Suy Niệm Lời Chúa
Thứ Ba Tuần I Thường Niên
CÁI MỚI
CỦA CHÚA
LỜI CHÚA: Mc 1,
21-28
21 Tại thành Caphácnaum, ngày sa-bát, Đức Giêsu vào hội
đường và giảng dạy: 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người,
vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần
ô uế nhập, la lên 24 rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can
gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng
thánh của Thiên Chúa!” 25 Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi hãy
xuất khỏi người này!” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một
tiếng và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn
tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy
quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” 28 Lập
tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.
SUY NIỆM
Nhà bác học nọ cứ mỗi sáng đều nhìn thấy lão nông
bên cạnh nhà dậy sớm đến nhà thờ cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Nhà bác học liền
hỏi: “Này bác, mỗi ngày bác đến nhà thờ để làm gì, thế Thiên Chúa của bác có to
không?” Bác nông dân vui vẻ đáp: “Thiên Chúa của tôi lớn lao đến nỗi cả trái đất
này không chứa nổi, và Người cũng nhỏ bé đến nỗi có thể chui vào tận sâu trong
tâm hồn mỗi người”. Câu trả lời của bác nông dân đầy vẻ mộc mạc nhưng cũng thật
sâu sắc. Quả thật, Thiên Chúa thật cao sâu nhiệm mầu của nhưng Người cũng thật
gần gũi thân quen. Thiên Chúa là Đấng hằng có đời đời nhưng Người cũng thật mới
mẻ trong hiện hữu.
Một nhà thần học nọ đã khẳng định “Thiên Chúa luôn
luôn mới”. “Cái mới” ở đây không có ý nói về thời gian, bởi lẽ Thiên Chúa không
bị lệ thuộc vào thời gian hay bất cứ điều gì. Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho
thấy “sự mới mẻ” của Thiên Chúa thể hiện qua con người Đức Giêsu. Ngay ngày đầu
khởi sự rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã khiến đám đông dân chúng phải kinh ngạc
và sửng sốt về những lời dạy đầy uy quyền.
Mở đầu cho cuộc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu và
các môn đệ đến xin ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Người chọn biển hồ
Galilê là một vùng có đông ngư dân sinh sống, nơi đây Người kêu gọi bốn môn đệ
đầu tiên. Sau đó Người đi vào thành Caphacnaum để giảng dạy. Ngày đầu tiên, Người
chữa lành cho người bị quỷ ám. Dân chúng hết sức sửng sốt trước lời dạy đầy
khôn ngoan và ngưỡng mộ quyền năng của Người.
Có thể nói hàng ngày dân chúng vẫn thường nghe các
kinh sư giảng dạy nhưng họ chỉ nói lý thuyết mà không có những việc làm cụ thể.
Cho đến hôm nay dân chúng mới thực sự chứng kiến một nhân vật trong lịch sử tôn
giáo mới xuất hiện là Đức Giêsu. Người có uy quyền trổi vượt hơn các kinh sư Do
Thái. Lời giảng dạy của Người rất mới mẻ, đầy vẻ khiêm tốn nhưng xác tín mãnh
liệt vào Thiên Chúa. Đó là những lời Chân Lý, lời yêu thương có sức thu hút và
hoán cải lòng người.
Đứng trước những việc làm của Chúa Giêsu, ma quỷ
như thấy một sức mạnh cuồng phong dữ dội nên nó vật người bệnh xuống và thét
lên “Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng
thánh của Thiên Chúa!” Điều này cho thấy khi Chúa Giêsu xuất hiện, không chỉ
vũ trụ vạn vật, con người mà ngay cả thần ô uế cũng phải phục quyền Người. Chưa
bao giờ người ta chứng kiến một phép lạ hoành tráng như thế nên danh tiếng Người
liền đồn ra khắp mọi nơi và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilê.
Chúa Giêsu giảng dạy về Nước Thiên Chúa đã gần đến,
Người chữa lành cho người bị quỷ ám để minh chứng rằng Nước Thiên Chúa là Nước
của sự bình an và hoan lạc, nước ấy không hề mảy may có sự chế ngự của ma quỷ
và mọi thứ xấu xa khác. Nước ấy là Nước của tình yêu thương. Người đón nhận những
ai bị xem là tội lỗi, trả lại phẩm giá cho người bị áp bức, xua trừ ma quỷ, thiết
lập một vương quốc công bằng nhân ái.
