Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Giáng Sinh
NIỀM VUI GẶP GỠ
LỜI
CHÚA: Ga 1,43-51
43
Khi ấy, Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê, Người gặp ông Philipphê và
nói: “Anh em hãy theo tôi”. 44 Ông
Philipphê là người Bếtxaiđa, cùng quê với các ông Anrê và Phêrô.
45
Ông Philipphê gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ
nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét”. 46 Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao
có cái gì hay được ?” Ông Philipphê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47 Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía
mình liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Israen, lòng dạ không có
gì gian dối”. 48 Ông Nathanaen hỏi
Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philipphê gọi
anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi”. 49 Ông Nathanaen
nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israen!” 50 Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã
thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao
hơn thế nữa”. 51 Người lại nói: “Thật,
tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên
Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”.
SUY
NIỆM
Trình thuật Tin Mừng
theo thánh Gioan hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và tông đồ
Bartôlômêô. Ngài là một trong số 12 tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn đầu tiên.
Theo thánh sử Gioan, tông đồ Bartôlômêô còn được gọi là Nathanaen, danh xưng
này có nghĩa là “Thiên Chúa đã ban cho”.
Narthanael chính là
người con của ông Ptoleemy (Tlômêô), cư ngụ tại Cana, xứ Galilê. Có lẽ Nathanaen
cũng được mời tham dự tiệc cưới cùng với Đức Giêsu và Mẹ Maria, và ông đã chứng
kiến phép lạ nước lã biến thành rượu ngon (x.Ga 2,1-12). Trước khi được kêu
gọi, thánh Bartôlômêô đã được thánh Philipphê giới thiệu về Đấng mà Môsê trong Lề
luật cùng các tiên tri nói đến, Đấng ấy chính là Đức Giêsu, con ông Giuse người
Nadarét.
Thoạt đầu thánh
Bartôlômêô không mấy thiện cảm với những người dân vùng lân cận nên đã tự
hỏi: - “Từ Nadarét thì có thể xảy ra điều gì tốt được!” Đối với ông, không
thể có chuyện một người quan trọng lại xuất thân từ một nơi tầm thường như
Nazareth. Giống như nhiều người Do Thái, ông tưởng tượng rằng Đấng Mêsia, dòng
dõi vua Đavít phải xuất thân từ ngôi làng của tổ phụ, đó là làng Bêlem. Thấy
vậy, ông Philipphê liền thuyết phục ông hãy “cứ đến mà xem”.
Khi Bartôlômêô đến
gần Chúa Giêsu, Người tỏ ý khen ngợi vì ông là một người Israen lòng dạ ngay
thẳng không có điều gì gian dối. Lời nhận xét này làm Bartôlômêô kinh ngạc và ông
tự hỏi: “Làm sao Người lại biết tôi?”
Đức Giêsu trả lời vì Người đã nhìn thấy ông dưới cây vả, đều này đã chạm đến
tậm đáy sâu tâm hồn Bartôlômêô khiến ông nhận ra nguồn gốc thiên sai và sự thật
cao cả về con người Chúa Giêsu.
Cuộc đời thánh
Bartôlômêô gắn liền với Thầy Giêsu và nhóm Mười hai. Sau khi đón nhận Thánh
Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, thánh Bartôlômêô nhiệt thành ra đi truyền giáo. Có
nhiều truyền thống cho biết, ngài đã truyền giáo tại Tiểu Á, Mêsopotamia,
Persia, Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nhất ở vùng Armenia. Vì thế người tín hữu ở đây
tôn kính thánh nhân như vị tông đồ dành cho họ. Người ta kể rằng, khi thánh
tông đồ đến Armenia, nơi vua Polimio và triều đình cư ngụ thì mọi quỷ thần ở
đấy đều vâng phục. Ngài giải thoát cho nhiều người khỏi bị quỉ ám, trong số đó
có cả nàng công chúa của vua. Vua liền cho mời Ngài đến triều đình truyền cho
quỉ thần phải nói sự thật về số phận đời đời của nó. Nhà vua cảm động ban tặng
tiền bạc cho vị tông đồ, nhưng Ngài từ khước, chỉ cầu mong mọi người nhận biết
và thờ phượng Thiên Chúa.
Từ sự việc đó, các tư
tế thờ ma quỉ tức giận, họ xúi giục dân chúng nổi dậy chống lại thánh tông đồ.
Attiges em vua Polimiô bắt ngài tống ngục. Ông nổi giận ra lệnh lột da và nổi
lửa thiêu sống thánh nhân. Nhưng nhờ quyền năng Chúa, ngài đã được cứu sống.
Ngày nay trong đền thờ Sixtine ở Rôma còn lưu giữ bức tranh của họa sĩ Michel
Ange vẽ thánh Bartôlômêô nằm cạnh con dao và trong tay cầm miếng da của chính
mình. Sau đó ngài bị trảm quyết vì danh Đức Giêsu. Truyền thống Giáo hội cho
rằng xác ngài được chuyển về Beneventô. Năm 983, di tích của thánh tông đồ
Bartôlômêô được hoàng đế Ottô III đưa về lưu giữ ở thành phố Rôma.
Mỗi kitô hữu chúng ta
cũng được Chúa mời gọi hãy “đến mà xem”. Một khi có sự gắn kết gần gũi với Đức
Giêsu, chúng ta sẽ được Người khai lòng mở trí, khơi lên trong tim ta ngọn lửa
yêu mến. Không phải chúng ta đi tìm Chúa, nhưng chính Chúa đã tự nguyện đến với
chúng ta trước. Thiên Chúa biết rõ những điều sâu kín trong tâm hồn ta. Người
hứa sẽ cho ta thấy những điều lớn lao, thấy cảnh trời rộng mở và thấy hoạt động
của các thiên thần Chúa. Nhờ cuộc gặp gỡ thân tình với Đức Giêsu mà chúng ta được
biến đổi từ một con người cứng nhắc chai đá thành một người khiêm tốn và biết
lắng nghe. Nếu không có sự gần gũi với Chúa, chúng ta sẽ dễ nghi ngờ, dễ bị ngả
theo những thói đời giả dối, những cám dỗ của tiền bạc thế gian.
Không chỉ gặp gỡ
Thiên Chúa, chúng ta còn có bổn phận giới thiệu danh Thiên Chúa cho người khác
bằng thái độ sống bác ái yêu thương và khiêm tốn phục vụ. Trong Tông huấn Niềm
Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín về sức sống mới của những ai có
cuộc gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa “Niềm
vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và trọn cuộc sống của những ai gặp gỡ Đức Giêsu.
Những ai để cho Người cứu độ, sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đau buồn,
khỏi cuộc sống trống rỗng, khỏi nỗi cô đơn” (EG 1).
Gặp gỡ và tin theo
Chúa không phải là sự tình cờ nhưng là một tiến trình đòi hỏi chúng ta phải
kiên trì bền bỉ trong cầu nguyện và khát khao yêu mến. Thiên Chúa luôn tạo cho
ta những cơ hội, gửi đến cho ta những con người để dẫn dắt ta đến với Chúa.
Muốn đạt được niềm tin ấy, chúng ta phải cậy nhờ vào ơn Chúa. “Dù ở đâu hay bất cứ hoàn cảnh nào, hãy canh
tân ngay việc gặp gỡ cá nhân của mình với Đức Giêsu Kitô, ít nhất là, quyết
định để cho Người gặp gỡ chúng ta, mỗi ngày luôn tìm kiếm Người […] Đó là giây phút
để nói với Đức Giêsu Kitô: “Lạy Chúa! Con đã sai lầm khi ngàn lần trốn khỏi
tình yêu của Chúa, dù vậy, con hiện diện nơi đây để canh tân lại giao ước với
Ngài. Con cần đến Chúa. Lạy Chúa! Xin cứu con, đón nhận con một lần nữa trong
bàn tay cứu độ của Ngài” (EG 3).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng tình yêu thương mà chinh phục các
môn đệ đầu tiên, xin cho chúng con cũng có được thời gian gặp gỡ Thiên Chúa qua
cầu nguyện và mọi biến cố vui buồn trong cuộc sống, để chúng con có được sức
sống và niềm vui đích thực. Chúng con xin mãi mãi chúc tụng và ngợi ca tình
thương Chúa. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP