THỨ BẢY XIII THƯỜNG NIÊN
CŨ VÀ MỚI
LỜI CHÚA: Mt 9, 14-17
Khi ấy, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: "Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?" Chúa Giêsu nói với họ rằng: "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay. Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn".
SUY NIỆM
Một dịp đi dự lễ ở một xứ đạo nọ, tôi nghe nói trong nhà thờ dành riêng hàng ghế đầu cho ông chánh trương trùm khu trong hội đồng mục vụ giáo xứ. Ông chánh chỉ ngồi ở chỗ dành riêng mà không chịu ngồi chỗ nào khác. Dù lễ sáng hay chiều, nếu ông chánh không đi lễ thì không ai được ngồi vào chỗ đó.
Thánh lễ được xem là bàn tiệc mà ở đó mọi người được quy tụ bên vị chủ tế như khi xưa các môn đệ quây quần bên Thầy Giêsu. Vì thế, chỗ ngồi chỉ là hình thức bên ngoài mà tâm điểm phải là Chúa Giêsu. Nếu cách sống đạo hôm nay chỉ câu nệ hình thức bên ngoài như thế chẳng khác nào chuyện “bình cũ rượu mới” như lời Chúa nói trong Tin mừng hôm nay.
Khi có mấy môn đệ của ông Gioan đến gặp Đức Giêsu thắc mắc về chuyện họ phải ăn chay trong khi môn đệ của Chúa thì không. Bấy giờ Chúa Giêsu giải thích cho họ biết thêm vì “khách dự tiệc cưới không thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn".
Khi khẳng định điều này, Đức Giêsu quả là một người quan sát tinh tế vì ở thời đó người ta chưa có bình đựng rượu nên họ thường chứa trong một cái bầu làm bằng da thú. Nếu rượu cũ đổ vào bầu da mới, rượu lên men và thải ra lượng khí carbon độc hại, túi da sẽ rách và rượu chảy ra ngoài. Trái lại rượu mới phải chứa trong bầu da mới vì da mới có tính đàn hồi nên sẽ không bị rách.
Chúa Giêsu còn dùng một hình ảnh rất quen thuộc với mọi người như việc lấy vải mới vá vào áo cũ, miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng rách to hơn. Với lối nói so sánh bằng hình ảnh, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta cần có một tư tưởng mới, một cái nhìn cởi mở thì mới hiểu được những việc Chúa làm, hiểu được những giá trị của Tin Mừng. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng lề luật giúp người ta không bị héo mòn trong mớ lề luật để vươn lên tầm cao mới của tình yêu mến. Việc ăn chay, đi lễ, đọc thiên kinh vạn quyển mà thiếu đức ái thì việc ấy có ích gì. Nếu chỉ giữ lề luật mà trong lòng còn chất chứa sự hận thù ghen ghét, đối xử bất công với người khác thì nào có ích gì.
Trong cuộc sống, không phải cái gì cũ cũng là xấu, trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ, đồ cổ thì quý. Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông...Đó là cái mới đáng trân trọng được xây nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ sự tinh túy của cái cũ. Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và khắc lên đó một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.
Cuộc sống xã hội đang từng ngày đổi thay vì thế Giáo Hội cũng luôn trăn trở để tìm ra cách thế hữu hiệu nhất để loan báoTin Mừng sao cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống “hời hợt, ào ào, vội vã” mà đánh mất căn tính của mình. Xin Chúa Thánh Thần canh tân biến đổi chúng ta nên những người biết sẵn sàng lắng nghe những gợi hứng của Chúa Thánh Thần mà có thái độ sống đức tin linh hoạt, sống động phù hợp với chân lý đức tin và đạo hiếu con người.
Nt Maria Anh Thư, OP