông hiệp
nhất trong Hội Thánh. Vì thế, tất cả các hoạt động tông đồ dù có hiệu quả đến
đâu mà không xây dựng được sự hiệp thông hiệp nhất thì cũng trở thành vô giá trị.
Đàng khác, điều quan trọng hơn nữa đó là các hoạt động phục vụ trong Hội Thánh
phải ưu tiên cho việc phục vụ Lời Chúa, đem Lời Chúa đến cho nhân loại, vì phần
rỗi của mọi người: “Tôi đã trở nên người
phục vụ Hội Thánh theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến
anh em, đó là tôi phải rao giảng Lời của Người cho trọn vẹn”.
Hình ảnh cô Matta lo việc cơm nước, cô Maria ngồi bên chân
Chúa còn muốn nói đến hai nếp sống đạo: Đó là đời sống cầu nguyện và hoạt động
tông đồ. Đã có nhiều khi Giáo Hội và nhiều người nhắm đến những hoạt động tông
đồ đến độ xem nhẹ đời sống cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa. Việc hoạt động tông
đồ một khi mất đi động lực và giá trị đạo đức bên trong sẽ khiến cho các hoạt động
mất đi chiều sâu và sức sống, biến các hoạt động tông đồ trở thành công tác xã
hội. Đàng khác có nhiều người, nhiều nhóm rất hăng say hoạt động tông đồ bác
ái, đi phục vụ bác ái rất nhiều nơi mà lại không quan tâm đến việc tốt nhất đó
là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Không có đời sống gắn bó cách mật thiết
riêng tư với Chúa, việc bác ái phục vụ như thế chỉ còn là những hình thức bên
ngoài.
Lời Chúa hôm nay là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta từ linh
mục, tu sĩ đến giáo dân cần xem xét lại và điều chỉnh các hoạt động tông đồ và
đời sống của mỗi người cho đúng hướng. Có thể các linh mục, tu sĩ đang bị cuốn
hút vào các hoạt động tông đồ và bác ái phục vụ đến độ để cho đời sống đạo của
mình mất thăng bằng, thiếu vắng Chúa. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh
báo các linh mục tu sĩ đừng biến hoạt động phục vụ bác ái của mình thành công
tác xã hội, cũng đừng biến mình chỉ còn là chuyên viên từ thiện xã hội. Các
linh mục tu sĩ được mời gọi trở về bên chân Chúa như cô Maria để khiêm tốn lắng
nghe sự hướng dẫn dạy bảo của Chúa và lấy Chúa làm động lực cho mọi hoạt động của
mình.
Các tín hữu ngày nay bị cuốn hút vào công việc và sức lôi cuốn
của vật chất, khiến cho nhiều người ngại ngùng không muốn mời Chúa vào trong
tâm hồn và gia đình. Họ lấy lý do bận rộn, vất vả với cơm áo để bỏ qua việc tiếp
đón và phục vụ Chúa; Các bạn trẻ lấy lý do học hành, đi làm để từ chối gặp
Chúa. Có rất nhiều người siêng đến nhà thờ, nhưng không muốn phục vụ, không làm
việc tông đồ. Nhiều tín hữu đã đánh mất ý thức làm việc tông đồ, xây dựng cộng
đoàn Giáo Hội, họ sống cách hờ hững với cộng đoàn giáo xứ và với các anh chị em
khác. Cả hai thái độ đó đều khiến cho đời sống đức tin mất cân bằng.
Giờ kinh sớm tối mỗi ngày là lúc thuận tiện nhất để gia đình
cùng nhau ngồi bên chân Chúa, lắng nghe tiếng Chúa nói và cùng nhau tâm sự kể
chuyện gia đình mình cho Chúa nghe. Chắc chắn, Chúa không bao giờ vô tâm hoặc
vô cảm trước những hoàn cảnh và những câu chuyện đang xảy ra trong gia đình.
Chúa sẽ là người bạn thân với các gia đình, Chúa sẽ can thiệp đúng lúc để trợ
giúp và an ủi gia đình chúng ta.
Xin cho chúng ta dù đang vất vả bận rộn với cuộc sống vẫn biết
tìm cho mình những thời giờ ở bên Chúa để được nghe Chúa hướng dẫn và sống thân
tình như những môn đệ của Chúa. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí