SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN V PHỤC SINH
LỜI CHÚA: Gn 15,9 - 11
(9) Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (10) Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. (11) các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
SUY NIỆM
Với chủ đề về Ánh sáng, Thánh Gioan dùng chính những đặc tính về ánh sáng để diễn tả Ánh Sáng Giêsu: ánh sáng khi xuất hiện sẽ bao trùm, làm rõ tất cả muôn loài, muôn vật; ánh sáng xuất hiện sẽ đẩy lui tối tăm, u buồn, sợ hãi; ánh sáng mở đường đưa bước ta đi giữa ngổn ngang, mù mịt, bóng đêm. “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.” ( Gn 12,46 ). Ánh Sáng Giêsu, Ánh Sáng thật đã đến, chúng ta có đến với Ngài, có sáng lên trong Ngài được không? hay chỉ là lờ mờ, nhá nhem.
Với chủ đề về Sự Sống, Thánh Gioan dùng hình ảnh cây nho và cành nho, để nói về Sự Sống trong Chúa Giêsu: cây nho truyền nhựa sống cho cành nho, còn cành nho, để sống và sinh trái, phải gắn liền với thân nho. “ Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” ( Gn 15,5 ). Cây nho thật là Đức Giêsu. Cành nho thật là cành nho mang sự sống của thân nho, gắn liền và sinh hoa trái, “Kitô hữu” thật là Kitô hữu biết “gắn bó và mang chất lượng về sự sống trong Đức Kitô” .
Đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan đưa chúng ta vào chủ đề về tình yêu , cốt lõi của tình yêu là hướng đến sự hòa hợp nên một. Nếu nơi loài người thì tình yêu thật sự đó luôn là lý tưởng phải vươn tới : “yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” thì nơi Thiên Chúa thì đây lại là điều hiển nhiên thuộc bản chất Thiên Chúa : “ Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”( Gn 14,10 ). Tình yêu đích thực này không đóng khung nơi Thiên Chúa, nhưng được mở rộng cho tất cả các con cái của Ngài : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” . Làm sao biết được tình yêu đích thực- tình yêu nơi Thiên Chúa- được mở rộng cho chúng ta, thưa : Chúng ta có thể biết điều này nơi cuộc đời và con người Đức Giêsu.
Chúa Giêsu đã đi vào lịch sử của con người khi mang lấy thân phận kiếp người của chúng ta. Người đã “kê” cho bằng những “chỗ lệch” giữa Thiên Chúa vô biên và loài người hữu hạn, để mở ra trang mạng Tình yêu Thiên Chúa. “Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Chúa ở cùng chúng ta không phải để hủy bỏ thân phận kiếp người của chúng ta với những hệ lụy, với những đau khổ, nhưng là để chia sẻ, nâng đỡ, giúp chúng ta, qua chính đau khổ phận người có thể kết nối với Tình Yêu Thiên Chúa, qua “cổng” duy nhất là Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.
Nếu Chúa Giêsu, qua kiếp người là trung gian là điểm nối kết tình yêu giữa Thiên Chúa và con người thì cuộc đời của Ngài lại là sự trình bày mời gọi, thu hút đời con người đi vào sự kết nối đó, “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Con người mang hình ảnh Thiên Chúa, nên con người luôn khao khát Thiên Chúa như khao khát tình yêu tuyệt hảo, khát vọng này được no thỏa khi cuộc đời chúng ta cũng phải được hòa nhập vào cuộc đời của chính Chúa Giêsu bởi vì :“ ..như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”.
Nếu “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” thì niềm vui ấy chỉ trọn vẹn khi ta kết nối ta với “Tình yêu Giêsu” và tiếp nối tình yêu đích thực đó trong cuộc sống, vì “bao nhiêu chỗ lệch cũng kê cho bằng” Amen.
Lm Đaminh Đỗ Hữu Nam