CHÚA NHẬT
XXVIII TN A :
HÂN HẠNH VÌ ĐƯỢC MỜI DỰ TIỆC NƯỚC TRỜI
Người
ta nói rằng ở Việt Nam hiện nay có ba mùa : đó là, mùa mưa, mùa nắng và mùa cưới.
Việc cưới hỏi của người Việt trước đây thể hiện tình xóm làng cùng chung niềm
vui khi có một thành viên trong làng xóm trưởng thành bước vào đời sống hôn
nhân gia đình. Mỗi khi trong xóm có đám cưới, cả xóm kéo nhau đến giúp trang
trí, dựng rạp, làm cổng hoa, mọi người ăn uống đơn giản vui vẻ. Tuy nhiên xã hội
văn minh, tương quan rộng rãi, thời buổi kinh tế khó khăn thì việc tổ chức đám
cưới ngày nay được cân nhắc chi li sao cho không lỗ hoặc phải có lời. Vì vậy, mỗi
khi có đám cưới, gia chủ đi mời cũng cân nhắc xem mời những ai, và người được mời
cũng cân nhắc dự đám nào, bỏ đám nào. Cứ như thế, đám cưới không còn là dịp gặp
gỡ để chia vui, mà chỉ là để trả nợ trả nghĩa nhau, người đi ăn cưới mạnh ai nấy
ăn, chẳng cần chờ đợi ai, chẳng cần tuyên bố lý do, chẳng cần làm dấu thánh
hóa, hay lời khai mạc của gia chủ. Họ tranh thủ ăn cho xong để còn ra về đi dám
khác. Ở cấp độ khác, khi quan chức tổ chức đám cưới cho con, họ làm hết sức rềnh
rang để phô trương sự giàu có và đẳng cấp của mình. Các tấm thiệp được gửi đến
giới làm ăn hoặc cho cấp dưới không ai dám từ chối, ai đến dự tiệc cũng hớn hở,
hãnh diện và dĩ nhiên việc hồi âm chúc mừng cũng không thể nhẹ tay.
Thưa
quý OBACE, bữa tiệc là hình ảnh đẹp diễn tả niềm vui và hạnh phúc. Trong bữa tiệc,
mọi người cùng ăn uống chuyện trò vui vẻ, quên hết ưu tư phiền muộn. Mọi người
được thưởng thức những món ngon, rượu nồng.
Hơn nữa khi ngồi cùng bàn, mọi người thể hiện tình yêu thương gắn bó giữa
những người bạn, họ dễ dàng hiểu nhau và thông cảm với nhau hơn. Ngày nay, tiệc
tùng đã bị lạm dụng trở nên dư thừa phí phạm và trở thành dịp trao đổi làm ăn
hoặc ký kết những phi vụ ngầm. Nó mất đi vẻ đẹp ban đầu, và biến thành một thứ “ngoại
giao bàn nhậu”.
Vì
mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của bữa tiệc nên Kinh Thánh nói chung và sau này Chúa
Giêsu luôn dùng hình ảnh bữa tiệc để diễn tả về hạnh phúc Nước Trời. Trong lúc
dân Israel rơi vào cảnh đau khổ bởi chiến tranh, bởi sự áp bức của dân ngoại và
sự nghèo đói, tiên tri Isaia đã nói đến Ngày Hoàng Tử Vua Trời sẽ đến : “Ngày ấy,
Thiên Chúa sẽ thiết đãi các dân trên núi này một bữa tiệc, tiệc thịt béo, rượu
thì ngon”. Lời tiên báo này chỉ nghe thôi đã thấy tâm hồn rạo rực niềm vui và
hy vọng. Người ta sẽ hình dung đoàn đoàn lớp lớp người cùng rủ nhau lên núi nhà
Đức Chúa để dự tiệc vui của Chúa. Thiên Chúa không chỉ báo trước một niềm vui gặp
gỡ, ăn uống đồng bàn với Thiên Chúa, mà Ngài còn xóa đi mọi chết chóc, đau khổ.
Những gì là tang tóc, u ám sẽ được Thiên Chúa thay bằng niềm vui ngập tràn : Người
sẽ cất chiếc khăn tang bao trùm muôn dân, và bỏ đi tấm khăn liệm phủ trên mọi
nước.
Vị
Hoàng Tử mà tiên tri Isai tiên báo đã đến, Ngài chính là Chúa Giêsu Con Thiên
Chúa, đến để giải thoát con người chúng ta khỏi mọi đau khổ thể xác cũng như
tinh thần. Ngài sẽ vĩnh viễn tiêu diệt sự chết bằng chính cái chết và sự sống lại
của Ngài, để đem lại cho chúng ta sự sống. Chúa Giêsu đã mời gọi tất cả mọi người
tin nhận Ngài, yêu mến Ngài, thực hành những điều Ngài truyền dạy vào tham dự hạnh
phúc Nước Trời cùng với Ngài. Đây là hạnh phúc mà triên tri Isaia đã tiên báo
như là một bữa tiệc gặp gỡ vui tươi mà giờ đây Chúa Giêsu đang dọn ra cho hết mọi
người. Tuy nhiên dù đang đói đang khát, đang đau khổ, nhưng nhiều người đã
không đếm xỉa gì đến lời mời của Chúa, họ còn tìm nhiều cách để từ chối lời mời.
Thực
tế này đã được Chúa Giêsu kể qua câu chuyện dụ ngôn : Một ông Vua tổ chức đám
cưới cho hoàng tử, nhưng các quan khách được mời đã không cảm thấy hãnh diện vì
được Vua mời. Trái lại, họ đã tìm cách từ chối với nhiều lý do : kẻ thì đi thăm
ruộng, người thì đi buôn bán, người khác còn khinh thường và hành hạ những đầy
tớ của Vua. Cuối cùng, tiệc rượu đã sẵn, những kẻ được mời không đến, nhà Vua
đã cho người ra mời tất cả mọi người, bất cứ ai, thế là phòng tiệc đã đầy
khách. Câu chuyện cho thấy, những kẻ ưu tiên được mời trước hết là những nhà
lãnh đạo và toàn dân Do Thái. Họ là những người được Chúa ưu ái chọn thành dân
riêng, và cho họ cơ hội được gia nhập vào tiệc cưới Nước Trời. Nhưng rất tiếc,
các nhà lãnh đạo và dân Do Thái đã không đếm xỉa gì đến lời mời của Thiên Chúa.
Họ từ chối Thiên Chúa để đi tìm kiếm lợi lộc vật chất. Họ tìm kiếm đất đai ở thế
gian mà từ chối gia nghiệp Nước Trời. Họ từ chối việc chung hưởng niềm vui hạnh
phúc với Thiên Chúa và với nhau để đi tìm kiếm của cải trần thế. Hơn nữa, họ đã
nhiều lần hành hạ, nhục mạ, giết hại các ngôn sứ là những đầy tớ được Chúa sai
đến để mời họ, cảnh báo họ.
Thiên
Chúa đã mở cửa phòng tiệc để đón nhận mọi người thuộc mọi dân tộc, ngôn ngữ
cùng vào Nước Trời để được dự tiệc cưới của Hoàng Tử. Bất cứ ai đáp lại lời mời
của Thiên Chúa, không kể giàu nghèo địa vị, mọi người đều có chỗ trong Nhà của
Thiên Chúa. Phòng tiệc đầy khách, những người xa lạ giờ đây trở nên thân thuộc,
những người đau khổ đón nhận được niềm vui, những người đói khát thì được no thỏa.
Tuy nhiên, dù tất cả mọi người được mời vào, nhưng Thiên Chúa vẫn đòi ở nơi mọi
người một sự thay đổi và có những điều kiện thích hợp. Câu chuyện cho thấy, nhà
Vua thấy có một người đã không mặc y phục cưới. Vua hỏi người ấy : Này bạn, sao
bạn vào đây mà không mặc y phục lễ cưới ? Người ấy câm miệng không nói gì. Nhà
Vua đã cho trói anh và ném ra ngoài, nơi sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Điều đó
có nghĩa là, để trở thành thành viên của Nước Trời, thành người đồng bàn với
Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ phải thay đổi con người cũ với sự rách nát tả tơi để
mặc lấy con người mới, đời sống mới như khoác chiếc áo cưới vậy. Thiên Chúa như
vị vua trong câu chuyện sẽ đến với từng người, từng bàn để thăm hỏi, để khuyến
khích. Ngài muốn thấy nơi chúng ta vẻ đẹp của sự biến đổi, thấy chúng ta tỏ ra
thiện chí và xứng đáng trước mặt Ngài.
Tiệc
cưới Nước Trời không chỉ là một lời hứa hẹn mai sau trên thiên đàng, mà phòng
tiệc của Thiên Chúa đang được mở rộng, và Thiên Chúa đang mời mọi người bước
vào, đó là Giáo Hội. Trong Giáo Hội, chúng ta thực sự được Thiên Chúa thiết đãi
không chỉ bằng thịt béo rượu ngon, mà Hoàng Tử Giêsu sẽ thiết đãi mọi người bằng
lương thực là chính Mình và Máu Thánh Ngài. Tiệc này đang được dọn ra mỗi ngày ở
nơi đây và mời gọi tất cả mọi người cùng tham dự. Trong phòng tiệc là Giáo Hội,
chúng ta còn được gặp gỡ Đức Vua, gặp gỡ Hoàng Tử Giêsu qua lời dạy bảo của
Ngài, được vui hưởng Tin Mừng Cứu độ của Ngài. Trong phòng tiệc là giáo Hội,
chúng ta còn được chăm sóc bằng các Bí Tích, từ khi chúng ta sinh ra cho đến
khi trưởng thành và nhắm mắt lìa đời. Chúa Giêsu qua Giáo Hội của Ngài vẫn yêu
thương săn sóc chúng ta. Cũng ở trong phòng tiệc của Thiên Chúa, chúng ta được
sống chan hòa tình anh em, đồng bàn với Chúa, đồng bàn với nhau, cùng chia sẻ
cho nhau niềm vui nỗi buồn, nâng đỡ nhau khi gặp khó khăn thử thách. Thánh
Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm sống tình huynh đệ trong bài đọc hai rằng : khi
ngài gặp khó khăn thử thách, ngài đã được cộng đoàn Giáo Hội chia sẻ, an ủi,
nâng đỡ.
Thưa
quý OBACE, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục mời gọi chúng ta mỗi ngày vào chung hưởng
hạnh phúc với Chúa. Đi dự đám cưới trần gian, không ai dám ăn mặc quá xuềnh
xoàng. Trái lại, người dự tiệc cũng phải chuẩn bị, chau chuốt, trang điểm cho đẹp
hơn ngày thường. Thiên Chúa đang chờ đợi nơi chúng ta sự biến đổi, thanh tẩy khỏi
hôi hám của tội lỗi, khỏi bẩn thỉu rách rưới của những đam mê, thói quen xấu.
Hãy mang trên mình một con người mới, như chiếc áo mới để chia sẻ tiệc vui với
Chúa. Tuy nhiên nhiều người, nhiều gia đình, nhiều bạn trẻ đã không cảm thấy
vinh dự vì lời mời gọi này. Nhiều người đã bỏ ngoài tai lời mời của Chúa, có những
kẻ cân nhắc thiệt hơn trước lời mời gọi này. Họ từ chối vì lý do cuộc sống kinh
tế, vì bận công ăn việc làm.
Giống
như khi nhận nhiều thiệp mời trong mùa đám cưới, nếu lấy lý do để từ chối thì
ai cũng có lý do, và sẽ có rất nhiều lý do. Nhưng lý do quan trọng là do người
ta cân nhắc tình cảm và sự thiệt hơn khi quyết định tham dự hay không tham dự.
Nhưng chắc chắn nếu người mời và người được mời có ân nghĩa với nhau, thì người
ta sẽ không thể không tham dự. Cũng vậy, nhiều người từ chối đến với bàn tiệc
Thánh Lễ mỗi ngày, là vì họ không nhận ra ân nghĩa với Thiên Chúa, không nhận
ra Đấng mời mình là Đấng đã và đang làm ơn cho mình. Một khi nhận ra ân tình với
Thiên Chúa, chúng ta không thể từ chối lời mời của Chúa, trái lại, chúng ta còn
cảm thấy vui và hãnh diện vì được đến với Chúa mỗi ngày.
Xin
Chúa cho chúng ta luôn tự hào vì mình là những người được Chúa mời gọi để biết
mau mắn đến với bàn tiệc Nước Chúa. Đồng thời, không chỉ là người được mời,
song mỗi chúng ta còn là người đầy tớ được Chúa sai đi mời những người khác
cùng vào dự tiệc Nước Trời. Xin cho nhúng ta luôn biết ra đi để đem nhiều người
vào phòng tiệc Nước Chúa. Amen
Lm.Giuse
Đỗ Đức Trí – Gp.Xuân Lộc