Suy niệm Tin Mừng Thứ 3, tuần thứ 4 Mùa Vọng
Lk 1, 26-38
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !"
35 Sứ thần đáp : "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
SUY NIỆM:
Ngạn ngữ Ý có câu “một căn nhà không dựa trên mặt đất, nhưng dựa trên một người phụ nữ”. Đối với Thiên Chúa, không có điều gì là không thể không làm được. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi sự cộng tác của con người. Thiên Chúa cần sự cộng tác qua tiếng “xin vâng” thuận theo ý Chúa của Mẹ Maria để khởi đầu chương trình cứu độ. Dù rằng chưa thể lường trước được tất cả những gì sẽ xảy ra trong việc thực thi ý muốn của Thiên Chúa, nhưng Đức Maria vẫn đáp lại: “xin vâng” trong một niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa tình thương và đầy quyền năng. Có lẽ Mẹ Maria cũng không bao giờ mường tượng hết được những đoạn trường trong lời xin vâng của mình, nói theo nhận định của Thánh Tô-ma, lời “xin vâng” của Mẹ Maria diễn tả vượt quá mức độ dấn thân của cá nhân. Hay nói như ai đó đã viết về Mẹ: “Đôi môi thiếu nữ cất tiếng xin vâng, ngón tay thôn nữ lật trang đoạn trường”. Trong bối cảnh Do Thái thời đó, Mẹ biết cái giá phải trả rất đắt, và có thể bị ném đá cho đến chết về việc “chưa chồng mà lại có thai”. Chính vì vậy, lời xin vâng của Mẹ hàm chứa một sự liều lĩnh và hết sức mạnh mẽ và qua đó thể hiện một lòng tín thác tin yêu rất kiên định.
Nhưng hơn thế, lời xin vâng của Mẹ, cho thấy Mẹ có một cảm thức dân tộc rất sâu sắc. Sự chấp thuận lời của Thiên Sứ báo tin, Mẹ Maria quả thật chia sẻ trọng trách và sự đồng cảm sâu sắc và đầy trách nhiệm của Mẹ đối với sự mòn mỏi mong đợi Đấng Em-ma-nu-el của cả dân tộc. Đó là cảm thức về dân tộc thánh, một dân tộc sẽ sinh ra Đấng Cứu thế của Israel. Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa trong tình yêu thương mẫu tử hy sinh thầm lặng đối với Chúa Giê-su cách riêng, nhưng đối với nhân loại nói chung. Đây là một vinh dự, nhưng cũng là một trọng trách và thách đố nặng nề và đoạn trường cho Mẹ đối với Chúa Giê-su và đối với nhân loại.
Tiếng xin vâng của Đức Trinh Nữ Maria không phải chỉ trong một lần nhưng suốt cả hành trình đức tin của Mẹ. Khởi đi, từ việc Mẹ xin vâng như Abraham từ bỏ cái riêng để xin vâng “xin làm cho tôi..”; xin vâng chấp nhận nhiều đau khổ khi bị Thánh Giu-se nghi ngờ; Chúa Giê-su con Thiên Chúa lại bị xua đuổi phải sinh ra trong hang bò lừa tanh hôi; sinh con chưa kịp nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe đã phải vội vã bỏ trốn Ai Cập; bản tính tự nhiên, của người Mẹ, chắc Mẹ nhiều lần ngậm đắng nuốt cay, cảm giác cô đơn vì đứa con “nay đây mai đó”; Mẹ phải chấp nhận “điều ra tiếng vào” về đứa con của mình; và tuyệt đỉnh của thách đố, Mẹ Maria như chết lặng nhìn con bị treo trên thập giá như một tên tử tội…
Xin Mẹ Maria ban cho chúng con niềm tin tín thác, lòng yêu mến và tinh thần chia sẻ trách nhiệm cao của Mẹ, để chúng con sống tròn đầy niềm tin là một Ki-tô hữu vào những công việc chung của xã hội, Giáo hội, cộng đoàn, và gia đình…nơi mà Thiên Chúa vẫn luôn nói với mỗi người chúng con qua rất nhiều biến cố. Amen
Minh Tứ.