CHÚA NHẬT VII PS : CHÚA THĂNG THIÊN
– TRÁCH NHIỆM LOAN BÁO TIN MỪNG –
Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc đang được coi là một mô hình phát triển năng động tại Châu Á. Như nhiều quốc gia khác trong khu vực, người dân Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi các truyền thống văn hóa, tôn giáo Đông Phương. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, Giáo Hội Hàn Quốc là nơi có số người trở lại đạo Công Giáo nhiều nhất. Cách đây hai mươi năm, người Công Giáo Hàn quốc chỉ chiếm chừng 7-8% (bằng với Việt nam hiện nay). Họ đang quyết tâm đạt đến mục tiêu 20/20, tức là 20% người Công Giáo vào năm 2020. Thực hiện được kỳ tích này là do nhiều yếu tố cộng lại, từ những chiến dịch cầu nguyện, kết thân với các gia đình lương dân đến các chương trình đồng loạt đến với lương dân, các công tác hỗ trợ đời sống kinh tế của các doanh nhân Công Giáo dành cho nông dân không phân biệt lương giáo đã khiến cho người Hàn có cảm tình và gia nhập đạo.
Tại Việt Nam, trải qua hơn 400 năm, từ khi hạt giống Tin Mừng được gieo vãi đến nay, tỷ lệ người Công Giáo vẫn chỉ dừng ở mức 7 – 8% trong tổng số 80 triệu dân. Thời gian đầu dù có rất nhiều khó khăn, trải qua các cơn bách hại, nhưng số người tin vào danh Chúa Giêsu gia tăng nhanh chóng. Thế nhưng trong vòng 50 – 60 năm trở lại đây, nhất là từ khi cuộc sống kinh tế,xã hội được thoải mái hơn thì dường như số người tín hữu gia tăng không đáng kể.
Giáo phận Xuân Lộc là một trong những giáo phận có tỷ lệ người Công Giáo cao. Số giáo dân trong Giáo phận là gần một triệu người, chiếm khoảng 30 – 35% tỷ lệ dân số trong toàn tỉnh Đồng Nai. Hàng năm, số người lớn được rửa tội lên đến hàng ngàn người, nhưng phần lớn là để kết hôn, còn những người rửa tội vì gương sáng đời sống của người tín hữu thì rất ít. Số người lớn được rửa tội tính trên tỷ lệ trên số tín hữu chỉ chiếm khoảng 0,03%. Đó là một con số quá khiêm tốn, chưa tương xứng.
Mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Giáo Hội trình bày cho chúng ta nhiều điểm giáo lý quan trọng, nhưng đặc biệt, nhắc nhở mỗi chúng ta từ linh mục, tu sĩ đến giáo dân về trách nhiệm sống và loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu để lại cho mỗi người.Sách Công vụ Tông đồ đã thuật lại sự kiện Chúa Giêsu lên trời như là điểm kết thúc sứ mạng của Ngài và mở ra sứ mạng của Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa về trời không phải Ngài thoái thác trách nhiệm, cũng không phải Ngài từ bỏ con người, nhưng Ngài hoàn tất nhiệm vụ Thiên Chúa Cha đã trao phó và trở về với Chúa Cha trong vinh quang của Ngài. Chúa lên trời, không có nghĩa là Ngài không còn hiện diện tại trần gian, nhưng là một sự thay đổi cách thức hiện diện. Ngài không hiện diện bằng xương bằng thịt như trước đây, nhưng vẫn hiện diện bằng quyền năng, bằng Thánh Thần và bằng sự quan phòng. Người được cất lên trước mặt các Tông đồ và có đám mây bao phủ lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Hình ảnh đám mây bao phủ lấy Ngài, Thánh Kinh muốn nói rằng, Ngài vẫn hiện diện ở bên mỗi người, chỉ có điều là mắt chúng ta bị mây che phủ nên không nhận ra Ngài.
Chúa về trời để chỉ cho ta rằng, mục đích của mỗi người và quê hương đích thực của chúng ta là Nước Trời. Chúa về trời là một bảo đảm chắc chắn cho tất cả những ai tin theo Chúa, thực hành những điều Chúa dạy, đi theo con đường của Ngài thì cũng sẽ được về trời với Ngài. Ngài là người mở đường, Ngài đi trước để dẫn lối cho chúng ta theo sau. Vì thế, mỗi người phải luôn nhớ hướng tâm hồn và cả con người mình về quê trời, là nơi Thiên Chúa là Cha yêu thương đang đón đợi chúng ta.
Tuy nhiên, việc hướng lòng về trời không làm cho chúng ta coi thường, bỏ quên những công việc và trách nhiệm trần thế. Hai Thiên thần đã hiện ra nói với các môn đệ: Hỡi người Galilê, sao còn mải đứng nhìn trời, hãy trở về Giêrusalem mà làm chứng về Chúa. Điều đó có nghĩa là người Kitô hữu không thể trốn tránh trách nhiệm trần thế, không thể sống lơ lửng trên không, nhưng vẫn phải bước đi trên mặt đất, đối diện với cuộc sống hiện tại cùng với vui buồn sướng khổ, thành bại. Chúng ta cùng bước đi với anh chị em chung quanh, sống trong hy vọng và chờ đợi Chúa trở lại, cùng chia sẻ mọi vui buồn của nhịp sống xã hội, cùng tham gia vào mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…, để làm cho xã hội và cuộc sống mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn.
Sống trong hy vọng phải là thái độ không thể thiếu nơi người tín hữu. Chúng ta không thể để những khó khăn hoặc những đe dọa của con người, của xã hội làm chúng ta mất niềm hy vọng. Niềm hy vọng của người tín hữu không ảo tưởng, nhưng được đặt trên lời hứa của Chúa Giêsu. Ngài hứa sẽ ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, Ngài sẽ trở lại đem chúng ta về với Ngài và chung hưởng hạnh phúc với Ngài.
Từ niềm tin tưởng và hy vọng nêu trên, mỗi người được thúc đẩy thực thi mệnh lệnh của Chúa : Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Mệnh lệnh này mời gọi chúng ta phải liên tục nói về Chúa cho mọi người và mọi loài, đưa Chúa đến với mọi người và đưa mọi người về với Chúa. Việc loan báo Tin Mừng là trách nhiệm của hết mọi người. Tuy nhiên, nhiều người đã để mình ngủ quên trong nếp sống đạo thường ngày, đánh mất sự thao thức đem Chúa đến cho anh em. Vì thế, họ bằng lòng với những sinh hoạt hiện có mà quên rằng bên cạnh còn rất nhiều người chưa biết Chúa Kitô, chưa có cơ hội để nghe Tin Mừng yêu thương của Chúa.
Có người hỏi rằng : Tại sao anh em Tin Lành rất nhiệt tình để nói về Chúa cho người khác và họ nói một cách say sưa không mệt mỏi, còn người Công Giáo thì không bằng họ ? Đó là điều thực tế mà chúng ta cần tự vấn chính mình và cần sám hối. Chúng ta chỉ có thể nói về Chúa cho người khác khi chúng ta có Chúa, đồng thời, ta chỉ có thể nói về Chúa một cách không mệt mỏi khi chúng ta hoàn toàn xác tín vào Chúa. Trong khi anh em Tin Lành không hề ngại ngùng nói về Chúa Giêsu, thì dường như người Công Giáo lại rất ngại khi nói về niềm tin của mình. Lý do là vì đời sống của họ quá khác với đời sống của Chúa Kitô và của Tin Mừng. Họ sống đạo một cách hời hợt qua lần, không cầu nguyện, không lãnh nhận Bí tích. Nhất là nhiều người không tự tin về vốn giáo lý của mình, bởi vì họ không học hỏi, không trau dồi nên họ tránh né không dám nói về Chúa, không dám mạnh dạn bênh vực niềm tin của mình.
Nguyên nhân sâu xa là vì nhiều người Công Giáo đã không có thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa, họ xa lạ với cuốn Kinh Thánh, họ không biết nhiều về Chúa Giêsu nên không thể nói về Chúa Giêsu cho người khác. (Bà Bill Clinton luôn mang bên mình cuốn Kinh Thánh). Nhiều người sống đạo hoàn toàn theo thói quen cha truyền con nối, không có những kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa, không yêu mến và không xác tín mạnh mẽ, vì vậy, họ chấp nhận im lặng hoặc thỏa hiệp khi phải nói về Chúa và về niềm tin của mình.
Để có thể mạnh dạn nói về Chúa cho người khác, cần phải có một xác tín thâm sâu, một lòng mến nồng nàn, và một sự nhiệt tâm không mệt mỏi dành cho Chúa. Muốn được như thế, chúng ta cần bắt đầu lại bằng việc siêng năng đến với Chúa qua Thánh lễ, các Bí tích ; siêng năng đọc và gẫm suy Lời Chúa, để cho Chúa biến đổi tâm hồn và con người của mình. Đồng thời, chúng ta cũng cần có một tâm hồn quảng đại với Chúa và với Giáo Hội, dám để cho Chúa sử dụng hết mọi khả năng trí tuệ, sức lực, thời giờ và con người của mình cho chương trình của Chúa.
Xin cho chúng ta cũng bị thôi thúc như thánh Phaolô: Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm, để rồi chúng ta biết ra khỏi chính mình, ra khỏi sự tiện nghi vốn có, dám bước đến với anh chị em để thực thi mệnh lệnh Chúa truyền cho mỗi chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc