16/10/14 THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Th.
Ma-ga-ri-ta A-la-cốc, trinh nữ
Lc
11,47-54
NỢ MÁU CÁC NGÔN SỨ
“Thế hệ
này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu
ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị biết giữa bàn thờ và Thánh Điện”
(Lc 11, 50 - 51)
Suy niệm: Cái chết của A-ben, người công
chính đầu tiên bị sát hại bởi chính anh ruột mình được Chúa Giê-su kể như cái
chết của một ngôn sứ. Là ngôn sứ, không nhất thiết phải là những nabi (ngôn sứ “chuyên nghiệp”) của Do thái
thời xưa. Cũng không nhất thiết phải rao giảng như I-sai hay Ê-dê-ki-en, mà
nguyên đời sống công chính thánh thiện, như A-ben, đã đủ là một lời ngôn sứ
đích thực có giá trị rồi. Mặt khác, các ngôn sứ bị bách hại bằng nhiều thể
cách. Không đợi đến khi ném đá, chém đầu các ngài người ta mới là kẻ giết các
ngôn sứ, mà người ta đã tham gia bách hại và “bị đòi nợ máu các ngôn sứ” khi từ
chối lắng nghe những lời mời gọi sống công chính.
Mời Bạn: Một người làm một điều tốt, bạn
hoặc những người khác châm chọc chế diễu, có khi chỉ vì vô tình hoặc để mua
vui. Có thể bạn không ngờ mình đang “bách hại” hoặc đang “xây mộ” cho người
“bạn ngôn sứ” ấy. Hoặc có khi nào bạn cảm thấy tức tối khi cuộc sống công chính
của ai đó trở thành lời tố giác lối sống bê bối của mình?
Chia sẻ: Bạn chia sẻ về một ai đó làm
một việc gì đó mà bạn cho là có tính cách ngôn sứ, nghĩa là có thể chuyển đạt
cho mình lời của Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Tập đón nhan điều tốt cách
thành tâm: người làm điều tốt, ta khen ngợi, noi theo; người nhắc nhở sửa lỗi
cho ta, ta nhìn nhận khuyết điểm và sửa chữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn
biết phục thiện sẵn sàng đón nhận lời người khác sửa lỗi cho con.
* * *
17/10/14 THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Th.
I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử
đạo
Lc
12,1-7
RAO GIẢNG TRÊN MÁI NHÀ
“Vì
thế, điều anh em nghe rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.”
(Lc 12,3)
Suy
niệm: Thánh
Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp ngày truyền thông thế giới lần thứ
35 (21/05/2001) đã nói: Cái mái nhà ngày nay “bị chiếm cứ
bởi cả rừng ăng-ten chuyên phát đi thu lại đủ thứ thông tin từ tứ phương thiên
hạ.” Và dưới cái nhìn
đó, ngài đã nhận ra lệnh truyền “rao giảng Tin
Mừng trên mái nhà” có
một ý nghĩa mới: “Chúng ta phải
chuyển đạt Lời Đức Ki-tô cho thế giới năng động của các phương tiện truyền
thông hiện đại và bằng cũng chính những phương tiện truyền thông đó của nó” (số 1). Đó là sứ mạng dấn thân mà Giáo
Hội không có lý do để từ khước.
Mời
Bạn: Sứ
mạng rao giảng trên mái nhà có nhiều thách đố: các phương tiện truyền thông
không chỉ truyền tải thông tin, mà còn nhào nặn thông tin vì những ý đồ khác
nhau khiến cho ranh giới giữa cái thật và cái ảo trở nên mong manh; thế nhưng
cũng có nhiều lợi điểm: chân lý được loan truyền thật nhanh đến thật nhiều
người ở khắp nơi trên thế giới (x. số 2). “Điều quan
trọng là làm thế nào người ta vẫn có thể nghe được sứ điệp Lời Chúa ở giữa đám
thông tin ồn ào náo nhiệt đó” (số
1).
Chia
sẻ: Bạn
dùng những phương tiện truyền thông thế nào để thánh hoá bản thân mình và dùng
chúng để “rao giảng Tin
Mừng trên mái nhà”?
Sống
Lời Chúa: Nếu có dịp bạn e-mail một câu
Lời Chúa cho một người bạn của mình.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin thêm sức cho con,
để dù gặp thời thuận tiện hay không, con vẫn dám dùng mọi phương tiện truyền
thông hiện đại để rao giảng Lời Chúa cho thế giới hôm nay.
* * *
18/10/14 THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Th.
Luca, tác giả sách Tin Mừng
Lc
10,1-9
SỨ ĐIỆP BÌNH AN
“Vào
nhà nào, trước tiên anh em hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’” (Lc 10, 9)
Suy
niệm: Khi
sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa muốn các ông phải là những sứ giả
bình an. Lời đầu tiên Chúa truyền cho các ông phải nói là lời chúc bình an. Lời
chúc bình an được gửi đến một cách vô điều kiện, không phải là kết quả của
những cuộc thương thuyết lâu dài; cũng không tuỳ thuộc ở hoàn cảnh bên ngoài:
người môn đệ vẫn nói lời bình an dù trong tư thế của “con chiên ở giữa bầy sói”. Dù lời
chúc bình an có được đón nhận hay không, trước hết sự bình an ấy vẫn “quay về với người môn đệ” và tồn tại nơi họ, và như thế biến họ
thành những nhân tố xây dựng một “môi trường hoà bình”. Tuyên ngôn Tám Mối Phúc Thật gọi đó là đặc điểm nhận biết người môn
đệ đích thực của Chúa Ki-tô: “Phúc thay ai
xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9).
Mời
Bạn: Không
cần những hành động to tát, bạn có thể đặt những viên đá đầu tiên xây dựng nền
hoà bình thế giới bằng cách gửi đến những người anh em chung quanh bạn những
lời nói bình an. Công việc này lắm khi lại đơn giản tới mức bạn chỉ cần loại
trừ ra khỏi môi miệng bạn những lời gắt gỏng, chua cay, thoá mạ, thô tục...
Chia
sẻ: Thử
đưa ra một phương thế giúp nhau chữa thói quen hay nói tục.
Sống
Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy chủ ý nói một
lời bình an thực sự với một người đang sống gần bạn hoặc đang công tác cùng với
bạn.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin thông ban cho con
sự hiền lành dịu dàng của Chúa, để con trở nên con cái của sự bình an góp phần
xây dựng nền văn minh tình thương cho thế giới hôm nay.
* * *