Thứ Năm tuần IV Thường
Niên
SỨ VỤ ĐƯỢC TRAO
BAN
Lời Chúa : Mc
6,7-13
(7) Người gọi
Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông
quyền trừ quỷ. (8) Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi
đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; (9)
được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (10) Người bảo các ông:
"Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra
đi. (11) Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì
khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." (12) Các
ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (13) Các ông trừ
được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
Suy Niệm
Bắt
đầu thời kỳ rao giảng, Đức Giêsu kêu gọi Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người
và được Người sai đi rao giảng. Người mong muốn chia sẻ sứ mạng rao giảng với
các tông đồ và để các ông tiếp nối sứ mạng của mình. Đón nhận sứ mạng từ chính
Chúa, sau thời gian ở với Chúa và được huấn luyện, các tông đồ mau mắn ra đi
thi hành sứ vụ với tinh thần sống đơn sơ và chấp nhận mọi hiểm nguy.
Hành
trình nào cũng có những khó khăn, gian nguy vì thế Đức Giêsu cho nhóm mười hai
biết về những khó khăn mà các ông sẽ gặp phải trong khi thi hành sứ vụ. Hành
trang của các ông là những gì cần thiết cho một lữ khách: một cây gậy,
một áo choàng và đôi dép: “Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy;
không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được
mặc hai áo”. Các tông đồ không sở hữu gì ngoài sứ điệp của Chúa, bằng một lối sống
dung dị các tông đồ cũng không được đòi hỏi gì mà ngược lại phải rất ý thức về
sứ mạng của chính mình, phải bằng lòng với những gì mình nhận được, chấp nhận
lòng hiếu khách của người ta, các tông đồ cũng được dạy phải bằng lòng với nơi
ăn chốn ở chứ không đi hết nơi này sang nơi khác để tìm một lối sống thoải mái
hơn: “Bất cứ nơi đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra
đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó,
hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”. Ðó là
những đòi hỏi của chính Đức Giêsu đối với những người được sai đi thi hành sứ vụ :
ra đi mà không có gì bảo đảm cho cuộc sống của mình, ra đi mà không mảy may dính
bén với của cải vật chất, với lòi khen tiếng chê. Được sai đi rao giảng, các
tông đồ cũng dấn thân vào một cuộc mạo hiểm, từ bỏ mọi thứ bảo hiểm cho sự an
toàn của bản thân. Nhưng ngoài những cái các ông “không mang” thì các ông lại
được ban quyền năng của Đức Kitô để rao giảng, trừ quỷ và chữa bệnh. Các môn đệ
Chúa phải dám mạo hiểm nhưng là cuộc mạo hiểm kỳ thú vì có Chúa vẫn đồng hành với
họ.
Chúng
ta cũng được sai đi loan báo Tin mừng của Chúa cho mọi người trong thời đại của
mình. Chỉ thị mà nhóm mười hai đón nhận xưa kia cũng vẫn hiệu nghiệm với chúng
ta hôm nay. Nhưng trước hết, chúng ta đừng quên điều tối quan trọng là trước
khi làm chứng cho Chúa, rao giảng Tin mừng nước Chúa chúng ta cần có thời gian
“ở với Chúa” và được Chúa huấn luyện. Chúng ta cần phải có tương quan mật thiết
với Chúa trước khi thi hành sứ vụ được trao ban. Khi liên kết với Chúa bằng
chính đời sống của mình, công việc của ta được Chúa nâng đỡ và trợ giúp. Trong
mỗi Thánh lễ, mỗi giờ chia sẻ Lời Chúa… chúng ta không chỉ giới hạn vào việc
nghe Chúa dạy bảo qua những sứ điệp mà ta còn phải nhận ra hoạt động của Chúa
nơi mỗi người chúng ta để chính Chúa là niềm vui cho những hoạt động của chúng
ta. Ta có thể chia sẻ sứ vụ của Chúa bằng đời sống đơn sơ của mình như Chúa đã
chỉ thị cho các tông đồ nhưng mặt khác ta cũng không rao giảng lời nói, tư tưởng
của mình cho người khác mà ta phải lệ thuộc vào sứ điệp là Lời của Chúa, sẵn
sàng chấp nhận mọi hệ lụy khi dấn thân vào công việc tông đồ, bác ái hay bênh vực
cho công lý. Chân lý hệ trọng này cũng đã được chính các môn đệ thể hiện: loan
báo không những bằng lời nói, mà còn phải cho thấy nó có giá trị thực sự bằng
hành động nữa.
Chúa
Giêsu mời gọi chúng ta chia sẻ sứ vụ rao giảng với Chúa, Người cũng giúp chúng
ta thi hành sứ vụ đó và khi tin vào Người, dấn thân vào sứ vụ của Người chúng
ta cũng được thông phần vào quyền năng của Người. Điều đó đúng ngay cả trong thời
đại của chúng ta. Có những nhà giảng thuyết có thế giá xuất thân không chỉ từ
giáo sĩ mà còn từ tu sĩ và giáo dân. Ngày nay, qua Giáo hội, Chúa Giêsu tha thứ
cho con người nơi bí tích thống hối và chữa lành bệnh tật nhờ lời cầu nguyện của
các môn đệ của Người.
Chúa cũng sai chúng ta đi vào lòng thế giới,
để "rao giảng sự sám hối" (Mc.6,12). Đó là một đòi hỏi khó
khăn cho chính bản thân chúng ta và cho những người chúng ta gặp gỡ vì chẳng mấy
ai thích nghe. Ðó cũng là thách thức của người tông đồ là phải can đảm nói lên
những điều phải nói : “Nói mà không giảm nhẹ những
đòi hỏi của Tin mừng. Nói mà không lợi dụng Tin mừng để mưu cầu cá nhân. Nói mà
không trích dẫn Tin mừng để khoe khoang kiến thức. Nói mà không bóp méo Tin mừng
để vuốt ve quần chúng. Dù sao Tin mừng vẫn phải được loan báo”.
Hôm nay, Chúa cũng trao cho chúng ta những
quyền năng như hành trang để lên đường. Ðó là quyền rao giảng Tin mừng, quyền
trừ quỷ và quyền chữa bệnh. Chúng ta có thể chia sẻ Tin mừng với niềm hân hoan
của người tìm được viên ngọc quí. Chúng ta có thể nói về Chúa như nói về một
người bạn thân. Chúng ta có thể xua trừ quỉ bằng cách đẩy lui những thói hư tật
xấu.Chúng ta
có thể chữa bệnh bằng cách lau khô những giọt lệ của bao người quanh ta.
Nt.
Maria Phương Trâm
Dòng
Đa Minh Đức Mẹ Mân Côi