SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
LỜI CHÚA: Mt 12:38-42
38 Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói
với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu
lạ."39 Người đáp:
"Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được
dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.40 Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng
kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày
ba đêm như vậy.41 Trong
cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án
họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn
ông Giô-na nữa.42Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng
lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất
đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn
nữa.
SUY NIỆM
“Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng
lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất
đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn
nữa.” (c.42)
Trong một tiết
học của lớp ‘Thánh Kinh một trăm tuần’ do Cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm làm giảng
viên, để trả lời cho câu hỏi người như thế nào thì được gọi là khôn ngoan, các
học viên đã đưa ra nhiều quan điểm như: Người khôn ngoan là người làm gì cũng
có thể thành công; là người lanh lợi biết đối nhân xử thế; là người học cao
hiểu rộng; là người khôn khéo, biết tính toán hoặc mưu mô; là người luôn mang
lợi ích lại cho mình thậm chí phải cúi trên luồn dưới hay thủ đoạn…. Sự khôn
ngoan theo quan niệm như thế cho thấy theo lẽ đời thường, những người khôn
ngoan có vẻ là những kẻ hơn người, có khả năng lấn lướt người khác, thậm chí có
thể là bất chấp những thủ đoạn và mưu mô. Nhưng đó có phải là sự khôn ngoan
đích thực chăng?
Nếu phân tích từ,
chúng ta thấy tiếng Việt có những từ ghép rất hay và ý nghĩa như: ‘tài đức’ -
tài phải đi với đức, ‘mưu trí’ - trí khôn có khả năng đưa ra những kế sách hay,
‘gian ngoa’ - gian dối điêu ngoa không thành thật… và ‘khôn ngoan’ - khôn phải
đi với ngoan; nếu khôn mà không đi với ngoan thì không thể là khôn ngoan thực
sự mà chỉ có thể là khôn lanh, khôn lỏi, khôn khéo.
Thánh kinh nói:
“Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (x. Cn 1,7). Và khôn ngoan trong Kinh thánh còn được nhân
cách hóa như một ngôi vị (x. Kn 6, 12 - 18; 9,9; 10, 9.10), mà trong chú giải
Thánh kinh chúng ta sẽ thấy các nhà thần học áp dụng chỉ về chính Đức Giêsu
Ki-tô. Thật thế, Đức Giêsu Ki-tô là Lời Khôn Ngoan của Thiên Chúa; Lời có quyền
năng sáng tạo, dạy dỗ, an ủi và chữa lành. Vua Sa-lô-môn, nổi tiếng là một vị
vua khôn ngoan vì đã được Thiên Chúa ban ơn ấy cho như lời cầu xin rất đẹp lòng
Chúa. Và nữ hoàng Phương Nam đã từ nơi xa xôi tận cùng trái đất đến để được
nghe sự khôn ngoan của vua ấy. Tuy nhiên vua Sa-lô-môn cũng chỉ là một phàm
nhân, còn Đức Giêsu là chính Lời Khôn ngoan của Thiên Chúa đã đến với con
người, ngỏ lời với con người, ban lời cứu độ cho con người mà con người lại
dửng dưng với lời của Người thì đáng trách đến mức nào?
Trình thuật Tin mừng hôm nay một lần nữa gióng lên
cho chúng ta tiếng chuông cảnh tỉnh; chúng ta đã có thái độ nào đối với Lời của
Chúa? Chúng ta có hăm hở, có kiếm tìm, có lắng nghe để được Lời dạy dỗ, hướng
dẫn, biến đổi và để được an ủi, chữa lành? Có lẽ chúng ta phải đấm ngực, phải
sám hối, vì thường xuyên trong cuộc đời, chúng ta để Lời Chúa từ tai này lọt
qua tai kia; chúng ta tham dự thánh lễ hằng ngày, hoặc Chúa nhật hằng tuần,
nhưng chúng ta chẳng nhớ được câu Lời Chúa nào cả. Hoặc có lẽ Lời Chúa đối với
chúng ta chỉ là những lời thuộc quá khứ lỗi thời, không phù hợp với cuộc sống
hiện tại nên chúng ta chẳng quan tâm (?) Không Lời Chúa luôn là Lời cho hôm
nay! “Hôm nay nếu anh em nghe tiếng Người thì chớ cứng lòng.” (x.Tv. 94) Bởi vì
“ Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai
lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm
tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà
không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt
Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Dt 4, 12 - 13)
Dân thành Ni-ni-vê đã chỉ nghe lời giảng của ngôn sứ
Giô-na một lần mà đã thành tâm sám hối, còn chúng ta đã nghe lời mời gọi sám
hối của chính Lời Thiên Chúa rất nhiều lần, chúng ta có thấy mình cần phải sám
hối không? Nữ hoàng Phương Nam từ ‘cùng tận trái đất’, không quản ngại vất vả,
hao tốn thời gian, tài sản để tìm kiếm lẽ khôn ngoan, còn chúng ta có sẵn sàng
hy sinh từ bỏ những lợi ích tạm bợ để tìm kiếm sự khôn ngoan đích thực là chính
Thiên Chúa qua Lời của Người hướng dẫn trong cuộc sống?
Lạy Chúa Giê-su -
Lời Khôn Ngoan của Thiên Chúa xin cho chúng con biết mở lòng ra đón nhận và yêu
mến thực hành Lời của Người, không còn cứng lòng nữa.
Nt. Maria Chinh
Anh, OP.