Chúa Giêsu đã thay đổi phận số của người bị quỷ ám,
trả lại cho anh sự tự do thênh thang được làm con cái Thiên Chúa. Điều này còn
cho thấy, sức mạnh Thiên Chúa thể hiện trong sự yếu đuối của con người. Hay nói
cách khác, khi con người càng đau khổ tội lỗi bao nhiêu thì Thiên Chúa càng biểu
lộ quyền năng và tình thương của Người sâu rộng bấy nhiêu. Người thực hiện sứ mạng
của Đấng Messia là đến giải thoát con người khỏi tội lỗi và án chết đời đời.
Cái mới của Đức Giêsu thể hiện ở chỗ Người luôn
làm trong sự vâng phục Chúa Cha và dưới tác động của Thánh Thần. Chúa Giêsu
luôn cầu nguyện trước khi làm việc. Giáo lý và lời giảng dạy của Đức Giêsu mới
mẻ vì không còn bó hẹp trong một vùng đất Israel nhỏ bé nhưng vượt xa đến tận
cùng thế giới. Các kinh sư và nhóm Biệt Phái thầm nghĩ ơn cứu độ chỉ dành riêng
cho một số người được tuyển chọn. Tin Mừng của Chúa đã vượt không gian, vượt mọi
biên giới để đến với những người bé nhỏ nghèo hèn, những người bị gạt ra bên lề
xã hội. Khi mới sinh ra, hài nhi Giêsu đã là ánh sáng chiếu soi muôn dân. Người
không tỏ mình ra cho bạo chúa Hêrôđê nhưng cho các mục đồng đơn sơ nghèo khó,
cho các đạo sĩ xa xôi và cho những ai thành tâm thiện chí.
Chúng ta đang sống trong thế giới bị ô nhiễm trầm
trọng từ môi trường sống cho đến luân lý đạo đức. Không những thế, con người
còn tự trói buộc mình và làm nô lệ cho những thứ thần tham lam ích kỷ, thần
kiêu căng dối trá, thần dục vọng thấp hèn...Hãy
tin tưởng vào lòng
thương xót Chúa, Người luôn luôn hoạt động để lắng nghe mọi tiếng rên rỉ đau khổ
của nhân loại, Người sẵn sàng can thiệp và để cứu thoát chúng ta. Các việc kỳ
diệu của lòng thương xót Chúa được thành toàn nơi Chúa Giêsu đã được ký kết bằng
máu, giao ước mới của tình yêu thương. Giao ước phá huỷ tội lỗi chúng ta với ơn
tha thứ và làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh,
lòng thương xót của Thiên Chúa hiện diện trong toàn lịch sử của dân tộc Israel.
Với lòng thương xót của Ngài Chúa đồng hành với lộ trình của các Tổ Phụ, ban
cho các ngài con cái mặc dù điều kiện hiếm muộn, Ngài dẫn các vị trên con đường
của ơn thánh và hoà giải, như lịch sử của ông Giuse và các anh em chứng minh
cho thấy (x. St 37-50).
Cùng với nỗ lực của Giáo hội trong Năm Thánh Gia
Đình, chúng ta hãy nhìn lại đời sống đức tin của mình đang bị chao đảo bởi những
xung lực của thế gian. Vì vậy đây là lúc khẩn thiết phải rao giảng và hiện tại
hóa Nước Thiên Chúa bằng thái độ sống chân thực, yêu thương và bác ái cụ thể
trong đời sống gia đình. Hãy kiên quyết loại trừ thói sống ích kỷ chỉ lo tìm kiếm
thỏa mãn dục vọng. Hãy noi gương Chúa Giêsu luôn tận tâm phục vụ mọi người.
Với ma quỷ, Chúa Giêsu có thái độ kiên quyết, Người
quát mắng “Câm đi hãy xuất khỏi người này”.
Nếu không có thái độ dứt khoát như thế, chúng ta sẽ bị cái xấu lôi kéo để bị sa
ngã. Trên hành trình thiêng liêng, chúng ta phải cậy dựa vào ơn thánh qua đời sống
cầu nguyện, tin tưởng và phó thác trao trọn cuộc đời mình cho Chúa dẫn dắt. Khi
nghe những lời Đức Gêsu nói và chứng kiến những việc Người làm, chúng ta càng cảm
nhận sâu sắc hơn sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa. Ai khiêm tốn đến với
Người, chắc chắn sẽ được chữa lành, được biến đổi và được cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con đang bước đi giữa những chông chênh của cuộc sống với biết bao sự xấu
giăng mắc, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận con người yếu đuối của
mình, biết cậy dựa vào ơn Chúa để thắng vượt chính mình. Xin gìn giữ chúng con
khỏi mọi điều xấu để chúng con bình an tiến bước đi trọn con đường Chúa đã mời
gọi. Amen.
Nt. Maria Anh Thư, OP