CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG ABC
Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
CHÚA PHỤC SINH TRAO BAN THẦN KHÍ
I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Ga 20,19-23
(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.(22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
2.Ý CHÍNH:
Chúa Giê-su Phục Sinh hiện đến mang lại cho các môn đệ sự bình an (c 19) và niềm vui (c 20). Sau đó Người sai các ông đi (c 21a), giống như Chúa Cha đã sai Người (c 21b). Cuối cùng, để giúp các ông chu toàn sứ mạng, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông (c 22), nhờ quyền năng Thánh Thần, các ông sẽ tha hay cầm giữ tội của người ta tùy theo họ tin hay không tin lời rao giảng của các ông (c 23).
3.CHÚ THÍCH:
- C 19-20: + Vào chiều ngày ấy, ngày thứ Nhất trong tuần: Theo sách Sáng Thế, ngày thứ Nhất là ngày sau ngày Sa-bát. Từ nay, ngày thứ Nhất được gọi là Chúa Nhật nghĩa là Ngày của Chúa để kỷ niệm mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và các Ki-tô hữu có bổn phận hội họp nhau lại cử hành nghi thức Bẻ Bánh. + Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái: Lý do cửa đóng then cài, là vì các ông bị hoang mang giao động. Các ông sợ người Do thái sẽ đến bắt bớ các ông như họ đã bắt Thầy các ông.+ Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông: Điều này cho thấy thân xác Chúa Phục Sinh không còn bị giới hạn trong không gian và thời gian như khi Người còn đang sống. +“Bình an cho anh em !”: Trong bữa Tiệc ly trước khi nộp mình chịu chết, Đức Giê-su đã hứa ban bình an cho môn đệ (x. Ga 14,27), và động viên các ông can đảm đương đầu với những thử thách sắp đến (x. Ga 16,33). Giờ đây sau khi sống lại, Người đã thực hiện lời hứa ấy bằng việc hai lần chúc bình an cho các ông (x. Ga 20,19.21). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Chúa Giê-su cho môn đệ xem các dấu đinh đã bị đinh đóng xuyên thủng nơi hai bàn tay (x. Ga 19,23) và vết thương bị lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này chứng tỏ thân xác Chúa Phục Sinh cũng chính là thân xác Người đã từng chịu khổ nạn trước đó.
-C 21-23: + Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em: Việc hiện ra và sai các môn đệ ngay sau khi sống lại, cho thấy mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng của ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin mừng của Hội thánh. Như Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai xuống trần gian, thì giờ đây, sau khi phục sinh và được Chúa Cha siêu tôn làm “Chúa” (x. Pl 2,11) và được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18), Người lại sai các môn đệ ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người (x. Mt 28,19), và làm chứng nhân cho Người (x. Cv 1,8). + Người thở hơi vào các ông và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần: Xưa khi sáng tạo lòai người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào hình nhân bằng đất sét, để hắn trở thành một người sống động là ông A-dam (x St 2,7). Thì nay, Chúa Phục Sinh cũng thổi Thần Khí để biến đổi các môn đệ nên người mới, đầy ân sủng sự sống của Thánh Thần. Tuy nhiên ngay lúc này các ông chưa đón nhận được ơn Thánh Thần, vì còn thiếu đức tin. Vì thế Chúa Phục Sinh đã phải hiện ra nhiều lần và dùng nhiều cách để tăng cường đức tin cho các ông. Chờ đến lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban trước đó mới phát huy tác dụng trên các ông (x. Cv 2,1-4). + Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ: Đức Giê-su đã được Gio-an Tẩy giả giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Sứ mạng của Người là tẩy xóa tội lỗi loài người bằng việc ban ơn tha thứ cho những tội nhân thực lòng sám hối và biết đặt trọn niềm tin nơi Người (x Lc 23,40-43). Giờ đây các môn đệ cũng được Người trao quyền tha tội trong quyền năng Thánh Thần.
4.CÂU HỎI:
1) Tại sao Chúa Giê-su cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Người sau khi sống lại ?
2) Người dã sai các ông đi rao giảng Tin mừng khi nào ?
3) Đức Giê-su đã làm gì để ban Thánh Thần cho các môn đệ ?
4)Các ông đã nhận được ơn Thánh Thần vào lúc nào? Nhưng các ông chỉ được Thánh Thần tác động thực sự khi nào ? Tại sao ?
5) Chúa Phục Sinh đã ban quyền tha tội và cầm buộc cho các môn đệ qua câu nói nào ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1.LỜI CHÚA: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
2.CÂU CHUYỆN: THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG TRONG CÁC TÍN HỮU:
Trên một toa tàu chợ phát xuất từ thành phố Can-quýt-ta Ấn Độ, giữa đám hành khách nghèo khổ đang ngồi la liệt trên sàn tàu, có một phụ nữ tay cầm tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng lẩm bẩm đọc kinh. Người phụ nữ đó không ai khác hơn là bà Tê-rê-sa. Về sau người đời đã gọi bà bằng một cái tên thân thương: “Mẹ Tê-rê-sa thành Can-quýt-ta”. Bà là người đã sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, với nhiệm vụ chuyên lo tìm kiếm những bệnh nhân nghèo khổ đang hấp hối gần chết và bị bỏ rơi trên các hè phố thành Can-quýt-ta. Họ thuộc giai cấp cùng đinh trong xã hội nước Ấn. Sứ mệnh của chị em nữ tu này là mang những người đó về tu viện chăm sóc và giúp họ được chết trong bình an. Về sau mẹ Tê-rê-sa đã kể lại ơn gọi ấy như sau: “Khi nhìn thấy đám người nghèo khổ kia đang nằm ngồi ngổn ngang trên sàn tàu, đột nhiên có một sức mạnh đã đổ ập xuống trên tôi, làm cho tôi tự nhiên cảm thấy họ chính là những Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi. Tôi sẽ phải làm gì để giúp đỡ họ đây ?”. Sau đó bà đã quyết định lập một dòng nữ với sứ mệnh chuyên lo phục vụ cho những người nghèo khổ này. Rồi bà bắt tay vào việc đầu tiên là tìm mướn một căn nhà để làm nơi phục vụ cho họ, đang khi trong túi bà chỉ còn đúng ba đồng bạc Ấn ! Nhưng nhờ ơn Chúa giúp mà ngày nay dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã lan truyền đi khắp các nước trên thế giới. Quả thực, điều này cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và họat động nơi mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh.
3.THẢO LUẬN: 1) Phân biệt Thánh Thần và thiên thần giống và khác nhau thế nào ? 2) Ngày nay các tín hữu nhận được ơn Thánh Thần khi nào ? 3) Mỗi tín hữu hôm nay phải làm gì để được Thánh Thần tác động giống như các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần khi xưa ?
4.SUY NIỆM:
1) THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG NÀO ?
- Về việc đầu thai của Đức Giê-su: Hội Thánh tuyên xưng đức tin như sau: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (x. Lc 1,35). Chính nhờ quyền năng Thánh Thần, Trinh Nữ Ma-ri-a đã thụ thai Hài Nhi Giê-su mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn.
- Khi Đức Giê-su bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng: Người đã đến xin chịu phép Rửa của Gio-an tại sông Gio-đan. Vừa chịu phép Rửa xong, Thánh Thần lấy hình chim bồ câu từ trời ngự xuống và lưu lại trên Người (x. Mt 3,16b). Sau đó, Thánh Thần đã hướng dẫn Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện và chịu thử thách cám dỗ. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà Đức Giê-su đã chiến thắng ba cơn cám dỗ của ma quỷ (x. Mt 4,1-10).
- Trong quyền năng của Thánh Thần, Người đi rao giảng Tin mừng Nước Trời: Người bắt đầu rao giảng từ Ga-li-lê (x. Lc 4,14-15). Nhờ Thánh Thần mà Người đã xua trừ ma quỷ (x. Mt 12,28) và chữa lành các bệnh họan tật nguyền trong dân (x. Mt 4,23). Khi được Thánh Thần tác động, Ngừơi đã vui mừng thốt lên lời ngợi khen Chúa Cha (x. Lc 10,21).
- Sau khi phục sinh và được đầy Thánh Thần: Đức Giê-su đã hiện ra với các môn đệ để chúc bình an (x. Ga 20,19), rồi sai các ông đi rao giảng Tin mừng (x. Ga 20,21), và tiếp tục sứ mạng của Ngừơi (x. Mt 28,19-20). Người cũng thổi hơi ban Thánh Thần để giúp các ông chu toàn sứ mạng rao giảng ấy (x. Ga 20,22). Cuối cùng, Người còn ban cho các ông quyền tha tội hay cầm giữ tội của người ta nhờ quyền năng của Thánh Thần (x. Ga 20,23).
2) VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG HỘI THÁNH SƠ KHAI:
- Thánh Thần tác động trong Cộng Đoàn Hội Thánh: Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại như sau: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi. Bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần , họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).
- Thánh Thần biến đổi các Mục Tử của Hội Thánh: Thời sơ khai, Thánh Thần đã tác động để biến đổi các Tông đồ (x. 1 Cr 12,4-11): Từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm và công khai làm chứng cho Chúa Giê-su trước mặt đám đông (x. Cv 2,14-36); Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu rõ mọi điều Chúa đã truyền dạy trước đó (x. Ga 16,12-13); Từ tình trạng buồn chán thất vọng và muốn thoái lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui hy vọng (x. Lc 24,32-35). Nhờ Thánh Thần mà các Tông đồ đã đón nhận nhiều tín hữu bày tỏ lòng sám hối và xin chịu phép Rửa gia nhập Hội Thánh (x. Cv 2,41).
- Thánh Thần liên kết muôn người nên một: Lúc đó tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các Tông đồ nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2,5-8). Đã có 15 dân tộc nghe các Tông đồ rao giảng. Trái với nhân loại thời Tổ phụ Nô-e, do kiêu ngạo muốn thách thức Thiên Chúa đã hè nhau xây tháp Ba-ben, và đã chia rẽ thành nhiều dân tộc nói các thứ tiếng khác nhau (x St 11,1-9), thì hôm nay chính Thánh Thần đã hiệp nhất các dân tộc để cùng tuyên xưng một đức tin.
- Thánh Thần soi lòng mở trí giúp lương dân đón nhận chân lý: Sau bài giảng đầu tiên của Tông đồ Phê-rô, nhờ ơn Thánh Thần tác động nên đã có tới ba ngàn người đang ở tại Giê-ru-sa-lem tin theo Chúa Giê-su và đã chịu phép rửa gia nhập vào Hội Thánh (Cv 2,41). Những tín hữu này đã họp thành cộng đoàn Hội Thánh Sơ Khai.
- Thánh Thần thúc đẩy sự hiệp nhất trong Hội Thánh Sơ Khai: Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà Cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem đã luôn sống hiệp nhất với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ sự hiệp thông này mà số người xin gia nhập Hội thánh ngày một gia tăng (x. Cv 2,42-47).
3) CỘNG TÁC VỚI CHÚA THÁNH THẦN:
Mỗi người chúng ta cần cộng tác với Chúa Thánh Thần để nên thánh và góp phần cứu rỗi anh em như sau:
- Nên “Muối mặn ướp thiên hạ, Ánh sáng chiếu soi và Men trong bột”: Trong lịch sử phát triển của Hội Thánh từ xưa đến nay, xem ra Hội thánh mới chỉ phát triển được về chiều rộng hơn là chiều sâu. Biết bao Kitô hữu hiện nay mới chỉ giữ đạo theo thói quen đạo đức hình thức là siêng năng đọc kinh xưng tội rước lễ, và nghĩ làm được như thế là đủ để được ơn cứu độ, mà không quyết tâm gặp gỡ Chúa Giê-su để được ơn biến đổi nên tốt về cả về nhân bản và đức tin như Chúa Giê-su đã dạy là «Phải thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24). Chính vì thế mà Hội Thánh hiện nay đã không còn tăng triển mạnh mẽ như thời sơ khai sau khi nhận được đầy Thánh Thần. Ngày nay Hội thánh không ngừng kêu gọi mọi tín hữu hãy ăn năn sám hối, canh tân nếp sống đạo nhờ ơn phù trợ của Thánh Thần, để trở thành “Muối cho đời; Ánh sáng cho trần gian” (x. Mt 5,13-16) và “Nắm men vùi vào ba đấu bột” (x Mt 13,33).
- Để trở thành «men trong bột»: Muốn biến đổi xã hội hiện nay, Hội Thánh cần có nhiều tín hữu tốt lành, nhiệt thành yêu mến Lời Chúa và biết đem lời Chúa vào cuộc sống để trở thành “chứng nhân hơn là thầy dạy”. Vì chính những chứng nhân thực sự tốt lành mới có sức tác động đến những người chung quanh bằng lời nói và gương sáng bác ái… Nhờ đó, mỗi tín hữu chúng ta mới chu toàn được sứ mạng của mình là “làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (K Lạy Cha).
- Cầu xin ơn Thánh Thần và sẵn sàng cộng tác với Ngài: Chúa Thánh Thần luôn động viên khích lệ mỗi người chúng ta phải trở nên «Muối mặn ướp thiên hạ, ánh sáng chiếu soi và men tốt cho tha nhân” như lời Chúa Giê-su đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Tuy nhiên chúng ta chỉ làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu nhờ ơn Thánh Thần. Mỗi người hãy năng cầu xin Thánh Thần giúp mình năng đọc Lời Chúa và quyết tâm thực hành mến Chúa yêu người như nội dung kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô.
5.NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Nhiều khi chúng con cảm thấy Thánh Thần xa lạ, đang khi Ngài thật là một người Bạn, người Thầy của chúng con. Ngài luôn ở bên và ở trong chúng con. Ngài cần cho đức tin của chúng con, giống như hơi thở cần cho sự sống. Chúng con chỉ có thể gọi Thiên Chúa “Áp-ba! Ba ơi !” nhờ Thánh Thần, Đấng làm cho chúng con trở nên nghĩa tử (x. Rm 8,15). Chúng con chỉ có thể gọi Đức Giê-su là “Chúa” khi chúng con ở trong Thánh Thần (x. 1 Cr 12,3). Chính nhờ có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng con mới dám cầu nguyện và mới cảm nghiệm được sự ngọt ngào của Lời Chúa Giê-su. Cũng chính nhờ Chúa Thánh Thần tác động mà Hội thánh không ngừng canh tân đổi mới.
- LẠY CHÚA PHỤC SINH, xin ban Thánh Thần như cơn gió mạnh, thổi đi mọi nỗi âu lo sợ hãi cùng những rụt rè khép kín trong tâm hồn chúng con. Xin thắp sáng ngọn lửa tin yêu trong lòng chúng con, để chúng con có thể chu toàn sứ mạng được sai đi, với một trái tim bừng cháy lửa mến yêu. Xin ban cho chúng con sự sống của Thánh Thần để chúng con luôn mến Chúa và yêu tha nhân. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở thành khí cụ bình an của Chúa và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin mừng cứu độ trần gian.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM