Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Phục
Sinh
HIỆP NHẤT

Lời Chúa: Ga 10, 22-30
(22) Khi ấy, ở
Giêrusalem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Ðền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. (23)
Ðức Giêsu đi đi lại lại trong Ðền Thờ, tại hành lang Salômon. (24)
Người Dothái vây quanh Ðức Giêsu và nói: "Ông còn để lòng trí chúng tôi
phải thắc mắc cho đến bao giờ? nếu ông là Ðấng Kitô, thì xin nói công khai cho
chúng tôi biết". (25) Ðức Giêsu đáp:
"Tôi đã nói với các ông rồi
mà các ông không tin.
Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi,
những việc đó làm chứng cho tôi.
(26) Nhưng các
ông không tin,
vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.
(27) Chiên của
tôi thì nghe tiếng tôi;
tôi biết chúng và chúng theo tôi.
(28) Tôi ban cho
chúng sự sống đời đời;
không bao giờ chúng phải diệt vong
và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.
(29) Cha tôi,
Ðấng đã ban chúng cho tôi,
thì lớn hơn tất cả,
và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.
(30) Tôi và Chúa
Cha là một".
Suy Niệm
“Tôi và Chúa Cha là một”
Trong
dịp mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ ở Giêrusalem, Đức Giêsu đã mạc khải cho người Do
Thái biết về sự hiệp nhất giữa Ngài với Chúa Cha: «Tôi và Chúa Cha là một». Đây
là sự hiệp nhất của tình yêu Thiên Chúa. Điều này cũng đã được Đức Giêsu nói với
thánh tông đồ Philipphê:
Ông
Philipphê nói: «Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng
con mãn nguyện». Đức Giêsu trả lời: «Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh
Philipphê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha» (Ga 14, 8-9).
Chúa Cha được mạc khải nơi Đức Giêsu, Con của Người: tất cả đời sống của Đức
Giêsu, lời nói và việc làm của Người, là nơi Chúa Cha được tỏ bày cách hoàn hảo,
vì Đức Giêsu luôn chặt chẽ kết hợp với Chúa Cha nhờ một sự hiệp thông hết sức
sâu xa. «Tôi và Chúa Cha là một ».
Theo
mạch văn, lời này trước tiên có nghĩa là: Đức Giêsu và Chúa Cha cùng có một quyền
năng chung. Ngoài ra, lời này còn hé mở một sự hiệp nhất rộng hơn và sâu xa hơn:
Ngài là Con Thiên Chúa. «Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả,
và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một» (Ga 10, 29-30).
Khi Đức Giêsu nói những điều đó, người Do Thái
lấy đá ném Ngài vì họ không thuộc về đoàn chiên của Ngài.
«Tôi
đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha
tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không
thuộc về đoàn chiên của tôi» (Ga 10, 25-26). Như thế, những ai thuộc về đoàn
chiên của Đức Giêsu ? «Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết
chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ
chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi ». Người thuộc
về đoàn chiên của Đức Giêsu thì phải có sự hiểu biết về Ngài và biết lắng nghe tiếng nói của Ngài để có thể dấn bước
theo dấu chân của vị Mục Tử chăm sóc đoàn chiên. Sự hiểu biết và gắn bó với
đoàn chiên của Mục Tử nhân lành diễn tả sự hiệp nhất của tình yêu Thiên Chúa.
«Tôi
chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi,
như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho
đoàn chiên» (Ga 10, 14-15). Sự hiệp nhất của tình yêu Thiên Chúa là khuôn mẫu cho
sự hiệp nhất trong cộng đoàn dân Chúa là Hội Thánh. Đức Kitô phục sinh hiện diện
và đồng hành với Hội Thánh như Ngài đã đồng hành với hai môn đệ trên đường
Emmaus. Chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện đích thực của Ngài khi đên với Lời
Chúa và Thánh Thể qua việc tham dự Thánh Lễ.
Xin
cho cộng đoàn Hội Thánh luôn sống trong tình hiệp nhất huynh đệ, trong vui mừng
và hy vọng vì nhận ra sự đồng hành của Đấng phục sinh là Vị Mục Tử nhân lành.
Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Quốc Huy.