Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 22

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXII Thường Niên C

 TRANH GIÀNH CHỖ HƠN CHỖ KÉM

buom.jpg

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhớ những lần được mời đi dự đám cưới. Gia đình nhà đám vừa vì kính trọng vừa vì danh dự, họ thường mời các cha ngồi lên những bàn “trên” dành cho các cụ, gần sân khấu. Ngồi bàn danh dự nhưng không hề sung sướng chút nào, vì “bàn danh dự” bị tra tấn bởi dàn âm thanh khủng và những ca sĩ tự phong lè nhè gào hát ầm ĩ sau khi đã ngà ngà say. Đi dự tiệc mà mọi người phải tranh thủ ăn nhanh để rút lui vì không ai có thể nói với ai được chuyện gì. Ngày xưa đi dự các đám tiệc, nhạc nhẹ vừa phải, mọi người vừa thưởng thức món ăn, vừa hỏi thăm nhau, chúc mừng nhau. Ngày nay đi đám cưới như đi ăn trả nợ, mọi người đến ăn nhanh để về, không làm dấu Thánh Giá, không cần tuyên bố lý do hoặc lời mời khai tiệc.

Người Do Thái ngày xưa cũng giống người Việt Nam, một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp, họ tìm kiếm vinh dự, địa vị ở những nơi công cộng. Vì thế, mỗi lần có đám tiệc, họ tranh nhau ngồi lên hàng đầu để thể hiện mình là người có địa vị, được mọi người kính trọng. Câu chuyện Tin Mừng kể lại, Chúa Giêsu đến dự bữa tiệc tại nhà một người thủ lãnh nhóm biệt phái. Ngài thấy khách mời cứ tranh nhau tìm lên bàn danh dự để ngồi nên đã nhân cơ hội này nói với họ về tinh thần sống khiêm hạ : Khi được mời đi dự tiệc cưới, thì đừng tìm ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời… Chủ nhà sẽ đến nói với anh: Xin ông nhường chỗ cho vị này, lúc đó anh sẽ phải xấu hổ.

Kể câu chuyện này, Chúa Giêsu không dừng lại ở việc khôn khéo theo phép xã giao lịch sự tối thiểu. Chúa cũng không nhắm đến việc chỉ ra những tiểu xảo để đạt được sự vinh dự trước mắt mọi người, nhưng là chỉ cho thấy tâm tình, thái độ sống từ bên trong của mỗi người. Trước hết, cần biết rõ về mình, vì thực tế có những người không biết về chính bản thân, vì thế có thể rơi vào tình trạng quá tự ti mặc cảm, hoặc thừa tự tin mà thiếu tự trọng, ảo tưởng về bản thân. Biết rõ về mình tức là biết mình là ai, mình có vị trí nào trong tương quan với người khác, mình có nhiệm vụ chức bậc nào trong cộng đoàn để biết cư xử cho đúng mực. Ví dụ, một nguyên thủ phát biểu, ăn nói sẽ khác với một nông dân, dù hai hành động giống nhau.

Điểm quan trọng hơn phát xuất từ trong tâm hồn, đó là thái độ khiêm tốn trong cách ứng xử. Khiêm tốn không làm giảm phẩm giá của con người, cũng không làm mất sự kính trọng nơi người khác. Khiêm tốn là dám nhận mình nhỏ bé hèn kém trước mặt mọi người, thể hiện qua cách sống và cư xử. Ví dụ, trong cuộc viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Thánh Cha Fancis đã cúi đầu xin Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo ban phép lành cho mình. Hành động của Đức Thánh Cha không những không bị chê cười, nhưng lại được mọi người ca tụng và anh em Chính Thống Giáo càng tỏ ra kính trọng Ngài hơn. Khiêm tốn để có thể dễ dàng cúi xuống phục vụ và biết tôn trọng người khác, biết nhường nhịn và dành phần hơn cho người khác.

Câu kết của dụ ngôn, Chúa Giêsu nhấn mạnh: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Đây là cách nói cho thấy chính Thiên Chúa sẽ hạ bệ người kiêu căng và tôn vinh những người khiêm hạ. Thiên Chúa luôn tỏ cho thấy, Ngài yêu thương đặc biệt đối với những kẻ khiêm nhường. Người khiêm nhường trước mặt Chúa là người nhận biết mình là thân phận thụ tạo, hoàn toàn để mình lệ thuộc vào Thiên Chúa. Khiêm nhường trước mặt Chúa là dám để cho Chúa hướng dẫn và điều khiển cuộc đời của mình, như trẻ thơ hoàn toàn cậy dựa vào cha mẹ, để cha mẹ chăm sóc, ví dụ : Đức Maria. Trái lại, kẻ kiêu căng là người quay lưng lại với Thiên Chúa, từ chối tình yêu của Ngài, đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời. Kẻ kiêu căng là muốn tự mình quyết định tương lai của mình mà không cần Thiên Chúa. Ví dụ : Adam Eva đã mắc sai lầm này.

Điểm tiếp theo Chúa dạy qua câu chuyện hôm nay là : Khi nào đãi khách… đừng chỉ mời những người giàu có quyền thế…nhưng hãy mời những người nghèo khó không có gì để đáp lễ. Sự việc này cũng giống trong xã hội hôm nay. Mỗi khi đãi nhau bữa tiệc, người ta thích mời những người vị vọng, không hẳn vì quý mến nhau, nhưng muốn dùng những người đó để đánh bóng, trang điểm cho mình. Đàng khác, những bữa tiệc đãi nhau ngày nay dường như đã mất đi cái tình, mà chỉ còn là việc có qua có lại, hoặc lợi dụng nhau mà thôi. Vì thế, có những bữa tiệc đãi nhau một vài người cũng có thể lên tới vài chục triệu.

Ở đây, Chúa Giêsu muốn nhắm đến một sự quảng đại không tính toán mỗi khi mình làm một việc gì đó cho anh chị em. Dù là bữa tiệc hay bất cứ việc tốt đẹp nào ta là làm cho anh chị em, thì phải làm với một tâm hồn trong sáng, không vụ lợi và cũng không chờ đợi sự đáp đền. Một khi ta dám làm tất cả mọi việc cách quảng đại cho anh chị em mà không mong chờ một sự kể lể công trạng nào ở đời này, Thiên Chúa sẽ thay họ đáp lễ lại cho chúng ta trong ngày kẻ chết sống lại. Tức là, Thiên Chúa sẽ trả lại cho chúng ta vinh quang và danh dự vào ngày sau hết, ngày tận thế, ở đời sau.

Sách Huấn Ca trong bài đọc một đã đúc kết những lời dạy bảo khôn ngoan của tiền nhân. Tác giả dạy chúng ta : Hãy hoàn thành công việc cách nhũn nhặn thì sẽ được yêu mến. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Quyền năng Thiên Chúa thật lớn lao, Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.

Từ xưa đến nay, ai cũng yêu mến và kính trọng những người dù danh giá địa vị cao sang nhưng biết sống khiêm nhường hạ mình. Trong đời sống cộng đoàn, mọi người yêu mến kính nể những người dàm sống quảng đại, hết mình cống hiến và phục vụ mà không đòi hỏi bất cứ sự đáp đền nào. Tuy nhiên, chọn sống khiêm nhường như thế là điều không dễ. Người Việt Nam thường nói : Con gà tức nhau tiếng gáy, một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp, không ai muốn mình  “áo gấm đi đêm”, vì thế dẫn đến tình trạng sống ganh đua kèn cựa nhau, tìm danh, tìm lợi, tìm chỗ hơn chỗ kém. Có những người giúp vào nhà thờ một chút thì đòi phải có quyền lợi này, hưởng quyền lợi kia, phải ưu tiên ngồi chỗ này, ưu tiên nằm chỗ nọ. Tất cả những đòi hỏi đó không khác gì thói quen của những người biệt phái ngày xưa đã bị Chúa lên án.

Ngoài xã hội, nhiều người bị rơi vào cám dỗ quảng cáo hoặc đánh bóng mình bằng các công việc từ thiện hơn là vì sự chạnh thương. Nhiều người đã biến việc từ thiện bác ái thành một cái nghề hoặc là một công việc hành chánh hơn là công việc của trái tim. Có những người bị cám dỗ khẳng định địa vị của mình bằng những đẳng cấp ăn chơi mua sắm. Họ thể hiện sự giàu sang chức quyền qua những chiếc xe đắt tiền, những vật dụng trang trí xa xỉ, những vật trang trí này thể hiện sự kiêu hãnh trong tâm hồn người đó. Trong gia đình, thói gia trưởng gia mẫu cũng là một thứ kiêu căng, giành cho mình là người có tiếng nói chung cuộc, có quyền quyết định mọi sự, vì thế gia đình đã mất đi sự trao đổi đối thoại, dẫn đến căng thẳng cãi vã.

Trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều bình đẳng, đều được Chúa yêu thương và được tôn trọng. Vì thế, chúng ta được mời gọi sống vui tươi, tôn trọng và bình đẳng với nhau khi sống và cả khi chết. Đừng tranh giành hơn kém chỗ nhất chỗ nhì, cũng đừng chỉ đòi hỏi người khác phải tôn trọng hoặc phải biết ơn mình, nhưng mỗi người hết lòng quảng đại để yêu thương và phục vụ anh chị em một cách vui vẻ, không tính toán. Hãy biết tôn trọng người khác và dám nhường sự ưu tiên cho người khác. Dám sống và hành động như thế, Thiên Chúa sẽ là Đấng nâng chúng ta lên và trả lại cho chúng ta phần thưởng ngay ở đời này và nhất là vinh quang thiên đàng đời sau. Amen.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên Năm C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa - Thứ Năm Tuần XXII - Mùa Thường Niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXII - Mùa Thường Niên - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXII Thường niên B - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên B - Lm Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXII Thường Niên - Lm.J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXII Thường Niên - Lm. Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXII Thường Niên B: ĐEM NGƯỜI KHÁC ĐẾN VỚI CHÚA, ĐEM CHÚA ĐẾN CHO NGƯỜI KHÁC"_Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXII Thường Niên B: "QUYỀN NĂNG"_Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXII Thường Niên B: BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG. Lm. Đaminh Tiến
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXII Thường Niên B: SUY THOÁI TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXII Thường Niên B: THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI CÓ LÒNG ĐẠO ĐỨC THỰC SỰ?_ Lm. ĐanVinh
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXII Thường Niên B_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên: YÊU MẾN THỰC THI LỀ LUẬT. Lm. GioanB Lại Anh Tuấn
     5' Suy Niệm Lời Chúa -- Tuần XXII TN A
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXII Thường Niên - Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXII Thường Niên - “Hãy chèo ra chỗ nước sâu và sẽ bắt được cá” - Lm. Antôn Nguyễn Chân Hồng