Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 3

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG C

CẢM THÔNG CHIA SẺ ĐỂ ĐÓN MỪNG CHÚA ĐẾN

Lm. Đan Vinh

I HỌC LỜI CHÚA

60792902_1.jpg1. TIN MỪNG: Lc 3,10-18

(10) Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (11) Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có. Ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. (12) Cũng có những người thu thuế đến chịu phép Rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” (13) Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”. (14) Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”.(15) Hồi đó, dân đang trông ngóng và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gio-an: Biết đâu ông chẳng là Đấng Mê-si-a! (16) Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước. Nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến. Tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và Lửa. (17) Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: Thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào Lửa không hề tắt mà đốt đi”. (18) Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin mừng cho họ.

2. Ý CHÍNH: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?

Bài Tin mừng hôm nay gồm có 3 câu trả lời cho ba hạng người về những việc họ phải làm để sám hối: dân chúng phải chia sẻ cơm áo cho người nghèo, người thu thuế phải ăn ở công bình và binh lính phải biết tôn trọng tha nhân. Gio-an cho biết phép rửa bằng nước của ông chỉ là một phương thế chuẩn bị lòng trí dân chúng để họ được lãnh phép rửa mới trong Thánh Thần và Lửa, do Đấng Thiên Sai sắp đến thực hiện, mà ông không đáng làm nô lệ cho Người. Người sẽ xét xử để thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ vào ngày tận thế.

3. CHÚ THÍCH:

- C 10-11: + “Ai có hai áo thì chia cho người không có”...: Chia sẻ cơm áo vật chất cụ thể là một yêu cầu tối thiểu mà dân chúng phải làm để biểu lộ lòng sám hối.              

- C 12-14: + Những người thu thế: Bọn người này thường bị dân chúng khinh thường thù ghét, vì họ đã cộng tác thu thuế cho người Rô-ma. Rồi khi làm việc này, họ còn sách nhiễu dân chúng. Họ bị dân chúng liệt vào loại người tội lỗi công khai (x. Lc 5,30). Gio-an khuyên họ phải tránh bóc lột kẻ khác bất công và không được tham lam thu quá mức thuế quy định. + Binh lính: Đây chắc không phải là binh lính Rô-ma vốn chỉ ở trong đồn binh, chứ không đi trà trộn với đám đông dân chúng. Đây cũng không phải lính Do thái, vì ngừơi Rô-ma cấm nước bị chiếm đóng tổ chức quân đội. Có lẽ đây là dân quân tự vệ thường đi theo bảo vệ người thu thuế. Họ là những người vừa có sức mạnh lại vừa có khí giới, nên thường hiếp đáp kẻ yếu, nên bị dân chúng căm ghét giống như bọn thu thuế tội lỗi. Khi gọi bọn người này là binh lính, có lẽ Lu-ca muốn nói lên tính phổ quát của lời rao giảng của Gioan Tiền Sứ. Tuy không buộc họ phải đổi nghề, nhưng ông khuyên họ phải giữ công bình, tránh cáo gian bách hại người vô tội và hãy bằng lòng với đồng lương của mình.

- C 15-16: + Đấng Mê-si-a: Chữ Hy lạp Chris-tos có nghĩa là “Người được xức dầu”, tương đương với chữ Mê-si-a trong tiếng Do thái (nghĩa là Đấng Thiên Sai). Ở đây tác giả Tin mừng dùng từ Mê-si-a vì ông viết Tin Mừng cho người Do thái theo đạo Công giáo. Tuy nhiên dân Do thái khi ấy lại hiểu từ Mê-si-a theo nghĩa ái quốc cực đoan. Họ mong chờ Đấng Thiên Sai đến lãnh đạo dân chống lại ách thống trị của ngoại bang (x Lc 23,2). + Cởi quai dép: Đây là hành vi phục vụ dành cho nô lệ ngoại quốc. Người Do thái không có quyền đòi người giúp việc Do thái làm điều này, vì họ là“dòng dõi tổ phụ Áp-ra-ham”, và thuộc dân được Chúa chọn (x. Ga 8,33).

- C 17-18: + Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: Gio-an mô tả Đấng Mê-si-a như một vị Thẩm Phán của ngày tận thế: Đấng Thẩm Phán sẽ đến tách biệt người lành ra khỏi kẻ dữ, giống như chủ ruộng tách lúa thóc khỏi rơm rạ. + Thóc mẩy thì thu vào kho lẫm...: Sau khi đập lúa trước gió, hạt thóc nặng hơn sẽ rơi xuống thúng và được cất vào kho, còn rơm rạ nhẹ hơn sẽ bay ra ngòai thúng và sẽ bị thu gom thiêu đốt trong lửa (x Gr 15,7). Cũng vậy, trong ngày thẩm phán, kẻ lành sẽ được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa, còn kẻ ác làm tay sai cho ma quỷ sẽ bị phạt trong lửa không hề tắt là hỏa ngục muôn đời (x. Is 66,24; Mc 9,43.48).

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao người thu thuế và binh lính lại bị dân chúng khinh khi thù ghét? 2) Dân Do thái thời Đức Giê-su trông mong Đấng Mê-si-a đến để làm gì? 3) Gio-an đã khuyên đám đông dân chúng, những người thu thuế và binh lính phải sám hối cụ thể thế nào để chuẩn bị đón Đấng Mê-si-a sắp đến? 4) Gio-an cho biết sứ mệnh của Đấng Mê-si-a ra sao?

II SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có. Ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11).

2. CÂU CHUYỆN:

Một hôm có một thương gia vào một quán ăn bên đường để dùng bữa trưa. Khi ngồi xuống chiếc bàn còn trống thì phát hiện một bé gái độ 12 tuổi, áo quần cũ rách đang đứng ngoài cửa sổ nhìn vào bàn ăn và ngửa tay ra xin bố thí. Thấy mặt cô bé tái xanh và tay chân run rẩy vì đói, ông thương gia động lòng thương. Ông tiến lại gần bên cầm lấy tay cô bé, rồi mời cô cùng vào ngồi ăn chung bàn với mình. Nhưng thật bất ngờ: cô bé cương quyết từ chối. Gặng hỏi mãi em mới nói lí nhí như sau: “Thưa ông, cháu cám ơn ông đã tôn trọng cho cháu được ngồi ăn chung bàn với ông. Nhưng làm sao cháu có thể ăn được đang khi thằng em của cháu cũng đang đói và đang đứng kia!” Nhìn theo tay em chỉ, ông thương gia thấy một bé trai thân hình gầy gò ốm yếu, quần áo lôi thôi nhơ bẩn, đang đứng bên cửa sổ đối diện và cặp mắt đang nhìn cách thèm thuồng vào bàn đầy thức ăn ngon lành trong quán. Chung quanh bàn ăn là năm thanh niên nam nữ đang ngồi ăn uống thoải mái nói cười vui vẻ, không ai thèm để ý đến cậu bé đói khát đang đứng ngay bên.

3. SUY NIỆM:

1) SỨ MỆNH DỌN ĐƯỜNG CỦA GIO-AN:

Dân chúng nghĩ Gio-an là Đấng Mê-si-a, nhưng chính ông lại phủ nhận và khẳng định mình không phải Đấng Mê-si-a nhưng chỉ là kẻ đi trước dọn đường cho Người. Ông tiên báo về Đấng đến sau nhưng lại có trước ông, cao cả hơn ông và ông không đáng hầu hạ Người. Đấng ấy sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa. Người sẽ xét xử mọi người, giống như người nông dân sàng sảy sân lúa sau mùa gặt: Lúa tốt thì chất vào kho, còn trấu rơm thì thiêu cháy trong lò lửa không hề tắt (x Mt 3,11-12). Khi Đức Giê-su xuất hiện, Gio-an đã làm phép rửa cho Người và nhận ra Người chính là Đấng Thiên Sai. Ông đã giới thiệu Đức Giê-su cho các môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian… Tôi đã thấy, nên xin chứng nhận rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,29.34). Ông khiêm tốn đề cao Đức Giê-su khi nói: “Người cần phải lốn lên, còn tôi phải lu mờ đi”. Đây phải là thái độ của các tín hữu chúing ta trong Mùa Vọng này. Chúng ta cũng phải trở thành tiền hô dọn đường giúp đồng bào Việt Nam tin nhận Chúa Giẹ-su để được hưởng ơn cứu độ của Người..

2) SỐNG TINH THẦN SÁM HỐI HÓAN CẢI TRONG MÙA VỌNG:

Khung cảnh bờ sông Gio-đan, nơi Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ vụ: Người ta từ khắp các nơi kéo đến nghe ông giảng và sau đó chịu phép rửa do ông thực hiện dưới dòng sông. Ngoài dân chúng ra, có cả những người thu thuế và binh lính. Qua đó cho thấy hết mọi thành phần xã hội đều được Chúa mời gọi sám hối để được hưởng ơn cứu độ.

Trong những ngày Mùa Vọng này Hội Thánh cũng mời gọi chúng ta hãy hồi tâm sám hối. Sám hối không những bằng việc tham dự các buổi tĩnh tâm và dọn mình xưng tôi, mà quan trọng hơn là quyết tâm thay đổi đời sống bằng việc lắng nghe Lời Chúa dưới ơn soi sáng của Thánh Thần. Cần tránh theo ý riêng do ma quỷ cám dỗ hoặc theo thói gian tà của thế gian, nhưng biết noi theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su được thánh Gio-an kêu gọi như sau:

+ “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”: Áo mặc và của ăn ở đây có thể là một số tiền ủng hộ cho việc “Làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”, là tổ chức quyên góp để thăm viếng chia sẻ cơm bánh cho những người nghèo khó, săn sóc những ai đau liệt, là lắng nghe và đồng cảm, ủi an những người gặp thất bại đau khổ trong cuộc sống. Câu nói của cô bé nghèo trong câu chuyện trên : “Làm sao cháu có thể ngồi ăn chung với ông được, đang khi còn thằng em của cháu cũng đang bị đói và đang đứng kia!”, là lời nhắc nhở chúng ta xét mình và thành tâm thực hành bác ái trong những ngày này

+ “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”: Cần giữ sự công bình về tiền bạc vật chất như: tránh lường gạt người khác, không làm hàng gian hàng giả, nhưng hãy buôn ngay bán thật.Tránh nói thêm nói bớt mất uy tín trong các hợp đồng làm ăn với tha nhân.

+ “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”: Cần tránh thái độ “lấy thịt đè người” hoặc “Cả vú lấp miệng em” thể hiện qua thái độ quan liêu hách dịch, hà hiếp bóc lột những người “thân yếu thế cô”. Cũng cần sử dụng chức vụ quyền bính để phục vụ tha nhân thay vì lạm dụng để trục lợi. Tránh hẹn hết lần này đến lần khác hoặc bắt người xin phải chờ đợi hàng giờ trong khi công việc phục vụ chỉ cần giải quyết trong giây lát.

4. THẢO LUẬN: 1) Hãy cho biết trong hai nhân đức công bình và bác ái thì nhân đức nào quan trọng hơn và phải được ưu tiên thực hiện? 2) Để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đền, trong những ngày mùa Vọng này, bạn quyết tâm làm gì cụ thể để cảm thông, tôn trọng và chia sẻ đối với cha mẹ, thày dạy, anh chị em, bạn bè hay người nghèo khó chung quanh?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊSU. Xin giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến bằng việc vâng nghe lời thánh Gio-an để quảng đại chia sẻ cơm áo, an ủi người đau khổ và bất hạnh như lời thánh Gio-an: “Ai có hai áo, hãy nhường cho người không có. Ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”. Cho chúng con quyết tâm giữ đức công bình trong quan hệ làm ăn buôn bán, như lời thánh Gio-an khuyên những người thu thuế: “Các người đừng đòi gì quá mức đã ấn định”. Cho chúng con biết tôn trọng tha nhân quan cách ứng xử, để thực hành lời thánh Gio-an khuyên các binh lính: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai và hãy bằng lòng với số lương của mình”. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được Chúa giáng sinh trong lòng chúng con và ban ơn cứu độ cho chúng con.

 

NIỀM VUI TRONG TÂM HỒN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Thưa quý OBACE, vui buồn nó là những sắc thái, là những gam màu sáng tối của cuộc sống, tuy nhiên xã hội và thế giới hôm nay đem đến cho con người nhiều lo lắng buồn sầu hơn niềm vui, nhiều vẻ hào nhoáng bên ngoài nhưng lại trống rỗng bên trong. Chính vì thế mà từ người lớn đến người trẻ cứ muốn tìm cho mình những cách thế để bớt buồn, tìm vui, nhiều người trẻ rơi vào nghiện ngập cũng chỉ vì muốn tìm một chút niềm vui, nhiều người khác rơi vào rượu chè với lý do để bớt buồn, nhưng nhấp chén tiêu sầu càng sầu thêm không thấy ai uống rượu mà hết được buồn.

Hôm nay bước vào tuần thứ ba mùa vọng, Lời Chúa rộn rã mời gọi chúng ta: Hãy vui lên, tôi nhắc lại một lần nữa anh em hãy vui lên! Phải chăng vì người Kitô hữu chúng ta vẫn chưa vui được hay vì chúng ta vẫn chưa tìm được một lý do để có thể có được một niềm vui thực sự? Đâu là lý do đem đếm niềm vui thực sự cho chúng ta?

Không có gì khiến người ta đau khổ và buồn bã cho bằng khi mang sự bất an giày vò trong tâm hồn, và khi trút được gánh nặng trong tâm hồn, người ta sẽ tìm lại được niềm vui. Tiên tri Sophonia đã nói đến một thứ niềm vui sâu xa đích thật, niềm vui đầy tràn từ trong tâm hồn đó là niềm vui vì được giải thoát khỏi gánh nặng trong tâm hồn, tìm lại được sự bình an: Reo vui lên hỡi thiếu nữ Sion, nhảy mừng lên hỡi thiếu nữ Giêrusalem… vì Đức vua của Israel đang ngự giữa người, Người là vị cứu tinh là Đấng anh hùng. Chắc hẳn nghe những lời kêu gọi đầy hân hoan phấn khởi này sẽ là một nguồn động viên, là sự thúc đẩy cho dân Israel khi họ đang phải đối diện với cảnh lưu đày tại Babylon; Sự đau khổ dày vò tâm hồn họ không chỉ là nỗi nhục mất nước, mà họ đau khổ vì nghĩ rằng Thiên Chúa đã rời bỏ đền thờ, Ngài đã bỏ rơi dân Ngài đã chọn, thì hôm nay vị tiên tri nói với họ rằng Thiên Chúa không hề bỏ rơi họ Ngài sẽ trở lại Giêrusalem, vì Ngài là vị Cứu tinh, là Đấng anh hùng, Ngài sẽ lấy tình thương mà đổi mới người, Người sẽ làm cho ngươi vui mừng hoan hỷ.

Thánh Phaolô trong thư gửi cộng đoàn Phipphê đã đề cập đến một thứ niềm vui khác, đó là niềm vui phát xuất từ một cuộc sống thánh thiện tốt lành, yêu thương và quảng đại vì Chúa. Chỉ khi cuộc sống của chúng ta có Chúa, việc làm của mỗi người được thúc đẩy bởi lòng yêu mến Chúa, thì niềm vui sẽ lan tỏa ra bên ngoài qua việc làm và trên gương mặt: Anh em hãy sống sao cho mọi người thấy anh em hiền hòa và rộng rãi. Trong mọi hoàn cảnh, anh em hãy cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giải bày trước mặt Thiên Chúa, và bình an của Thiên Chúa sẽ gìn giữ lòng trí anh em. Như thế có nghĩa là những người có Chúa trong tâm hồn thì dù có gặp những nghịch cảnh bên ngoài, điều đó cũng không làm cho họ mất đi niềm vui sâu thẳm bên trong tâm hồn, trái lại chính niềm vui trong tâm hồn sẽ giúp họ bình an và vượt qua được nghịch cảnh bên ngoài.

Thế nhưng phải làm thế nào để có được sự bình an trong tâm hồn, và có được niềm vui sâu xa vì có Chúa? Thưa, một điều chắc chắn rằng muốn có Chúa trong tâm hồn thì phải loại trừ những gì nghịch lại với Thiên chúa, muốn có niềm vui sâu xa của chúa thì phải loại trừ những thú vui thấp hèn. Đó là điều mà Thánh Gioan Tiền hô hôm nay dạy cho những người đến xin Ngài chỉ dẫn. Những người tuốn đến với Gioan, họ cũng muốn làm một cuộc thanh tẩy từ trong tâm hồn, nên họ mới hỏi Gioan: Tôi phải làm gì? Thánh Gioan đã chỉ dẫn họ, tước hết là hãy làm những việc bác ái chia sẻ cụ thể: ai có hai áo thì cho người không có, ai có của ăn cũng hảy làm như vậy, vì việc bác ái sẽ đem đến niềm vui cho cả người cho lẫn người nhận, hơn nữa khi việc chia sẽ được thực hiện với lòng yêu mến và với tâm hồn sám hối, thì niềm vui đích thực sẽ đến trong tâm hồn.  Kế đến là mỗi người hãy làm tròn bổn phận của mình một cách tốt đẹp: Đối với người thu thuế, thì hãy làm cho phù hợp lẽ công bằng, làm việc với hết trách nhiệm và hết khả năng, không đòi hỏi không tìm tư lợi, còn những người lính thì thánh Gioan dạy họ chớ ức hiếp ai, đừng lạm quyền để tham lam chiếm đoạt của người khác, sống cách vui vẻ với đồng lương của mình. Tức là khi mỗi người hết mình làm việc theo trách nhiệm bổn phận của mình, thì họ sẽ tìm được sự bình an trong tâm hồn, và khi có bình an thì sẽ có niềm vui.

Chính Gioan cũng đã ý thức điều đó, ông sống với ơn gọi và trách nhiệm của mình là một người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, ông không lấn sân, không đòi hỏi cũng không gây một ảnh hưởng nào, nhưng giữ đúng vị trí và công việc của mình, khi dân chúng kéo đến với ông và họ nghĩ ông chính là Đấng Mesia, ông đã trả lời rõ ràng cho họ: Tôi chỉ là người làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng Đấng đến sau tôi, Ngài cao trọng hơn tôi, mà tôi không đáng xách dép cho Ngài, chính Ngài sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần và lửa. Gioan đã vui với nhiệm vụ của mình, và biết biết rõ về vai trò mình chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, cho Đấng cao trọng hơn ông.

Thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay cũng đang thôi thúc mời gọi chúng ta vui lên, và để thực sự có được niềm vui, chúng ta cũng cần phải có được những thái độ, và đáp ứng được những đòi hỏi của Lời Chúa hôm nay. Trước hết hãy làm sao để có Chúa trong tâm hồn. Thiên Chúa là Đấng Thánh, Ngài không thể sống chung với ma quỷ, tội lỗi và sự ác, vì thế muốn có niềm vui của Chúa trong tâm hồn thì đòi chúng ta phải dọn sạch những hang ổ của ma quỷ và tội tỗi trong tâm hồn chúng ta, tẩy trừ sự gian ác bất công và chuẩn bị cho tâm hồn mình thành một nơi sạch sẽ xứng đáng cho Chúa cư ngụ thì Chúa sẽ đem đến sự bình an và niềm vui của Người. Nhiều người ngày nay đang để trong mình sự mặc cảm của tội lỗi và nhiều thứ mặc cảm khác khiến họ không dám mở lòng với Chúa và với anh em, họ bị nhốt kín trong cái vỏ của mình, nhiều người khác thì đang bị lương tâm dày vò vì tình trạng tội lỗi và sự ác họ đã gây ra cho anh em, và nhiều người khác đang bị công việc và những lo toan của cuộc sống đè nặng tâm hồn họ, dù họ có rất nhiều tiền bạc của cải nhưng họ vẫn không vui lên được. tất cả những tình trạng tâm hồn như thế, cần được tháo gỡ giải tỏa khỏi những gánh nặng và bất an đang đè xuống trong tâm hồn, hãy đến với Bí tích Giải tội để được tháo cởi những gánh nặng và cắn rứt của lương tâm, hãy đến với Bí tich Thánh Thể được được Chúa hiện diện trong tâm hồn và ban thêm sức mạnh, và hãy ra khỏi vỏ bọc của bản thân để làm nhiều việc tông đồ, bác ái và phục vụ, thì sẽ thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa và nhiều niềm vui hơn.

Có nhiều gia đình ngày hôm nay đã mất đi niềm vui và nụ cười, Lời Chúa hôm nay mời gọi các bậc cha mẹ hãy cố gắng tạo lập nên niềm vui cho gia đình và con cái, hãy loại trừ khỏi gia đình mình tình trạnh rượu chè cờ bạc, cá độ, nó đang là nguyên nhân đưa đến bất an và bất hạnh cho nhiều gia đình, các bậc cha mẹ hãy tạo nên nhiểu những cơ hội trò chuyện trong gia đình, những bữa cơm ấm cúng, để gia đình không còn lạnh lẽo, không còn tiếng cãi vả chửi bới tục tĩu, và hãy đem Chúa vào gia đình bằng những giờ kinh sớm tối trong gia đình, có Chúa gia đình sẽ lại tìm lại được niềm vui và hạnh phúc.

Nhiều bạn trẻ ngày hôm nay đang lao vào những cuộc vui của xã hội người ta bày ra, đó là những tụ điểm ăn chơi, những lối sống đua đòi, càng lao vào, càng tìm kiếm nó càng làm cho các bạn cảm thấy buồn chán và trống rỗng mà thôi, vì những cách sống ấy là những lối sống hời hợt không có chiều sâu, không có lý tưởng, một lối sống không biết nghĩ đến người khác. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chính lại cuộc sống của mình, lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn bằng những việc hữu ích cho mọi người, chu toàn và làm tốt những công việc hằng ngày: hãy là những bạn sinh viên học sinh tốt, dễ thương nơi trường học, hãy là những người trẻ biết chạnh thương và hay giúp đỡ, hãy là những anh những chị công nhân thật thà lương thiện, làm việc với tinh thần trách nhiệm, và nhất là đừng bao giờ để thiếu vắng Thiên Chúa trong cuộc đời, vì thiếu vắng Thiên Chúa cuộc đời các bạn sẽ rơi vào buồn chán và mất đi ý nghĩa.

Cầu chúc cho mọi người tìm được niềm vui thánh thiện trong những gày mùa vọng này và sẽ ngập tràn niềm vui vì đón được Chúa trong mùa Giáng sinh sắp tới. Amen.

 

HÃY VUI LÊN

Lm. Paul Nguyễn Nguyễn

Vào mỗi dịp cuối năm, qua các phương tiện truyền thông xã hội: báo chí, truyền thanh, truyền hình… người ta thường đưa ra những bản tổng kết những gì đã diễn ra trong suốt một năm qua. Và qua đó, ta thấy cuộc sống xã hội quanh ta là cả một hãng thông tấn chỉ tung ra đầy dẫy những tin buồn: tin buồn của dối trá lường gạt; tin buồn của phản bội xâu xé; tin buồn của buông xuôi bỏ cuộc; tin buồn của không biết bao nhiêu đói khổ, chiến tranh, thiên tai, chết chóc…

Thế mà hôm nay, Giáo hội công giáo khắp hoàn cầu lại kêu gọi con cái mình “hãy vui lên”. Vui làm sao được khi đông đảo dân chúng đang nghèo đói, khổ đau? Vui làm sao được vì, hơn bao giờ hết, lúc này đây, vấn đề cơm áo, phát triển, quyền con người đang là những vấn đề nóng bỏng trên hành tinh này cũng như trong xã hội hiện tại của chúng ta.

“Hãy vui lên” - Lời đó có an ủi được chúng ta hay không, khi mỗi ngày tai chúng ta nghe sang sảng từ trong cuộc sống những tin tức bi đát của một thế giới đang còn nhiều điểm nóng chiến tranh, còn những cuộc tranh chấp vì bất công, vì đói khổ; khi mắt chúng ta còn thấy nhan nhản những chiếc khăn sô chít trên đầu những đàn con mất cha mất mẹ; còn chứng kiến biết bao bệnh nhân trong các bệnh viện rên la đau đớn, bao cha mẹ phải khóc thầm đêm ngày vì những đứa con hư hỏng, bao người vợ phải âm thầm chịu đựng thói trăng hoa vũ phu của người chồng, bao người chồng phải chịu cảnh ô nhục vì người vợ trắc nết…

Khi nghe, khi nhìn các điều đó, có phải chúng ta là người ngoài cuộc không? xã hội, thế giới này ra sao mặc kệ, tôi chỉ biết bản thân tôi mà thôi. Thưa không phải như vậy, mà “Hỡi Israel, hãy hân hoan. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nhảy mừng. Chúa đã rút lại lời kết án. Vua Israel là Chúa đang ở giữa ngươi, ngươi sẽ không còn sợ tai hoạ nữa”.

Đấy, niềm vui là ở chổ đấy, Vui vì Chúa giải thoát đã đến và đang ở với chúng ta. Ngài đang thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện, đang quy tụ muôn nước thành một dân một nước: Dân Chúa, Nước Trời. Không phải bằng vũ lực khống chế, nhưng bằng sự giải thoát loài người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, ích kỷ, nhỏ nhen, bất chính; bằng cách sống liên đới yêu thương, chia cơm sẻ áo; sống công bình, chính trực và chan hoà với mọi người.

Đấy, niềm vui là ở chổ đấy, Vui vì là người kitô hữu, chúng ta vẫn có thể mỉm cười trong đau khổ và trong thử thách, vì chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đau khổ của chúng ta. Nhưng làm sao để nhận thấy “Đấng đang đến” gần kề? Làm thế nào để nhận ra “Đấng đang ở giữa ngươi?” đó mới là điều quan trọng. Chúng ta vừa nghe trong bài tin mừng: Gioan đã chỉ cho cách cụ thể: “Ai có hai áo thì hãy chia cho người không có. Ai có cái ăn thì cũng làm như vậy” – “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định” – “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”. Như vậy, Gioan không bảo người dân, người lính, anh thu thuế đổi nghề nghiệp, đổi chổ ở mà là thay đổi cách đối xử, cách sống, cách suy nghĩ đối với anh chị em của mình. Dù ở hoàn cảnh nào cũng phải biết thắng dẹp tính vị kỷ, bằng cách làm việc bác ái, chia sớt với anh em mình.

Hôm nay, Giáo hội cũng mượn lời Gioan để mời gọi chúng ta: mỗi người hãy sống đúng cương vị của mình, hãy hoàn thành trách nhiệm của mình, hãy thực thi tình bác ái huynh đệ và sống trong tương giao tốt đẹp với mọi người xung quanh. Tắt một lời là chúng ta phải biết thực thi Công bình và Bác ái. Công bình không chỉ là tôn trọng của cải vật chất mà còn phải để ý đến phẩm giá, danh dự của tha nhân. Tránh gièm pha, nói hành nói xấu và biết vui mừng ca ngợi việc tốt của tha nhân. Cũng vậy, lòng bác ái không là bố thí chút tiền dư bạc lẻ, mà là chia sẻ của cải tinh thần như niềm tin, tình yêu, hy vọng và niềm vui. Cái quan trọng không là chúng ta chia sẻ nhiều hay ít, mà với tấm lòng yêu thương thế nào. Giữa xã hội với bao lọc lừa, dối trá và ích kỷ ngày nay, hai đức tính này thật thiết thực để tỏ rõ phẩm chất Kitô và xây dựng một gia đình, giáo xứ hiệp nhất yêu thương, nhất là mang nhiều thuyết phục cho người khác tin Chúa. Nguyện xin Chúa ban ơn nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong những ngày còn lại của mùa vọng này, để chúng ta can đảm làm một cuộc đổi mới bản thân theo như Thánh ý Ngài. Amen.

 

VUI TRONG CHỜ ĐỢI

An Tôn. Lương Văn Liêm

Bước vào Mùa Vọng người Kitô hữu nói chung và người Công Giáo nói riêng được Giáo Hội mời gọi chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh, mừng và chiêm ngắm ngày mà Thiên Chúa ký kết giao ước và trao ban Tình Yêu của Ngài cho con người nhân loại ngang qua mầu nhiệm Nhập Thể và Nhập Thế của Ngôi Hai Thiên Chúa. Việc chuẩn bị được bắt đầu từ Chúa nhật thứ I Mùa Vọng và kéo dài trong 4 tuần qua những hành vi: Tỉnh thức, cầu nguyện, tham dự các buổi tĩnh tâm, xưng tội, rước lễ và thực thi việc bác ái…

Vọng là mong, chờ, và đợi! Ta mong, chờ và đợi ai, ta mong, chờ và đợi điều gì? Người Do Thái khi xưa đã cất lên lời khấn nguyện: “ Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy mưa, mưa đức công chính, đất mở ra đi cho nảy mầm ơn cứu độ…” (Is.45,8). Lời cầu nguyện trên nói lên sự mong, chờ và đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban tặng cho dân tộc họ một vị cứu tinh, để rồi qua vị cứu tinh, người sẽ dẫn dắt và giúp họ thoát khỏi sự thống trị của đế quốc Rôma đang ngày đêm đè nặng trên vai họ những sưu cao thuế nặng, những luật lệ hà khắc…như lời tiên báo của ngôn sứ Isaia: “ Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận…” (Is.9,5-6).

Ngày nay, giữa những đồn đoán về ngày tận cùng của vũ trụ, trái đất; giữa những khó khăn về kinh tế, những cănh bệnh lạ, bệnh nan y đang bao trùm lên đời sống, sức khỏe của con người nhân loại; giữa những tha hóa về mặt đạo đức, những tội ác ngày càng lan tràn; giữa những mối bất hòa, nghi kỵ, chia rẽ từ mái ấm gia đình trở đi; giữa những tranh chấp về chủ quyền, tranh dành quyền bá chủ thế giới, đắc thắng khi sở hữu những vũ khí tối tân, tàn độc…còn đó quanh ta những bức tranh hào nhoáng, những lời mời gọi ngọt ngào của quyền lực sữ dữ luôn lôi kéo ta vào con đường chết. Như những người Do Thái năm xưa, ta cũng mong, chờ và đợi, hay đúng nghĩa hơn là ta ao ước gia đình luôn hạnh phúc, cuộc sống bình yên, một thế giới đầy ắp tiếng cười, một người bạn cảm thông….ta chờ và đợi Thiên Chúa đến và giúp ta vượt khó, giúp ta tránh xa cạm bẫy của quyền lực sự dữ…

Cố nhạc sỹ Lê Thương đã diễn tả hình ảnh người phụ nữ mong, chờ và đợi hình bóng của đức lang quân qua nhạc phẩm “Hòn Vọng Phu” dưới lăng kính vô vọng và tuyệt vọng, từ sự vô vọng và tuyệt vọng đã làm cho người phụ nữ bằng xương, bằng thịt hóa thánh khối đá vô tri, vô giác. Không, những người Do Thái năm xưa và ta ngày nay không vô vọng, tuyệt vọng, không hóa đá khi mong, chờ và đợi. Sau những mong, chờ và đợi là những niềm vui được khởi đi từ Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Ngôn ngữ của tiên tri Xôphônia đã minh chứng điều ấy: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Ítraen hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi...Đức Vua của Ítraen đang Ngự giữa ngươi chính là Đức Chúa..”( Xp.3,14-15). Thánh Phaolô cũng diễn tả niềm vui ấy trong thư ngài gửi cho giáo đoàn Philípphê: “ Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em…”(Pl.4,4).

Vâng! Sau cơn mưa trời lại sáng, sau những mong, chờ và đợi là những niềm vui. Niềm vui ấy không chỉ đóng khung trong bản văn Kinh Thánh, nhưng được thực tại hóa ngay trong lòng Giáo Hội qua phẩm phục màu hồng của vị chủ tế trong thánh lễ Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng; qua  những dấu chỉ bên ngoài: Bộ mặt đường phố như được khoác một tấm áo mới bằng những ánh đèn muôn màu muôn sắc, những hình ảnh trang trí sinh động, vui nhộn; những chiếc hang đá như muốn diễn tả lại khung cảnh “Nhập Thế” của Con Thiên Chúa tại Belem năm xưa; hòa quyện vào những bài thánh ca, những khúc nhạc vui nhộn…

Niềm vui của những người Do Thái năm xưa, của Giáo Hội, của ta ngày nay được khởi đi từ Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, niềm vui ấy được đúc kết thành hai từ “Bình An”.  Đức Kitô đã phán: “ Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian..” (Ga.14,21). Niềm vui, sự bình an của Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại không theo kiểu thế gian, vì thế cho nên, ta khó cảm và khó đón nhận được một cách trọn vẹn. Vì sao thế? Xin thưa, vì ta đang là những người sống giữa thế gian, đang phải gánh chịu những hệ lụy từ thế gian.

Vâng! Ta đang sống giữa thế gian, ta đang phải gánh chịu những hệ lụy từ thế gian, vì thế không ít thì nhiều ta có những suy nghĩ, cách hành xử theo thế gian. Sống trong tâm tình của Mùa Vọng, ta được mời gọi đổi mới cuộc đời, đổi mới cách suy nghĩ và hành động khác với thế gian như lời mời gọi của ông Gioan Tẩy Giả: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc.3,4-6).

Để giúp ta đổi mới, giúp ta thay đổi cách suy nghĩ và hành động, giúp ta cảm và đón nhận niềm vui, sự bình an của Thiên Chúa ngang qua Hài Đồng Giêsu trong mùa Giáng Sinh và trong suốt cuộc đời ta, nhất là giúp ta sống đúng với tâm tình của Mùa Vọng, mùa mong, chờ và đợi. Trước tiên ta học nơi những Người Do Thái năm xưa, sau khi lắng nghe lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả, họ nhìn nhận mình đầy tội lỗi, để rồi họ cùng nhau bước xuống dòng sông Giođan đón nhận nghi thức thanh tẩy từ ông Gioan tẩy Giả, không những thế, họ còn muốn biết công việc, và làm như thế nào, những mong qua hành động, qua công việc cộng với lòng sám hối, họ hân hoan đón mừng Đấng mà họ đang mong, chờ và đợi. Thế là, từ người bình dân cho tới người vị vọng, từ người ngư phủ cho tới người binh lính và người thu thuế, không hẹn mà gặp, họ tìm đến ông Gioan và hỏi: “Chúng tôi phải làm gì đây?”.

Cứ ngỡ rằng ông Gioan Tẩy Giả mời gọi họ bước vào đời sống mà ông đang sống, thực hiện những công việc mà ông đã và đang thực hiện, nhưng không, ông chỉ khuyên họ hãy sống và thực hiện tốt công việc, bổn phận hiện tại của mình:

-         Với dân chúng ông khuyên: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”

-         Với những người thu thuế, ông khuyên: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”

-      Đối với binh lính ông khuyên: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.(x.Lc.3,10-14)

Đây cũng chính là lời khuyên giúp ta sống Mùa Vọng một cách tròn đầy, giúp ta cảm và đón nhận niềm vui và bình an của Thiên Chúa một cách đích thực. Nhờ niềm vui và sự bình an của Thiên Chúa giúp ta sống an vui và hạnh phúc, giúp ta chuẩn bị tốt tâm hồn đón mừng Chúa đến viếng thăm và nhất là giúp ta giới thiệu Chúa cho mọi người.

Còn đó tấm gương sống tâm tình mong, chờ và đợi , tấm gương đổi mới cách nghĩ, hành động một cách triệt để trong tâm tình tin tưởng hoàn toàn, phó thác hoàn toàn, nhất là tâm tình đơn sơ, khiêm hạ để đón mừng Chúa giá ngự. Đó chính là Mẹ Maria.

Lạy Chúa! Xin khắc ghi lời khuyên của Chúa qua thánh Gioan Tẩy Giả, xin giúp con luôn sống trong tỉnh thức và cầu nguyện, giúp con noi gương Mẹ Maria trong tâm tình Mong, chờ và đợi Chúa đến, xin giúp con và tất cả mọi người trở thành cây viết chì trong lòng bàn tay của Chúa, để Chúa thực hiện những nét chữ Yêu thương nơi thế giới này.Amen

 

 

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng _Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng C – Nt. Thiên Thảo, SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng C – Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng – Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng C_Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm C_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Vọng Năm C_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần III Mùa Vọng C_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B. Lm Đaminh Trần Công Hiển
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B.
     CHỜ ĐỢI CHÚA ĐẾN
     SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B. Nt Huỳnh Thị Oanh
     SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B. Nt. Maria Chinh Anh
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA VỌNG NĂM B-VUI MỪNG VÀ HY VỌNG
     TÌM GẶP CHÚA TRONG VỊ THẾ CỦA MÌNH. Lm Trần Bình Trọng
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM B- DẤU CHỈ ĐẤNG MESSIA. Jos Tạ Duy Tuyền