CHÚA NHẬT XV TN B:
CHÚA ĐANG GỌI VÀ SAI CHÚNG TA ĐI
Nick Jivucic, một người khuyết tật tài ba được cả thế giới biết đến với những bài nói chuyện về nghị lực sống, vượt lên số phận. Qua những cơ hội diễn thuyết khắp thế giới, Nick Jivucic, còn cho thấy anh là một Kitô hữu rất nhiệt thành với việc nói về Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Anh chia sẻ rằng khi được chào đời trong tình trạng không có tay chân, lúc đầu anh không hề ý thức, rồi từ khi biết mình khiếm khuyết, mình không giống như các bạn khác, anh vô cùng mặc cảm và oán hận Chúa, nhiều lần anh đã tìm cách để chết nhưng không thành. Anh thường đặt câu hỏi : tại sao Chúa lại để cho tôi như thế này ? Tại sao tôi không được như các bạn của tôi họ có đầy đủ tay chân ? Một lần đọc đoạn Tin Mừng Gioan nói về việc Chúa chữa anh mù từ khi mới sinh : Khi thấy anh mù ngồi ăn xin bên đường, các môn đệ hỏi Chúa : Anh này bị mù là do tội của hắn hay của cha mẹ hắn? Chúa Giêsu trả lời: Không phải do tội của anh ta, cũng không phải do tội của cha mẹ anh ta, nhưng là để quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện. Nick chia sẻ, đọc đến đây, tôi đã nhận ra lời mời gọi của Chúa và nhận ra rằng, Chúa muốn dùng tôi để thể hiện quyền năng của Ngài. Từ đó tôi đã dành trọn cuộc đời tôi để nói về quyền năng của Thiên Chúa và sự tin tưởng vào quyền năng ấy.
Khi nói về việc Chúa chọn gọi và sai đi, nhiều người chỉ nghĩ đến việc Chúa chọn các linh mục hoặc tu sĩ, mà quên rằng lời mời gọi của Chúa dành cho hết mọi người. Tin Mừng hôm nay cho thấy, sau một thời gian được Chúa chọn để ở với Chúa, nay Chúa sai các môn đệ ra đi rao giảng cho mọi người về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. Trước khi ra đi Chúa căn dặn các ông : Không mang bao bị, lương thực, tiền bạc, không mặc hai áo. Tại sao vậy ? Chúa muốn các môn đệ của Chúa lên đường trong một tư thế thanh thoát không bận vướng bởi vật chất tiền bạc. Ra đi tay không như thế, để các ông luôn biết cậy trông vào Thiên Chúa và cũng để các ông không tự hào, kiêu ngạo, khi thành công, cũng không chán nản khi thất bại.
Sai các môn đệ ra đi, Chúa chỉ cần nơi các ông một thái độ hoàn toàn tin tưởng phó thác và tấm lòng kiên nhẫn, quảng đại, không đòi hỏi, không điều kiện, dù được đón tiếp hay bị từ chối. Đòi hỏi này nghe tưởng như đơn giản nhưng lại không dễ dàng. Cám dỗ tự nhiên của con người là luôn tìm kiếm quyền lực và muốn gây ảnh hưởng, sốt ruột muốn nhìn thấy thành công ngay trước mắt. Nhưng Chúa không muốn người môn đệ của Chúa có thái độ như thế, trái lại phải có thái độ của một người đầy tớ khiêm tốn, làm nhiệm vụ của mình cách vuông tròn, còn kết quả ra sao là tùy nơi Thiên Chúa là chủ.
Bên cạnh đó, người được sai đi không phải để nói lời của mình, nhưng nói lời của Chúa và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, thay đổi lối sống. Đó cũng là mục đích Chúa sai chúng ta ra đi. Người được sai đi không chỉ kêu gọi sự sám hối mà phải là người sám hối trước. Có nghĩa là phải chấp nhận sự thay đổi hoàn toàn từ trong suy nghĩ đến lời nói và hành động, quay trở lại với Thiên Chúa, từ đó mới có thể giúp người khác sám hối. Ngày xưa Chúa trao cho các tông đồ quyền trừ quỷ, xức dầu, chữa bệnh, ngày nay Chúa vẫn ban cho chúng ta quyền để thực thi tình yêu thương, lòng trắc ẩn trên những người bị đau khổ, bệnh tật thể xác lẫn tâm hồn.
Một khi làm việc của Chúa, làm theo ý Chúa, thì dù gặp khó khăn hay thất bại người môn đệ vẫn không nản chí. Amos là người miền Giudea được Chúa sai đến kêu gọi dân Israel sám hối thay đổi đời sống. Tuy nhiên những người Israel đã không chấp nhận Amos, họ xua đuổi ông: Ông hãy về quê của ông mà kêu gọi. Amos đã trả lời họ: Tôi không phải là ngôn sứ, tôi chỉ là một đứa chăn cừu, nhưng Chúa đã gọi tôi và sai tôi đi cảnh báo cho dân Israel. Amos đã thi hành sứ mạng trong tinh thần vâng phục hoàn toàn mệnh lệnh của Chúa, cho dù ngay từ lúc đầu ông không hứng thú với nhiệm vụ này, nhưng vì được sai đi nên ông hết sứ để chu toàn.
Làm thế nào để phân định giữa việc tông đồ và việc cá nhân ? Điều cốt yếu để phân định việc tông đồ và việc cá nhân là khi người tông đồ là người ý thức cách rõ ràng mình được Chúa chọn và được sai đi. Ngược lại, tất cả những công việc bác ái từ thiện hoặc các công việc phục vụ, nếu không được sai đi, thì đó là công việc cá nhân, hoặc chỉ là công tác bác ái mang tính xã hội. Ngược lại có những công việc dù hết sức nhỏ bé tầm thường, nhưng được Chúa qua Giáo Hội trao phó thì đó là công việc tông đồ.
Qua Bí tích Rửa tội tất cả chúng ta được chọn trở nên con Thiên Chúa, thành cộng tác viên được tuyển chọn đem Tin Mừng tình thương và ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Vì thế, mỗi người với mỗi hoàn cảnh khác nhau đều có chung một nhiệm vụ: bước đến với anh em, nói cho họ về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Mỗi người cần nhận ra sự cấp bách và thôi thúc của Chúa để mau mắn lên đường rao giảng Chúa Kitô cho mọi người. Chúng ta được sai đi để nói cho mọi người về Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế, nói về ơn được làm con Chúa. Chúng ta không chỉ nói trên môi, nhưng phải nói bằng cả con người và cuộc sống của mình, hoàn toàn tin tưởng cậy trông Thiên Chúa dù khi thành công cũng như khi thất bại, qua đời sống yêu thương bác ái.
Đức Thánh cha Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, cảnh báo về tình trạng ủ rũ buồn tẻ nơi nhiều tín hữu, họ đã để cho cuộc đời trở nên ủ dột buồn chán, khiến cho người khác không tin là chúng ta đang sống Tin Mừng. Bên cạnh đó là lối sống ù lì, chần chừ, ngủ quên trong nếp sống đạo, khiến nhiều người không còn nhìn thấy anh em bên cạnh đang chờ được nghe, được thấy Chúa Giêsu nơi mỗi chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc chúng ta mạnh dạn bước ra và bước đến với anh em, ra khỏi sự êm ấm và nếp sống thường ngày để bước đến với những người đau khổ nghèo đói chung quanh, để chia sẻ, cảm thông nâng đỡ.
Nhưng điều quan trọng của người được sai đi trước tiên đó là không ngừng sám hối chính sửa bản thân cho phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng, chứ không phải cắt xén Tin Mừng để chứng minh cho hành động của mình. Chỉ khi chúng ta sám hối và thay đổi đời sống, thì những người chung quanh và thế giới mới có thể sám hối và biến đổi.
Các bậc cha mẹ được chọn gọi và sai vào môi trường gia đình, Thiên Chúa đang muốn dùng quý vị để Ngài thể hiện quyền năng tạo dựng và yêu thương nơi mỗi gia đình. Vì thế, hãy làm cho gia đình mình thực sự trở nên một gia đình Công Giáo tốt lành thánh thiện, làm cho tình yêu và sự sống nảy sinh trong đời sống hôn nhân gia đình của mình. Các bậc làm cha mẹ luôn ý thức rằng, mình đang được Chúa gọi sống bậc gia đình, và sai đến với gia đình mình lúc này. Dó đó, hãy dùng hết sức, hết khả năng chu toàn bổn phận của một người tông đồ, trong vai trò là cha mẹ của gia đình. Đừng để cho tiền bạc của cải vật chất và những lôi kéo bên ngoài khiến mỗi người trì hoãn việc sám hối canh tân, chần chừ trong việc đem Tin Mừng, niềm vui của Chúa vào trong gia đình.
Các bạn trẻ cũng đang được Chúa sai đến với những môi trường rộng lớn hơn đó là trường học, công ty, nơi làm việc. Nơi đó, các bạn được mời gọi thể hiện niềm tự hào là Kitô hữu của mình, qua việc sống công bằng ngay thẳng, bác ái và nhiệt thành với công việc dù là việc quan trọng hay chỉ là những việc bình thường. Đó là nơi các bạn phải làm cho Chúa hiện diện qua đời sống của mình, đừng bao giờ bỏ qua cơ hội nói về Chúa cho người khác. Các bạn cần phải sống làm sao để những bạn bên cạnh, có thể vui khi gặp được bạn, có thể tự tin khi làm việc với bạn, và có thể cậy nhờ khi có sự hiện diện của bạn.
Để mọi người có thể nhận ra Chúa nơi người tín hữu, điều quan trọng là mỗi người cần thường xuyên soi rọi mình mỗi ngày dưới ánh sáng của Tin Mừng, để biết điểu chỉnh cuộc sống cho phù hợp và sẵn sàng để cho Chúa đi vào cuộc đời và biển đổi chúng ta qua việc đón rước Chúa vào tâm hồn. Chúa sẽ luôn ở bên ta, đồng hành với ta. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc