Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XI Thường Niên C
QUẢNG ĐẠI
LỜI
CHÚA: Mt 5, 38-42
38 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã
nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo
anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ
cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của
anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một
dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin thì hãy cho; ai muốn
vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi”.
SUY NIỆM
Có một dòng suối nhỏ chảy vào cái hồ rộng lớn. Một hôm dòng suối
ngao du và gặp một hồ nước lớn, dòng
suối lên tiếng hỏi: - Anh hồ nước ơi, hãy cho tôi theo với.
Hồ nước liếc mắt nhìn dòng suối tầm thường và lên giọng nói: - Đi
ra chỗ khác chơi, ở đây chúng tao không cần dòng suối bé tẹo như mày.
Dòng suối nhỏ cảm thấy hơi buồn nhưng vẫn tiếp tục dòng chảy của
mình. Dần dần nó cũng đến được biển lớn, nó chào và nói: - Bác biển lớn
ơi, hãy cho cháu đến chung sống với
bác nhé. Đại dương mênh mông mở rộng đôi
tay ôm dòng suối nhỏ vào lòng và mời gọi: -Hãy mau đến đây, tất cả các anh chị
của cháu đang nóng lòng đợi chờ cháu đến đấy. Từ đó dòng suối nhỏ vui thích ở lại
với biển lớn.
Chẳng bao lâu sau, khi
mùa hè đến, nước trong cái hồ kia bị khô cạn dần, nhưng dòng suối nhỏ vẫn tự do
thênh thang trong lòng biển lớn, và biển vẫn miên man vỗ từng đợt sóng xanh
xanh.
Sống ở trên đời ai cũng
yêu thích người có tâm hồn quảng đại, biết rộng lượng cho đi mà không tính toán
như câu chuyện kể ở trên. Chiếc hồ lớn vì ích kỷ không đón nhận lời cầu xin của
dòng suối nhỏ nên nước trong hồ mỗi ngày một khô cạn. Còn biển lớn bao la biết
mở lòng ra đón nhận dòng suối nên lúc nào cũng nước cũng tràn bờ cùng với những
đợt sóng vỗ không ngừng nghỉ đêm ngày.
Người quảng đại thì
không nghĩ đến lợi ích của bản thân mình nhưng luôn mưu cầu hạnh phúc cho người
khác. Quảng đại thì dễ dàng dấn thân phục vụ đem niềm vui đến cho người. Hãy
nhìn người mẹ chăm sóc đứa con nhỏ, bà hy sinh không mệt mỏi vì hạnh phúc của
người con. Nếu có nỗi vất vả nào thì cũng là sự vất vả của niềm vui, bởi lẽ người
mẹ nhìn thấy tương lai của mình ở những đứa con. Dù có phải hao tổn sức lực, đó
cũng là hao tổn của tình yêu thương.
Trong bài Tin Mừng
hôm nay, Chúa Giêsu so sánh cho các môn đệ thấy tinh thần của mới của luật yêu
thương là quảng đại tha thứ cho kẻ thù. Nếu luật cũ là “mắt đền mắt, răng đền
răng” thì luật mới là biến thù thành bạn, đổi ghét thành yêu, là trao cho người
khác cả những điều chúng ta đang cần: “Đừng
chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên
trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy
cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm”.
Chúa Giêsu
không có ý dung thứ cho cái ác và cái xấu nhưng Người muốn chúng ta lấy thiện để
thắng ác, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn. Mới nghe qua, chúng ta thấy thái độ
trên có vẻ nhu nhược, thất bại. Chỉ nơi tình thương Thiên Chúa, chúng ta mới
hóa giải được mọi lý lẽ của sự tha thứ. Ai trong chúng ta cũng yêu thích điều
thiện và ghét cái ác, nhưng chúng ta lại không nỗ lực vượt thắng và diệt trừ
cái ác. Nếu chưa thể diệt trừ được cái ác, chúng ta vẫn có thể giảm bớt nó bằng
cách gia tăng làm việc thiện. Việc thiện đó là tha thứ cho kẻ thù, chia sẻ cho
tha nhân những gì có thể, đó là làm gấp đôi những gì tha nhân cần và muốn.
Lòng thương xót
của Thiên Chúa thể hiện cách sống động nơi Đức Giêsu. Không có gì sâu thẳm và
cao quý cho bằng sự tha thứ. Thật vậy, tha thứ là mở ra cho tội nhân con đường
sống. Một Maria Mađalêna bị xã hội khinh miệt vì một quá khứ nhơ uế nhưng nhờ
ơn tha thứ, bà đã trở thành người môn đệ xuất sắc loan báo Tin Mừng. Phêrô - vị
tông đồ trưởng nhát sợ đã từng chối bỏ Chúa nhưng đã trở thành đá tảng vững chắc
xây nên tòa nhà Giáo hội. Một Saolô từng bắt bớ các kitô hữu đã trở thành tông
đồ nhiệt thành của dân ngoại. Điều này cho thấy Thiên Chúa biến đổi những con
người yếu đuối tội lỗi trở thành người thánh thiện mạnh mẽ. Tất cả chúng ta đều
là phàm nhân đầy những giới hạn và dễ dàng vấp ngã, chúng ta được mời gọi cậy dựa
vào ơn thánh Chúa để vượt thắng những yếu đuối mà hướng tới sự hoàn thiện nơi
Thiên Chúa. Ai đã từng vấp ngã càng cảm nhận giá trị và sức mạnh của ơn tha thứ.
Tác giả thánh vịnh 129 đã khiêm tốn nhìn nhận “Ôi Lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào ai đứng vững được chăng? Nhưng
Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 129, 3-4).
Trong đời sống hàng
ngày nếu chúng ta chia sẻ giúp đỡ người khác là lúc chúng ta nhận được nhiều ân
sủng từ Thiên Chúa, vì như thánh Phaolô đã khuyên nhủ “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35). Tất cả những gì chúng ta
đang có đều phát xuất từ Thiên Chúa. Cả mạng sống, thời giờ, sức khỏe, tài năng
đều do Thiên Chúa ban cho chúng ta hưởng dùng và để phục vụ người khác. Ân huệ
của Chúa thiên hình vạn trạng, nếu chúng ta biết cho đi thì Thiên Chúa càng ban
thêm nhiều cho chúng ta. Ngược lại, nếu ích kỷ giữ lấy cho riêng mình, chúng ta
càng nghèo nàn thiếu thốn. Mẹ Têrêsa Calcutta đã cảm nhận trong tình yêu rất cần
sự hy sinh, bởi lẽ “Tình yêu nếu muốn tồn tại phải được nuôi dưỡng bằng những hy sinh, nhất
là hy sinh cái tôi”. Vì thế mẹ đã không ngần ngại đón nhận những con người
bần cùng nhất trong xã hội như đón nhận những chi thể của Chúa Kitô. Hy sinh
nào cũng mất mát và đau khổ nhưng hoa quả của nó ngọt ngào. Điều căn bản của hy
sinh không phải để được đền đáp nhưng để được tự do và lớn lên.
Chúa Giêsu đã đến trần
gian để yêu thương và hiến mạng vì chúng ta. Ai bảo hy sinh là mất mát, quảng đại
thì thua thiệt. Bằng con đường khổ giá, Chúa Giêsu đã tiến sâu vào sự nhập thể
trọn vẹn trong Thiên Chúa Cha, để rồi tự do hiến dâng đời mình cho tình yêu.
Như trăm sông đổ về biển lớn mà biển vẫn dâng đầy và sông không vơi cạn. Tình
yêu là một tiến trình nhập thể trọn vẹn của hai đối tượng để nên một trong nhau
và cho nhau. Cũng vậy, hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá còn kéo dài mãi và được
hiện thực hóa trong Bí tích Thánh Thể. Nơi ấy Thiên Chúa hóa thành máu thịt của
chúng ta và biến chúng ta nên thần thiêng. Vì thế khi đón nhận Chúa Giêsu Thánh
Thể là chúng ta được hiệp thông trọn vẹn trong Thiên Chúa. Đón nhận Thánh Thể
là chúng ta nuốt lấy bí mật Thần Linh để được sống và sống mãi. Vì thế bí tích
Thánh Thể trở nên khuôn mẫu của tình yêu tự hiến. Và chỉ Thiên Chúa mới có sáng
kiến yêu thương kỳ diệu như vậy.
Lạy Thiên Chúa là nguồn mọi điều thiện hảo, đứng trước
Chúa, chúng con cảm thấy mình chỉ là dòng suối nhỏ đơn hèn như đứng trước biển cả
bao la, xin cho đời con mãi tuôn đổ về nguồn biển cả mênh mông để không ngừng
lớn lên, để được sống hoài sống mãi. Xa cách Chúa, chúng
con
cảm thấy
đời mình mệt mỏi rã rời, sức tàn lực kiệt, xin cho
chúng
con biết trở về bên nguồn cội yêu thương để đón nhận năng lực sống dồi dào sung
mãn. Amen.
Nt.
Maria Anh Thư, OP