Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XI Quanh Năm C
ĐẠO ĐỨC THỰC
Lời Chúa: Mt
6, 1-6.16-18
(1) Bấy giờ, có
những người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc lại gần Ðức Giêsu, và để thử
Người, thì xin Người cho thấy một dấu lạ từ trời. (2) Người đáp:
"Chiều đến, các ông nói: "Ráng vàng thì nắng", (3)
rồi sớm mai, các ông nói: "Ráng trắng thì mưa". Cảnh sắc bầu trời thì
các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi. (4)
Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu
lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna". Rồi Người bỏ họ mà đi. (5) Khi
sang bờ bên kia, các môn đệ quên đem bánh. (6) Ðức Giêsu bảo các
ông: "Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pharisêu và Xađốc".
(16) Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa
hằng sống". (17) Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con
ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh
điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy,
Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ
xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
Suy Niệm:
Cuộc sống xã hội hôm nay muôn màu muôn vẻ. Có những
mặt tích cực đan xen những phần tiêu cực. Thật giả lẫn lộn, nhất là về vấn đề
luân lý, đạo đức. Buổi sáng, bước ra ngoài đường, người ta đã gặp bao việc rắc
rối như : gặp người bị nạn, đến gần giúp đỡ, thì bị gieo oan. Còn mua hàng hoá
tại các cửa hàng nổi tiếng là “chính hiệu”, nhưng vẫn bị nhầm “hàng nhái, hàng
giả”. Vật chất là thế, còn tinh thần, lương tâm con người thì sao? Nền đạo đức
luân lý bị bóp méo và biến chất do lòng tham, sự ích kỷ và tính khoe khoang của
con người. Bài Tin Mừng hôm nay muốn nói lên lòng đạo đức đích thực mà con người
cần có, để sống tương quan với Thiên Chúa và với nhau.
Khởi đầu chương 06, Chúa Giêsu đã dùng 3 yếu tố
chính của lòng đạo đức Do Thái Giáo, đó là : bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
Thánh sử Mátthêu có một cái nhìn tổng quát về 3 sự kiện này với một câu tóm gọn
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên
hạ thấy” (1a). Chúa Giêsu dặn chúng ta không nên sống cái vẻ bề ngoài như tổ chức
thật to, thật rầm rộ để người đời ca tụng, vì như thế công phúc trước mặt Thiên
Chúa sẽ không gắn liền với thánh ý Thiên Chúa. Một hành vi của công chính phải
được khởi đi từ một nguyên do tốt lành và hướng tới mục đích cao đẹp, sáng ngời
vẻ thánh thiện và đượm đầy tình nhân ái. Cả 3 hành vi bố thí, cầu nguyện, ăn
chay đều đạt được nguyên nhân và mục đích trên. Nhưng điều đáng nói ở đây là :
chúng ta muốn Thiên Chúa hay người đời chứng nhận “sự công chính” này? Nếu
chúng ta làm những hành vi trên cốt để cho người ta thấy mà khen ngợi; nếu
chúng ta muốn làm hài lòng con người, thì chẳng còn chỗ dành cho Thiên Chúa, để
Ngài khen thưởng chúng ta, vì đường lối
của Thiên Chúa không phải là đường lối con người và tư tưởng Thiên Chúa cũng vượt
xa tư tưởng con người. Như vậy, đức công chính đã bị hiểu sai ý nghĩa, bởi đến
ngày chung thẩm, đức công chính chỉ là chuyện giữa ta với Thiên Chúa mà thôi.
Việc “bố thí” ngày nay trong xã hội đã được áp dụng
rộng rãi, theo phong trào, vì khi làm việc phúc lợi, các công ty sản xuất sẽ được
miễn hoặc giảm thuế. Còn về phía lương tâm công giáo, nhiều người cho rằng :
khi bố thí cho người nghèo khổ sẽ tẩy xoá được tội lỗi (Tb 12,9) và có giá trị
như một hy lễ (Hc 35,2). Chúa Giêsu không bài bác sinh hoạt đạo đức này, nhưng
Ngài chỉ tố cáo cách thực hành khoe trương thôi. Đây là một thói “giả hình”
đúng nghĩa nhất. Còn đối với môn đệ người đích thực, mọi việc được thi hành
trong kín đáo, vì biết mình chỉ là quản lý phân phát của cải Thiên Chúa cho anh
chị em. Thiên Chúa – là người chủ - là người cha sẽ quý trọng và khen thưởng
đích đáng về hành vi ấy. Điều này chúng ta cũng thấy xảy ra trong đời sống khi
một số người làm việc thiện đã yêu cầu không nêu danh tánh.
Về việc cầu nguyện, tôi chỉ xin nói đến nơi chốn cầu
nguyện. Chúa dạy chúng ta cần vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Đó không hẳn
chỉ là căn phòng với 4 bức tường xây kín, đầy đủ trang thiết bị mà chỉ những người
khá giả mới có; nhưng là căn phòng “nội tâm” là tâm hồn mỗi người chúng ta, đều
có thể là nơi dành riêng cho việc cầu nguyện. Cầu nguyện là cuộc đối thoại
riêng tư, thân mật giữa ta và Thiên Chúa. Vậy chúng ta cần đi sâu vào cõi lòng,
nơi đó mới có sự thinh lặng nội tâm, sự yên tĩnh tâm hồn và chỉ nơi đó chúng ta
mới nghe được tiếng Chúa nói, mới nghe được Lời Chúa chỉ dạy và mới có thể đem
ra thực hành trong cuộc sống hàng ngày.
Ăn chay – đối với dân Israel - là một dấu chỉ tang
tóc, dân bị lưu đày, thành quách bị tàn phá... nhưng ăn chay còn là dấu hiệu
sám hối của tâm hồn. Chúng ta cũng thấy có những người sau một thời gian “tung
hoành ngang dọc”, thì “vào chùa cắt tóc quy y” hoặc lên núi, tìm nơi cô tịch
“tu tâm, tích đức”, như muốn đền bù những lỗi lầm, tai hại đã gây ra. Nhưng
cũng có những con người “khẩu phật, tâm xà”, làm cho đừoi sống của người khác
phải “thất điên bát đảo”.
Xét cho cùng, 3 hành vi đạo đức trên quả là rất hữu
hiệu nếu chúng ta khởi đi từ nguyên do ngay lành và hướng tới mục đích thánh
thiện. Thánh sử không phản bác giá trị của nó nhưng ông cũng khẳng định không
nên quan trọng hoá các dấu chỉ bên ngoài, vì sẽ tạo nên “tiếng thơm”, cốt để
khoe mẽ hơn là vì lòng yêu mến Chúa, vì tình bác ái với anh chị em.
Người Kitô hữu ngày nay cần cẩn trọng khi thực
hành 3 hành vi đạo đức này, vì không khéo chúng ta dễ rơi vào cái vòng danh lợi,
tạo “tiếng tăm” cho mình, làm “biến chất” ý nghĩa đích thực của chúng, gây
gương mù gương xấu cho người lương dân, bởi chúng ta đã từng nghe có nhận xét về
cách sống đạo của chúng ta “tin đạo, chứ không tin người có đạo”. Câu nói này
tuy “vơ đũa cả nắm”, nhưng cũng gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh lương tâm mỗi
người.
Lạy Chúa,
xin cho chúng con trái tim tinh tuyền, ý nghĩ trong sáng, để khi chúng con làm
bất cứ công việc gì, đều vì danh Chúa và cho Danh Chúa cả sáng mà thôi. Amen
Nữ Tỳ Thánh Thể