Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Mùa Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 3, 31-36
(31) Ðấng từ
trên cao mà đến,
thì ở trên mọi người;
kẻ từ đất mà ra,
thì thuộc về đất
và nói những chuyện dưới đất.
Ðấng từ trời mà đến,
thì ở trên mọi người;
(32) Người làm
chứng về những gì Người đã thấy đã nghe,
nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người.
(33) Ai nhận lời
chứng của Người,
thì xác nhận Thiên Chúa là Ðấng chân thật.
(34) Quả vậy,
Ðấng được Thiên Chúa sai đi,
thì nói những lời của Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.
(35) Chúa Cha
yêu thương người Con
và đã giao mọi sự trong tay Người.
(36) Ai tin vào
người Con,
thì được sự sống đời đời;
còn kẻ nào không chịu tin vào người Con,
thì không được sự sống,
nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.
Suy Niệm
Khi
nhìn lại hành trình lịch sử đời sống đức tin của dân Chúa trong Giáo hội, chúng
ta chứng kiến rất nhiều những thánh nhân, những chứng nhân khi được Lời Chúa biến
đổi, cuộc đời và ơn gọi của họ bước sang một trang sử mới. Ngay từ những buổi đầu
của kỷ nguyên sơ khai Ki-tô giáo đã cho chúng ta nhận ra những con người nổi bật
đó. Một Phao-lô hăng say rao giảng Lời Chúa và trở thành tông đồ dân ngoại. Một
Âu-tinh dấn thân làm việc hết mình để đem đến cho Giáo hội những giáo thuyết hữu
ích và hữu dụng... Sang đến thời Trung cổ, một Tô-ma A-qui-nô đau đáu, tha thiết
với những học thuyết đức tin, khám phá những con đường mới nhận biết Thiên Chúa.
Một Phan-xi-cô thanh thoát, nhẹ nhàng với của cải thế gian, một mẫu gương dấn
thân cho công cuộc hòa bình... Và đến thời cận và hiện đại này, một Maximiliano
Kolbe đã sẵn sàng hy sinh bản thân, chết thay cho một người bạn tù, một hành động
phát xuất từ trái tim nhân hậu của Đấng bị đâm thâu. Một Tê-rê-sa Calcuta đi ra
khỏi bốn bức tường kín kẽ của tu viện để dấn bước, đi vào tận hang cùng, ngõ hẻm
của người nghèo... Động lực chính của các ngài là gì? Xin thưa, đó là các ngài đã
nghe được tiếng Chúa gọi mời, các ngài đã đáp trả, và để trở nên chứng nhân cho
Chúa, cho dù cuộc đời và sứ vụ của các ngài cũng phải đối diện với những khó
khăn, thử thách; thế nhưng tình yêu Chúa thúc đẩy đã giúp các ngài đưa Lời ấy đến
cho mọi người.
Hôm
nay tin mừng thánh Gio-an lại gọi mời những người Ki-tô hữu chúng ta, những người
đã được làm con cái Chúa qua Bí tích Thanh Tẩy. Nghĩa là những người đã được lắng
nghe và đón nhận sứ điệp của Chúa. Và vì thế, chúng ta có sứ vụ chia sẻ và
thông truyền niềm vui yêu thương ấy cho anh chị em đồng loại. Nói cách khác,
chính tác giả Gio-an, người đi theo Chúa, đã chứng kiến những việc Ngài làm, đã
lắng nghe những lời Ngài dạy và thậm chí, ông còn có vinh dự được tận thấy những
việc sau cùng trong cuộc đời của Đức Ki-tô như khi Ngài bị bắt, bị đánh đòn, chịu
đóng đanh. Tác giả sách Tin mừng thứ tư còn là những môn đệ đầu tiên chứng kiến
việc Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết. Và Kinh thánh cho ta biết, ông thấy và
ông đã tin. Quả thật, cuộc sống chứng nhân của Gio-an về Đức Ki-tô đã được viết
thành sách Tin mừng. Nội dung của cuốn sách
ấy diễn tả khuôn mặt của một Thiên Chúa là tình yêu. Hay nói rộng hơn,
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã tặng ban Con Một của Người đến để chịu thay
muôn vàn tội lỗi cho nhân loại. Đồng thời cho con người được vinh hạnh sống lại
cùng với Người trong ngày sau hết.
Thánh
Gio-an hay các thánh cũng như chúng ta, các ngài cũng là những người phàm, cũng
có những giới hạn và yếu đuối. Thế nhưng khi được Lời Chúa linh hứng, cuộc đời
của các ngài bước sang trang sử mới. Các ngài sẵn sàng dùng mọi khả năng Chúa
ban để nói về một Đấng Yêu Thương, sẵn sàng dùng mọi cơ hội để rao truyền về một
Đấng Chân Thiện Mỹ, sẵn sàng dùng mọi hình thức để công bố về một Đấng Thiên
Chúa là Tình Yêu. Vậy ơn gọi của người Ki-tô hữu chúng ta trong thời đại ngày hôm
nay thì như thế nào? Thiết nghĩ những việc đạo đức hàng ngày như đọc kinh, cầu
nguyện tại gia, hay các việc đạo đức khác đang diễn ra trong khuôn khổ của các gia
đình hay trong giáo đường. Thay vào đó, sẽ là thực tiễn và hữu ích hơn trong đời
sống chứng nhân Ki-tô, những công việc đạo đức ấy không hẳn là nền tảng đức tin
mà nó còn là bệ phóng đưa người tín hữu tiếp cận và phục vụ anh chị em của
mình, đó là làm từ thiện bác ái, giúp đỡ cô nhi quả phụ, thăm viếng bệnh nhân,
quan tâm những người bị bỏ rơi... Có lẽ qua những công việc mục vụ thực tiễn
này và âu cũng là con đường nhanh nhất dẫn đưa mọi người đến với Đức Ki-tô Phục
sinh. Đấng là hiện thân của chân, thiện, mỹ.
Lm Mi-ca-e Vũ An Lộc.