Suy Niệm Lời
Chúa Thứ Ba Tuần I Thường Niên
Lời Chúa: Mc 1, 21b-28
(21) Ðức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày
sabát, Người vào hội đường giảng dạy. (22) Thiên hạ sửng sốt về lời
giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không
như các kinh sư.
(23) Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế
nhập, la lên (24) rằng: "Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi
can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là
Ðấng Thánh của Thiên Chúa!" (25) Nhưng Ðức Giêsu quát mắng nó:
"Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" (26) Thần ô uế lay mạnh
người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. (27) Mọi người
đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì
mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và
chúng phải tuân lệnh!" (28) Lập tức danh tiếng Ngươi đồn ra mọi
nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.
Suy Niệm:
Địa linh nhân kiệt. Đó là
câu nói quen thuộc trong văn hoá Việt nam. Khi đề cập đến những nhân vật xuất
chúng, những con người tài ba, chúng ta thường dựa vào vùng đất, nơi ở để thẩm
định, chân nhận những con người thần thánh đó cũng như trân trọng mảnh đất nơi
họ đã sống. Có thể nói, hơn 2000 ngàn năm về trước, dân tộc Do thái cũng đã hạnh
phúc sở hữu được một siêu anh hùng hơn thế. Người ấy là Đức Giê-su. Ngài không
những làm trổi danh xứ sở mình mà còn làm thay đổi cả lịch sử thế giới này. Là
một người Do thái, hôm nay Đức Giê-su đã ưu tiên dành Lời Thiên Chúa cho dân
chúng nơi đây. Nói cách khác, người Do thái hạnh phúc nhất khi được hưởng nếm
trước mật ngọt, hoa trái của lòng xót thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Tiên vàn Lời Chúa được cắm
rễ, gieo rắc và lớn lên ngay tại mảnh đất Chúa chọn và sinh ra. Rồi từ mảnh đất
nhỏ bé, từ nền văn hoá đặc trưng ấy, ngày nay Giáo lý của Ngài đã được giới thiệu
trên toàn thế giới. Khởi đầu ân huệ tại quê hương, ưu tiên nói Lời Chúa cho bà
con mình, nhưng không vì thế mà Chúa Giê-su giới hạn ân phúc, đóng khung ân sủng
tại một nơi cố định. Tấm lòng trắc ẩn của Ngài còn vươn xa, trải rộng và đi tới
mọi vùng lãnh thổ, dân tộc khác. Các tác giả Tin mừng đã trình bày cho chúng ta
thấy, khởi đầu tại Ga-li-lê nhưng vươn xa đến các vùng lân cận khác. Sứ điệp của
Chúa Giê-su là giải phóng những ai bị tù đầy cả về thể xác lẫn tâm hồn. Tình
yêu của Ngài chứa đựng, đón nhận và ưu tiên cho những ai thấp cổ, bé họng. Nội
dung chính yếu mà Ngài rao giảng là kêu gọi người ta hoán cải và tin vào Tin mừng.
Đức Giê-su đã thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình như một sự tiếp nối và thành toàn
được Isaia rao giảng. Đức Giê-su là ngôn sứ mà muôn dân đang mong đợi, một
Messia đến giải phóng dân Do thái khỏi gông cùm, xiềng xích, bắt bớ, tù đày của
người Roma lúc bấy giờ. Họ mong chờ một thái tử hoà bình. Thái tử ấy đã đến, khởi
phát và thúc giục những ai có tâm hồn hướng thiện, bận tâm cho những nhu cầu của
anh chị em mình.
Những người Ki-tô hữu, qua
Bí tích Thanh tẩy, chúng ta cũng được tham dự vào ba chức vụ mà Chúa Giê-su đã
phú bẩm vào tâm hồn mỗi người. Cách riêng, sứ vụ ngôn sứ như một nhiệm vụ luôn
khẩn thiết, cấp bách để hồng ân của Chúa đến được với người khác. Tuy vậy, sống
giữa một xã hội đa nguyên, giữa một nền văn hoá đa dạng, nhiều Kitô hữu cảm thấy
bối rối và lo lắng; làm thế nào để chức năng ngôn sứ của mình được thực hiện một
cách phù hợp và hiệu quả. Thấu hiểu được những mối bận tâm đó, Hội đồng Giám mục
Á châu đã chỉ ra những hướng dẫn cụ thể để con cái mình có thể dễ dàng rao giảng
và sẻ chia sứ điệp của Chúa đến cho mọi người. Đó là đối thoại. Và đối thoại
trong cuộc sống là một cách thức thực tế và gần gũi với con người Á châu. Đối
thoại qua lắng nghe, đón nhận những khác biệt, những đau khổ mà anh chị em của
mình đang đối diện. Tinh thần này chứa đựng tâm tình, cách thức mà Đức Ki-tô đã
dành cho người phụ nữ bên bờ giếng Gia-cóp. Đường hướng mở lòng ấy đón nhận một
Gia-kêu đang bối rối. Cách thức ấy mở toang cánh cửa để Đức Giê-su bước vào nhà
người thu thuế Mát-thêu.
Quả vậy, những chỉ dẫn của
các bậc hiền phụ Á Châu như kim chỉ nam dẫn dắt con cái mình sống vai trò ngôn
sứ một cách hiệu quả và thực tế trong môi trường sống đức tin của mình. Hơn thế
nữa, nó còn là cách thức, phương pháp có tính sáng tạo và sức hiệu quả cao như
lời Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã chia sẻ rằng: “ngày nay người ta cần chứng
nhân hơn thầy dạy”. Chính Đức Giê-su đã là khuôn mẫu chứng nhân tại quê hương
mình. Người Ki-tô hữu chúng ta cần tiếp nối, mang vác sứ mạng này và thể hiện
ngay bây giờ, lúc này trong tâm tình của Ngài. Có như thế, thế giới xung quanh,
mọi người gần gũi sẽ được lắng nghe và đón nhận Lời hằng sống. Amen.
Lm
Mi-ca-e Vũ An Lộc