TRỞ
THÀNH CHỨNG NHÂN ĐÁNG TIN
CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH
Thưa quý OBACE, chúng ta họp
nhau nơi đây để cử hành và tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm Chúa phục sinh.
Cho đến ngày nay, niềm tin vào Chúa phục sinh là niềm tin chỉ có ở nơi Kitô
giáo chúng ta và là một điều khó chấp nhận đối với nhiều người. Khi nói chuyện
với những người ngoài Kitô giáo, có thể họ dễ dàng chấp nhận hệ thống giáo lý
và luân lý của Kitô giáo, nhưng không dễ để chấp nhận niềm tin Phục Sinh, nhiều
người còn lấy niềm tin vào Chúa phục sinh của chúng ta để phản bác chúng ta. Niềm
tin Chúa phục sinh không chỉ là niềm tin nền tảng mà còn là niềm hy vọng chắc
chắn của chúng ta. Để đón nhận được niềm tin này, chúng ta phải đặt mình trong
niềm tin và lời chứng của Giáo Hội và của Kinh Thánh. Đó cũng là điều các bài đọc
cũng như Tin Mừng mùa Phục sinh muốn nói cho chúng ta.
Câu chuyện trong Tin Mừng
Gioan nhấn mạnh: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria
Macdala đi ra thăm mộ, thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Bà chạy về báo cho
ông Simon và người môn đệ Đức Giêsu thương mến và nói: Người ta đã đem Chúa đi
khỏi mộ. Lý chứng đầu tiên của việc Chúa sống lại chính là ngôi mộ trống, không
còn xác Chúa nữa. Bà Maria này đã không dễ dàng chấp nhận việc Chúa phục sinh,
vì trong tâm hồn bà còn bị phủ một màn tối của cái nhìn tự nhiên: Ai đó đã lấy
mất xác Chúa! Trong lúc lo sợ, hoang mang như thế, bà đã chạy về gặp Simon và
người môn đệ Chúa yêu. Tác giả Tin Mừng nhấn mạnh là bà chạy về với Simon, điều
đó có nghĩa là bà không chạy đi, mà là chạy về với Simon, là thủ lãnh của Giáo
Hội, là người được Chúa trao quyền đứng đầu trong anh em và là người sẽ có tiếng
nói chính thức về biến cố này.
Chúng ta cũng thấy vai trò
nổi bật của Simon, Tin Mừng kể lại: Cả hai người cùng chạy ra xem mộ, mặc dầu
người kia đến trước, song ông không vào trong mộ, mà nhường bước cho người anh
cả là Simon Phêrô vào trước. Cả hai ông đều thấy mộ đã trống, và còn thấy dấu
chứng khác của việc Chúa đã Phục sinh, đó là những tấm vải và khăn liệm còn để ở
đó. Khăn liệm còn nguyên ở đó: chứng tỏ không phải xác Chúa bị mất trộm, vì nếu
có người lấy đi, thì họ sẽ đem cả những tấm vải đó theo, chứ không để lại làm
gì. Hơn thế nữa, các ông còn thấy các tấm khăn che đầu, che mặt và những băng vải,
không hề bị xáo trộn, mà được gấp lại gọn gàng và để riêng thứ nào vào thứ đó.
Như thế, câu nói hồ nghi của bà Maria Macdala: Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ,
là không có cơ sở.
Tác giá Tin Mừng nói lên cảm
nghiệm của các ông rằng: Ông đã thấy và đã tin, tức là các ông đã thấy những dấu
chứng đầu tiên này, các ông đã tin rằng Chúa đã sống lại thật và không thể có
ai đến lấy trộm hoặc mang xác Chúa đi nơi khác. Tác giả cũng nói thêm: Trước
đó, họ chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.
Đây chính là mấu chốt quan trọng của mầu nhiệm Chúa Phục sinh, đó là phải dựa
vào Kinh Thánh, vì Kinh Thánh đã chuẩn bị, đã nói trước và minh chứng về biến cố
này. Chúa Giêsu khi còn sống, Ngài cũng đã nhiều lần nói về việc Ngài sẽ bị người
ta giết, bị đóng đinh và ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Ngài đã từng dùng quyền
năng của mình mà làm cho kẻ chết sống lại, như là một minh chứng về quyền năng
Thiên Chúa ở nơi Ngài. Do đó, nếu tin vào Kinh Thánh, thì chúng ta sẽ đón nhận
được niềm tin Phục sinh hôm nay.
Bên cạnh đó, Kinh Thánh
còn là sách ghi lại lời chứng của các tông đồ về biến cố quan trọng này. Chúng
ta lật lại sách Công vụ Tông đồ sẽ tìm thấy những lời chứng mạnh mẽ của Simon
Phêrô về việc Chúa Phục sinh: Chúa đã sống lại thật! Bài đọc một thuật lại bài
giảng của Phêrô tại nhà ông Cornêliô. Trong bài giảng này, Phêrô đã tóm lược cả
cuộc đời Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài. Thánh nhân còn khẳng định: Như quý vị
biết rõ, biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa về Đức Giêsu Nazareth… và
chúng tôi xin làm chứng về những việc Người đã làm. Phêrô làm chứng rằng, Chúa
Giêsu đã bị người Do Thái giết và treo Người trên thập giá. Thiên Chúa đã cho
Người trỗi dậy và xuất hiện tỏ tường trước mặt những chứng nhân đã được tuyển
chọn.
Thánh Phêrô cũng quả quyết
rằng: Chúng tôi đã cùng ăn uống với Ngài sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Lời
chứng này muốn khẳng định rằng Đức Giêsu sống lại thật, sống lại với cả con người
bằng xương bằng thịt thật, chứ không phải là một cái bóng. Điều này cho thấy,
không phải do các môn đệ ảo tưởng nhìn người này ra người nọ, vì chính các ông
đã gặp gỡ, chuyện trò với Ngài, đã ăn uống với Ngài, mặc dù thân xác phục sinh
của Chúa không cần phải ăn uống nữa, nhưng đó là cách Chúa làm để củng cố niềm
tin cho các tông đồ, và truyền cho các ông phải làm chứng về điều các ông đã thấy.
Cũng chính vì thế mà các tông đồ đã dám sống tới cùng điều các ông đã làm chứng
và dám chấp nhận cả cái chết để làm chứng cho điều các ông đã thấy và đã tin,
vì không ai lại dám chết vì một điều vô lý.
Các tông đồ cũng thấy rằng,
các ngôn sứ từ xưa đã nói về Chúa Giêsu và tiên báo về việc sống lại của Ngài, để
ai tin vào Ngài thì sẽ được ơn tha tội. Vì thế mà trong thư Côlôsê, Thánh
Phaolô đã nói với các tín hữu rằng: Anh em đã được trỗi dậy cùng với Chúa Kitô,
thì hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu
Thiên Chúa.
Việc làm phép nước đêm qua
nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi người khi được dìm trong
dòng nước thanh tẩy, tức là chết con người cũ và sống lại với một con người mới,
thì lòng trí và đời sống cũng sẽ được đổi mới.
Là những người tin và làm
chứng về việc Chúa Phục sinh, chúng ta đã sống như thế nào và làm chứng như thế
nào? Tin vào Tin Mừng Phục sinh, trước hết, chúng ta phải sống trong niềm vui,
và để có niềm vui này, thì chúng ta phải có Chúa Phục sinh trong tâm hồn. Nói
như Thánh Phaolô, chúng ta phải để lòng trí chúng ta thuộc về thượng giới, tức
là chúng ta không thể để cho vật chất, của cải thế gian làm chủ đời ta, và càng
không thể để cho nó chiếm hết cả cuộc đời, tâm trí chúng ta được. Trái lại, hãy
để cho Chúa Phục sinh cư ngụ và thắp sáng tâm hồn chúng ta. Hãy để cho ánh sáng
Phục sinh xua đi những mảng tối trong tâm hồn và những góc tối trong cách chúng
ta làm ăn buôn bán, cách chúng ta cư xử với anh em. Hãy để cho mầu nhiệm Phục
sinh thúc đẩy chúng ta rũ bỏ những lôi kéo của xã hội, như rượu chè, cờ bạc,
đam mê xấu, và hãy để những thời giờ ấy làm những việc tốt, việc có ích cho gia
đình, người thân và cho cộng đồng, cho giáo xứ.
Đối với các bạn trẻ, trong
môi trường học tập hay nơi công sở, các bạn vẫn thường gặp những câu hỏi chất vấn
về đức tin vào mầu nhiệm Chúa phục sinh và về Giáo Hội. Mỗi khi bị thử thách về
đức tin như thế, hãy noi theo tấm gương của Maria Macdala, chạy về với Simon
Phêrô, tức là chạy về với Giáo Hội, vì Giáo Hội là Mẹ và là Thầy của chúng ta
trong đức tin. Hãy tin tưởng vào sự hướng dẫn dạy bảo của Giáo Hội, đừng để những
lập luận, những lý thuyết của người đời làm lung lạc đức tin của các bạn, và nhất
là đừng chạy ra ngoài để chỉ trích Giáo Hội.
Chỉ những ai tin Chúa
Giêsu Phục sinh mới được phục sinh như Ngài. Chúng ta không thể tìm kiếm sự phục
sinh và hạnh phúc đời đời nơi con người hoặc những lý thuyết của thế gian. Tin
vào mầu nhiệm sống lại, chúng ta không thể cứ sống trong tình trạng chết chóc của
tội lỗi và tật xấu, mà phải giũ bỏ tất cả để sống con người mới và còn là người
làm chứng đáng tin cho mầu nhiệm Chúa Phục sinh. Chúng ta chỉ có thể trở thành
người làm chứng đáng tin khi chúng ta được gặp gỡ Chúa Phục Sinh qua việc cầu
nguyện, tâm sự với Chúa, qua Bí tích Thánh Thể và qua chính lời Kinh Thánh mỗi
ngày. Khi đó, chúng ta mới có thể nói với mọi người rằng: Chúa đã sống lại thật
! Chính chúng tôi làm chứng về Ngài, chúng tôi đã gặp Ngài.
Cầu chúc cho mọi người trở
thành chứng nhân đáng tin của Chúa Phục sinh. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp.
Xuân Lộc