Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHỦ NHẬT PHỤC SINH A

Sứ giả loan báo sự sống và ơn tha tội

phuc-sinh.jpg

Khi ánh sáng giải tỏa bóng đêm thì cũng là lúc mọi sự trở nên sáng sủa. Niềm Vui vở òa, một niềm vui đã được hứa từ muôn thuở và được chờ đợi từ rất lâu. Đó là lời mời gọi trở nên những con người mới để lớn tiếng loan báo cho trần gian biết rằng Đức Ki tô Sống lại mời gọi chúng ta đến với Sự Sống.

Sách  Công vụ 10, 34a.37-43

Đây là diễn từ của Phê rô nói với Cornêliô, một trong những sĩ quan quân đội La mã. Một chứng từ hùng hồn về cuộc sống, cuộc khổ nạn và sự Phục sinh của Chúa Giê su. Phê rô hân hoan công bố tin mừng cho người Do thái và cho mọi người trên khắp cùng thế giới.

Thánh Vịnh 117

Chúng ta được mời gọi từ bỏ thái độ e dè để mạnh dạn công bố cho tất cả mọi người biết niềm vui sâu xa được Thiên Chúa yêu mến dường ấy. Người ta có thể im tiếng được không trước món quà tuyệt vời là sự Sống vĩnh cửu mà Chúa ban cho chúng ta?

Thư gửi Côlôsê 3, 1-4

Thánh Phao lô nói thẳng với người Côlôsê rằng: “Anh em thân mến, với Đức Ki tô, anh em cũng được sống lại”. Trước kia anh em chỉ là những con người, nhưng giờ đây, anh em được thần hóa, là con cái Thiên Chúa. Thân phận con người hay chết của anh em đã được tái sinh thành Con cái Thiên Chúa. Chính nhờ Đức Ki tô và trong Đức Ki tô mà từ nay chúng ta được sống vĩnh cửu. Vậy hãy sống ngày hôm nay bằng cách tìm những sự trên trời. Halleluia!

Tin mừng: Mt 28,1-10

NGỮ CẢNH

Phải đọc đoạn nầy tin mừng trong bối cảnh của phần Mt 27,62-28,15 trong đó Mt làm nổi bật hai thái độ tương phản nhau: thái độ không tin của người Do thái (= đám lính canh 27,62-66/ ../ 28,2-4/.../ 28,11-15)) và thái độ tin tưởng của các phụ nữ đón nhận sứ điệp phục sinh (27,61/.../ 28,1/.../28,5-10/.

Có thể đọc đoạn tin mừng nầy theo bố cục sau đây:

1. Lời thiên sứ loan báo tin mừng phục sinh cho các phụ nữ (28.1-8).

2. Cuộc gặp gỡ giữa đấng Phục sinh với các bà (28,2-10).

TÌM HIỂU

Vừa ló rạng: đối với người Híp pri, ngày bắt đầu từ chiều hôm trước. Do vậy, trong khi ở các tin mừng khác câu chuyện phục sinh khởi đầu ban sáng, thì ở Mt khởi đầu từ lúc chặp tối.

Sau ngày nghỉ sa bát, các bà tiếp tục đi viếng mồ. Trong khi các bà tuân giữ luật ngày sa bát, các thượng tế đã vi phạm. Tất cả đều mới: một ngày mới bắt đầu, tuần lễ mới bắt đầu: hai dấu chỉ của một thời đại mới.

Đi viếng mộ: Mt không nói các bà đi ướp xác như Mc và Lc, vì ông đã gợi ý trong cử chỉ đổ dầu thơm như an táng trước (26,12). Họ đã đứng đó, tuy xa như tâm hồn rất gần cây thánh giá (27,55), hay trong lúc táng xác (27,61). Họ không thể rời cặp mắt khỏi người mà họ yêu mến và phục vụ.

Và nầy: (c.2) từ câu nầy trở đi, trình thuật hoàn toàn của Mt, được khai triển trong cùng một khung cảnh lạ lùng như trong trình thuật mô tả những hậu quả đi sau cái chết của Chúa Giê su (27,51-54).

Trong giây phút Chúa Giê su sống lại, có thể người ta chờ đợi một vài biến cộ lạ lùng xảy ra: các tin mừng ngụy thư và các nghệ sĩ không ngần ngại mô tả Đức Ki tô vinh thắng bước ra khỏi mồ. Mt dành khía cạnh kì diệu cho việc hiện ra của thiên sứ mở cửa mồ và cho thấy ngôi mộ trống không. Chúa Giê su đã sống lại! Và khi đấng sống lại hiện ra với các bà (28.9-10), quang cảnh lại hết sức ngắn gọn.

Đất rung chuyển: các bà được đưa vào chứng kiến cuộc biểu hiện của trời một cách bất ngờ, như ba môn đồ trên núi (17,2). Đất rung chuyển ở câu 27, l5 là dấu chỉ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, thì ở đây trở thành một điềm báo lòng nhân hậu của Người. Sự rung chuyển là biến cố cho thấy thiên sứ của Chúa xuất hiện, nghĩa là chính Chúa, cho thấy quyền năng của Người (x. St 22,11). Người đến, bên ngòai tường thành Giêrusalem vào lúc tên bịp bợm bị lật đổ.

Thiên thần Chúa: như trong lúc Chúa Giê su sinh ra, thiên sứ của Chúa (1,20.24;2,13.19) hướng dẫn các biến cố và ban cho chúng một ý nghĩa. Nguồn gốc và điểm đến số phận của Chúa Giê su, khởi đầu và tận cùng cuộc đời của Ngài là việc làm của Thiên Chúa, của một vì Thiên Chúa mạc khải các bí mật của Người cho các tín hữu.

Lăn tảng đá ra: Thiên Chúa đã mở tảng đá được niêm phong, không gì có thể cưỡng lại bàn tay của Người. Tảng đá không bị vỡ đôi (27,51), nhưng bị lăn qua một bên. Cùng với ngôi mộ của Chúa Giê su bị mở ra, tất cả các ngôi mộ đều mở ra, những người chết được giải thoát (27,52).

Rồi ngồi lên trên: Ngôi mộ trở nên ngai tòa nhắc lại thị kiến của Đa niên (7,9-10). Từ ngai tòa Thiên Chúa xét xử và thực hiện cuộc tách biệt giữa các người phụ nữ và bọn lính canh: bọn nầy kinh hòang và run rẩy, còn các bà thì hết sức vui mừng và bắt đầu chạy. Cuộc xét xử nầy sẽ được thực hiện vào lúc thời gian kết thúc: tiêu chuẩn là niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giê su.

Ánh chớp-tuyết: hai biểu tượng của một luồng sáng mạnh mẽ, càng chói lòa vì bừng sáng trong đêm đen. Cũng chính ánh sáng ấy chiếu sáng trên thân xác Chúa Giê su biến hình (17,2). Ở đây, Chúa Giê su chưa xuất hiện, nhưng chỗ thiên thần hiện ra và sứ điệp kèm theo cho thấy ánh sáng ấy chính là ánh sáng của đấng Phục sinh.

Mt xếp đặt cảnh ấy nhằm nói rằng biến cố là công trình của  Thiên Chúa thực hiện (28,13). Nhưng ngang qua những gì sẽ nói ở câu 28,5, Mt muốn nêu bật việc nhận biết Chúa Giê su phục sinh không thể là đối tượng của kinh nghiệm con người, mà chỉ là kết quả của một cuộc mạc khải của Thiên Chúa.

Lính canh: họ bị rung động như mặt đất rung chuyển. Sự giao động và sợ hãi của họ khiến họ ra như chết, họ là những người được giao nhiệm vụ canh gác một xác chết! Do vậy họ không thể hiểu được sứ điệp của thiên sứ. Chỉ có các bà đã tìm Chúa Giê su trong đức tin mới có thể hiểu được mà thôi.

Các bà đừng sợ: x. 14,27; 17,7. Có sự phân biệt rõ ràng giữa thái độ hoảng sợ của bọn lính canh và sự kính sợ của các bà, phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và dẫn đến niềm vui (28,8).

Đấng bị đóng đinh: hình thái động từ hi lạp dùng ở đây có nghĩa: đấng đã bị và vẫn bị đóng đinh.

Đã trỗi dậy: Đấng bị đóng đinh ở đây đang sống một đời sống thần linh, vinh quang với thân xác của Ngài. Vậy Ngài không còn bị giam kín trong một ngôi mộ nữa, nhưng được thông phần vào vinh quang vĩnh cửu. Ngài không bị giới hạn trong một nơi chốn nữa nhưng ở khắp mọi nơi. Động từ hi lạp có nghĩa trỗi dậy. Ý nghĩa phong phú của từ nầy dần dần được tỏ hiện.

Như Người đã nói: qui chiếu đến ba lần loan báo (16,21; 17,23; 20,19). Việc các lời nầy được hoàn thành xác nhận tính chân thực của vị tiên tri và khiến cho Ngài được tin nhận nơi những người tin và cả nơi thù địch (27,63). Chúa Giê su không phải là người lường gat.

Đến mà xem: thiên sứ mời gọi các bà xác nhận: ngôi mộ trống không, tuy xác Chúa Giê su đã được đặt nơi đó. Như vậy, phần đầu của sứ điệp đã được chứng thực: “Ngài không còn ở đây nữa”. Còn phần sau: “Ngài đã sống lại”, họ sẽ khám phá một cách bất ngờ.

Mau về: sau lời loan báo, là lời mời gọi khẩn thiết. Giờ đây các bà được trao cho một sứ mạng khẩn cấp: họ sẽ là sứ giả của Tin mừng, là tông đồ cho các tông đồ. Ngôi mộ do vậy chỉ là một ngõ cụt và là nơi kết thúc con đường của họ. Và một con đường khác mở ra: họ chạy về và cuộc chạy của Tin mừng nầy sẽ không bao giờ chấm dứt.

Trước các ông: như Mục tử, Chúa Giê su muốn qui tụ các môn đệ của Ngài sau cơn thử thách của Khổ nạn. Ngài hẹn với họ như đã nói trước (26,32).

Galilê: vì Giê ru sa lem chẳng những đã khước từ người thừa kế của Đa vít, khi kết án lưu đày khi Ngài vừa mới sinh (c.2), mà còn tìm cách giết Ngài, nên không phải là nơi Chúa Giê su gặp lại các môn đệ của Ngài để sai đi thực hiện sứ mạng. Đối với Mt, Galilê, nơi đã đón tiếp Chúa Giê su, nơi Ngài giảng dạy (4,12), nơi các dân ngọai gặp gỡ (4,15), giờ đây sẽ là cửa mở đón chào tất cả các dân tộc, bàn đạp cho tin mừng bành trướng khắp nơi.

SỨ ĐIỆP:

Trong ngày chủ nhật phục sinh hôm nay, chúng ta mừng Chúa Giê su sống lại, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Đây là khởi đầu hừng đông của nhân lọai mới. Và chính Maria Mađalêna là người đầu tiên nhận được sứ điệp ấy, Maria người phụ nữ tội lỗi. Bà là hình ảnh của tòan nhân loại khám phá ra Đấng Cứu độ của mình. Nhưng rõ ràng là chính trong lúc đó, bà không hiểu tất cả những gì xảy ra. Và ngay điều ấy, bà cũng là hình ảnh cho nhân lọai chúng ta.

Tin mừng Thánh Gioan viết: “Sáng sớm ngày thứ nhất khi trời hãy còn tối”. Rõ ràng là ngài không chỉ nói về bóng tối ban đêm. Nhưng đặc biệt Ngài muốn cho chúng ta thấy rằng ánh sáng của sự phục sinh đang chọc thủng màn đêm, xóa tan bóng tối, trong đó con người đang chìm sâu trong tội lỗi. Chúa Giê su phục sinh là ánh sáng chiếu soi trong đêm tối. Ánh quang tỏa sáng rạng ngời không gì có thể che khuất cũng như ngăn cản nó tỏa sáng.

Và chính trong bóng tối, Maria Mađalêna thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ. Không hiểu điều gì đã xảy ra nên bà hết sức hốt hoảng, vội vàng chạy đi tìm ông Phê rô và Gioan để báo cho họ biết người ta đã lấy xác Chúa ra khỏi mồ. Cả hai môn đệ tức tốc chạy đến. Gioan đến trước bởi vì ông trẻ hơn. Nhưng đã nhường bước cho ông Phê rô vào mồ trước.

Đúng như lời Maria báo tin, các ông thấy ngôi mồ trống không, vẫn còn đó những tấm khăn liệm xác nhưng được xếp đặt ngay ngắn. Phêrô thì chưa hiểu ra điều gì, nhưng Gioan thì khác hẳn: “Ông đã thấy và ông tin”. Hai ngày trước, ông còn đứng dưới chân thập giá và đã chứng kiến việc chôn cất Chúa Giê su. Thế mà giờ sau khi xác nhận rằng không có dấu vết của việc ăn trộm xác, ông đã tin rằng thân xác Đức Ki tô đã mặc lấy vinh quang của Thiên Chúa Cha. Thân xác phục sinh của Ngài không còn gặp một chướng ngại nào nữa.

Phần chúng ta, sẽ không bao giờ có một dấu chỉ về sự phục sinh của Chúa Giê su ngoài ngôi mộ trống. Các tông đồ còn được chứng kiến những lần hiện ra của Đức Ki tô phục sinh. Còn đức tin của chúng ta không dựa vào chứng cớ nào khác ngòai lời chứng của các tông đồ và giáo hội còn truyền lại cho đến ngày hôm nay.

Ngày Hiện Xuống, tin mừng Chúa Giê su sống lại đã vang vọng đến Giêrusalem. Và ngày nay, tin mừng ấy đã được công bố trên tòan thế giới. Chúng ta là những người tiếp nhận tất cả các chứng nhân phục sinh là những người đã truyền lại cho chúng ta điều mà họ đã lãnh nhận. Và từ nay, chính chúng ta nối tiếp lời chứng của họ nơi mọi người chung quanh chúng ta. Đó là những người đang sống trong bóng tối như Maria Mađalêna: sứ mạng của chúng ta là làm chứng rằng Chúa Giê su sống lại mở ra cho chúng ta một lối đi hướng về niềm hi vọng được đổi mới.

Biến cố phục sinh đảo lộn tất cả mọi sự trong cuộc đời chúng ta. Nếu tôi tin và sống niềm tin vào Chúa Giê su sống lại, thì tôi biết rằng các đau khổ, thất bại và tội lỗi của tôi sẽ không bao giờ là tiếng nói cuối cùng trong cuộc đời. Tôi xác tín rằng Đức Ki tô hiện diện để giải thoát tôi khỏi những sức ì của bản thân và dẫn đến ánh sáng và niềm vui. Chiến thắng của Đức Ki tô sống lại cũng mang lại sự thay đổi trong cái nhìn của tôi về thế gian và về những người sống trong đó. Cái nhìn ấy sẽ không còn bi quan, cũ kĩ và dững dưng nữa. Tôi sẽ không còn lí do nào để thất vọng và mất tin tưởng vào con người, dù cuộc đời có bị tổn thương đến đâu đi nữa. Tôi không còn lí do đễ nghĩ rằng tình huynh đệ, sự chia sẻ, sự sông chính là không thể thực hiện được.

Niềm tin của chúng ta vào Đức Ki tô đem lại cho chúng ta một sự canh tân trong cuộc sống, một sự đổi mới cầu nguyện, một niềm vui khám phá và sống tin mừng. Đó là hạnh phúc được tin vào Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tất cả những điều đó được thực hiện qua những quyết định cụ thể: ra khỏi “nấm mồ” ích kỉ của chúng ta để sống một tình yêu chân thật; lăn tảng đá thất vọng giam hãm chúng ta và ngăn cản chúng ta tiến lên phía trước; không để cho mình bị sự ghen ghét hay trả thù chế ngự, nhưng để cho sự tha thứ và lòng yêu mến chiến thắng. Chính nhờ cách sống ấy mà chúng ta có thể tỏ ra rằng Đức Ki tô đang sống và Ngài đang giúp cho những ai tiếp nhận sức mạnh sự Sống được biến đổi.

Khi sống như thế, chúng ta cũng có thể trở thành những người mang lại sự sống. Cơ hội thì không thiếu và nhu cầu thì bao la. Tất cả chúng ta được sai đến với những người đang chiến đấu chống lại sự đau khổ và thất vọng để đem lại cho họ niềm lạc quan vui sống. Thái dộ quan tâm, tình thân ái, một vòng tay tiếp đón, một con tim tha thứ, một bàn tay đưa ra để nâng dậy có thể thực hiện một phép lạ “tái sinh”. Và ngang qua tất cả những điều đó, một lời nói chứng tá cho đức tin của chúng ta là một lời mời gọi gặp gỡ Đức Ki tô sống lại.

Vì lễ Phục sinh, vì sự sống lại của Đức Ki tô, chúng ta hãy hướng về Vương quốc nơi Thiên Chúa chờ đợi chúng ta chứ đừng dán mắt vào trần gian nữa. Và hãy sống như những người đã sống lại. Thánh thể mà chúng ta cùng nhau cử hành mời gọi chúng ta thực hiện điều ấy.

ĐÀO SÂU

TIN VÀ LÀM CHỨNG CHO ĐỨC KI TÔ PHỤC SINH

Cv 10,34a, 36-43 Các tông đồ làm chứng cho sự Phục sinh

Tv 118,1-2, 16-17, 22-23 Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng   

Cl 3,1-4 hoặc 1 Cr 5,6b-8 Cùng sống với Đức Ki tô phục sinh

Ga 20,1-18 (Mt 28, 1-10) Ngôi mộ trống và đức tin các Tông đồ

 

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: TIN VÀ LÀM CHỨNG. Trung tâm của niềm tin Ki tô là sự Phục sinh: đó là lời loan báo Sự sống chiến thắng trên sự chết (Bđ1). Sống đức tin là chấp nhận gặp Đức Ki tô sống và hiện diện ngang qua những dấu chỉ nói lên sự vắng mặt của Ngài: đó là ngôi mộ trống, và suy niệm Kinh Thánh (BTM). Phẩm giá đích thực của con người được kêu gọi không những sống như thụ tạo mà còn như con cái Thiên Chúa, nghĩa là hướng lòng lên Cha trên trời (Bđ 2).

2. HỎI: Công vụ Tông đồ là sách gì?

THƯA: Công vụ Tông đồ là quyển sách ghi chép lại sự hình thành Cộng đoàn Ki tô tiên khởi dưới sức mạnh của Đức Ki tô phục sinh và của Chúa Thánh Thần. Tác giả cho chúng ta biết thế hệ đầu tiên đã thực hành Lời Chúa và thi hành sứ mạng làm chứng như thế nào.

3. HỎI: Nội dung bài đọc một (Cv 10,34a, 36-43) như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ sách Công vụ Tông đồ, chương 10, kể lại một biến cố quan trọng trong việc loan báo Tin mừng. Ông Phê-rô được Thiên Chúa sai xuống Xê-da-rê đến nhà Cor-nê-li-ô và lần đầu tiên đã rao giảng cho dân ngoại biết rằng họ cũng là thành phần trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

4. HỎI: Trước khi xuống thành phố Xê-da-rê, Phê-rô đã trải qua kinh nghiệm gì?

THƯA: Phê-rô đã thực hiện hai phép lạ: ở Lốt, ông đã chữa lành ông Ê-nê (Cv 9,32-35), và sau đó, ở Gia-phô ông đã phục sinh một người phụ nữa tên là Ta-bi-tha (36-43). Hai phép lạ ấy chứng tỏ ông biết rằng Chúa phục sinh đang ở với ông và hoạt động qua ông.

5. HỎI: Phê-rô đã rao giảng những gì?

THƯA: Ông đã nêu ra những điểm chính yếu tóm tắt toàn bộ Tin mừng cứu độ: Thiên Chúa sai Đức Giê-su đến trần gian loan báo Tin mừng cứu độ, qua lời rao giảng Nước Thiên Chúa và nhiều phép lạ. Nhưng người Do thái đã không tin Ngài, nên đã tìm cách bắt, tra tấn rồi giết chết trên thập giá. Nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại và hiện ra với một số nhân chứng, rồi sai họ đi làm chứng và rao giảng về Ngài. Bất cứ ai tin vào Ngài sẽ được tha tội và được sống đời đời.

6. HỎI: Điều gì đã khiến Phê-rô mạnh dạn như thế?

THƯA: Hai phép lạ trên đã giúp cho Phê-rô vượt qua chặng tiếp theo: lần nầy phép lạ xảy ra trong chính bản thân ông, vì đây là lần đầu tiên Phê-rô vượt qua mọi rào cản tôn giáo để vào nhà một người ngoại giáo loan báo Đức Giê-su là Đấng Cứu độ.

7. HỎI: Vậy ai là người đầu tiên rao giảng cho dân ngoại?

THƯA: Thường người ta dành tước hiệu ‘Tông đồ dân ngoại’ cho thánh Phao lô để tóm tắt cuộc đời truyền giáo ngoại hạng của Ngài. Nhưng qua câu chuyện bài đọc một, thì Phê-rô cũng xứng đáng được gọi là ‘Tông đồ dân ngoại’ trước cả Phao lô.

8. HỎI: Diễn từ của Phê-rô mang lại điều gì mới?

THƯA: Điều mới được nói đến ở câu cuối cùng: “Bất cứ ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội” (Cv 10, 43). Như thế, tất cả mọi người, cả những người ngoại nếu tin vào Đức Giê-su đều được tha tội, được chấp nhận vào Giao Ước với Thiên Chúa.

9. HỎI: Điều gì đã làm cho các Tông đồ có một xác tín như thế?

THƯA: Biến cố Đức Giê-su sống lại đã khơi mào cho sự suy tư của các Tông đồ. Các ông đã đọc lại toàn bộ Kinh Thánh để cố gắng hiểu dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần.

10. HỎI: Thánh Phê-rô làm nổi bật điều gì trong bài diễn từ?

THƯA: Thánh Phê-rô nhấn mạnh: chính Thiên Chúa đã hành động nơi Đức Giê-su: đã thánh hiến và ở với Ngài, đã phục sinh Ngài và đã cho Ngài hiện ra với các nhân chứng mà Người đã chọn từ trước, đã chọn Ngài làm quan án những kẻ sống kẻ chết. Và đặc biệt câu tóm tắt tất cả điều trên: “Thiên Chúa đã xức dầu Thánh Thần và ban cho Ngài đầy sức mạnh”.

11. HỎI: Bài đọc 2 (Cl 3, 1-4) có nội dung như thế nào?

THƯA: Tin vào sự sống lại có nghĩa là để cho đời sống mới của Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận trong phép Rửa thấm nhập trong ta, để suy nghĩ và hành động không theo thế gian nữa mà theo Thiên Chúa.

12. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Ga 20,1-10) như thế nào?

THƯA: Bài Tin mừng nằm trong phân đoạn ‘Giờ của cuộc Khổ Nạn-Chết-Sống lại của Đức Giê-su’ (18,1–20,29) thuộc phần 2 của TM Ga, gọi là ‘Sách về Giờ của Đức Giêsu’(13-20). Có hai ý chính: 1. Thời gian: Sáng sớm ngày thứ nhất, Maria Ma-đa-lê-na ra mộ (20,1-2); 2) Phê-rô   và Gio-an ra mộ (20,3-10).

13. HỎI: Tại sao thánh Gio-an nhấn mạnh “Lúc sáng sớm, khi trời vẫn còn tối”?

THƯA: Về thời gian các người phụ nữ đi đến mồ Đức Giê-su, các Tin mừng nhất lãm không khác nhau bao nhiêu, như Mát-thêu viết: “khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng” (28,1), Mác cô cho biết: “Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần”(16, 2), Lu ca thì ghi nhận: “Vừa tảng sáng” (24,1), thì Gio-an lại nhấn mạnh đến bóng tối: “Lúc sáng sớm khi trời vẫn còn tối” (20,1). Trong khi Tin mừng nhất lãm cho thấy sự vươn lên của ánh sáng phục sinh, thì Gio-an muốn nhấn mạnh bóng tối vẫn còn bao trùm mặt đất nơi mà Sự Sống đang an nghỉ sắp chỗi dậy.

14. HỎI: Tại sao tác giả nói với chúng ta rằng Maria Ma-đa-lê-na đã đi đến ngôi mộ, chứ không phải mẹ của Chúa Giêsu?

THƯA: Có lẽ Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu không cần phải đến mộ vì ai xứng đáng hơn Ngài là nhân chứng đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh? Do đó, dù các tác giả Tin mừng không nói ra vì phải tập trung vào Đức Giê-su, người ta có thể chắc chắn rằng Đấng Phục Sinh đã hiện ra với Đức Maria khi vừa sống lại.

15. HỎI: Tại sao Gio-an chỉ nói đến Maria Ma-đa-lê-na là người phụ nữ duy nhất đi đến mồ Chúa?

THƯA: Sở dĩ Gio-an chỉ nói đến Maria Ma-đa-lê-na vì bà là người phụ nữ được nhắc đến trước tiên và là người hoạt động nhất trong số các người nữ ấy. Đàng khác, ông muốn làm nổi bật hai thái độ của Đức Giê-su và Ma-đa-lê-na. Và Ma-đa-lê-na đã nói đại diện thay cho các chị em khác: ‘Chúng tôi không biết họ đặt Ngài ở đâu’ (c.2)

16. HỎI: Tại sao Maria Ma-đa-lê-na chạy đến ông Si-mon Phê rô?

THƯA: Bởi vì Maria Ma-đa-lê-na như các môn đệ khác, đã hiểu được lòng ưu ái của Chúa Giêsu đối với Thánh Phêrô và sứ mạng là đá tảng và cầm đầu mà Chúa Kitô đã giao phó cho ông.

17. HỎI: Người môn đệ kia là ai?

THƯA: Tất nhiên đó là Gio-an, tác giả Tin mừng, vì khiêm tốn nên không xưng tên một cách rõ ràng

18. HỎI: Tại sao Gio-an lại chạy đến mồ trước Phêrô?

THƯA: Người ta có thể nêu lên nhiều lí do khác nhau: Vì Gio-an trẻ và nhanh nhẹn hơn. Cũng có thể vì ông là môn đệ Chúa yêu và tình yêu ấy đã thúc đẩy ông chạy nhanh hơn. Cũng có thể coi đây là hình ảnh biểu trưng: Gio-an tượng trưng cho Ki tô giáo gốc lương dân cởi mởi đón nhận đức tin hơn các tín hữu Do thái tiêu biểu bởi Phê rô. Nhưng đơn giản nhất, vì Gio-an trẻ hơn Phê rô.

19. HỎI: Tại sao Phê-rô vào mồ trước Gio-an?

THƯA: Gio-an nhường bước cho Phê-rô có thể vì lúc Gio-an viết Tin mừng, ông Phê-rô   đang nắm địa vị cao nhất trong Giáo Hội. Tự nhiên hơn có lẽ vì Gio-an bất ngờ trước cửa mộ rộng mở, đã có giây phút chần chờ và bị Phê-rô   vượt qua.

20. HỎI: Hai vị tông đồ có suy nghĩ gì khi nhìn thấy cuộn băng và vải gập lại và để đúng nơi?

THƯA: Họ rất chú ý đến những chi tiết này, bởi vì chúng cho thấy rằng xác của Chúa Giêsu đã không bị đánh cắp. Nếu đã bị đánh cắp, có thể sẽ không đủ thời gian để sắp xếp mọi thứ có trật tự như thế.

21. HỎI: Khăn liệm xác vẫn còn nguyên vẹn chứng tỏ điều gì?

THƯA: Người môn đệ yêu dấu của Đức Giê-su vào trong mồ thấy rõ điều mà Phê-rô   đang quan sát: đó là khăn liệm vẫn còn nguyên vẹn, trong mộ vẫn còn thứ tự không bị xáo trộn: giả thuyết xác bị mất trộm bị loại bỏ. Và ông ‘đã tin’.

22. HỎI: Gio-an đã tin, thế còn Phê-rô thì sao, không thấy bản văn nói đến?

THƯA: Dĩ nhiên là cả Phê-rô nữa, cũng đã tin Thầy mình sống lại. Sở dĩ bản văn không đề cập đến Phê rô, vì Gio-an chỉ muốn nói lên niềm tin vào Đức Giê-su mà bản thân đã cảm nghiệm trong lòng trước những gì xảy ra trước mắt.

23. HỎI: Các tông đồ có chờ đợi Đức Giê-su sống lại không?

THƯA: Không, các ông đã chứng kiến giây phút Đức Giê-su bị bắt, còn Gio-an đứng dưới chân thập giá khi Ngài hấp hối và tắt thở. Cái chết của Ngài chấm dứt mọi hi vọng, giấc mơ và cuộc phiêu lưu của các ông. Vì thế, việc ngôi mộ trống thực sự làm cho các ông hết sức bất ngờ.

24. HỎI: Có câu nào trong Kinh Thánh Cựu Ước tiên báo Đấng Mê-si-a sẽ sống lại không?

THƯA: Không có câu nào trong Kinh thánh nói trước Đấng Mê-si-a sẽ sống lại. Nhưng dưới ánh sáng phục sinh và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các tông đồ đọc lại toàn bộ chương trình của Thiên Chúa và đã nhận ra điều ấy. Chính nhờ tin mà các ngài mới hiểu được.

25. HỎI: Ngôi mộ trống có phải là lý chứng cho sự sống lại không?

THƯA: Ngôi mộ trống không phải là lý chứng cho việc Đức Giê-su sống lại, nhưng chỉ là khởi đầu cho một niềm tin vào sự sống lại, và sau đó được kiểm chứng qua việc Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ. Còn đối với chúng ta, chúng ta không có chứng cứ nào khác ngoài lời chứng của các tông đồ và Giáo hội. Thêm vào đó là các hậu quả của việc Đức Giê-su sống lại nơi tác động của Chúa Thánh Thần biến đối đời sống con người. Thánh Phao lô là một ví dụ điển hình.

26. HỎI: Thực thi Sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Mỗi người chúng ta cố gắng trở thành chứng nhân đích thực của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Những người tiếp xúc, gặp gỡ tôi hằng ngày có nhận ra tôi là môn đệ của một Đấng Thiên Chúa nhập thể làm người, chết và phục sinh để cứu độ nhân loại không?

TYGLCG 127 Ngoài dấu chỉ chính yếu là mồ trống, cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu được làm chứng bởi một số phụ nữ; họ là những người đầu tiên đã gặp gỡ Người và đã báo tin cho các Tông đồ. Tiếp đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với Kêpha (tức là thánh Phêrô), rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra cùng một lúc với hơn năm trăm anh em (1 Cr 15,5-6) và còn nhiều người khác nữa. Các Tông đồ đã không thể bày đặt ra chuyện Phục sinh, vì Phục sinh đối với họ là chuyện không thể có được. Quả thật, Chúa Giêsu cũng đã trách cứ sự cứng lòng tin của họ. (X. Chúa Kitô trong mồ. Chúng ta kết hợp với Ngài trong bí tích rửa tội 624-628. Phục sinh: Sức mạnh của Thiên Chúa trong sự yếu đuối 272, 638, 647, 654. Phép Rửa: chìm vào trong sự chết Chúa Kitô chết, tái sinh, và soi sáng 1214-1222, 1225).

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Đêm Vọng Phục Sinh _Lm. Giuse Đỗ Đức Trí.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VII Phục sinh C: Môn Đệ Tình Yêu_ Lm. Peter Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu tuần VII Phục sinh C_ Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa thứ Năm Tuần VII Phục Sinh C: ĐỂ TẤT CẢ NÊN MỘT_ Tam Thái.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên C: "Hôn Nhân Trong Tình Yêu"_Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB.
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: TÁC ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN TRONG MỖI TÍN HỮU HÔM NAY_ Lm. Đan Vinh
     CHÚA THÁNH THẦN – LÀN GIÓ ĐƯA THUYỀN GIÁO HỘI RA KHƠI. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
     Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh Năm C: "CHỌN MẶT GỬI VÀNG "_Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Lm. Jos Tạ Duy Tuyền.