Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHỦ NHẬT 2 PHỤC SINH A

Bình an cho các con !

binhan.jpg

Mùa Phục sinh gọi dậy và canh tân đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa đến giúp chúng ta sống tốt hơn trong Phép Rửa tuyệt vời và cao cả mà chúng ta đã lãnh nhận. Xin Chúa Thánh Thần sinh động đức tin, gia tăng tình yêu và làm cho niềm Hi vọng được lớn mạnh trong chúng ta.

Sách Công vụ  2, 42-47

Mọi người đều nhận biết người ki tô hữu tiên khởi nhờ tình yêu mà họ sống với nhau. Nhờ lắng nghe Lời Chúa mà họ tiếp nhận nhau không loại trừ ai. Họ cầu nguyện chung, cử hành Thánh Thể, chia sẻ của cải và số tín hữu ngày càng tăng. Những người Ki tô Hữu tiên khởi ấy sẽ nhận ra chúng ta là anh em của họ không?  Chúng ta hãy so sánh cách sống của họ với cách sống của chúng ta!

Thánh Vịnh 117

Vâng, chúng ta đừng ngần ngại mà tung hô Chúa: “Ngài tốt đẹp biết mấy vì đã ban cho chúng ta Đấng Cứu độ như thế!” Viên đá bị những người thợ xây loại bỏ đã trở nên Viên Đá Gốc xây dựng Giáo Hội. Tình yêu của Ngài thật cao cả!

Thư 1 Phêrô 1, 3-9

Thánh Phê rô khuyến khích các tín hữu đang gặp nhiều khó khăn ghê gớm. Ngài khuyên nhủ họ hãy để cho Niềm Hi vọng trong họ được chiếu sáng, bởi vì niềm Hi vọng đó chính là Đức Ki tô đang Sống, Đấng Sống lại. Một niềm hi vọng như vậy không có biên giới và lời chứng của các ki tô hữu là một bảo chứng ơn Cứu độ cho toàn thể nhân loại. Đà sống và bước tiến về phía trước mà niềm Hi vọng đó mang lại sẽ biến đổi và dẫn đến Ơn Cứu độ. Halleluia!

Tin mừng: Ga 20, 19-23

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng nầy nằm trong chương cuối cùng của Tin mừng Gioan với lời kết ở cc. 30-31 nói về mục đích sứ mạng của Chúa Giê su nơi trần gian. Chương 20 mở đầu với việc các người phụ nữ (1-2), rồi tới các môn đệ (3- 10) chạy đến mồ và khám phá ngôi mộ trống. Tiếp sau là việc Chúa Giê su Phục sinh hiện ra với Maria Mác đa la và đã trao cho bà sứ mạng báo tin mừng phục sinh cho các môn đệ (11-18). Vào buổi chiều ngày Phục sinh nầy, Chúa Giê su đến gặp các môn đệ đang khi các ông còn sợ hãi, ẩn trốn trong nhà đóng kín. Sau khi đã trấn an và khơi lại niềm tin, Chúa Giê su trao cho các ông sứ mạng loan báo ơn tha tội và ơn bình an.

TÌM HIỂU

Trong bốn sách Tin Mừng, chóp đỉnh của các trình thuật Chúa Giê su sống lại là việc Người hiện ra cho nhóm Mười Một qui tụ ở một nơi. Dù cho hoàn cảnh và các chi tiết có khác nhau, thì lời khẳng định vẫn luôn luôn là một. Và tác giả nào cũng nhấn mạnh đến sự thử thách của đức tin.  Riêng đối với Gioan trong câu chuyện về ông Tôma, ngài đề cao sự tiến triển đức tin vào Chúa Giê su sống lại qua hai giai đoạn. Và trình thuật khép lại với một vài khẳng định cốt yếu: ơn ban Thánh Thần, sự tha tội, sai đi truyền giáo, niềm tin hoàn toàn vào Chúa Giê su, là Chúa và là Thiên Chúa.

Vào chiều ngày ấy: bà Maria Mác đa la đi ra mồ từ “sáng sớm” (20,1). Đối với nhóm Mười Một, một ngày dài căng thẳng đã trôi qua trước cuộc hội ngộ nầy. Các cuộc hiện ra của đấng Phục sinh với các môn đệ đều diễn ra vào buổi chiều (6,16; 13-17), nhưng cũng còn trong ngày thứ nhất (20,1.26).

Các cửa đều đóng kín: niềm tin của Mác đa la đầy sự ngẫu hứng và tình cảm. Bà đi thẳng đến với Chúa và đã gặp thấy Ngài. Còn các môn đệ thì khác, họ còn chưa hết “sốc” bởi nỗi sợ hãi người Do thái; dù có những bước chân của Phêrô và Gioan, họ vẫn còn ẩn trốn trong nhà. Vì thế Chúa Giê su cần phải cho họ xác tín là Ngài đã sống lại. Các trình thuật nầy có lẽ phản ánh nỗi khó khăn mà Giáo hội đang gặp phải: một vài người mạnh dạn đến với Chúa, trong sự đơn sơ của niềm tin; một số khác thì chậm chạp hơn vì nhiều thử thách mà cộng đoàn phải vượt qua.

Chúa Giê su đứng giữa các ông: “Đâu có hai hay ba người tụ họp nhân danh ta, có ta ở giữa họ” (Mt 18,20).

“Bình an cho anh em”: lời chào được lặp lại ở câu 21. Đó là lời chào hỏi bình thường trong ngôn ngữ sê mít. Tuy nhiên, bình an là một khái niệm giàu ý nghĩa, bao hàm toàn bộ những gì mang lại hạnh phúc cho cuộc sống. Sự bình an của thời đại cánh chung là một ơn ban quí giá nhất mà Thiên Chúa ban cho con người đã được các tiên tri loan báo. Ơn bình an được ban xuống là nhờ những nỗi khổ đau mà người Tôi Tớ đã phải gánh chịu: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,5).  

Khi Chúa Giê su xuất hiện ở giữa các môn đệ của Ngài, không những Ngài cầu chúc, mà còn ban cho sự bình an (x.14,27; 16,33). Sau nầy Phao lô sẽ nói về Đức Ki tô rằng: Ngài qui tụ các kẻ thuộc về Ngài trong chính sự chết và sự phục sinh của Ngài: “Ngài là chính sự bình an của chúng ta”  (Ep 2,14).

Xem tay và cạnh sườn: như ở Luca 24,39, Chúa Giê su muốn liên kết các nỗi đau khổ mà Ngài đã chịu với cuộc phục sinh của Ngài, khi tỏ cho thấy các vết thương. Chỉ có Gioan đề cập ba lần (ở đây và cc, 25-27) đến vết thương cạnh sườn Ngài (x. 19,34-37).

Vui mừng: giờ đây mọi sự đã thay đổi. Với sự phục sinh, lời cầu nguyện của Chúa Giê su dâng lên Cha đã được chấp nhận: “Để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con” (Ga 17,l3).

Chúa : kiểu xưng hô diễn tả lòng tin vào Chúa Giê su phục sinh (20,18)

Thầy cũng sai anh em: Chúa Giê su hiện ra với các môn đệ của Ngài không chỉ để gợi lại cho họ kí ức về Ngài, nhưng còn để sai phái họ ra đi. Cả bốn tin mừng đều gặp nhau ở điểm đó (Mt 28,19; Mc 16,15; Lc 24,47; x. Cv 1,8).

Sứ mạng đó là một trong những đối tượng các lời cầu nguyện của Chúa Giê su cho các môn đệ của Ngài (17,18). Và cũng nhằm nối tiếp sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ nơi Chúa Cha. Chúa Giê su lặp lại “Bình an cho các con”. Ra đi vào thế gian, họ mang theo mình sự bình an của Thiên Chúa.

Thổi hơi: đối với Gioan, cử chỉ nầy là dấu chỉ đưa đến một thực tại sâu xa hơn. Hơi thở mà Chúa Giê su khi sinh thì, đã trao lại trên thánh giá (19,30) là hơi thở của Thiên Chúa, tức là Thánh Thần. Ơn ban Thánh Thần đó được liên kết mật thiết với cái chết và sự phục sinh của Ngài. Luca bố trí biến cố Thánh Thần hiện xuống năm mươi ngày sau (Cv 2,1-4), cũng đặt mối tương quan đó trong một lời Chúa Giê su hứa cho các môn đệ vào chính ngày Phục sinh (24,49).

Với sự phục sinh Chúa Giê su, lịch sử cứu độ đạt tới giai đoạn cuối cùng. Vào thuở khai thiên lập địa, Thiên Chúa đã “thổi sinh khí” (Stk 2,7) vào lỗ mũi người nam. Chúa Giê su phục sinh ngự tại trung tâm thế giới mới mà Ngài đã tái sinh bằng cách thông truyền hơi thở của chính Thiên Chúa để cho thế giới được sống.

Tha tội: sứ mạng truyền giáo bao hồm việc tha tội (x. Lc 24,47). Từ đầu sách tin mừng Gioan là một lời mời gọi tiếp nhận sự sống ngang qua niềm tin vào Chúa Giê su; do đó, tội lỗi căn bản chính là sự từ chối tin. Gia nhập vào cộng đoàn các tín hữu, những người có niềm tin vào Chúa Giê su phục sinh, có nghĩa là xác nhận rằng tội riêng đã được tha thứ.

Cầm giữ ai: tha thứ-cầm giữ chỉ là hai mặt song đối nơi sứ mạng duy nhất của Chúa Giê su hoàn toàn hướng về ơn cứu độ (3,16-17; 5,20-30). Quyền năng giao phó cho các môn đệ không phải là quyền giam hãm con người trong tội lỗi của họ.

Tô ma: trong khi các tin mừng khác đề cập đến sự hồ nghi nơi các môn đệ trước việc Chúa Giê su sống lại, thì Gioan theo thói quen, nhân cách hoá câu chuyện (một người hồ nghi).

Mười Hai: nhóm Mười Hai là nhóm các nhân chứng đức tin, chỉ được Gioan gợi lại ở đây và ở đoạn 6,67-71.

Chúng tôi đã được thấy: sứ điệp đi ngay vào điểm cốt yếu của lời chứng, như trong câu nói của Maria Mác đa la (20,18).

Nếu tôi không thấy: “thấy” và  “tin” là hai động tác căn bản của con người đối với Chúa Giê su phục sinh (20,8.18). Sự đòi hỏi của Tôma chuẩn bị cho giáo huấn của Chúa Giê su (20,29).

Dấu đinh: chi tiết gợi nhớ về cuộc khổ nạn được nhấn mạnh và được lặp đi lặp lại (20,20.27). Chúa Giê su đã thực sự chịu đau khổ cho đến chết. Nếu Ngài sống lại thì cũng vì Ngài đã chấp nhận trao ban sự sống (x. 12,25).

Tám ngày sau: ngày này đối với người ki tô hữu được coi như khởi đầu tạo thành mới, loan báo trước ngày của Chúa, khi tạo thành ngày thứ nhất sẽ đạt tới mức độ hoàn tất.

Cạnh sườn Thầy: đối với Gioan, vết thương ở cạnh sườn mang một ý nghĩa quan trọng. Nó mời gọi nhận ra nơi Chúa Giê su là đấng hoàn tất Thánh Kinh.

Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!: sách Tin mừng không nói là ông Tôma đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê su và đã xỏ bàn tay vào các vết thương. Chỉ nguyên việc gặp gỡ Chúa Giê su phục sinh đã biến người cứng lòng tin số một trở thành mẫu mực và phát ngôn viên cho tất cả mọi người tín hữu. Tôma đồng hóa Chúa Giê su với Chúa của Israel, với Thiên Chúa của mọi tín hữu.

Phúc: mối phúc nầy được chuẩn bị bởi hai trình thuật đi trước. Chính việc được thấy là đặc ân dành cho một vài người, bởi vì họ đã được chọn trước làm chứng nhân cho Đức Ki tô và xây dựng Hội Thánh. Nhưng tất cả các tín hữu được mời gọi nhận biết Chúa Giê su phục sinh mà không được phúc nhìn thấy Ngài. Người môn đệ được Chúa Giê su yêu mến đã không cần nhìn mới tin (20,8). Ông thật có phúc, và cùng với ông, tất cả những người trong Hội Thánh biết tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giê su phục sinh nhờ chứng tá của nhóm Mười Hai và nhờ lời tuyên xưng của ông Tôma (1Pr 1,8).

SỨ ĐIỆP

Hôm nay là “Chủ nhật tôn kinh Lòng Thương Xót Chúa”, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II thiết lập vào ngày 30 tháng 4 năm 2000 khi phong thánh cho Chị Nữ tu Faustina và truyền cho toàn thể Giáo Hội hằng năm mừng kính vào ngày Chủa Nhật thứ hai Phục sinh. Các bài đọc trong Thánh lễ giúp chúng ta nhận biết lòng thương xót của Chúa Giê su mãnh liệt như thế nào. Tin mừng kể cho chúng ta câu chuyện về các môn đệ. Các ông ẩn mặt trong nhà đóng kín cửa vì sợ người Do thái. Còn Chúa Giê su, thầy của họ vừa bị bắt, bị hành hạ và giết chết trên thánh giá. Phê rô sợ hãi đến nỗi đã chối Thầy mình. Chính trong hoàn cảnh đó mà Chúa Giê su Phục sinh hiện ra để ban bình an cho họ.

Sứ điệp bình an là điều mà chúng ta phải đón nhận và làm chứng trong thế giới hôm nay. Một thế giới trở thành sân khấu liên tiếp diễn ra những cuộc xung đột tàn khốc và đẫm máu. Tiếng súng đã và vẫn còn vang lên khắp nơi trên thế giới. Bạo lực vẫn ngự trị. Nhiều người bị bắt và bị cầm giữ nhiều tháng trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn! Đã có người bị hành quyết một cách dã man. Tại vùng đất thánh, nền hòa bình được mong đợi từ lâu vẫn chưa ló dạng.

Là Ki tô hữu, chúng ta biết rằng tất cả những biến cố đầy chết chóc ấy hoàn toàn đi ngược với sứ điệp Phục sinh. Qua sự sống lại, Đức Ki tô mở ra cho chúng ta một con đường mới. Ngài cho chúng ta tiến lại gần hơn với sự sống. Với Ngài, chúng ta không còn có thể sống như trước kia nữa. Trên thánh giá, Ngài đã tha thứ, Ngài đã thương xót; và Ngài tin tưởng và chờ đợi chúng ta cũng sẽ hành động như thế. Chúng ta chỉ là môn đệ của Ngài khi chúng ta chấp nhận thực hiện những cử chỉ bình an và hòa giải với những người chung quanh. Trong một vài trường hợp, điều đó có thể khó khăn, nhất là khi người ta đã bị tổn thương nặng nề. Vì thế chúng ta đặt tất cả những điều dó trong tay của Chúa và xin Ngài chấp nhận ước muốn tha thứ của chúng ta.

Sau khi đã chịu khổ nạn và chịu chết trên thánh giá. Chúa Giê su đi gặp lại các môn đệ của mình để đem bình an đến cho họ. Nhiều lần, Ngài phán với họ: “Bình an ở cùng các con”. Điều ấy cho thấy rằng Ngài gán một tầm quan trọng đặc biệt cho sự bình an và muốn lôi kéo mọi người chú ý đến một điều rất cấp thiết nhưng rất thiếu thốn cho nhân lại. Chúa Giê su phục sinh xác định rằng chúng ta có thể vượt thắng mọi cái chết, mọi hận thù, mọi chiến tranh và tàn phá. Khi ban sự sống trên thánh giá, Ngài “đã tiêu diệt sự hận thù”.

Sự ghen ghét và hận thù ấy thường ngự trị trong chúng ta và làm cho chúng ta phải đau khổ, thế nên chúng ta được mời gọi đặt tất cả dưới chân thánh giá Đức Ki tô. Ngài muốn giải thoát chúng ta khỏi những điều ấy. Vấn đề là nhiều khi chúng ta không muốn từ bỏ những miếng bánh hấp dẫn. Vì thế, chúng ta tiếp tục đau khổ và làm cho người khác đau khổ. Chúng ta từ chối sự bình an mà Chúa muốn ban cho chúng ta và cho thế giới. Nhưng nơi nào tội lỗi đầy tràn, nơi đó ân sủng càng chan chứa. Không gì có thể ngăn cản Đức Ki tô muốn giải thoát chúng ta.

Trong mùa Phục sinh nầy, Chúa sống lại ban cho chúng ta món quà bình an của Ngài. Chúng ta hãy đón nhận như một di sản và cũng như một sứ mạng phải chu toàn. Một ngày nọ, Chúa Giê su đã nói: “Phúc cho những ai tác tạo hòa bình”. Thật dễ dàng khi than phiền về những điều xấu xa xảy ra đây đó trên thế gian rồi khoanh tay đứng nhìn không làm gì cả. Cần phải xắn tay áo lên để chung tay kiến tạo hòa bình. Tác tạo hòa bình bắt đầu bằng việc duyệt xét lại cách xử sự của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Rồi tiếp tục bằng việc thay đổi cái nhìn cũng như lời nói về những người mà từ lâu chúng ta khó chấp nhận. Điều xấu mà chúng ta nói chống lại kẻ khác sẽ gây xáo trộn và làm ô nhiểm cộng đòan. Ngày Chủ nhật của lòng Thương xót nầy, chúng ta phải quan tâm đến tất cả những gì có thể kiến tạo bình an cho cộng đòan chúng ta.

Tiệc Tạ ơn qui tụ chúng ta chính là bí tích mang lại bình an. Qua ơn ban sự sống, Chúa Giê su hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, với anh em và với chính mình. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện không ngừng cho nền hòa bình được ngự trị trên khắp thế giới, đặc biệt ở những nơi mà những cố gắng con người đã thất bại. Chỉ nơi Đức Ki tô phục sinh chúng ta mới tìm được bình an đích thực. Chúng ta hãy đến kín múc nơi Ngài sức mạnh cần thiết để làm chứng nhân và làm sứ giả cho sự hòa bình ấy. Xin Ngài khơi lại lòng trung thành và tình yêu của chúng ta.

ĐÀO SÂU

PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN

 

Cv 2,42-47  Cộng đoàn huynh đệ

Tv 118,1 Tình yêu Ngài thiên thu vạn đại !

1Pr 1,3-9 Niềm hi vọng của những người đã chịu phép Rửa

Ga 20,19-31 Đức Giê-su hiện ra tám ngày sau khi sống lại

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN. Trong lần hiện ra cho các Tông đồ, đặc biệt với ông Tô-ma, Đức Giê-su tuyên phúc cho những ai dù không thấy Ngài nhưng vẫn tin vào Ngài (BTM). Niềm tin ấy đã mang lại hạnh phúc cho công đoàn Ki tô hữu đầu tiên (Bđ1), và niềm hi vọng cho những người đã chịu phép Rửa (Bđ2).

2. HỎI: Nội dung bài đọc một (Cv 2,42-47) như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ sách Công vụ, chương 2, 42-47, cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về đời sống tuyệt vời chan chứa tình yêu thương của cộng đoàn tiên khởi.

3. HỎI: Cuộc sống ấy có những đặc điểm nào?

THƯA: Cuộc sống tuyệt vời ấy có những đặc điểm nầy:

1 - Chuyên cần lắng nghe lời giáo huấn các tông đồ.

2 - Siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện.

3 - Tích cực hiệp thông và quảng đại chia sẻ.

4 - Có nhiều dấu chỉ do các tông đồ thực hiện nhân danh Chúa Ki tô.

Một hình ảnh rất lí tưởng, dù vẫn còn nhiều mảng tối (x 5,1-11; 6,1-7).

4. HỎI: Qua đó, Thánh Lu-ca muốn gửi đến thông điệp gì?

THƯA: Qua hình ảnh tuyệt vời của cộng đoàn tiên khởi, Thánh Lu-ca muốn nói rằng thời đại thiên sai đã đến. Thánh Thần đã giúp cho các tông đồ sống với nhau như anh em. Tình huynh đệ, sự bình an, sự công chính, sự dữ bị tiêu diệt đó là những giá trị đến từ Vương quốc Thiên Chúa do Đấng Mê-si-a thiết lập. Điều đó chứng thực Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a.

5. HỎI: “Mọi người đều kinh sợ” (2,43) có nghĩa gì?

THƯA: Có nghĩa là mọi người đều ngưỡng mộ việc làm của Thiên Chúa qua tay các Tông đồ. Đó là những dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đang hiện diện, Thánh Thần hướng dẫn trong ánh sáng phục sinh. Kể từ khi Đức Ki-tô sống lại, nhân loại mới được sinh ra, dần dần lớn lên chung quanh và theo hình ảnh Con Thiên Chúa.

6. HỎI: Bài đọc đề ra chương trình sống của Ki tô hữu như thế nào?

THƯA: Chương trình sống gồm bốn điểm: lắng nghe giáo huấn các tông đồ, sống hiệp thông trong tình huynh đệ, siêng năng tham dự Thánh lễ, và cầu nguyện.

7. HỎI: Bài đọc nầy loan báo tin mừng gì?

THƯA: Tin mừng lớn nhất từ bài đọc nầy là người ta hoàn toàn có thể sống cuộc sống mới do Thánh Thần tác động.

8. HỎI: Tại sao Thánh Lu-ca đề cao việc tham dự lễ bẻ bánh?

THƯA: Vì ba lí do: trước tiên thánh lễ là một sự cần thiết cho đời sống chứ không chỉ là sự bó buộc. Thứ hai cộng đoàn sẽ thiếu một phần tử khi một người tín hữu không tham dự Thánh lễ. Thứ ba đời sống cộng đoàn sẽ bị thiệt hại lớn khi không có thánh lễ thường xuyên.

9. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (1Pr 1,3-9) như thế nào?

THƯA: Thánh Phê-rô nhắc cho tín hữu nhớ niềm hi vọng mà họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa khi được trở thành con cái Ngài.

10. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Ga 20,19-31) như thế nào?

THƯA: Đoạn tin mừng nầy thuộc chương 20 tin mừng Gio-an, trong phần nói về Giờ của Đức Giê-su. Vào buổi sáng, Phê-rô và Gio-an chạy đến ngôi mồ trống và Đức Giê-su hiện ra với Maria Mác-đa-la (20,1-18). Rồi đến chiều, Ngài lại hiện ra với nhóm môn đệ không có Tô-ma (20,19-23) và tám ngày sau có Tô-ma (24-29).  

11. HỎI: Đối với người ki tô hữu, ngày thứ nhất trong tuần có gì đặc biệt?

THƯA: Đối với người Do thái, thì ngày chủ nhật là ngày làm việc như các ngày khác, chỉ có ngày thứ bảy mới là ngày nghỉ lễ, ngày qui tụ để cầu nguyện thờ phượng Thiên Chúa. Còn đối với người Ki tô, thì ngày chủ nhật họ qui tụ để bẻ bánh nhằm kỉ niệm ngày Đức Giê-su sống lại và được coi như khởi đầu cuộc Tạo dựng mới.

12. HỎI: Thánh Gio-an nhấn mạnh điều gì khi nói các môn đệ đóng kín cửa vì sợ người Do thái.

THƯA: Thánh Gio-an muốn làm nổi bật sự tự do của Đức Giê-su. Cửa nhà bị khóa chặt nhưng không thành vấn đề với Đức Giê-su. Ngài không cần biết đến các cửa đóng kín cũng như nỗi sợ hãi của các môn đệ.

13. HỎI: Có mối tương quan nào giữa ơn ban Thánh Thần và sứ mạng hòa giải nơi các môn đệ không?

THƯA: Thưa có. Trong Kinh Thánh, Thánh Thần được ban xuống nhằm cho một sứ mạng, và không có sứ mạng nào quan trọng hơn sứ mạng hòa giải con người với Thiên Chúa, vì tất cả những điều còn lại đều phát xuất từ đó.

14. HỎI: Cửa đóng kín mà Đức Giê-su vẫn vào nhà được, có nhờ một lối vào bí mật chăng?

THƯA: Không, chẳng có một cửa bí mật nào cả. Dù cửa đóng kín Đức Giê-su vẫn vào được bởi vì từ nay thân xác vinh quang của Ngài mặc lấy chiều kích Thần linh, thuộc về thế giới cánh chung. Cách hiện diện mới của Ngài không còn bị chướng ngại vật nào cản trở.

15. HỎI: “Bình an cho các con” có ý nghĩa gì?

THƯA: Lời chào bình an là lời chào thông thường của người Do thái. Nhưng với Đức Ki-tô phục sinh, thì lời chào ấy vượt quá ý nghĩa thông thường của nó. Ngài chào chúc và ban cho các môn đệ sự Bình an và niềm vui đặt biệt có thể giúp họ vượt thắng thử thách của thánh giá và những hậu quả kèm theo trong cuộc đời của họ (14,17)

16. HỎI: Tại sao Đức Giê-su trỏ cho các tông đồ xem các dấu vết thương khó của Ngài?

THƯA: Đức Giê-su trỏ các vết thương của Ngài là muốn cho các tông đồ nhìn thấy và tin chắc rằng Ngài đã sống lại thật.

17. HỎI: Tại sao Đức Giê-su lại cầu chúc bình an lần thứ hai?

THƯA: Ngài muốn liên kết sự bình an và niềm vui với cuộc khổ nạn cứu chuộc của Ngài. Khổ nạn mà không có bình an và niềm vui phục sinh là khổ nạn chưa được cứu chuộc và chỉ đưa đến sự chết, còn niềm vui mà không qua khổ nạn cứu chuộc là niềm vui phàm tục, mau qua chóng hết và không phải là niềm vui vĩnh cữu mà Đức Ki-tô phục sinh muốn đem lại cho con người.

18. HỎI: Sứ mạng mà Đức Ki-tô phục sinh giao phó cho các tông đồ là sứ mạng nào

THƯA: Đó là sứ mạng mà chính Ngài đã lãnh nhận từ nơi Chúa Cha: “Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con”. Từ nay, các tông đồ tiếp nối sứ mạng của Ngài là loan báo sự chết và sống lại cứu độ của Ngài cho toàn thể nhân lọai. Ai tin thì được Thiên Chúa ban sự sống đời đời (Ga 20,31).

19. HỎI: Chúa phục sinh ban tặng điều gì cho các môn đệ của Ngài?

THƯA: Khi ban Bình an cho các môn đệ (c. 19 “Bình an cho các con!”) Đức Giê-su phục sinh ban cho họ:

- Thánh Thần (c.22: “Hãy lãnh nhận Thánh Thần”),

- Mạc khải đầy đủ về Thiên Chúa, và về đấng Tạo hóa.

- Ngòai ra, Ngài muốn rằng Giáo Hội của Ngài là giáo hội có phẩm trật (c. 21 “Thầy cũng sai anh em đi..”), để được hiệp nhất, và đi trong chân lí của Tin mừng.

- Quyền tha tội để củng cố Giáo Hội (c.23 “Tha tội cho ai, thì người ấy được tha, cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”).

- Sự hiệp thông giữa các tông đồ với thánh Phê rô, cũng như với các đấng kế vị: các Giám mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng (Mc 3,13-15)

20. HỎI: Thánh Gio-an quả quyết rằng không phải tất cả những gì Đức Giê-su đã làm đều được chép trong các sách Tin mừng?

THƯA: Thiên Chúa đã muốn những gì cần thiết cho ơn cứu độ phải được truyền đến cho chúng ta. Tuy nhiên, “điều thiết yếu ấy” không chỉ nằm trong Kinh Thánh mà còn trong Thánh Truyền nữa. Thánh truyền chuyển đến cho chúng ta những lời chứng và suy tư về Biến cố Đức Ki tô, không minh nhiên được nói đến trong Tân Ước.

21. HỎI: Là những tín hữu hôm nay, chúng ta phải làm gì để biểu hiện phúc lành mà Đức Giê-su ban cho: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin không”?

THƯA: Chúng ta không chỉ cao rao mối phúc lành đó cho mọi người biết, mà phải cố gắng làm thế nào để kinh nghiệm của Thánh Tô-ma trở thành kinh nghiệm của chính mình: chúng ta phải khao khát nhìn thấy quyền năng của sự Sống lại biểu hiện trong cuộc sống cá nhân hay tập thể của chúng ta; và nhất là khẩn cầu cho mọi người được ơn ban Bình an cứu độ của Đức Ki tô phục sinh.  

20. HỎI: Thực hiện sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Sự phục sinh của Đức Ki-tô là nguồn mang lại niềm vui. Xin cho cuộc đời ki tô hữu được phản ánh niềm vui ấy. 2. Sự phục sinh của Đức Ki-tô là nguồn hiệp thông huynh đệ và yêu thương. Xin cho cộng đoàn chúng ta biết san sẻ cho nhau những nhu cầu thiết yếu như là dấu chỉ yêu thương của người môn đệ Đức Ki-tô. 3. Sự phục sinh của Đức Ki-tô thông ban niềm tin vào chiến thắng và vinh quang của Ngài. Xin cho dân Chúa được vững tin và tràn đầy hi vọng trên đường về Nước Chúa.

GLCG 656. Phục Sinh vừa là một biến cố lịch sử đươc các môn đệ chứng thực vì họ đã thực sự gặp Đấng Phục Sinh, vừa là biến cố siêu việt vì nhân tính của Đức Ki-tô đi vào trong vinh quang Thiên Chúa.

657. Ngôi mộ trống và những băng vải xếp ở đó nói lên rằng: nhờ quyền năng của Thiên Chúa, thân xác của Đức Ki-tô thoát khỏi xiềng xích sự chết và sự hư nát. Những chứng cứ trên chuẩn bị các môn đệ gặp gỡ Đấng Phục Sinh.

658. Đức Ki-tô, "trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại" (Cl 1,18), là nguyên lý sự sống lại của chúng ta: ngay trong hiện tại, Người công chính hóa linh hồn chúng ta (x.Rm 6,4), và sau này cho thân xác chúng ta được sống lại (x.Rm 8,11).                       

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh: HẠNH PHÚC VÌ ĐÃ TIN - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh_Xuân Hạ, OMI
     CHÚA NHẬT PHỤC SINH 2017: SỐNG TIN MỪNG PHỤC SINH_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Phục Sinh A: ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN MẦU NHIỆM CHÚA PHỤC SINH_ Lm. Đan Vinh
     CHỦ NHẬT PHỤC SINH A: Sứ giả loan báo sự sống và ơn tha tội_ Lm. PhaoLô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Đêm Vọng Phục Sinh _Lm. Giuse Đỗ Đức Trí.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Phục sinh C: Môn Đệ Tình Yêu_ Lm. Peter Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu tuần VII Phục sinh C_ Lm.Jos Tạ Duy Tuyền