LỄ CÁC LINH HỒN 2015:
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN
Hàng
năm, cứ đến những ngày đầu tháng 11, khi tiết trời vào thu, hàng cây thay lá, Giáo
hội lại nhắc chúng ta nhớ đến cùng đích đời đời của mỗi người là Nước Trời.
Giáo hội cũng dành tháng 11 để dạy mỗi người bày tỏ lòng thảo hiếu biết ơn ông
bà tổ tiên, đồng thời nhắc các tín hữu chuẩn bị cho ngày cuối cùng của cuộc đời
mình. Kính nhớ ông bà tổ tiên là nét đẹp trong văn hoá Việt Nam. Việc bày tỏ
lòng thảo hiếu không chỉ là văn hoá mà còn là Đạo hiếu, Đạo làm người. Như thế,
những ai không chu toàn đạo làm con, đạo làm người này, thì cũng không thể chu
toàn đạo làm con Chúa được. Tuy nhiên, không phải mọi người Công Giáo đều ý thức
được điều này, vì thế, đã xảy ra biết bao tình trạng ngược đãi đối với ông bà
cha mẹ, bỏ bê việc hiếu thảo, khiến cho nhiều người ngoại giáo nghĩ rằng : Theo
đạo Công Giáo là phải từ bỏ ông bà tổ tiên, không được giỗ chạp.
Chắc
chắn là con người, ai cũng phải chết. Người ta tưởng rằng khoa học ngày nay có
thể kéo dài tuổi thọ, xua đi cái chết của con người, nhưng thực tế lại không
như vậy. Con người dường như chết trẻ hơn, các bệnh tật, nhất là ung thư, ngày
càng phổ biến hơn. Có những người giàu có, cuộc sống không thiếu thốn, họ đủ tiền
để đi chữa bệnh ở ngoại quốc, nhưng vẫn không thoát khỏi cái chết. Có những người
mới ngày hôm qua còn gặp mặt cười nói, thì hôm sau đã nằm yên bất động. Nhắc lại
một vài trường hợp như thế để mỗi người thấy rằng, cuộc sống này thật mong
manh, kiếp nhân sinh thật vắn vỏi. Vậy mà có nhiều người vẫn cố tình quên điều
đó, họ bỏ qua Thiên Chúa để bám vào trần gian như cùng đích của cuộc đời mình.
Ông
Gióp đã trải qua những quãng đời giàu có phong lưu, rồi mất trắng trở về tay
không, từ một người khoẻ mạnh, bạn hữu tới lui, trở thành một người bệnh tật
ghê tởm, mọi người xa tránh. Dù vậy, ông vẫn xác tín vào Thiên Chúa và hy vọng
mạnh mẽ vào cuộc sống đời sau. Trong bài đọc một, ông Gióp đã nói lên niềm xác
tín của mình : Tôi biết rằng, Đấng cứu chuộc tôi hằng sống, và sau hết, tôi sẽ
từ bụi đất sống lại, và trong chính xác thịt tôi, tôi sẽ được nhìn thấy Thiên
Chúa của tôi. Lời tuyên xưng này cho thấy, ông đặt trọn niềm hy vọng cuộc đời của
ông vào nơi Chúa. Điều ông chờ đợi duy nhất sau cuộc sống này là được nhìn thấy
Thiên Chúa bằng chính con mắt của mình chứ không còn phải nhìn bằng đức tin nữa.
Niềm
tin vào sự sống đời sau được củng cố nhờ vào lời mặc khải của Chúa Giêsu. Ngài
đã quả quyết với chúng ta rằng: Ai đến với Tôi sẽ không bao giờ bị loại trừ,
không bao giờ bị hư mất, nhưng Tôi sẽ ban cho họ sự sống đời đời. Thiên Chúa
khi tạo dựng con người, Ngài muốn cho con người hạnh phúc. Tuy nhiên do tội
nguyên tổ và tội của mỗi người, cũng như do sự lôi kéo của ma quỷ, xác thịt và
thế gian đã khiến chúng ta xa Chúa và quên mục tiêu đời mình là tìm về với
Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã được sai đến để chỉ cho con người con đường hạnh
phúc, để đưa tất cả nhân loại về với Chúa Cha. Ngài đã chấp nhận cái chết để
đem lại sự sống cho con người. Tuy nhiên, chỉ những ai tin Chúa Giêsu, lắng
nghe và bước theo Ngài thì mới có thể đạt tới sự sống hạnh phúc được.
Tham
dự ngày lễ Cầu hồn hôm nay, mỗi người hãy dừng lại để suy nghĩ và chỉnh sửa cuộc
sống của mình, để sống làm sao cho trọn đạo với Chúa và với những bậc tiền
nhân.
Công
cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Chúng ta không thể
kể hết, không thể đo đếm được công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Chúng ta
có thể nhìn thấy những tấm gương hy sinh của các bậc cha mẹ : Có những người cha
già tám mươi tuổi vẫn phải vất vả nuôi những đứa con tật nguyền, có những người
mẹ hốc mắt thâm quầng vì nhiều đêm thức trắng trông con đau ốm. Ngược lại, có
những người con ném cha mẹ ra đường để giành của cải, có những người cha phải
nhắm mắt trong tủi nhục vì con cái ngỗ nghịch.
Ngày
lễ Cầu hồn hôm nay nhắc chúng ta sống thảo hiếu, sống trọn tình với người còn sống
cũng như những người đã khuất. Chắc chắn đứng bên phần mộ người thân đã ra đi,
những hình ảnh, những ký ức của người thân sẽ lại trở về với mỗi người. Có thể
là những ký ức, kỷ niệm thật vui và hạnh phúc, vì những năm tháng tròn đầy được
sống cùng nhau, đã sống hết mình, hết tình với nhau ; nhưng cũng có nhiều ký ức
khiến mỗi người tự xấu hổ và hối hận. Có những người khi cha mẹ người thân còn
sống đã tỏ ra vô tình dửng dưng, thiếu yêu thương, thiếu chăm sóc. Có những người
cứ nghĩ rằng mỗi tháng trả cho cha mẹ vài triệu là đã hết công sinh thành dưỡng
dục, vì thế, khi cha mẹ đau yếu liệt lào, họ chưa được một lần tự tay chăm sóc
cho cha mẹ. Nay khi cha mẹ qua đời, họ cố gắng xây mộ thật to để che mắt thế
gian và để đánh lừa sự áy náy trong tâm hồn mình.
Không
chỉ bổn phận thảo hiếu với cha mẹ, mỗi người còn mang trách nhiệm, bổn phận với
vợ, chồng, con cái. Nhiều người khi vợ, chồng còn sống đã thiếu sót bổn phận,
coi thường khinh rẻ nhau, chửi bới đánh đập nhau suốt ngày, thế nhưng, lúc người
kia mất đi, họ khóc vật vã, kể lể để dối lòng mình. Có những người lúc sống
không nhìn mặt nhau, thế nhưng lúc chết lại đòi cho được nằm cạnh nhau, việc
làm đó chỉ là sự giả dối để che mắt thế gian. Điều quan trọng không phải nằm chỗ
nào, sang hay hèn, mộ to hay nhỏ, những điều quan trọng là mình đã sống, đã đối
xử với người thân thế nào khi họ còn sống. Điều quan trọng hơn nữa là phải sống
làm sao để cùng nhau lên thiên đàng, để tránh rơi vào cảnh “Thiên đàng hoả ngục
hai bên”.
Chúng
ta hãy sống sao cho mỗi lần tháng 11 về, mỗi lần ra thăm mộ, mỗi người không phải
áy náy hối hận, không còn những giọt nước mắt muộn màng. Muốn vậy thì ngay bây
giờ, chúng ta hãy sống với nhau cho tròn đầy:
Với
mẹ cha, hãy hết lòng yêu thương kính trọng, vâng lời. Hãy chia sẻ gánh nặng
kinh tế và lo lắng với các ngài. Hãy làm vơi đi sự nhọc nhằn trên đôi vai của
cha mẹ, hãy làm cho cha mẹ nở nụ cười hạnh phúc và tự hào vì con cháu. Lúc các
Ngài tuổi cao sức yếu, hãy kiên nhẫn và kính trọng, vì ngày xưa các ngài đã từng
hết sức kiên nhẫn với chúng ta. Đừng làm gì khiến cha mẹ tủi nhục, đừng đối xử
với cha mẹ như con ăn đứa ở trong gia đình, cũng đừng kể công, tính sổ với các
ngài, vì các ngài chưa bao giờ tính công sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta. Sóng
trước đổ đâu sóng sau đổ đó, hôm nay chúng ta biết kính trọng, yêu mến mẹ cha của
mình, thì sau này, con cháu cũng sẽ biết yêu mến, kính trọng chúng ta. Đừng bao
giờ trở thành gương xấu cho con cháu trong việc thảo hiếu mẹ cha.
Với
anh chị em, vợ chồng và những người chung quanh, hãy nhớ rằng, chúng ta sẽ
không sống mãi trên cuộc đời này, sẽ có ngày chúng ta phải chia tay nhau. Vì thế,
khi còn có cơ hội gần nhau, bên nhau, hãy yêu thương nhau cho thật tình, hãy
yêu mến hết mình, đừng so đo tính toán thiệt hơn. Cuộc sống thật vắn vỏi, hãy loại
trừ những tranh chấp hơn thua, nhỏ mọn để sống quảng đại với nhau ; hãy nói với
nhau những lời lẽ chân tình, dễ nghe và cư xử với nhau với lòng nhân ái, để khi
người thân mất đi, chúng ta sẽ không phải hối hận vì đã yêu quá ít.
Sau
cùng hãy nhớ rằng, sau cánh cửa sự chết, chúng ta sẽ gặp lại nhau. Chúng ta sẽ
muốn nhìn thấy nhau trong tình trạng nào, vui hay buồn, hạnh phúc hay bất hạnh?
Vì thế, đừng bao giờ nuôi hận thù đối với nhau, cũng đừng đem hận thù xuống nấm
mồ, vì thù hận sẽ không thích hợp với Nước Trời là nơi hạnh phúc. Nếu cố tình
nuôi dưỡng thù hận, chúng ta sẽ không vào Nước Trời và không thể gặp lại nhau
được nữa.
Thiên đàng là nơi hạnh phúc, có Thiên Chúa là
Cha đang chờ đợi mỗi chúng ta, nơi đó là quê hương đích thực và cùng đích của mọi
người. Xin cho chúng ta trên hành trinh trần thế đừng bao giờ quên cùng đích cuộc
đời của mình. Xin cho mỗi người luôn biết chuẩn bị sẵn sàng cho ngày trở về, để
khi ngày ấy đến, chúng ta thanh thản ra đi mà không phải hối tiếc vì đã không
làm gì cho Chúa, cho mình và cho những người chung quanh. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc