Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần XXVIII Thường
Niên
« Tốt hơn,
hãy bố thí những gì ở bên trong »
LỜI CHÚA : Lc 11, 37-41
37 Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời
Người đến nhà dùng bữa.
Tới nơi, Người liền
vào bàn ăn.38 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa
tay trước bữa ăn.
39 Nhưng
Chúa nói với ông ấy rằng: "Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén
đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện
cướp bóc, gian tà.40 Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không
làm ra cái bên trong sao? 41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên
trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.
SUY NIỆM
1.
Rửa tay trước bữa ăn
Một người Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su đến dùng bữa tại
nhà mình. Thánh Luca còn kể những dịp khác tương tự, chẳng hạn Đức Giê-su được
mời đến dùng bữa tại nhà một người Pha-ri-sêu khác, tên là Simon, và trong bữa
ăn, đột nhiên có một người phụ nữ đến khóc bên chân Chúa (x. Lc 7, 36-50).
Như thế, tương quan của Đức Giê-su với những người
Pha-ri-sêu không quá căng thẳng như chúng ta tưởng ; hơn nữa, mời nhau đến
dùng bữa tại nhà, là dấu chỉ của một sự thân thiện đặc biệt. Tuy nhiên, cứ mỗi
lần như thế, Đức Giê-su lại mặc khải sự « khác biệt thần linh » của
ngài đối với những người Pha-ri-sêu và qua họ, đối với chúng ta và với cả loài
người.
* * *
Ông Pha-ri-sêu thật có lý khi lấy làm lạ, vì Đức
Giê-su không rửa tay trước bữa ăn. Đó không chỉ vì lý do vệ sinh, nhưng rửa tay
còn là một nghi thức thanh tẩy. Phải thanh tẩy, hay nói rộng hơn, phải chuẩn bị
mình, cả bên trong lẫn bên ngoài, trước khi dùng bữa, bởi vì bữa ăn là ân huệ
Thiên Chúa ban. Cũng giống như nghi thức sám hối khi chúng ta bắt đầu cử hành Thánh
Lễ, và cũng giống như nghi thức rửa tay của linh mục trước khi bước vào nghi
thức truyền phép.
Nếu như thế, người Do thái đã vượt xa chúng ta trong
việc nhận ra ơn huệ Thiên Chúa, vì đối với họ, bàn ăn đời thường là « bàn
thánh », và bữa ăn hằng ngày cũng là một ơn huệ trọng đại Thiên Chúa ban
từ thủa tạo thiên lập địa và được hiện tại hóa mỗi ngày (xem St 1, 29 ;
Tv 136, 25). Do đó cần phải được thanh tẩy trước khi dùng bữa. Hành vi
chuẩn bị mình để đón nhận ơn huệ Thiên Chúa ban, là bữa ăn hằng ngày, quả thật
là một hành vi vừa đẹp (vì diễn tả lòng biết ơn), vừa đúng (vì bữa ăn diễn tả
ơn huệ lương thực) và vừa hay (vì sẽ định hướng sự sống và đời mình theo hướng
ca tụng và tạ ơn). Ước gì chúng ta cũng có tâm tình này khi đọc kinh, dâng lời
nguyện hay « làm phép » trước bữa ăn.
2.
Cái bên trong và cái bên ngoài
Tuy nhiên, cũng giống như chúng ta cử hành các nghi
thức, với thời gian, các nghi thức đánh mất đi ý nghĩa đích thực, và chỉ còn là
hình thức bên ngoài. Tệ hại hơn nữa, người ta còn nghĩ rằng nghi thức này làm
cho người ta tự động, như ma thuật, trở nên thanh sạch trước mặt Thiên
Chúa ! Đức Giê-su không chống lại những nghi thức thanh tẩy, nhưng chống
lại thái độ duy nghi thức, chỉ dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài, ở vẻ đẹp
bên ngoài : « Nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén dĩa, thì các
người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian
tà » (c. 39).
Như thế, đối với Đức Giê-su, các nghi thức không tự
động làm cho người trở nên thanh sạch ; nhưng ngược lại, những nghi thức
này trở nên vô nghĩa và trống rỗng nếu không diễn tả sự thanh sạch và vẻ đẹp
của tâm hồn, hay nói như Đức Giê-su, diễn tả một lối sống với Thiên Chúa và tha
nhân.
*
* *
Như vậy, phải chăng, bên trong mới quan trọng, bên
ngoài chỉ là tùy phụ, thậm chí không cần thiết ? Có những người dựa vào
lời này của Chúa để suy ra như vậy, khi nói : « Đạo tại tâm »,
nhằm biện hộ cho một lối sống đạo « bên ngoài chẳng có gì ? ».
Như đọc được suy nghĩ này của người nghe của mọi thời,
Đức Giê-su đã vượt qua sự đối lập giữa cái bên trong và cái bên ngoài, khi
nói : « Thật là ngốc ! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không
làm ra cái bên trong sao ? » Như thế, Đức Giê-su mời gọi chúng ta
nhìn ra hành động sáng tạo của Thiên Chúa ở trong mọi sự, cả cái bên trong cũng
như cái bên ngoài ; và đáp lại bằng một thái độ nội tâm, đó là « bố
thí những gì ở bên trong », để cho Thiên Chúa hiện diện và hành động nơi
con người trọn vẹn của chúng ta.
Và Đức Giê-su nói : « Thì bấy giờ mọi sự sẽ
trở nên trong sạch cho các người » (c. 41). Đây chính là quan niệm hoàn
toàn mới, « quan niệm thần linh » về thế nào là thanh sạch.
« Thanh sạch » là cả một con đường, « Con Đường của Tấm
Bánh », tấm bánh hằng ngày, Tấm Bánh mà Đức Giê-su trở nên, để nuôi sống
chúng ta và dẫn chúng ta đến và thưởng thức TẤM BÁNH HẰNG SỐNG.
3.
« Chúa ban bánh cho tất cả chúng sinh » (Tv 136, 25)
Theo kinh nghiệm sống của chúng ta, kinh nghiệm và Tv
135 diễn tả, “Ơn huệ bánh hằng ngày” đến từ:
Ø
Sáng Tạo (vì
là hoa mầu của ruộng đất), diễn tả chiều kích vĩnh cửu (Tv 136, 4-10).
Ø
Và đến từ
Lịch Sử (vì là kết quả do lao công
của con người), diễn tả chiều kích mới mẻ (Tv 136, 11-24).
Như thế, “Ơn huệ bánh hàng ngày” tự nó đã diễn tả
chính Thiên Chúa rồi. Vì “bánh hằng ngày” mang trong mình đồng thời hai chiều
kích vĩnh cửu và mới mẻ, vốn diễn tả
hành động của Thiên Chúa. Thế mà, hành động của Thiên Chúa diễn tả chính Thiên
Chúa.
Tin Mừng theo thánh Matthêu kể lại rằng, chia sẻ bánh
và rượu xong, Đức Giêsu hướng đến cuộc Thương Khó của Ngài “sau khi đã hát
Thánh Vịnh” (Mt 26, 30). Câu này đặc biệt gợi lại cho chúng ta Tv 136, bởi
vì cùng với các Thánh Vịnh khác, Tv 136 được hát lên để kết thúc bữa ăn Vượt
Qua. Như thế Tv 136 hướng đến Thánh Thể và Thánh Thể làm tròn đầy Tv 136.
Vì thế, hát Tv 136 sẽ làm cho chúng ta gần gũi hơn với
Đức Kitô, nhất là khi chúng ta nhận ra Ngài trong Thánh Vịnh này, vì Ngài chính
là Đấng ban cho chúng ta Bánh của Thiên Chúa, Bánh có sức đổi mới mạnh mẽ hơn
cả sự chết, vốn là thử thách tận cùng mà chính Ngài đã vượt qua. Nhưng đồng
thời, khi hát Tv 136, chúng ta cũng trở nên gần gũi với tác giả Thánh Vịnh hơn,
bởi vì chính tác giả cũng đã được lôi kéo bởi “Bánh Hằng Sống”. Giống như tác
giả Thánh Vịnh, chính chúng ta cũng đang được lôi kéo và vẫn chưa đi hết con
đường dẫn tới tấm bánh huyền nhiệm này.
Trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su cầm lấy BÁNH HẰNG
NGÀY, tạ ơn, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: “Các
con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy”. Như thế, nơi Bí Tích Thánh
Thể, Chúa ban cho chúng ta BÁNH HẰNG SỐNG, là chính Chúa.
Tin Mừng cho chúng ta biết tấm TẤM BÁNH này được nhào
nắn và đi qua con đường nào: BÁNH đã đi ngang qua thập giá của Đức Kitô, nơi
chốn đích thật cho sự biến đổi của BÁNH, đồng thời cho thấy BÁNH HẰNG SỐNG mạnh
hơn sự chết.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc