Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XVI Thường Niên B
THIÊN CHÚA QUY TỤ VÀ CHĂM SÓC DÂN NGƯỜI
Trong dịp dự lễ
tấn phong Giám mục Giáo phận Thánh Hóa, chúng tôi được nghe kể về hoàn cảnh hết
sức khó khăn của giáo phận này. Sau năm 1954 phần lớn các linh mục và giáo dân
di cư vào miền Nam. Con số những người còn ở lại rất ít, số linh mục chỉ chừng
mười cha. Với tình hình như thế, các cơ sở tôn giáo bị lấn chiếm, các sinh hoạt
tôn giáo bị ngưng trệ, dân chúng sống trong sợ hãi vì tù đày, nên tản mác khắp
nơi. Đức Cha Phêrô Phạm Tần lúc đó được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục từ năm
1960, nhưng vì bị chính quyền quản thúc nên cho đến năm 1975 Ngài mới được tấn
phong Giám mục. Vì không thường xuyên có linh mục và thánh lễ, vì hoàn cảnh xã
hội, đời sống đức tin mai một, có nhiều người được rửa tội nhưng không biết gì
về đạo và các bí tích. Cho đến nay, đoàn chiên Giáo phận Thanh Hóa đã được quy
tụ lại và phục hồi sau những ngày bị tản mác, nhưng vẫn còn mười xứ đạo chưa phục
hồi lại được, vì mất nhà thờ, vì sự khó khăn của chính quyền địa phương. Tình
hình đất nước, xã hội có phần dễ chịu hơn, các chủ chăn được liên tục sai đến với
đoàn chiên Thanh Hóa, giúp cho giáo phận này đang từng bước hồi sinh và lớn mạnh.
Thưa quý Ông Bà
Anh Chị Em, chính Thiên Chúa là chủ đoàn chiên, Ngài không nỡ để cho đoàn chiên
của mình bị bơ vơ tản lạc. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã chạnh lòng thương trước
cảnh nghèo đói, thiếu thốn, bơ vơ, Ngài quy tụ họ lại và chăm sóc cho đoàn
chiên mình. Thiên Chúa còn liên tục sai nhiều chủ chăn đến với đoàn chiên, để
những mục tử này nhân danh Thiên Chúa yêu thương phục vụ và hướng dẫn đoàn
chiên đi theo con đường Chúa muốn.
Thời cựu ước, Israel
là đoàn chiên của Chúa, được Chúa yêu thương chăm sóc. Thiên Chúa đã dùng cánh
tay hùng mạnh để bảo vệ và dẫn dắt Israel khỏi cảnh nô lệ của Ai Cập và đưa họ
vào đất hứa. Chúa đã đặt lên trong
Israel những người thay mặt Chúa để hướng dẫn dân Chúa. Tuy nhiên, những người
này đã không chu toàn trách nhiệm. Họ để cho đoàn chiên Israel thường xuyên bị
lôi kéo bởi lối sống dễ dãi, cúng bái các thần linh của dân ngoại. Các đế quốc
chung quanh đến đánh phá và bắt dân Israel phải đi lưu đày bên Babylon. Từ
Babylon, Thiên Chúa lại quy tụ Israel và dẫn họ trở về. Qua lời ngôn sứ
Giêrêmia hôm nay, Thiên Chúa đã lên án các mục tử không chu toàn trách nhiệm
khiến cho đàn chiên tản mác: “Chính các
ngươi đã làm cho đoàn chiên Ta phải tán mác; Các ngươi xua đuổi và chẳng lưu
tâm đến chúng. Ta sẽ để ý đến hành vi của các ngươi và trừng phạt các ngươi”.
Cũng qua
Giêrêmia, Thiên Chúa hứa sẽ quy tụ đoàn chiên Israel sau thời kỳ bị phân tán, sẽ
phục hồi đoàn chiên và làm cho đoàn chiên nảy nở và gia tăng. Hơn nữa, Thiên
Chúa còn hứa ban cho đoàn chiên các mục tử để lãnh đạo, dẫn dắt chiên đi theo
con đường của Chúa và hết lòng xả thân để bênh vực, bảo vệ đàn chiên khi bị tấn
công. Từ đó, chiên không còn phải sợ hãi, không bị tán loạn và không bị bỏ rơi
nữa. Sấm ngôn này của Thiên Chúa đã được ứng nghiệm qua con người và cuộc đời của
Chúa Giêsu.
Tin Mừng Marcô
cho thấy, Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế mà các tổ phụ và các tiên tri mong đợi.
Ngài chính là vị mục tử Thiên Chúa sai đến để cứu thoát nhân loại và dẫn đưa đoàn
chiên nhân loại đến đồng cỏ Nước Trời. Chúa Giêsu chính là vị Thiên Chúa giàu lòng
thương xót, Ngài đã chạnh lòng thương trước cảnh đói khổ cả thể xác và tinh thần
của dân chúng. Câu chuyện hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đã có một
ngày đầy ắp công việc giảng dạy và phục vụ đám đông dân chúng đang đi theo
Ngài. Họ quy tụ quanh Chúa Giêsu để được nghe giảng dạy, để được yêu thương
chăm sóc, chữa lành các đau khổ thể xác và tâm hồn. Chúa Giêsu rất cảm thông với
sự vất vả của các tông đồ, Chúa quan tâm đến các ông là những cộng tác viên của
Ngài. Thấy các ông quá vất vả, Chúa đã đề nghị các ông: “Các con hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Thánh Marcô
cho biết các ông bận rộn đến độ không có giờ ăn và giờ nghỉ.
Chúa Giêsu và
các môn đệ xuống thuyền ra đi. Thấy vậy, dân chúng đi bộ vòng bờ hồ đến nơi trước
các Ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng
thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt, và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều
điều. Mặc dù đã mệt mỏi vì cả ngày phục vụ đám đông, dù nhu cầu nghỉ ngơi một
chút là chính đáng, nhưng khi thấy đám đông như đoàn chiên bơ vơ, Chúa Giêsu lại
tiếp tục phục vụ họ. Ngài không quan tâm đến bản thân và việc nghỉ ngơi, nhưng
Ngài chạnh lòng thương trước sự đói khát cả tinh thần lẫn vật chất của họ. Quả
thật, dân Do Thái lúc đó như một đoàn chiên không người hướng dẫn. Các luật sĩ
và các thượng tế là những người lãnh đạo trong dân, họ có bổn phận chỉ cho dân
biết sống theo lề luật của Thiên Chúa, nhưng những người này đã không chu toàn
nhiệm vụ. Các vị lãnh đạo Do Thái lúc đó chỉ biết tìm kiếm lợi ích cho bản
thân, họ bị lôi cuốn vào của cải vật chất và lối sống hình thức bên ngoài, bỏ
bê dân chúng.
Thánh Marcô
dùng một câu ngắn gọn để diễn tả tấm lòng của vị mục tử Giêsu: “Đức Giêsu trông thấy đám đông thì chạnh
lòng thương”. Ngài đến với nhân loại bằng tấm lòng chạnh thương. Cả cuộc đời
của chúa Giêsu là tìm kiếm những người tội lỗi đưa họ trở về với Thiên Chúa, chữa
lành những tâm hồn đau yếu và băng bó, an ủi những tâm hồn bị thương tích. Chúa
Giêsu chăm sóc cho con người như người mẹ chăm lo cho con cái. Ngài chỉ cho mọi
người biết sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa và dẫn mọi người tiến về quê trời. Đức
Giêsu không chỉ chăm lo cho đoàn chiên Do Thái, nhưng thánh Phaolô cho biết,
Chúa Giêsu đã liên kết tất cả chúng ta nên một nhờ cái chết và sự sống lại của
Người. Đức Giêsu đã phá đổ bức tường ngăn cách, nhờ cái chết và sự sống lại,
Ngài liên kết muôn dân nên một. Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng
nay, trong Đức Giêsu Kitô, nhờ máu Đức Kitô anh em đã trở nên những người ở gần.
Thưa quý Ông Bà
Anh Chị Em, Thiên Chúa hằng yêu thương, quy tụ, dẫn dắt và bảo vệ chúng ta là
đoàn chiên của Người. Chúng ta tạ ơn Chúa, vì dù khó khăn từ bên ngoài vẫn còn,
nhưng Chúa vẫn cho chúng ta được quy tụ với nhau để thờ phượng Chúa. Qua Giáo Hội,
Chúa vẫn luôn chăm sóc yêu thương ta nuôi dưỡng ta bằng Thánh Thể của Chúa và
hướng dẫn ta bằng Lời của Ngài.
Việt Nam được
coi là xã hội cộng sản, vô thần, đời sống tâm linh không được coi trọng. Từ đó,
xã hội đang tạo ra những khoảng trống tâm linh trong đời sống. Trong khi đó,
nhu cầu tôn giáo, tâm linh là một nhu cầu không thể thiếu của con người, dù là
người sơ khai hoặc người văn minh hiện đại. Để bù đắp cho sự thiếu hụt trong đời
sống tâm linh của người dân, người ta đã cố tình tạo ra những thứ thần linh. Họ
tôn ông này bà nọ lên như thể là những vị thần, họ lập đền thờ cho dân thờ cúng,
tạo ra những giai thoại cho dân chúng học hỏi tìm hiểu về những nhân vật đó.
Bên cạnh việc tạo ra thần linh, những người quản lý xã hội dường như đang khuyến
khích hoặc làm ngơ để cho các hình thức tín ngưỡng dân gian được phục hồi. Hàng
năm tại Việt nam có đến 8 ngàn lễ hội, trong đó có những lễ hội mang tính bạo lực,
dung tục. Vì sống trong tình trạng vô thần, con người cảm thấy mình chơi vơi,
nên dẫn đến việc tin kiêng, cúng bái vớ vẩn, thêu dệt nên huyền thoại để tin
kiêng. Ví dụ: Hàng ngàn người cúng bái, cắm nhang cho hai con rắn nằm trên ngôi
mộ.
Chúng ta cầu
xin Chúa cho chúng ta có được trái tim và lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu để chúng
ta cũng biết chạnh thương khi nhiều người chung quanh chúng ta chưa được biết
Chúa. Họ chưa được ánh sáng Tin Mừng dẫn lối nên đã phải sống và bước đi trong tối
tăm mù mờ như vậy. Xin cho mỗi người Công Giáo biết nhiệt tâm giới thiệu Chúa
và Tin Mừng cho anh em, đưa nhiều anh chị em chung quanh đến với Chúa, để họ
cũng được quy tụ với chúng ta mà ca tụng Chúa.
Xin cho công
cuộc loan báo Tin Mừng trên đất nước chúng ta đạt nhiều kết quả, cho có nhiều
người biết mở tâm hồn đón nhận hạt giống Tin Mừng và Đức Giêsu là Thầy là mục tử
hằng yêu thương dẫn lối chúng ta đến đồng cỏ hạnh phúc nước trời. Amen.
Linh mục Giuse
Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc