LỜI CHÚA TUẦN 7 PHỤC
SINH
SỨ MỆNH NGƯỜI
MỤC TỬ
(Ga 21,15-19)
Đức Giêsu
luôn dùng hình ảnh gần gũi, gắn liền với cuộc sống đời thường của người Do
Thái, để truyền giảng Tin Mừng Nước Trời, loan báo tình yêu Thiên Chúa dành cho
con người. Một trong những hình ảnh nổi bật đó là Người Mục Tử và đàn chiên.
Hình ảnh mục tử ấy bắt rễ sâu trong kinh nghiệm "dân du mục" thời tổ
phụ. Người mục tử vừa là thủ lãnh, vừa là bạn đồng hành; là người có sức mạnh bảo
vệ đàn chiên khi bị thú dữ tấn công (1Sm 17,34-37; Mt 10,16). Người mục tử ấy
biết chiên, thích nghi với hoàn cảnh của chúng (St 13,13…), bồng ẵm chúng trên
tay (Is 40,11), cưng chiều chúng (2Sm 12,3). Quyền bính của người mục tử là tận
tụy và yêu thương. Trong Tân Ước, hình ảnh người mục tử Belem được thiên thần
hiện ra báo tin Con Thiên Chúa làm người hay vị mục tử bỏ 99 con chiên, để đi
tìm con chiên lạc (Lc 15). Nhưng cao cả hơn là hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành đã
hiến mạng vì đàn chiên và chính Người đã trao lại chức vụ chủ chăn cho một số
người trong Giáo Hội, mà rõ nhất là vị Giáo Hoàng đầu tiên của chúng ta trong
bài Tin Mừng hôm nay.
Mở đầu,
Thánh sử Gioan đề cập vào vấn đề chính trong cuộc thoại giữa Chúa Giêsu và vị
niên trưởng nhóm 12 "Anh Simon, con ông Gioan…". Chúa gọi tên
"cúng cơm" của Phêrô và Ngài còn đưa ông trở về thân phận kiếp người
qua giòng họ của ông. Chúa hỏi Phê-rô:" Anh có mến Thầy hơn các anh em này
không?". Câu trắc nghiệm về tình yêu đối với một con người bình thường
mang bản tính yêu ghét tự nhiên. Bên cạnh đó Ngài còn đưa ra những con người để
so sánh… Ở đây chúng ta có thể hiểu câu hỏi này theo nhiều hướng . Thứ nhất :
anh có mến Thầy hơn mến những người anh em này không ? Thứ hai : Anh có mến Thầy
hơn những người anh em này mến Thầy không? Và xa hơn nữa là : Anh có đặt tình mến
Thầy ưu tiên, vượt trên mọi sự, ở bậc thang giá trị cao nhất không? Không biết
lúc ấy Phê-rô nghĩ thế nào, nhưng câu trả lời của ông khẳng định điều ông đã nắm
chắc "Thưa Thầy có" và ông tin tưởng vào việc Thầy biết tình yêu của
mình đối với Thầy " Thầy biết con mến Thầy". Lúc đó, Chúa Giêsu mới
trao sứ vụ mục tử cho ông, mà sứ vụ này là chăm sóc đàn chiên (c.15). Lần thứ
hai, Chúa Giêsu lập lại câu hỏi cùng một thể cách. Phêrô vẫn đáp lại cùng một lời
xác tín như trước và Chúa lại trao thêm quyền bính của mục tử cho ông, đó là
" Hãy chăn dắt chiên của Thầy". Từ "chăm sóc" ở trên chúng
ta có thể hiểu là lo lắng, bồi dưỡng phần xác cũng như phần hồn của đàn chiên.
Nhưng từ "chăn dắt" ở đây nói lên sứ vụ quan trọng và khó khăn hơn
nhiều, vì trong Cựu Ước Thiên Chúa là mục tử của dân Người (Gr 31,10 ; Is
40,11). Trong Ga 10,11 Chúa Giêsu cũng nhận mình là mục tử thật, hi sinh mạng sống
cho chiên. Bây giờ Phêrô được mời gọi tiếp nhận sứ mệnh đáng sợ này, vì đã
không ít mục tử trong Cựu Ước đã sống không đúng với tinh thần và trách nhiệm của
mình. Họ ăn thịt, xén lông chiên mập béo ; bỏ bê, không bồi dưỡng những con yếu
gầy ; chiên bị thương tật không băng bó chữa lành…
Chúa hỏi
Phêrô lần thứ 3 cũng là câu hỏi tương tự như hai lần trước. Ông buồn vì được hỏi
3 lần. Có lẽ ông đã chối bỏ Chúa Giêsu – Vị Mục Tử Nhân Lành đến 3 lần chăng ?
Lần này, Phêrô không dám quả quyết như hai lần trước và trả lời trong tin tưởng phó thác vào tình thương của Thầy "Thầy
biết rõ mọi sự, Thầy biết con mến Thầy". Chúa Giêsu yêu cầu ông hãy chăn dắt,
chăm sóc chiên của Chúa. Đây là quyền đại diện, vì thế Phêrô phải yêu mến Chúa,
nghĩa là trung thành với di chúc đã lãnh nhận vì Chúa đã nói " Ai yêu mến
Thầy, thì giữ lời Thầy". Đàng khác, việc chăn dắt đoàn chiên cần được thực
hiện bằng tình yêu, một loại tình yêu " yêu như Thầy đã yêu", chứ
không bằng sự thống trị : "Ai làm lớn phải phục vụ anh em và hầu hạ hết mọi
người". Chính Thánh Phê-rô sau này thấm nhuần tinh thần ấy, nên đã viết rằng "Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên
Chúa đã trao phó cho anh em, không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện,
không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy"
(1Pr 5,2-4).
Như vậy, 3
lần vặn hỏi về tình yêu nhắc lại 3 lần chối Thầy. Ba lần nhắc nhở ấy khiến Phê-rô
buồn phiền, nhưng Thánh Sử Gioan cho ta thấy điều quan trọng nơi những người
lãnh đạo : khi họ nhận ra sự yếu đuối của bản thân là lúc quyền chăn dắt được ủy
thác. Thế là rõ ràng Phê-rô không hơn gì các anh em, nhưng tất cả là hồng ân,
là tình thương và là sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện. Việc lựa chọn này
là lời mời gọi phục vụ, chứ không là phần thưởng hoặc biệt đãi riêng vì công đức
của ông.
Với hai câu
cuối, chúng ta thấy việc Phê-rô được phục quyền sau khi phản bội được xác nhận
lời tiên báo về cái chết sau này của ông. Ở đây, Chúa Giêsu loan báo rằng :
tình yêu của Phê-rô sẽ khiến ông yêu cho đến chết. Muốn đạt tới đỉnh điểm này,
Chúa đã chỉ cho ông một cách : Hãy theo Thầy. Bước theo Chúa để không trật đường,
để nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cuộc sống và trong cả cái chết nữa.
Đây là tình yêu tự hiến – Tình Yêu Đáp Trả Tình Yêu.
Ngước nhìn
cây Thánh Giá, trên đó Đấng Vì Yêu đã giang tay chịu chết để cứu độ chúng sinh.
Xin cho mỗi người chúng con – những người sống đời Thánh Hiến - được ơn can đảm
dấn bước với Chúa trên con đường tình yêu thánh giá, để : Yêu Thương – Chăm Sóc
– Chăn Dắt đoàn chiên Chúa trao cho từng người trong sứ vụ, trong linh đạo, để
chúng con ngày càng nên giống Chúa hơn và ngày sau cùng nhau sum họp quanh Vị Mục
Tử Tối Cao trên Quê Trời . Amen
Nữ Tỳ Thánh Thể