Suy Niệm Lời Chúa Thứ
Ba Tuần XXI Thường Niên
CÁI CHẾT CỦA VỊ
NGÔN SỨ
LỜI CHÚA: Mc 6, 17-29
17 Hồi ấy, vua Hêrôđê đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông
trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philipphê, 18
mà ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” 19
Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được. 20
Thật vậy, vua Hêrôđê biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ
ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích
nghe.
21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua
Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. 22
Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc
vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn xin gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho
con”. 23 Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước
của ta cũng được”. 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ
cô nói: “Đầu Gioan Tẩy Giả”. 25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà
vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt
trên mâm”. 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước
khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai
thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong
ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái
trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong
một ngôi mộ.
SUY NIỆM
Cuộc sống con người là sự đan dệt giữa
thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, linh thánh và phàm tục. Đôi lúc người
ta lầm lẫn không thể phân biệt đâu là điều chân thật với giả dối, khôn ngoan với
ngu muội. Có lúc người ta hoang mang lo sợ, bất lực khi thấy cái ác đè bẹp sự
thiện. Câu chuyện về cuộc đời và cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả là một minh
chứng cho cuộc giao tranh giữa thiện và ác.
Thánh
Gioan Tẩy Giả xuất hiện trên đường biên giữa Cựu ước và Tân ước. Ngài được mệnh
danh là tiếng kêu trong hoang địa, vị tiền hô của Chúa Cứu Thế đã đến bên bờ
sông Giođan để rao giảng, làm phép rửa cho dân để dọn đường cho Chúa đến. Khi
Gioan rao giảng, đám đông dân chúng hết sức ngưỡng mộ và đầy hy vọng vì họ biết
Đấng Thiên Sai đang đến gần. Trước tình hình đó, vua Hêrôđê sợ họ nổi loạn ảnh
hưởng đến “chiếc ghế” của ông. Vấn đề sâu xa bên trong là vì Gioan đã thẳng thắn
lên án Hêrôđê về tội ông đã bỏ vợ mình để cưới bà Hêrôđia, vợ của anh trai
Philípphê. Vì thế Đức Giêsu đã gọi Hêrôđê là “con cáo” gian xảo (Lc 13, 32).
Thánh
Gioan là con người công chính, ông đã hủy mình đi trong đời sống nhiệm nhặt, mặc
áo da thú, ăn châu chấu và mật ong rừng. Khi Chúa Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng,
thánh Gioan đã khiêm tốn lui vào bóng tối để làm chứng cho Thiên Chúa là ánh
sáng. Gioan đã chết vì một ông vua hèn nhát và thói ích kỷ của người đàn bà
lăng loàn trắc nết. Hêrôđê đã đánh đổi số phận của một vị ngôn sứ chỉ để làm
vui lòng một vũ nữ. Còn Gioan, ông đã làm tròn sứ mạng của người dọn đường cho
Đấng Thiên Sai.
Cái
chết của Gioan Tẩy Giả mang nhiều tầng ý nghĩa và bài học sâu sắc về thói đời
giả dối, về lòng thù hận ghen ghét. Có thể nói đây là một bi kịch của những người
hết lòng bênh vực chân lý. Xem ra Hêrôđê là người chiến thắng, nhưng chính ông
là người thua cuộc vì rơi vào hố thẳm của tội lỗi. Trong khi đó, cái chết của
Gioan đầy vẻ hào hùng, cái chết của một con người dám đi đến tận cùng để bảo vệ
chân lý. Cái chết của Gioan cho chúng ta hiểu rằng, đam mê tội lỗi làm cho lòng
người ra mù quáng. Từ đó họ trượt ngã từ sai lầm này đến sai lầm khác. Người
này phạm tội kéo theo người khác. Tội của người này ảnh hưởng đến người khác. Từ
đó chúng ta càng thấy rõ sức tàn phá của tội.
Kính
nhớ biến cố thánh Gioan Tẩy Giả chịu trảm quyết là dịp để chúng ta suy nghĩ về
ơn gọi ngôn sứ của chính mình. Mỗi người chúng ta cũng được ủy thác cho sứ mệnh
cao cả là giới thiệu Thiên Chúa cho người khác. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội
là chúng ta được tham dự vào chức vụ tư tế, vương đế và ngôn sứ. Thánh Gioan đã
dùng cả mạng sống mình để rao giảng chân lý và làm chứng cho sự thật. Chúng ta
cũng được mời gọi trở nên nhân chứng tình thương của Thiên Chúa giữa một thế giới
còn nhiều gian dối và bất công. Giữa một thế giới bài thiêng tục hóa, con người
chối bỏ Thiên Chúa để chạy theo tiền bạc và danh vọng, người kitô hữu được mời
gọi để trở nên muối men ướp thắm cuộc đời. Giữa một thế giới đã phai nhạt niềm
tin, Thiên Chúa dường như bị loại ra bên ngoài, chúng ta được mời gọi trở về với
chân lý mặc khải nơi Giáo hội để xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa.
Con người là một trong các tạo vật bé nhỏ
được Chúa dựng nên, thế nhưng con người lại mang giá trị tuyệt vời và đáng quý.
Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người được phú bẩm lý trí khôn
ngoan để nhận biết Thiên Chúa. Đồng thời Thiên Chúa đặt trong con người trái
tim biết yêu thương, biết khao khát hướng về điều thiện. Thánh công đồng
Vaticanô II đã khẳng định về giá trị cao quý của con người trong chiều kích cứu
độ: “Con người là con đường của Giáo hội”.
Trong mầu nhiệm ấy, Giáo hội tuyên xưng Thiên Chúa là cha nhân từ đã sai Con Một
của Người là Chúa Giêsu sinh xuống trần gian để cứu chuộc loài người.
Thánh
Gioan đã dâng cả mạng sống của mình để làm chứng cho Thiên Chúa, ông sẵn sàng
khiêm cung nhỏ bé để cho Chúa được lớn lên. Làm chứng cho Chúa là phải để cho
Chúa tác động chứ không phải khoe khoang thành tích của chính mình. Chúa không
đòi chúng ta phải giỏi giang xuất chúng, nhưng cần chúng ta phải có lòng yêu mến,
dám hy sinh mà không sợ thiệt thòi, dám cho đi mà không đòi đền đáp. Thánh Gioan
đã khiêm tốn để cho Chúa được lớn lên, còn mình phải nhỏ bé lại, ước gì những
người theo Chúa không bị rơi vào cơn cám dỗ tìm vinh quang cho mình mà phải làm
cho danh Chúa được vinh quang.
“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, ước
gì chúng ta đừng vì chút bả vinh hoa phú quý mà đánh mất chính mình, mà chà đạp
chân lý và đi ngược với giáo lý của Chúa. Chỉ có tình thương mới hóa giải được
hận thù. Chỉ có ơn tha thứ mới chữa lành được những tổn thương do tội lỗi gây
ra. Ước gì mỗi người chúng ta biết can đảm sống sự thật, gia tăng lòng yêu mến
hầu thế giới giảm bớt những thương đau tội lỗi.
Lạy thánh Gioan Tẩy Giả là
vị ngôn sứ đã giới thiệu Thiên Chúa cho mọi người, xin cho chúng con cũng biết
nói về Chúa cho những ai đang khao khát tìm kiếm chân lý và hạnh phúc Nước Trời.
Xin cho chúng con biết dùng đời sống của mình mà làm chứng về Chúa là Đấng Cứu
độ trần gian. Amen.
Nt. Maria Anh Thư, OP